Saturday, July 8, 2017

DUYÊN ANH. ‘RU ĐỜI PHÙ ẢO’


Julie Quang

Duyên Anh

Julie

Đã 20 mùa xuân trôi qua, ngày anh thật sự rời bỏ thế gian này ra đi; ngoảnh đi nhìn lại như vừa trải qua một giấc mộng đời, một phần đời em trong đó có anh với những vui buồn của cuộc sống, những ưu tư trĩu nặng, những hiểu lầm gút mắc trong mối quan hệ giữa tình nghệ sĩ và tình anh em trong sáng của chúng ta, những oan khiên trong cuộc đời mà anh phải đeo mang cho đến ngày nhắm mắt.

20 năm sau, em đi tìm anh trong ký ức, lục soát từng ngõ nghách linh hồn để không đi vào hư cấu của câu chuyện... Có lẽ qua trang viết, sự tỏ bày sẽ tường tận hơn, không ngượng ngùng bởi lời lẽ thô thiển của em đối với một nhà văn đầy sáng tạo trong tim óc, trong chữ nghĩa như anh.

Lướt trên bàn phím, chuyện trò với anh, thật thú vị khi ngoài trời đang rỉ rả mưa, ôn lại kỷ niệm với người vô hình, độc thoại cũng có cái "khoái", đỡ phải tranh luận, khỏi đi đến bất dồng, tránh xung đột dẫn tới "choảng" nhau.

Như anh đã chiêm nghiệm điều đó nơi bản thân mình, hệ luỵ của người cầm bút trong những năm cuối đời chắc anh là người thấm thía điều đó hơn ai hết!?

Ngồi ôn lại chuyện đời mình với cái trí nhớ đôi phần hao mòn với thời gian phải đánh dấu từng cột mốc, từng chặng đường đã đi qua để tránh lạc phương hướng dẫn đến lạc đề.

Kỷ niệm với anh không nhiều, kể ra thì không có bao nhiêu nhưng nếu chia ra từng đoạn, mỗi thập niên trong một đời người thì anh em mình quen biết có dư 30 năm.
Này nhé: Thập niên 60 anh dẫn chương trình trong Đại Hội Nhạc Trẻ năm 67 do nhật báo Sóng Thần gây quỹ cứu trợ nạn lụt miền Trung. Em ghi danh và trao đổi với anh tiết mục trình diễn trong khoảng 60 giây; đến lượt em ra sân, anh nhắc chừng có vài giây; khi rời sân anh cho em vài lời cổ động cũng có vài giây. Vị chi anh em ta chạm mặt, trao đổi chưa tới 2 phút .

Gần cuối năm 83, gặp lại anh trên nước Pháp với căn cước tị nạn chính trị, chúng ta ăn mừng hội ngộ ở một quán ăn tại quận 13 Paris.
Anh khề khà kể chuyện tù tội, nhìn anh say sưa nói cười bên ly rượu vang đỏ, mà thấy mê; chúng ta chia tay sau 2 giờ chuyện trò chưa dứt, hẹn gặp lại nhau trong một ngày gần.
Không biết anh có nôn nóng chăng mà đã sắp xếp ngay trong 3 ngày sau, chúng ta đã có một cuộc chơi văn nghệ chỉ có 3 người nơi nhà anh Trần Quang Hải (chị Bạch Yến, anh Trần Đình Thục lo ẩm thực). Bọn mình ghi âm lại hôm văn nghệ bỏ túi với 3 người - Duyên Anh, Trần Quang Hải, Julie.
Anh Hải đệm đàn guitar, Julie hát, Duyên Anh bấm nút thu âm, rót rượu kiêm dẫn nghĩa, vì không có khán giả nên không thể nói là dẫn chương trình nên tạm gọi là cuộc chơi (chữ Duyên Anh). Cuộc chơi 3 người từ trưa đến chiều tối, vỏn vẹn có nửa ngày rồi giãn tuồng, ai về nhà nấy ...

Mãi đến gần cuối thập niên 80, gặp lại anh nơi Cali, anh Thục kỳ kèo miết để kéo anh về nhà với bọn em. Sống chung dưới một mái nhà, biết thêm về đời sống của một nhà văn, từ sáng sớm tinh mơ đến khuya lơ... chúc nhau ngủ ngon!
Tổng cộng lại từ đầu đến cuối, cái tình anh em ta lúc chạm mặt vài giây rồi gián đoạn, khi gặp gỡ trong cuộc vui văn nghệ rồi chia tay. Cắt xén, ráp nối chưa giáp 100 ngày trong bức tranh đời... Vậy mà chữ tình nghĩa trong anh em ta sao mà thấm đượm đến thế!

