Saturday, July 15, 2017

NHÀ SƠN MÀU TRẮNG


Nguyễn Thị Thảo An


Hình ảnh của tác giả gởi

Nhà sơn màu trắng nhưng không được gọi là White House, bởi lẽ khi phát âm người ta không phân biệt được những chữ viết hoa khác với chữ thường. Người Mỹ thường sơn nhà màu trắng. Mỗi khi lái xe dạo chơi ra khỏi miền quê, tôi thích ngắm những ngôi nhà trắng nằm ngay ngắn trên những cánh đồng xanh mượt. Hình ảnh đó biểu tượng cho một đất nước thanh bình và hưng thịnh.
Lễ Độc Lập Independence July 4th vừa qua, tôi được nghỉ 5 ngày liền, bèn quyết định sơn nhà.
Nhà bằng gạch nên bên ngoài khỏi lo. Cửa cái, cửa sổ đều có quy định của toàn khu community nên không bàn cãi. Nhà nào muốn sơn khác quy định phải xin phép. Mỹ thuật của toàn khu phải được đặt lên hàng đầu. Trước đây, tôi xin trồng hai cây Palm ngoài sân cũng bị bác. Community cho rằng, trồng hai cây Palm trước những hàng phong bên nhà là vô lý. Palm là cây nhiệt đới không thể sống giữa những cây ôn đới được. Hai cây Palm sẽ làm mất đi vẻ đẹp của toàn khu khi Thu về. Tôi chợt nhớ hồi mua nhà, cái ngọn đồi phong ửng sắc sau nhà
đã làm tôi chết lặng. “Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san” Màu quan san là màu gì? Và cái chữ “nhuốm” tuyệt vời đã thổi mùa Thu vô bức tranh sống động trước mắt. Vì 2 câu thơ Kiều mà tôi ưng căn nhà này dù chưa bước chân vào. Vào ở rồi mới biết, trụ lại không phải dễ. Quyền tự do của bên Mỹ không thể diễn dịch là thứ tự do tuyệt đối, muốn làm gì thì làm. Tự do cá nhân nhưng phải tôn trọng quyền lợi của người khác nữa. Để cỏ mọc quá 2 inches, không xén cây, để lối đi đóng rêu,… đều bị Community gửi giấy nhắc nhở. Giá trị mỗi căn nhà lên xuống tùy theo cách quản lý của Community. Chuyện này ai nấy đã ký tên đồng ý 100% trước khi dọn vào.
Chuyện sơn nhà đáng bàn cãi là chuyện bên trong
Sơn màu gì đây? Nhà là của chung nên phải trưng cầu dân ý thôi. Dân là con, còn có ý nghĩa là con dân, mà ý của dân chính là ý Trời, điều này có từ thời khai thiên lập quốc chứ không phải mới mẻ gì.
Tôi chọn những gam màu phảng phất thiền, sắc thái tĩnh lặng làm phông phối hợp với những mảng màu ấm. Màu ấm chứ không phải là màu nóng nhé.
Con gái út lên đồ họa thiết trí 4 màu tuyệt đẹp.
Thằng con trai không chịu. Nó nói, con chọn màu trắng, màu trắng là đẹp nhất mà lại sạch nữa.
Tôi kêu Trời, màu trắng mau dơ lắm. Màu trắng dễ bám bụi, lỡ tay vin vách là chỗ đó khác màu ngay. Ấy là chưa kể các nẹp viền quanh nhà thường hút bụi, phải lau chùi thường.
Con gái lớn có ý kiến. Nó nói, thật ra màu nào cũng dơ hết. Nhưng sơn màu trắng có bụi bám là mình thấy liền. Có thấy bẩn, thấy dơ, mình mới lau chùi ngay. Những màu khác có dơ cũng không thấy. Mà không thấy thì không lau. Cả nhà sẽ sống trong căn nhà bẩn mà không biết.
Cô Út, mới vừa chọn màu cho mẹ xong cũng quay ra phản đối. Nó nói, nhà của Mỹ thường sơn trắng cũng chính vì tâm lý này. Họ sơn trắng để dễ phát hiện ra bụi bặm hay vết bẩn để lau ngay. Căn nhà đẹp trước hết phải là một căn nhà sạch trước đã.
Đa số thắng thiểu số. Đành phải sơn nhà trắng vậy.
Tôi ghét nhà trắng, cái màu trắng làm tăng cảm giác lạnh lẽo, cô đơn, nhất là mùa Đông. Con gái tôi an ủi bằng cách chọn hoa và trang trí những vật dụng màu sắc khác làm tôi vui.
Nhưng mà nó không xua tan nỗi buồn mất phiếu của tôi.]

