Wednesday, May 30, 2018

TẢN MẠN. MƯA VÀ HOA


Vũ Hoàng Thư

Flower in the rain. Source: Internet

ban đầu lại với ban sơ
về chung thoắt vỡ nỗi ngờ ngợ riêng

Lời nào kéo đổ một không gian xưa. Hình tượng chao trong góc cạnh Picasso bay lồng bờm ngựa thả thành chiếc áo dài phất phới. Con mắt lập thể nhòa mờ nhường cho tia nhìn hạt dẻ. Nâu phớt hồ thu. Không chỉ là hồ mà còn mây vương. Những đám mây vô trú xứ. Tinh cầu lặng đứng soi bóng mây len về cuối khóe mi. Ánh mắt không tuổi dâng hồn ta cao vút thiên thanh. Giống như mơ, người trong tranh bước xuống, liêu trai quảy gót xa dần. Những gam màu lắng xuống, vàng rớt của thu, xanh lạnh và thinh lắng của đông đọng lại. Âm thanh còn gì ngoài những tiếng rơi vỡ bờ của biển vọng. Tiếng sóng xa, khơi dậy những luống cát đã lỉm chìm trong quá khứ. Trong ngắt một màu nắng hanh bay vàng lọn tóc. Có nắng làm ngày dậy giữa lòng cây cỏ và vũ trụ. Nắng phả một màu tằm lên áo lụa vừa đủ bức cho giọt mồ hôi lăn loang yếm thắm. Và ngực ôi phập phồng giữa trưa nhiệm mầu sững đứng...

Ngụm café nhỏ đắng còn hương nơi đầu lưỡi trong một ngày lười. Ngày tháng chạp mưa lê hơn tuần lễ. Dai dẳng, cơn dầm cuối năm tiếp tục gõ vào mái những âm đều đặn. Tiếng hát quyện vang trong mưa, buồn vỡ như bong bóng xà phòng lớn dần màu cầu vồng một ngày mới lớn. Bảy sắc quợn óng vàng cam, ngả sang xanh tím vô định vởn vơ bay. Phút chốc bong bóng tan, không khí hoàn không khí. Hư không về với thinh không. Về với, về lại, hay chưa một mảy may đi ? Bong bóng vỡ bay ngược lại tám thế kỷ trước, đáp xuống thùng nước của Ni sư Vô Nhai Như Đại (Mugai Nyodai), thuộc tông Lâm Tế Nhật. Chuyện kể một đêm trăng nọ, Ni gánh nước bằng đôi thùng gỗ niền tre. Trăng soi nghiêng mặt nước, tròng trành như công án trĩu nặng lòng Ni. Ngẫu nhiên hay cơ duyên đến, đó là niềm bí nhiệm của đêm trăng, niền tre cũ chợt đứt rời, đáy thùng rơi xuống. Nước trôi, trăng mất. Bỗng ngộ ra, Ni làm mấy câu thơ,

Ta đã tìm mọi cách để giữ lại chiếc thùng cũ,
Vì những sợi nan tre đã yếu ớt và sắp đứt,
Cho đến cuối cùng rồi đáy thùng cũng rơi mất.
Không còn nước trong thùng !
Không còn trăng trong nước !      [1]

Thì ra trăng bị giam hãm trong cõi lòng chật hẹp tự bấy lâu. Tâm ấy, cảnh kia nương nhờ nhau mà có. Giây phút ấy có lẽ Ni sư là người giàu có nhất trần gian ! Trăng tù ngục của Ni từ chiếc thùng cũ nay được giải thoát thành trăng bao la tắm đẫm trần gian. Mọi ràng buộc rã đứt theo chiếc niền tre rữa mục. Hãy đập vỡ những chiếc thùng sóng sánh nhốt trăng đáy nước cho trăng trở về thuở ban đầu, cho trăng là trăng uyên nguyên.

Cứ thế chiều vọng bằng tiếng chuông trầm, om om trong tiếng nước một khúc xưa. Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng… [2] Nghe chăng thiên thai, một cõi mơ hồ không có trên mặt đất. Cũng vì người mơ thiên đường và sợ địa ngục, nên người chọn chốn trần gian ở giữa, nơi đó khoảnh hạnh phước ngồi gọn lỏn đề huề với khổ đau. Cõi ở giữa lưng chừng có đủ quỷ sứ nằm ngơi nơi ý và thiên thần ngự ở con tim. Thiên đàng vòi vọi cõi trên, địa ngục sâu chìm chốn dưới, không đâu bằng được cõi người. Lưu Nguyễn bỏ mặc thần tiên trở về trần vì luyến lưu một tiếng hát ? Hay tiếng lá rơi ? Của thu ?

