Vũ
Hoàng Thư
Thi phẩm của Thi Vũ
Rằm
tháng giêng, ngày rằm đầu tiên của năm, tôi đọc thơ Rằm của Thi Vũ. Chỉ nội tên Rằm đã chất ngất uyên nguyên Việt tính.
Không có ngôn ngữ nào khác trên thế giới có chữ rằm. Rằm gọi ngay thời điểm mặt
trăng sáng nhất trong tháng, nói về trăng mà không nhắc đến tên trăng. Chỉ còn
sự giao hòa giữa người và trăng, không cần đến ngón tay chỉ mặt trăng rắc rối
thế gian cứ mãi vin vào. Rằm ngự trị đêm cho tình yêu hội tụ. Rằm lấp lánh tinh
anh cho ta quên đi sự chói chang của mặt trời. Mọi ngày rằm trong năm là những
ngày lễ, vía, những dấu mốc quan trọng trong đạo Phật. Rằm mở lối để nhìn vào một
thế giới khác của con người, nơi đó tịch mịch, trầm tư và rộng lượng hơn là thế
giới ồn động ban ngày.
Thơ
Rằm vừa được Nhà Xuất Bản Quê Mẹ,
Paris phát hành đầu năm 2019. Gáy sách không dán mà cột chỉ, dáng sơ nguyên như
cổ thư. Nhan đề Rằm được trình bày bằng
chính thủ bút của tác giả, quắc thước và yên ngơi móng phượng. Ồ, có phải Em,
hay Thơ, từ một đêm rằm, sáng vịnh La Herradura? Mũi chân mây cuối trời co mình
đeo đẳng một mối ly hương, một dấu yêu đã cách nghìn trùng ?
HERRADURA
sao
em móng phượng
để dài
để dài
khiến
ta đi khuất
còn sai
mộng về
còn sai
mộng về
Rằm dày hơn 120 trang, mở
sách ra đượm thơm mùi giấy mới. Từng mỗi trang, ô cúc vàng ôm lấy thơ giữa lòng
giấy trắng. Vàng của quá khứ và hoàng mơ xa xưa. Cúc ươm xuân thì một thời la belle époque. Không gì trang nhã và
quý phái hơn!
Rằm có 108 bài thơ trích
từ 203 bài làm từ thời 1973. Sao lại 108 mà không là con số khác? 108 hạt bồ đề
cho 108 phiền não? Đó là theo quan niệm đạo đức học Phật giáo, có phiền não nên
có bồ đề. Tác giả có một lý do khác khi chọn con số 108. Theo ông thì “ít ai ngờ tới ý niệm y khoa về con người.
Đây là lối nhìn Đông phương, trong suy tư, tư tưởng, triết học người Đông
phương có cái nhìn liên ngành và toàn bộ, nhất là cái nhìn y học của sự sống.
Trong bộ phận thân thể con người có 108 khớp xương kéo, nối, để dẫn đến sự
nhanh nhẹn, hoà hài, linh động của một con người khoẻ mạnh, cường tráng, trong
võ thuật cũng như trong đời sống. Phát khởi của con số 108 (linh thiêng (?) Phật
Lão) đến từ đây.”
Mỗi
bài thơ trong tập Rằm chỉ có 14 chữ,
mặc tạm âm vận lục bát nhưng không mang hình thái lục bát. Không có câu 6, và
xuống hàng câu 8. Thơ ngắt chữ vừa đủ để ngỏ ý, thơ xuống hàng hiêu nhiên bàng
bạc chất sinh động của hơi thở bởi chưng “Con
người bước vào cuộc nhân sinh bằng một hơi thở chứa ngầm thi tính” (*). Tác
giả quan niệm rằng “Thơ 14 chữ bộc lộ sự
sống, cách sống, thế sống. Nhuần trọn một hơi thở. Ở đó biên cương sinh tử được
khép kín.” (*)
Hơi
thở đó mang ta về một trời cố hương yêu dấu, những đất đai phôi pha địa lý
nhưng đậm đặc trí nhớ, những góc bể chân trời đã đi qua còn sót lại “như ánh đèn nhỏ, bước đi từng bước nơi vũ trụ
không mặt trời…” (*) Ông mở đầu tập Rằm
với Cố Hương, tiếng hót của loài chim
sống gần sông nước, cho đó là Hương Giang, là Hồng Hà, là chín con rồng thần
thánh Cửu Long. Con chim sống gần nước nên nhớ Nước, bởi Nước là Tổ, chim nhớ Tổ
như nước nhớ Nguồn. Ta còn lại gì ngoài một mùi hương dị kỳ yêu ngái ở lại ngất
ngây khứu giác. Có hương nào khác ngoài hương thôn, bản trạch của chính mình một
thời?
