Monday, May 28, 2018

MỘT VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC TẢN VĂN THI CỦA NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH


Đỗ Hồng Ngọc


“ Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” (*)

Tôi không tin Tản Văn Thi của Khánh Minh là giấc mơ,huyền thoại, chiêm bao. Trái lại, nó rất hiện thực. Nó rất ở đây và bây giờ. “Đó là bức tranh sắc mầu cuộc sống”: bức tranh của một gia đình hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ như  Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo... Tôi nghe tiếng còi tàu... ’(Kỷ Niệm, Phạm Duy).
Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng chim trao lòng tin cậy; chỉ ở đó mới có bờ vai nương tựa sớm hôm; chỉ ở đó mới có những ánh mắt sao trời thơ trẻ; và đôi cánh bay lên những ước mơ đằm thắm ngọt ngào của người thi sĩ, luôn nhắc nhở mình “đừng như bóng mây tan”. Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng reo vui Tát-bà-ha của Tâm kinh Bát nhã khi thấy biết ‘”ngũ uẩn giai không/ độ nhất thiết khổ ách”. Bát nhã (Prajnã) là cái nhận thức có trước nhận thức, là cái trí tuệ có trước trí tuệ, không đếm đo, toan tính,  nó vậy là nó vậy. Và chỉ ở đó, người ta mới thực sự hồn nhiên, thực sự reo vui: Tát-bà-ha!
Tiếng chim ríu rít mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy.
Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa.
Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong sáng.
Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người.
Bóng mây tan nhắc tôi mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu.
Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời tâm kinh bát nhã.
(Khánh Minh, Khoảnh khắc giấc mơ)

Cho nên người thơ viết: Nên tôi quý những điều tôi đã nhận/ Nên tôi tận lòng với những điều đang ở.
Còn có cách nào hơn là “mở con đường trú ngụ hơi thở tịch lặng” – Anapanasati- ở đó, hiện tại là sát-na mênh mông không ngằn mé...
Và chỉ ở đó:
Trong sáng láng ấy tôi đã gặp nhà thơ Mặt Trời. Lồng lộng nắng phương đông, chắt chiu hết tinh khôi nhân ái rắc xuống cánh đồng thơ diễm ảo. Tôi thức giấc từ lời hát của một bông cỏ dại người ban tặng và mảnh vỡ trái tim tôi thành những hạt pha lê được nuôi sáng bằng lời thơ dâng hiến...
Phải, đã gặp một Tagore lồng lộng nắng phương đông, một Tagore viết nên những lời thơ dâng hiến! Còn phải tìm kiếm đâu xa?
Và một khi đã thấy biết (tri kiến) như thế, khi đã reo vui như thế, thì người ta sống với yêu thương, sống trong yêu thương, sống vì yêu thương:
“Yêu thương nhé” “ nói cùng lá cứ sống hết mình xanh”,
“yêu thương ơi xin thức dậy cùng người…”
“yêu thương ơi khoảnh khắc sum vầy đơn sơ thế xin một lần được cất cánh bay”.
Rồi tự dặn với lòng: “yêu thương ơi chút lòng riêng xin chắt chiu nghe…” “ Cho dẫu chiều rồi phai nắng...”
(Khánh Minh, Yêu thương ơi)

Rồi một hôm, người Bạn sẽ đến. Thế nào cũng sẽ đến. “ trong chiếc áo mầu nắng mang theo chân trời rất lạ của phương đông”. Phải chính là người Bạn “nơi con đường vừa mới có tên mọc đầy hoa Nguyện Ước”: ‘Lưu ly reo âm thanh trái tim. Và sẽ tặng tôi phép mầu của câu thơ đi vào cuộc sống. Tôi run rẩy chờ đợi... “. Người bạn đầy Nguyện Ước phương đông đó chính là Dược sư lưu ly quang Như Lai đó vậy!
Và dĩ nhiên người thơ sẽ đến điểm hẹn dầu giữa đêm tuyết giá. “Sẽ đem theo trái tim đầy tin cậy”. Trái tim đầy tin cậy, ấy chính là ‘Tín tâm”. Hãy giữ lấy. Dù “Ngày xám đục những mây/ đứng dưới một cây phong bay những chiếc lá khô/ Không có loài chim nào đến hót/ Cơn bão rớt đem mưa làm nước mắt…”. Cơn bão rớt sẽ đến rồi sẽ qua. Vô thường sẽ là ‘đóa hoa’ của Trịnh.   
Rồi cũng có lúc “ngũ ấm xí thịnh”, người thơ hoang mang: Nếu có tìm tôi... Nếu có tìm tôi...? Ai tìm ai? Hãy nương tựa chính mình thôi nhé!
Nếu có tìm tôi. Xin trông chờ mảnh sáng sao băng.
Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm lời tình tự...
Nếu có tìm tôi. Xin theo dấu sáng đom đóm quyện hương bờ giậu quê nhà. (...). Cho tôi đôi cánh hoa bay về miền đồng lúa chín vàng. Ngôi làng không bận lòng gì hơn là sống bình yên. Có con tầu đi về chở chuyên hội ngộ. Mỗi tiếng cửa mở ra là một tiếng reo sum vầy. Mỗi bếp lửa là mỗi báo tin mùa màng no đủ.
Nếu có tìm tôi...Trên bước gió mở ngàn khơi nơi cuối cùng là phương Đông ấm một mặt trời…
(Khánh Minh, Khoảnh khắc giấc mơ, 2018).
Hoang mang thế nhưng rồi, như một nhà thơ từng viết: Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!
“Tôi đi tìm những trang bản thảo, mảnh đất tị nạn bình yên của tôi. Nơi có trò chơi trốn tìm dưới ánh chớp những chùm sao đang va vào nhau vang dội. Âm thanh ẩn mật là chiếc chìa khóa cuối cùng tôi phải mở, cõi thách thức cảm xúc phục sinh.
Tôi nhặt được một trang bản thảo lem luốc đầy vết xóa và tôi nghe tiếng tim mình còn hồi hộp đập…”.
(Khánh Minh. Trong cơn bệnh).
Phải, “Còn hồi hộp đập” nghĩa là còn sẽ nhặt nhạnh thêm.
“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” thôi mà! Phải không?

Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 24.5.2018)

(*) Trịnh Công Sơn

No comments:

Post a Comment