Và khúc hát hôm nào em cất tiếng
Vẫn thường hằng cùng ta vọng triền miên

Et la chanson que tu chantais
Toujours, toujours je l'entendrai!
(Les feuilles mortes - J. Prévert)

Ông Prévert bên trời Tây nhớ hoài một tiếng hát, nhạc sĩ Hoàng Giác mình mới thoáng thấy người hái hoa, liền đã Tôi nhắn cô em đôi lời…” Lời gì ? Lời thân thiết từ khi bắt gặp cô cô nơi cổ mộ ? Lời ngẫu nhỉ cho lần gặp gỡ ngắn ngủi ? Nhưng chẳng ngẫu nhỉ mà Hoàng Giác đâm yêu Hoa. Hoa ở đây phải viết hoa vì Hoa là Người. Gặp người rồi về đâm nhớ như Tú Uyên của Bích Câu Kỳ Ngộ, "Nỗi nàng canh cánh nào quên / Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là?"
Giai thoại kể rằng, nhớ như thế, Hoàng Giác viết bài nhạc Mơ Hoa. Trong hoa ẩn tàng chất nắng. Nắng nuôi lá, bảo hòa diệp lục tố cho hoa bung cánh rộ với thế gian. Người con gái cũng như thế, ngạo với nhân gian một nụ cười [3].  Ngạo đồng âm với dạo, là đánh vòng quẩn quanh với đời, hay ngạo là chế diễu, là cười vào mũi ?  Nghĩa thế nào thì các đấng mày râu vẫn cứ khốn đốn một đời.
Một đêm xuân mộng mị, Bạch Cư Dị xuất thần thảo bút bài "Hoa Phi Hoa". Thi sĩ chạm trán giây phút thiên thu của mong manh, không là nọ, chẳng phải kia. Cái gì mông lung, cái gì ta không thể nắm bắt.

Hoa phi hoa,
Vụ phi vụ.
Dạ bán lai,
Thiên minh khứ.
Lai như xuân mộng kỷ đa thời,
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ!
                  (Hoa phi hoa – Bạch Cư Dị)

Không phải hoa
Chẳng là sương
Giữa đêm đến
Sáng ngày đi
Đến như xuân mộng vờn qua chốc,
Đi tựa mây mai không dạng tăm !

Trông hoa nhớ người, ta trở về với bước chân đôi trên mặt đất. Người không đến, chỉ có cơn mưa tháng chạp và những nụ hoa ngại ngùng mở trong gió. Hay giữa đêm xuân, ý thôi trông chờ, những bước chân tịch mịch mở lòng hoa, 

chân về trong ý niệm ngừng
giữa đêm hoa nở nụ bừng bừng khai


Vũ Hoàng Thư
Cuối năm Canh Dần


[1] Gõ Cửa Thiền (101 Zen Stories – Thiền Sư Muju) Nguyên Minh dịch
[2] Thiên Thai, nhạc Văn Cao
[3] Cảnh đoạn trường, thơ Thái Can
Em về điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười.