Ngẫm nghĩ lại, chính vì vụ sơn nhà mà tôi phát giác ra cái tâm lý “xấu che, tốt khoe” của người Việt mình. Đa số vì sợ nhìn thấy những vết dơ, vết bẩn nên thích dùng màu tối để sơn nhà, chọn quần áo,… hơn là màu sáng. Thấy những sai trái trong xã hội thì thường có thái độ “mũ ni che tai”. Nó giống như thói quen của con đà điểu vùi đầu trong cát. Không trông thấy thì có nghĩa là không xảy ra?
Nó khác hẳn tâm lý người Mỹ. Họ muốn phát hiện cái dơ, cái bẩn để xăn tay áo mà dọn ngay, không chần chờ như người Việt.
Trong nhà đã vậy, ngoài xã hội cũng thế. Báo chí Mỹ suốt ngày cứ săm soi, bươi móc những sai trái của chính quyền. Báo chí Việt trái lại, không những che giấu sai phạm mà còn bào chữa cho họ nữa.
Mấy ngày nay lên Facebook, tôi đọc trang của một nhà báo FB nổi tiếng trong nước bài “Tôi bào chữa cho Thủ Tướng”
Nhà báo này cho biết, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc bài thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân lại gán cho là của Giang Nam là vô tình, TT lo trăm công ngàn việc nhầm là chuyện thường. Kể cả khi tác giả ĐTQ lên tiếng, họ cũng trách ĐTQ làm lớn chuyện. Vì cho tác quyền là chuyện nhỏ nên nhiều người nổi tiếng trong nước cũng muốn làm chuyện nhỏ này. Chuyện đạo văn, đạo thơ là chuyện hiếm hoi trước 75, nhưng bây giờ đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Chính ông chủ tịch Hội Nhà Văn cũng là kẻ đạo thơ nữa. Riết rồi, chẳng ai còn lấy làm lạ. Nhưng chuyện một nhà báo nổi tiếng bào chữa cho người đạo thơ, một nhà phê bình văn học mà cũng bào chữa cho mấy vụ này thì thật lạ.
Người Mỹ nói xin lỗi dễ như cất lời chào hello. Còn người Việt không chấp nhận chuyện xin lỗi ai bao giờ. Cái tự ái làm người ta mờ mắt. Xin lỗi là nhục, nhưng ăn cắp, gian dối thì không biết nhục. Khổng Tử nói, “Kẻ làm điều thiện không quý bằng người biết sửa sai.” Người Việt không biết cái hay của chữ xin lỗi nên cũng không thấy cái sai mà sửa. Hèn chi đất nước không cất đầu lên nổi.
Tôi góp ý với nhà báo, cũng là bạn trên FB, thấy anh làm lơ, rồi hôm sau lại đăng bài bào chữa tiếp tập 2. Thất vọng quá, tôi làm thinh. Không thể tin được mấy anh cấp tiến trong đảng của họ. Họ chỉ muốn tỉa hoa lá cành chứ không có cái can đảm nhổ tận gốc để trồng giống khác. Boris Yeltsin nói, “Cộng Sản không thể sửa chữa  mà chỉ có thể đào thải nó.”
Cách hai hôm sau, ông bạn này đã đăng ngay một bài xin lỗi về sự bào chữa này. Vì ông phát giác ra một lỗi lớn vụ bào chữa nhiều năm trước đây của ông. Một nhà thơ bạn là nạn nhân trong một vụ đạo thơ năm đó, bây giờ ông mới biết chính ra ông này cũng đã từng đi đạo bài thơ đó của người khác.
Thủ phạm là nạn nhân mà nạn nhân cũng là thủ phạm. Vụ đạo thơ chồng chéo lên nhau này nổi tiếng một thời. Khó mà lần ra chỉ rối khi đạo thơ, đạo văn, đạo chữ,… luật pháp chưa quy thành một cái tội như ở nước ngoài. Không có ai xử tội đạo thơ thì cái chuyện đạo ấy vẫn còn tiếp diễn dài dài.
Cái tôi chờ đợi là để coi làm thế nào người ta bào chữa tiếp cho ông Phúc khi báo chí Đức tung bức hình và đoạn phim ông quạt xoành xoạch trong buổi hòa nhạc cổ điển. Cái này là lỗi của Ban Tổ Chức chứ không hẳn là của ông Phúc. Người Đức không biết câu tục ngữ “Đàn khải tai trâu”. Bắt ông Phúc nghe nhạc thì làm khổ cho ổng quá.
Mấy ngày nay báo chí trong nước ca ngợi chuyến đi của ông thành công quá đỗi. Đến nỗi coi ông là diễn giả chính của G-20, ông mang nhiều lợi ích thương mại về cho Việt Nam, ông họp thượng đỉnh với nhiều lãnh đạo thế giới, ông lăng xăng chen lấn, giành chỗ ngồi đầu trong hí viện,... Chuyện này làm tôi hết sức ngạc nhiên. G-20 mời ông Phúc với tư cách đại diện cho khối APEC chứ đâu phải mời chính quyền Việt Nam. Quan trọng nữa là không hề có một cuộc họp song phương nào giữa Việt Nam và Đức cả. Báo chí Đức giờ đây đã biết chuyện này. Vậy thì bào chữa làm sao đây?
Nên chăng? Người Việt hãy bỏ quách cái câu “Xấu che, tốt khoe” truyền từ bao đời. Chỉ vì vin vào câu này mà người Việt cứ ngoảnh mặt làm ngơ, coi như không có biết bao sai phạm của cá nhân, của đất nước đang xảy ra hàng ngày. Chỉ có can đảm thấy sai, nhận sai thì mới biết sửa sai.
Hãy tập nói xin lỗi cho quen miệng như tập nói hello vậy.

nguyễn thị thảo an
Atlanta, July 14-2017

2 comments:

  1. Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
    click xem thêm dạy kèm bình dương

    ReplyDelete
  2. Bài viết rất hay. Mình thấy nếu sơn nhà đặc biệt là sơn nội thất thì chúng ta nên sử dụng dòn sơn Minano. Dòng sơn này siêu bóng siêu mịn rất tốt cho những ngôi nhà của chúng ta đó.

    ReplyDelete