CỐ
HƯƠNG
con
chim
hót
hót
một
tràng sông
nụ cười bản trạch
thơm nồng
cõi xa
nụ cười bản trạch
thơm nồng
cõi xa
Cố
Hương có thể không chỉ là hương thôn trên mặt đất mà còn mang góc cạnh vũ trụ
quan. Tác giả giải thích thêm, “Bài Cố
hương là cái nhìn phóng xuyên vũ trụ (Cosmic). Bao lần trước mông lung, nhìn thấy
đường bay của chim thả vào không trung từng hạt hót. Tiếng hót ấy rơi xuống địa
cầu thành những dòng sông dài dưỡng nuôi đất. Sông tuôn từ tiếng hót. Cõi người
là nụ Cười.” Lần đầu tiên tôi đọc Cố Hương mấy chục năm trước, nụ cười
Phật hiện đến ngay trong đầu, một niềm thư thái và uyên nguyên bảng lảng từ 14
chữ đó. Bây giờ qua lối nhìn từ một góc độ khác của tác giả, con chim ấy như đã
cất cánh bay vào vũ trụ thành chim Ca Lăng tần già, tiếng hót là những thiên hà
dẫn về quê hương, chẳng phải Le Royaume của Camus nhưng nơi nụ cười chưa bao ngừng
ở chốn Di Đà.
Rằm là hành trình trang
trải với bể dâu của cả một đời người qua nhiều khía cạnh: quê hương, chiến
tranh, tình yêu… Lãng đãng từ những ước mơ. Tự tình khi người ngồi xuống để thu
nhiếp thời sự xáo động ngút ngàn nhất của thời đại. Tôi có tìm thấy tôi, người
có tìm thấy người giữa lao lung? Hay cả một thế hệ dập vùi vong tính? Này nhé,
vì đâu?
VÌ ĐÂU
vì
cha
hay
bởi vì ai
con ba tuổi lớn
đứng phà
đợi sông
con ba tuổi lớn
đứng phà
đợi sông
14
chữ gợi hết cả thế kỷ điêu linh nơi đất Việt. Ta tội tình gì lúc mới ba tuổi lớn
khi người cha, rường cột của nhà, không có bên cạnh? Những người cha vùi thây
chốn bưng biền, những tiếng rú nghẹn từ ngập đầu chôn sống. Những người cha vắng
mặt khi con mới sơ sinh, từ hai phía, họ luôn nhân danh cho một-thứ-gì-cao-cả
đó. Chỉ còn lại trẻ thơ bơ vơ đứng đợi một hình ảnh chưa hình thành trong tâm
trí. Phải đợi ai đây? Không phải cha. Đất nước đó nào còn rường cột. Đợi sông. Sông thì mông lung như tương
lai mịt mù của bé. Thời của Thi Vũ, bé đứng phà đợi sông. Thời “đại thắng mùa
xuân”, bé đứng bờ đợi biển. Sông xưa mịt mù, biển nay cuồng lộng đang chực chờ
nuốt chửng những ước vọng của hai chữ tự do. Hai chủ thuyết Tây phương, cọng sản
và tư bản, lấy quê hương Việt làm thí điểm, kết quả là bao thế hệ đợi sông, đợi biển . Hư vô làm sao, hụt hẫng ngần nào từ hai lời chót của bài thơ “Vì
đâu”!