Tuesday, May 29, 2018

TÔI HỌC PHẬT


Đỗ Hồng Ngọc

Niệm. Tranh Đinh Cường

… Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapà. Ngài lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapà, rồi bảo các Tỳ khưu:
- “Này các Tỳ khưu, cái gì là nhiều hơn, số lá Simsapà mà Ta nắm lấy trong tay, hay số lá trong rừng Simsapà?”.
- “Bạch Thế Tôn, số lá Simsapàmà Ngài nắm lấy trong tay thật là quá ít, còn số lá trong rừng Simsapà thật là quá nhiều”.
- “Này các Tỳ khưu, cũng giống như thế...
Cho nên, với tôi, “lõm bõm” học Phật cũng là quá đủ rồi vậy!
1. La-hầu-la là… con Phật lúc Phật còn là Thái tử. Một người con huyết thống. Trong cái đêm rời bỏ cung điện, “quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh” đó, Thái tử Tất-đạt-đa hẳn đã ít nhiều quyến luyến. Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm vua cha thì La-hầu-la đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La-hầu-la cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hãy coi Phật đã dạy La-hầu-la những gì… để học lóm cũng hay!
Trước hết, Phật giao La-hầu-la cho… ông “thầy dạy kèm” là Xá-lợi-phất. Sao lại Xá-lợi-phất mà không phải ai khác như Mục-kiền-liên chẳng hạn? Xá-lợi-phất thì mới đúng là một ông giáo, kiến thức uyên bác, đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật mà. Phật giao cậu bé La-hầu-la cho Xá-lợi-phất dạy dỗ là muốn La-hầu-la đi vào con đường tu tập bằng trí tuệ trước hết. Nếu Mục-kiền-liên mà làm thầy có khi La-hầu-la mê… thần thông mất! Phật không trực tiếp dạy La-hầu-la vì cha mà dạy con không dễ, nhứt là ông con có máu làm vua!
Và bài học đầu tiên Xá-lợi-phất dạy La-hầu-la là thở. Tức là dạy kỹ năng đầu tiên của thiền định. Bởi đây cũng chính là con đường khai mở trí huệ. Có chánh định rồi mới mong có chánh kiến, chánh tư duy… chớ, phải không? Cuộc sống càng căng thẳng, càng đam mê, càng nhiều  tham sân si mạn nghi tà kiến… thì người ta càng dễ quên thở. Người ta chỉ thoi thóp thở, khò khè thở, hời hợt thở, cà giựt thở, cà hước thở cho qua ngày đoạn tháng! Cho nên phải dạy thở trước hết cho La-hầu-la là đúng. Nhưng thở không chỉ là thở. Thở để thấy một kiếp người. Thở để thấy vô thường, vô ngã. Thở để thấy duyên sinh, thấy thực tướng vô tướng.

Rồi khi La-hầu-la lớn dần lên, Phật dạy những bước tiếp theo. Hãy học hạnh của đất. Hãy như đất. Đất ở khắp nơi. Đất trong ta. Đất trong vũ trụ. Không có đất, ta không nên hình nên dạng. Không có đất, nhựa nguyên không thành nhựa luyện. Điều quan trọng: đất không hề phân biệt. Ném một thỏi vàng hay một đống rác, đất vẫn “như như bất động”…  
Hãy học hạnh của nước. Hãy như nước. Nước ở khắp nơi. Nước ở trong ta chiếm đến ba phần tư thể trọng. Cũng như biển cả sông ngòi chiếm ba phần tư mặt địa cầu. “Nước trôi ra biển lại tuôn về nguồn” (Tản Đà). Chẳng thêm chẳng bớt…
Hãy học hạnh của gió. Hãy như gió. Gió ở khắp nơi. Gió trong ta. Trong bầu khí quyển. “Gió không có nhà/ Gió đi muôn phương…”. Đâu cũng là nhà của gió. “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...” (TCS).
Hãy học hạnh của lửa. Hãy như lửa. Lửa ở khắp nơi. Lửa trong ta. Lửa trong vũ trụ. Lửa ở mặt trời. Lửa giữa lòng đất. Lửa ở trong cây. Không có lửa sao cọ xát thì cây bốc lửa? Lửa đốt cháy hết tham sân si. Lửa tam muội ngùn ngụt trong chánh định…
Tứ đại “đất, nước, gió, lửa”, chính là những chất liệu, như Nitrogen (đất), Hydrogen (nước), Oxygen (gió), Carbon (lửa) tạo nên protein. Từ đó mà có sắc, thọ, tưởng, hành, thức…
Và Phật đã không quên nhắc đi nhắc lại với La-hầu-la: “không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”. Giới Định Huệ chính là thuốc đặc trị cho Tham Sân Si.