Anh ạ, thú thật với anh rằng em chưa đọc hết, trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết nào của anh cả, mặc dù khoảng thời gian bên anh, mỗi sáng được anh đọc bản thảo cho nghe, vài chục trang mới viết xong. Nghe loáng thoáng như vịt nghe sấm rồi lỉnh đi. Có lẽ anh đã đoán được: em chưa bén duyên với chữ nghĩa văn chương.
Nghĩ lại buồn cười cho cái ngông nghênh của mình, em còn lớn mật to gan khoe anh cuốn băng "Ngàn Năm Vẫn Đợi" do em và Khúc Lan viết lời Việt. Mà ngộ thiệt, đến tận bây giờ nghĩa là trên dưới 30 năm sau, từ trong nước đến hải ngoại kể cả các trung tâm băng hình bề thế và trên You tube đều ghi credit sai bét, tên em lọt đâu mất hút ngoài hư vô, mặc dù trong bìa băng dĩa có ghi rõ tên người viết lời trên mỗi bài.

Em thờ ơ với ba chuyện đó, thiên hạ thì lơ đễnh nhất là những gì có dính líu đến tác quyền, họ quên hay không để ý đến, cũng có cái lý của họ!
Nhớ chuyện này thành chòi ra chuyện khác. Một lần nghe anh càu nhàu nhà xuất bản về chuyện tiền nong, em xía mũi vào- Sao anh không đòi tiền ứng trước như ca sĩ đi show và thanh toán phần còn lại khi đóng màn!?-
Anh dịu giọng buồn buồn nói: Nghệ sĩ luôn ngây thơ kiêm quân tử tàu em ạ!
-Theo như cách anh nói đó thì em (ca sĩ) luôn đa nghi, rằng chưa hẳn thật sự là người Nghệ Sĩ? Đã từ lâu, ông Phạm Duy nói em khinh tiền vì từ chối show diễn, quân tử tàu cũng có nhưng ngây thơ thì chưa chắc.
Anh không một lần hỏi han về những tin đồn (hư-thật) rùm beng chốn hậu trường sân khấu, chưa bao giờ tìm hiểu về quá khứ của em vậy mà anh muốn viết về em - Có gì hay ho mà viết truyện hả anh?, vả lại em không thích kể chuyện mình - em nói ; Anh bảo-ghi lại chừng 250 trang những gì anh nhìn thấy nơi em, đọc tâm tư đó qua "Ngàn Năm Vẫn Đợi" đâu cứ gì phải nghe em kể chuyện đời!-

Thì ra anh có nghe mình, mà nghe lúc nào nhỉ? Sao mình lại không biết!?

Rồi anh lại phản bác lời eo xèo xin anh đừng viết về em:
"Nếu không viết, nhỡ anh chết thì sao?"
Câu nói này dường như là lời dự đoán của anh cho định mệnh chính mình!

Thời gian sau, số trang tăng dần lên tới 2500 trang... vẫn là lời anh nói cùng em, xem như lời nịnh bà đầm của ông tây... Anh định phủ áo choàng nhung lụa lên cuộc đời cô bé lọ lem chăng?
- "Nếu không viết nhỡ anh chết thì sao?"-
Nghe câu nói gở em lặng thinh, lòng nặng trĩu u buồn ... trong em chập chờn điều bất hạnh chưa thành hình ... Đã định hủy chuyến lưu diễn vì  linh tính rõ ràng báo động khẩn ... anh khuyên em đừng lỡ việc vì tin chuyện cảm giác vớ vẩn ... Cảm giác như gió, nó vờn ta và nó cũng đánh lừa ta!

Nhưng lần đó cảm giác chân thật đã cảnh giác, em không nghe mình mà lại nghe theo anh, tiến hành chuyến lưu diễn.

Rồi việc gì phải đến, nó đã đến. Cách nửa vòng trái đất, nghe tin anh gặp nạn mà đau cháy lòng. Anh, tên biệt kích văn nghệ đã gục ngã. Anh, cây bút thép khiến kẻ ươn hèn phải run sợ, vì khiếp sợ mà chúng phải đốn ngã anh.
Một số bản thảo truyện chưa in (khoảng một chục bản thảo), thơ, nhạc của anh để nơi nhà em, người nhà anh đã đến lấy, em đã giao lại tất cả, kể cả những cassettes em hát nhạc anh.