Lối
kết luận chỉ cần một chữ hay đôi lời mà khơi mở cả một khí hậu mênh mang, những
giằng co ngấn tích, là đặc tính của thơ Rằm
14 chữ. Chữ cô đọng, vừa đủ, không thiếu, không dư, lại gợi ý khôn hàn bát
ngát. Thi pháp Thi Vũ cư ngụ một cõi thiên nhai riêng biệt mình ông, những bài
thơ sáng tác từ thời 60, 70 của thế kỷ trước. Đan cử một ví dụ khác về lối dùng
chữ mới, lạ và đầy ngạc nhiên trong thơ 14 chữ của Thi Vũ, sự đột biến thích
thú trong ngôn ngữ sáng tạo:
NI
CÔ
em
về
phơi
áo trên cồn
qua đêm
trăng cháy
qua đêm
trăng cháy
một
hồn anh sông
Hồn anh sông. Hồn thúc dục, cuồng
dâng thác lũ. Người đọc thông thường sẽ dự tính “một hồn anh mang” nhưng không,
câu thơ chấm dứt bằng chữ “sông” bất ngờ. Hồn anh thành sông chảy, hồn anh
thành lưu lượng nước. Nguồn thủy lực ấy đối chọi với sự bốc lửa của trăng cháy
đêm qua. Từ khi nào ánh sáng của trăng gây tác động “cháy”? Qua một đêm dài lê
thê chờ đợi? Áo của Ni, như nợ trần kia, liệu có kịp khô dưới ánh rằm khi mênh
mông anh sông đằm đìa nhịp nước? Ni cô có phải là một bóng hồng tự tiền kiếp gặp
lại từ tiếng khánh ngân, hay ni cô là một biểu tượng cộng đồng Phật giáo tác giả
muốn chuyên chở trong hoài bão của mình? Thơ không cần thiết phải bàn luận,
phân tích chi li. Thơ cần được đọc và cảm, từ đó khơi mào nhiều câu hỏi khác.
Thơ thành công ở chỗ tiếp tục đánh động niềm tra vấn từ lòng người đọc. Rằm gõ ở tôi rất nhiều thanh âm, điểm hẹn.
Lắm khi điểm hẹn chuyển di, những con chim của vệt nhớ… khi sân ga không là điểm
đến, sân ga trở thành hành khách trong cuộc viễn du đuổi bướm chạy vào sương,
những nhỏ bé vô thường như mốc định của con người chạy song song với những điều
bất khả. Đường song song nghĩa là con đường không bao giờ gặp gỡ, hay ta cùng hẹn
ở một nơi vô định vậy?
TÀU
LỬA
con
tàu
chở
chở
những
sân ga
song song đuổi bướm
chạy sà
vào sương
song song đuổi bướm
chạy sà
vào sương
Con tàu đó như kiếp người bận bịu với chốn đi và chỗ
đến, những định nghĩa thăng trầm vong tính bên cạnh dòng luân sinh, chữ
của Thi Vũ, bời bời miên viễn mặc kệ cho những chọn lựa nhị nguyên từ nhân gian
hời hợt. Chùa viện là chốn tĩnh yên, phố thị là nơi manh động hay ngược lại? Có
thể lắm, tất cả tùy thuộc vào lối nhìn và cách sống, khi bản ngã mọc rễ và dựng
xây thành lũy, vong tính lớn rộng lũy thừa.
NHỊ VONG
về
chùa
xuống phố
hai nơi
xuống phố
hai nơi
viễn
lưu sông chảy
một lời
đăm đăm
một lời
đăm đăm
Cho nên thấy vậy mà không phải vậy, “Chốn ẩn” vạch
ra niềm tự tại của tâm an khi thỏng tay bước xuống chợ đời, nhìn như thể ở đó
mà thật chẳng ngụ vào đâu.
CHỐN ẨN
thân
vô
trú xứ
như là
em
như là
em
nơi
trú xứ
la đà
một
hai
la đà
một
hai
Như một nhân chứng trong bối cảnh đất nước, từ những
phong trào yêu nước chống đô hộ Pháp đến cảnh nồi da xáo thịt trong cuộc nội
chiến tương tàn thế kỷ trước, Rằm gióng lên những chua xót trước sự chia
rẻ, đố kỵ phe phái và những ước vọng hòa bình, người biết lắng nghe người.