2.“… 30 năm trước khi chưa tu thấy núi là núi, sông là sông. Sau nhân được thiện tri thức chỉ cho chỗ vào thì thấy núi chẳng phải núi, sông chẳng phải sông. Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh lại thấy núi là núi, sông là sông…”
Cái thấy của 30 năm trước là cái thấy của nỗi lo âu vì vô thường:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai…
(Tú Xương)
Cái thấy của 30 năm trước là cái thấy của nỗi sợ hãi vì chấp ngã:
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi…
(Vũ Hoàng Chương)
Ta sống trong vô thường vô ngã mỗi phút giây mà chẳng biết. Mỗi ngày Trái đất bay vòng quanh Mặt trời 2,5 triệu cây số; mỗi giây hàng trăm triệu tế bào hồng cầu tự hủy đi để hàng trăm triệu tế bào hồng cầu mới sanh ra… Ta vẫn cứ tưởng còn ngồi lại bên cầu để than thở: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”.  Cho đến lúc thảng thốt nhận ra: “Con sông là thuyền/ mây xa là buồm/ từng giọt sương thu hết mênh mông…” (TCS).
Người thiện tri thức đã chỉ cho chỗ vào? Vào đâu? Vào cái thấy “như thực”: thấy mọi thứ và cả cái ta nữa, luôn biến dịch, luôn đổi thay, bởi nó từ duyên mà khởi, từ duyên mà sinh. Ta thì từ đất nước gió lửa. Núi thì từ đá, đá thì từ cát, cát thì từ gió...  Nhìn cho rõ ngọn nguồn. Thấy cái thực tướng vô tướng. Rồi mừng rỡ reo lên: À, thì ra là Không.
Núi chẳng phải núi. Sông chẳng phải sông!… Nhưng  chấp Không còn tệ hơn chấp Có.
May thay, khi thể nhập vào chốn yên vui tịch tĩnh thì núi vẫn cứ là núi, sông vẫn cứ là sông. Núi là núi mà còn đẹp hơn xưa. Sông là sông mà còn đẹp hơn xưa. Chơn không mà Diệu hữu.

3. Làm sao nghe tiếng vỗ của một bàn tay ư? Một bàn tay làm sao vỗ cho ra tiếng được?
Phật bảo đánh một tiếng chuông. Hỏi có nghe không, Anan? Dạ, có nghe. Nghe gì? Nghe tiếng chuông. Tiếng chuông dứt, Phật hỏi có nghe không, A-nan? Dạ không. Không nghe gì? Không nghe tiếng chuông. Phật cho đánh lại tiếng chuông lần nữa. Nghe không? Dạ có nghe. Nghe gì? Nghe tiếng chuông. Phật cười: Tôi hỏi ông có nghe không chớ đâu có hỏi ông có nghe tiếng chuông không?
Giữa hai lần gióng chuông ông vẫn nghe đó chứ, ông nghe sự im lặng, nghe sự “không-có-tiếng” đó chứ. Vậy cái sự “nghe” của ông đâu có mất dù cái tiếng chuông kia khi có khi không.
Tiếng là thanh trần, từ bên ngoài, luôn thay đổi. Còn “nghe” –  “tánh nghe” – là tự bên trong, không hề thay đổi, luôn có đó.

4. “Ngày nào còn một chúng sanh…, thì quyết không thành Phật.”
Đó là lời thệ nguyện của một vị Bồ-tát. Mà có lẽ cũng là của tất cả các vị Bồ-tát. Ngày nào còn một chúng sanh… nghĩa là Bồ-tát muốn thành Phật thì phải “độ” cho tất cả các “loài” chúng sanh vào Niết bàn sạch trơn mới xong. Bồ-tát phải giúp cho ‘’vô lượng vô số vô biên chúng sanh được… diệt độ, mà thiệt ra chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả’’(Kim Cang). Vậy chúng sanh là gì mà ngày nào còn một chúng sanh thì Bồ-tát chưa thể thành Phật? Chúng sanh là mọi người trên hành tinh này ư? Là mọi loài sinh vật, cỏ cây, muôn thú ư? Vậy đưa hết chúng sanh vào Niết bàn thì ta… thành Phật để làm chi? Bởi ước nguyện thành Phật là để mang lại hạnh phúc, an lạc, giải thoát cho mình và cho chúng sanh kia mà! Kim Cang nói rõ: “Chúng sanh không phải là chúng sanh nên gọi là chúng sanh” (chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh). Nghe thiệt điếc con ráy! Nhưng điếc con ráy là tại ta hiểu lầm thôi, chớ chúng sanh ở đây chỉ có nghĩa là những gì do nhiều (chúng) yếu tố tạo thành (sanh) thì gọi là chúng sanh. “Chúng duyên nhi sanh” thế thôi.
Cũng với 3 nguyên tố C (Carbon), H (hydrogen) và O (Oxygen), với những điều kiện nhiệt độ, áp suất nào đó và với tác dụng của một enzym nào đó thì kết hợp với nhau, khi thì cho ra dấm, khi cho ra đường, ra rượu… Đường, dấm, rượu là những “chúng sanh” do ‘’duyên’’ (điều kiện) sanh đó vậy. Một lời nói xúc phạm của ai đó, lúc đầu lời qua tiếng lại, lát sau động tay động chân, cũng sẽ tạo ra vô lượng vô số vô biên… “chúng sanh” đó thôi! Lòng tham, nỗi giận, sự si mê, tà kiến, kiêu căng, ngạo mạn…đều là những chúng sanh dắt díu nhau xuất hiện trong ta.  
Chúng sanh đầy dẫy trong tâm. Nó không từ ngoài vào. Cho nên phải: Thức tự tâm chúng sanh/ Kiến tự tâm Phật tánh (Lục tổ Huệ Năng).
Và, như thế, Bồ-tát nguyện “ngày nào còn một chúng sanh… quyết không thành Phật” là có lý quá chớ!