NGỪNG
tay
bưng dĩa muối
chấm gừng
ba mươi năm
máu
chấm gừng
ba mươi năm
máu
thôi
ngừng
trò chơi
trò chơi
ĐẬP CỬA
ngói
khuya
đập cửa
gọi lòng
đập cửa
gọi lòng
bên
trong ai ngủ
ai mong
bên ngoài
ai mong
bên ngoài
NGHE CHOPIN
trên đường Lý Thái Tổ, Hà Nội
trên đường Lý Thái Tổ, Hà Nội
dương
cầm
giọt bích
rơi ngân
giọt bích
rơi ngân
đường
đêm rách chảy
một lằn
nước chia
một lằn
nước chia
GENEVA
bỏ
nhà
đi
miết cõi xa
chuyện anh em
chuyện anh em
gọi
người
ta chia lìa
Thi Vũ đã sống một thời sinh viên nghèo, du học ở
Pháp và Đức. Có lúc ông ở trọ trong mansarde, kiểu gác lửng sát mái rẻ tiền
dành cho sinh viên, nghệ sĩ và lũ chim bồ câu không hẹn rúc sáng. Có hề chi,
ông thi vị hóa chốn trọ trần gian ấy như thế này,
PARIS
lầu
cao
môi nụ
sương hồng
bồ câu
rúc sáng
môi nụ
sương hồng
bồ câu
rúc sáng
giấc
nồng thơm em
Mùa hè nóng hực đã đành, khi mùa đông giá băng dưới
nhiệt độ âm đến, ông nung gạch nóng dùng để sưởi ấm. Bài thơ WINDTHORSSTRAßE nhắc đến một kinh nghiệm sống
mà cũng là một chân lý muôn đời. Đó là con người lớn dậy từ nỗi khổ, như hoa
sen kia mở cánh từ chốn bùn nhơ. Niết bàn không đâu khác ngoài chốn trầm luân
này. Thấu hiểu thực trạng và nguồn gốc của sự khổ, từ đó rút tỉa phương cách dẫn
đến sự kết thúc và chấm dứt khổ đau. Thấm nhuần tư tưởng Phật đà, Thi Vũ là một
người sống chết với Phật giáo và dân tộc, ông không ngừng nghỉ suốt cuộc đời dấn
thân cứu nước trong tinh thần Bồ Tát đạo của Lục Độ Thập Kinh, “Bồ Tát thấy
dân kêu ca, liền gạt lệ xông vào nơi chính trường hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm
than”. (**)
WINDTHORSSTRAßE
mười
lăm độ
lạnh
lạnh
dưới
không
sáp nung vụn gạch
cho hồng
nụ
sen
sáp nung vụn gạch
cho hồng
nụ
sen
WINDTHORSSTRAßE làm tôi nhớ đến hai câu thơ của hai thiền sư đời
Lý,
Liên phát lô trung thấp vị can - Sen nở trong lò sắc chẳng khô (Ngộ Ấn)
Lô trung hoa nhất chi - Trong lò một cành
hoa (Đạo Huệ)
Cái diệu thể Ngộ Ấn và diệu tánh Đạo Huệ, biểu tượng
bằng cánh hoa là trí tuệ thường hằng (Tánh giác) nằm trong tấm thân vô thường của
chúng ta, vốn như lò lửa thiêu đốt từng phút từng giây bởi ảo giác và những ham
muốn thúc giục không ngừng, nhưng tánh giác kia không hề khô héo.
Thập niên 60 thế kỷ trước, người ta hô hào cho
phong trào “Phật giáo hiện đại hóa”, “Phật
giáo đi vào cuộc đời”, họ ngưỡng mộ loại trí thức đập vỡ thần tượng dưới chân
trên đường “bước về hố thẳm”… Hỡi ôi, tất cả chỉ là thời thượng, những náo động
bề ngoài, thực chất có lẽ Thi Vũ từng sống rất gần với những hiện tượng đó nên
ông có được cái nhìn rất thật từ bên trong qua những bài sau.