5. Một hôm Phật nói ta sắp nhập Niết bàn rồi, ai muốn hỏi gì thì hỏi ngay đi.
Các vị Bồ-tát nhao nhao hỏi:
– Thế Tôn, có pháp môn nào giúp cho mau thành Phật không? (kinh Pháp Hoa)
Ối trời! Thành Phật đã là chuyện hy hữu, tu hành nhiều đời nhiều kiếp chưa ăn thua gì mà bây giờ còn muốn cho mau thành Phật nữa ư?
Vậy mà, Phật tủm tỉm cười:
Có đó. Có một pháp môn giúp cho mau thành Phật. Pháp môn này gọi là Vô Lượng Nghĩa”!
– Sao gọi là Vô Lượng Nghĩa?
Vô Lượng Nghĩa này từ một pháp sanh ra, một pháp ấy là “Vô tướng”.
– Sao gọi là Vô tướng?
Vô tướng đây nghĩa là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướng mà vô tướng, nên gọi là Thật tướng.
Thì ra để thấy được Thật tướng thì phải tu pháp Vô tướng. Vì còn thấy có tướng, còn dính mắc vào tướng, còn loay hoay trong tướng – cái trình hiện, cái biểu kiến bên ngoài – thì không thể thấy Tánh.

6. Phật hỏi Duy-ma-cật: “Như ông muốn thấy Như Lai thì quán Như Lai như thế nào?”. Duy-ma-cật thưa: “Như tự quán cái ‘thật tướng’ của thân, quán Phật cũng như vậy”.
Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Phật là Như Lai bởi Phật luôn sống trong Như Lai, sống với Như Lai, nói khác đi, Phật luôn sống trong pháp thân, trong thật tướng. 
Thấy được cái pháp thân của Phật, cái thực tướng của Phật thì mới thấy... Như Lai. Còn nếu chỉ nhìn vào 80 vẻ đẹp hay 32 tướng tốt thì còn lâu mới thấy Như Lai. Dùng âm thanh chũm chọe, ánh sáng chớp lòe... thì chẳng những không thấy Như Lai mà còn bị Phật chê là “hành tà đạo”. Bởi Như Lai không có cái gì để thấy cả!
Phổ Hiền Bồ-tát bảo khi gặp Phật thì phải kính lễ (Lễ kính chư Phật), còn khi gặp Như Lai thì chỉ còn có cách xưng tán (Xưng tán Như Lai!), tức khen ngợi, trầm trồ, thán phục, gật gù, ú ớ, bởi vì “nói không được”!
Duy-ma-cật giải thích thêm: Như Lai thì vô danh, vô tướng; không sạch, không nhơ; không phải hữu vi cũng không phải vô vi...; không định, không loạn; không trí cũng không ngu; không đến không đi; không vẩn đục, không phiền não, không tác, không khởi, không sanh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán...; không thể lấy trí để biết; không thể lấy thức để nhận ra; dứt tuyệt tất cả con đường ngôn thuyết; không thể bằng tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt...
Do vậy, muốn thấy Như Lai thì phải quán, mà trước hết là quán cái “thực tướng” của chính thân mình.  Cho nên Phật dạy: “Hãy nương tựa chính mình!”.