ĐƯỜNG GUY DE LA BROSSE PARIS
thiên
tài khuấy nước
sông trong
thêm sư
dấy động
sông trong
thêm sư
dấy động
khuya
song vơi đầy
ĐƯỜNG VÉNUS
Maisons Alfort
cưu
mang
thầy
thầy
muốn
cứu đời
nhưng cô
đã tới
thôi rồi
chúng sinh
nhưng cô
đã tới
thôi rồi
chúng sinh
Bên cạnh sự ghi nhận những biến động nhọc nhằn của
đất nước, Rằm không thiếu khí hậu thư thái lãng mạn rất thơ. Khi nhắc đến
Huế, Đà Lạt… hoặc địa danh một thuở, em là địa danh hay em là bóng dáng một thời,
rất êm đềm âu yếm?
HUẾ
tóc
em bên giậu
mùi mây
con thuyền
ta chở
khoang đầy
bóng em
mùi mây
con thuyền
ta chở
khoang đầy
bóng em
ĐÀ
LẠT
cao
cao
hồng
chấm
hồng
chấm
nụ
cười
cam
xanh
giọt bích
thông
mười trời
xông
giọt bích
thông
mười trời
xông
MÂY
em
đi
bỏ
lại cõi này
ngàn lau trắng muốt
mây đầy
nẻo xanh
ngàn lau trắng muốt
mây đầy
nẻo xanh
Có phải người là mây, bóng đổ xuống Kim Luông, tiếng
cười phiếu diểu chốn cao hồng nụ? Ừ, hồng tiếu trong cổ tích tròn trịa khuôn
trăng ngọc bích như một âm đàn nghiêng bước xuống giữa trưa. Như thế là lài
rụng, như thế là mộng nhoài, cùng với tay, hay tay với?
TÂY BAN CẦM
đàn
trưa
lài
rụng sân ngoài
nắng nung
giấc lá
mộng nhoài
với tay
nắng nung
giấc lá
mộng nhoài
với tay
Tập thơ Rằm được tác giả đề tặng đến Ỷ Lan. Ỷ
Lan Penelope Faulkner, người con gái đến từ cố đô York xứ mù sương, là người đã
hy sinh hết cuộc đời thanh xuân của cô để phụng sự tự do, nhân quyền cho một đất
nước Việt Nam mà cô chưa hề đặt chân đến. Cô sống cho lý tưởng đó còn hơn rất
nhiều người Việt khác.
PEN
Cỗi
trao vương miện
từ cung
bước chân
lời
chữ
từ cung
bước chân
lời
chữ
tháp
tùng như lai
Bài thơ Lời kết thúc tập thơ Rằm
nhưng mở ra một thi lộ khi khu. Chốn sạn đạo cho thi nhân đối diện với nguyên
thủy tịch nhiên. Thớt sương lóng lánh mọng nắng triêu dương kia sẽ tan đi trong
chốc lát. Hiện hữu và hủy diệt thị hiện trong cùng một thực thể, một thời điểm,
đồng thời cũng là duyên khởi cho lời cất tiếng về một cái đẹp vang vọng mãi
cùng mây. Như ánh trăng rằm. Cho dù mây sẽ bay đi…
LỜI
con
đường
về
ngủ trong non
thớt
sương
mọng nắng
mọng nắng
lời
còn
vang mây
vang mây
VŨ HOÀNG THƯ
Mùa
Tết Kỷ Hợi, 2019
--------------------------------------------------------------------------------------------------
(*)
Ghi chú về Thơ 14 chữ, Thi Vũ, Tựa của
thơ Rằm.
Thơ
in chữ nghiêng trong bài được trích từ tập thơ Rằm.
Rằm, thơ Thi Vũ, NXB Quê
Mẹ, Paris, 2019.
Mua sách trên Trang nhà Quê Mẹ :
Website : http://www.queme.net
Địa chỉ liên lạc :
48 rue Parmentier
94450 Limeil Brévannes (France)
94450 Limeil Brévannes (France)
Tel. (33.1) 45 98 30 85 - Email : queme@free.fr
(**) Ðài Saigon-Dallas 890AM và Truyền hình SBTN-DFW
Phỏng vấn GS Võ Văn Ái và cô Ỷ Lan thuộc GHPGVNTN :
No comments:
Post a Comment