7. Rồi học hạnh Chân thành của Dược Vương, vị Bồ-tát “Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến”, ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng. Dược Vương tự “đốt thân” (Thiền định) để vào Chánh định, đạt “nhân vô ngã”, rồi đốt cả hai cánh tay, giải trừ chấp pháp, đạt ‘’pháp vô ngã’’, từ đó mới ung dung tự tại, chân thành, trung thực... Thân khẩu ý là một. Nụ cười toát ra tự bên trong, không làm bộ làm tịch, vẽ vời, trau chuốt, không mang mặt nạ, không nói một đằng làm một nẻo...
Rồi học hạnh Thấu Cảm của Quán Thế Âm, vị Bồ-tát có khả năng “nghe được tiếng kêu của trần thế!”. Với lòng đại từ đại bi, với vô úy thí, nghìn mắt nghìn tay, nước cam lồ rưới mát cõi nhân sinh đầy thù hận, sợ hãi. Sợ gì? Sợ chết, sợ khổ, sợ nghèo, sợ xấu xí, sợ bệnh hoạn, sợ già nua… Cho nên làm cho hết sợ là đủ để mang lại an lạc, đủ để “cứu vớt chúng sanh” thoát biển trầm luân. Nhưng vì đâu mà sợ? Vì tưởng. Vô thường tưởng là thường. Vô ngã tưởng là ngã…Nuôi mộng muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ...
Quán Thế Âm không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong của người “hành thâm Bát Nhã”.

Rồi học hạnh Thường Bất Khinh, vị Bồ-tát chỉ làm mỗi việc: chắp tay xá lạy mọi người, bất kể là ai và nói với họ rằng: Tôi không dám coi thường ngài. Ngài là một vị Phật tương lai. Nghe ông nói, ai cũng nổi giận. Phật ư? Giỡn chơi sao chớ. Chế giễu hả? Và người ta đánh đuổi ông, nguyền rủa ông, ném đá ông. Mặc kệ, ông vẫn kiên trì, không một chút nao lòng. Nghe một lần hai lần thì khó chịu, nghe trăm lần ngàn lần thì giật mình, ơ hay, cũng dám lắm chớ. Ai cũng có hạt giống Phật mà, chịu khó tưới tẩm có ngày dám mọc lên một cây Bồ đề lắm chớ.
Cho nên Tôn trọng, đức tính thứ nhất để thiết lập truyền thông hiệu quả. Thiếu tôn trọng thì truyền thông lập tức gẫy đổ. 
Chân Thành (Genuine), Thấu Cảm (Empathy), Tôn Trọng (Respect)... là những hạnh cốt lõi của Bồ-tát đó vậy.
ĐHN

Thoảng Hương Sen, Đỗ Hồng Ngọc, 2018

ĐÊM NHẠC THU VÀNG & THÂN HỮU


Phan Tấn Hải

Thu Vàng hát
Lê Công Hậu & Nghiêm Phú Phát đệm đàn

Tam ca Hoài Hương

Đêm Nhạc Thính Phòng Tiếng Hát Thu Vàng Và Thân Hữu đã thành công lớn: nhạc hay, giọng ca hay, khán giả chật thính phòng và nhiều người phải ngồi bên ngoài để nghe vọng, điều hợp chương trình xuất sắc… Đêm nhạc tổ chức ở Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, Westminster, nơi chỉ hơn 100 chỗ ngồi, và không còn chỗ ngồi cho nhiều người tới trễ. Trong số khán giả thấy có nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, nhạc sĩ Võ Tá Hân…

Trong đêm nhạc hôm Thứ Bảy 26/5/2018, giọng ca Thu Vàng và nhiều ca sĩ khác đã được nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát điều hợp thích nghi và năng động, trong khi người MC Thu Thủy đã  khéo léo giới thiệu người và việc, cũng như lời khen ngợi chân thành và trân trọng từ hai nhà văn Trúc Chi và Trịnh Y Thư.
Các ca sĩ trong chương trình – như Trung Nam, Diệu Trang, Xuân Thanh, Lan Hương, Vũ Hùng, Trịnh Hoàng Hải – đều nổi bật, đều là những giọng ca lớn, lay động cảm xúc lớn từ người nghe.
Trong khi nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đàn keyboard, nhạc sĩ Lê Công Hậu đệm guitar… từng ca khúc đều là những kỷ niệm độc đáo, khó tìm đối với người nghe.

Khi ca sĩ Thu Vàng hát những nốt nhạc cao nhất trong ca khúc “Những Dòng Sông Chia Rẽ” của Phạm Duy, người nghe hình dung ra những dòng sông đã chia rẽ dân tộc từ sông Gianh, sông Bến Hải… và trong thế kỷ 20 là dòng sông chủ nghĩa Quốc/Cộng. Còn những dòng sông chia rẽ nào nữa chăng?
Nhà báo Phan Tấn Hải lo ngại nhìn anh Thân Trọng Mẫn, một người con của xứ Huế đã chứng kiến những thảm kịch lịch sử quê nhà, nói rằng, “Anh Mẫn ơi, anh tựa vào vai tôi này. Tôi sợ là khi chị hát cao thêm một chút, anh Mẫn sẽ đứng tim mà chết…”

Khởi đầu chương trình, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói rằng anh gặp người bạn cũ thời 1965, 1970… và nhớ ngày xưa khi hoạt động nhóm văn nghệ Nguồn Sống, nơi anh từng giới thiệu các giọng ca như Thanh Lan, Huyền Trân, giọng ngâm Tôn Nữ Lệ Ba (bây giờ là tu sĩ), và nhiều vị khác. Anh kể, mới 4 tuần trước, anh lần đầu nghe giọng ca Thu Vàng và thấy ngay cần tổ chức đêm nhạc này… Anh nói, nghe giọng ca Thu Vàng, anh nhớ thời năm 1961, khi được nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào ban đại hợp xướng, và cũng đã xúc động với những dòng sông chia rẽ ở quê nhà.
Nhiều người tới trễ, đã ngồi ở ngoài lan can để nghe, trong đó có họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Phan Chánh Khánh, Nguyễn Việt Hùng…

Ca khúc Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi, thơ Trần Trung Đạo, do Nghiêm Phú PHát phổ nhạc, và ca sĩ Diệu Trang  trình bày đã nói lên thảm kịch của một bé sáu tuổi ở trại tỵ nạn Palawan, Philippines:
Mẹ em đâu? - Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu? - Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu? - Nghe chị thét trên mui
Ba em đâu? Em lắc đầu không nói
- Bé thức dậy thì chẳng còn ai nữa
Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
Trên ghe sót lại chỉ dăm người…
Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói rằng lẽ ra Đêm  Nhạc Thu Vàng cần một thính đường 300 chỗ ngồi, khi quá nhiều người tới và không còn chỗ. Anh nói, rất nhiều người trân trọng với giọng ca Thu Vàng, thí dụ như MC Thu Thủy lái xe xa từ 2 tiếng đồng hồ tới đây. Hay người phụ tránh âm thanh là một kỹ sư NASA tinh nguyện lo dàn âm thanh. Hay nhạc sĩ Lê Công Hậu ngồi đệm guitar cũng lái xe từ xa về.

Trong chương trình hầu hết là đơn ca, gây chú ý và độc đáo cũng là màn tam ca do ban Tam Ca Hoài Hương (Xuân Thanh, Lan Hương, Vũ Hùng) – sôi nổi với ca khúc Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận.
Ra đi khắp nơi xa vời. Gió bốn phương kìa gió bốn phương. Ào ào cuốn lá rơi. Người đi khúc nhạc chơi vơi...
Ban Tam Ca giải thích, theo chương trình lẽ ra hợp ca bản “Sáng Rừng” của Phạm Đình Chương, nhưng vì không kịp thuộc lời, mà không lẽ tay cầm giấy để đọc lời thì hình ảnh không đẹp… do vậy, hát bản “Đoàn Lữ Nhạc” đã thuộc từ lâu.
Một điểm độc đáo: Trịnh Hoàng Hải vừa tự đàn, vừa hát bản “Ru Em” của Trịnh Công Sơn. Có những lúc anh dùng tay vỗ thùng đàn, nghe như nhịp tim đập.
Trịnh Hoàng Hải nói, ca khúc Ru Em của Trịnh Công Sơn có 24 câu nhạc, trong đó 16 câu bắt đầu bằng chữ "Ru em" tính ra có 20 chữ "ru"... với từng lời nhạc và tiếng nhạc, y hệt như tiếng nhịp đập của tim.
Sau khi Trịnh Hoàng Hải hát xong, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát hỏi rằng “Ru em, vậy thì em nào, xin cho biết mặt…” Anh Trịnh Hoàng Hải mời người phụ nữ là nguồn cảm hứng ru em của anh lên chào.

Nhà văn Trúc Chi được mời phát biểu, nói rằng lần đầu ông nghe Thu Vàng là ở nhà chị Bạch Lan, em ca sĩ Hà Thanh, và biết ngay rằng đây là một giọng ca độc đáo, với theo ông, không chỉ là kỹ thuật và tài năng, mà là “chị Thu Vàng hát bằng xúc động,” và người nghe nào cũng nhận ra nỗi xao xuyến đầy xúc động khi dối mặt với nghệ thuật trong giọng ca Thu Vàng.
Nhà văn Trịnh Y Thư khi phát biểu, nói rằng anh có ca ngợi Thu Vàng cũng là góp thêm lá vào rừng, nhưng anh muốn nói rằng Thu Vàng qua giọng ca không chỉ là ca sĩ, mà còn là nghệ sĩ, và đó là điểm rất hiếm gặp.
Cư sĩ Minh Mẫn, một nhà nghiên cứu Phật Học nổi tiếng, từ VN sang thăm Quận Cam được Cư sĩ Nguyên Giác đưa tới nghe đêm nhạc Thu Vàng, khi về đã viết nhận định trên FB rằng, trích:
“Xưa kia, Thái Thanh thủ đắc giọng ca cá biệt cho những nhạc phẩm Phạm Duy, thì ngày nay, Thu Vàng cũng đã gây ấn tượng sâu sắc cho khán thính giả, không những nhạc phẩm của Phạm Duy như: “Những giòng sông chia rẽ - Chiều về trên sông” mà còn nhạc phẩm “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Thiên Thai” của Văn Cao, “Mùa Thu Không Trở Lại” của Phạm Trọng Cầu, “Hương Xưa” của Cung Tiến, “Hồn Vọng Phu 3” của Lê Thương. Mặc dù giọng ca chưa được nhiều người biết đến, người tuy từ Việt Nam qua không lâu, cũng gây sự ngỡ ngàng thich thú không những cho khán thính giả mà còn tạo sự chú ý cho Ban tổ chúc và các nhạc sĩ bậc thầy hiện diện, bởi không chỉ là ca sĩ mà còn là nghệ sĩ nhập hồn vào ca khúc.” (ngưng trích)
Thực ra, không nên đối chiếu với ai, vì mỗi người có một giọng hay riêng biệt. Mỗi người là một thế giới nghệ thuật riêng. Nhưng nói như thế để thấy rằng, giọng ca Thu Vàng có một sức mạnh lôi cuốn độc đáo.
Trong tờ chương trình nhạc phổ biến đêm 26/5, nơi trang cuối, có ghi bài thơ của Nguyễn Lương Vỵ, nhan đề “Nghe Thu Vàng hát” như sau:

Nghe Thu Vàng hát như nghe kinh
Dịu cơn đau thời buổi điêu linh
Tang thương vẫn trôi sông lạc chợ
Ngẫu lục còn chảy đời gập ghềnh
.
Nghe Thu Vàng hát như nghe nắng
Bay đi cánh vạc nhớ thương ai
Vọng ngày xanh tím hồng lam trắng
Không gian chìm tan vang sương mai
.
Nghe Thu Vàng hát như nghe mưa
Chiều neo tiếng thổ mộ năm xưa
Tiếng đời giăng mắc rơi trên mái
Lưu lạc ngồi im nghe âm đưa
.
Nghe Thu Vàng hát bao thương cảm
Đèn chong mắt thức vọng mùa xa
Tạ ơn âm nhạc trong khuya tận
Đốt thuốc trông lên tìm bóng ta.
.
Ca khúc cuối chương trình là Hòn Vọng Phu 3 của Lê Thương đã gợi lên một thời chinh chiến đau đớn ở quê nhà, khi hàng triệu phụ nữ Việt Nam một đời chỉ ngồi chờ tin chồng, chờ tin con từ chiến trường… Đau đớn, bi tráng… Bùi ngùi khi nghe giọng ca chị Thu Vàng: Nơi phía Nam giữa núi mờ, ai bế con mãi đứng chờ, như nuớc non xưa đến giờ…
Phải chăng những dòng sông chia rẽ thực sự vốn đã nằm sẵn trong định mệnh của dân tộc Việt Nam? Và bây giờ, nơi chương sử mới của thế kỷ 21 mở ra, những vết thương vẫn còn nhói lòng?
Chương trình nhạc Thu Vàng và Thân Hữu là một tuyệt phẩm hiếm hoi, nơi đó tất cả các ca sĩ và nhạc sĩ đều hiển lộ rực rỡ trong hào quang tài năng riêng.

PTH