Đêm giáp tết, ngồi nhà lướt phím trò chuyện với MA mà nghe lòng rưng rưng niềm thương nỗi nhớ, nhớ về Duyên Anh.

Xin trích vài lời trần tình của Duyên Anh:
( Một hôm bước chân luân lạc dẫn tôi vào hiu quạnh của đất trời. Tôi thấy từ trong cái khôn cùng nỗi tịch mịch đó; nỗi chết của mây mưa, tiếng hát của bóng tối, nước mắt của hư vô, điệu buồn của cỏ lá. Tôi cảm giác quanh tôi hạnh phúc đã đầy mầm bất hạnh mà chẳng ai biết mà chẳng ai hay; tôi bỗng dậy lòng trắc ẩn, tôi yêu mến người tôi thương xót đời và tôi lên tiếng "ru đời phù ảo")  (1)

Ngày nay chúng ta mỗi người một nơi.
Bên anh, là cõi thênh thang không thời gian, không cả bốn mùa. Thời gian là mây trôi bàng bạc, bốn mùa chỉ còn mỗi nghìn thu lờ lững...
Bên này, bây giờ là mùa xuân, nơi em còn nuối giấc mộng đời, còn yêu đương sân hận ... Bức màn sáo người ta treo trong nhà thay cánh cửa mà em treo ngoài sân vườn để thấy, "để nghe tơ liễu run trong gió và để nghe trời giảng nghĩa yêu" anh đã ngâm nga đôi câu thơ để chọc ghẹo khi  em bị chữ tình nó quấy nhiễu.

·Giờ đây mỗi khi trời trở gió, bức màn sáo lay động, nghe vi vu trong gió lời mơn trớn vỗ về, lúc lục đục thất tình gây điên đảo, cơn gió thoảng đến nhân tình thế thái như thể thay trời giảng nghĩa yêu ...

·Nay em đã già hơn anh ngày trước; - Già như cổ thụ mới hiểu thông điệp của vũ trụ sức vang dội của nghìn thu, mới thật sự thấu hiểu nỗi ngậm ngùi trong tiếng "Ru đời phù ảo " của Duyên Anh. -

·Từng đợt sóng xô vỡ bờ, xóa đi những dấu chân người in trên cát, ầm ầm biển nhớ thét gào, gọi ký ức mù khơi trở về với kho tàng kỷ niệm vốn đã lún sâu trong miền âm thanh tíc tắc tíc tắc, gỏ đều tiếng nhàm chán, tiếng thời gian như thôi miên soi kiếp, một kiếp dã tràng xe cát biển đông!

Đôi lần nghe anh nói (Chúng nó ghét anh, muốn triệt tiêu tên biệt kích văn nghệ Duyên Anh, có lẽ khi anh chết rồi người ta mới biết thương anh) nghe mà xót xa !

Em, một trong hằng triệu người yêu mến tài hoa anh (kể cả những người đã ám hại anh) kính cẩn thắp nén hương lòng cùng hương linh Vũ Mộng Long, mời anh về đây trong mùa Xuân này nhân ngày giỗ lần thứ 20 của nhà văn, nhà thơ, kẻ viết nhạc Duyên Anh (2).

·Xuân đến, xuân đi rồi xuân lại tái hồi; Cứ mỗi độ xuân về, người ta sẽ nhớ đến anh, đến muôn đời sau vẫn còn người tìm đọc sách, truyện, thơ, nhạc Duyên Anh, em tin như thế!

Tưởng rằng thời gian đã xoá đi mọi dấu vết, chuyện " Đôi bít tất em bé 3 tháng tuổi", chuyện "Đừng kêu Anh bằng Chú", chuyện cổ tích "Con nai hiền bên bầy ác thú"... v.v..

Người đàn bà cười duyên với chữ nghĩa đong đầy kỷ niệm. Những dấu chân chim nơi môi mắt tan biến khi nụ cười mãn nguyện tỏa lan trên nhan sắc nhạt phai ... Gương mặt nàng chợt bừng sáng một thoáng thanh xuân tái hồi lên nét son môi tươi thắm, đỏ rực màu xác pháo.

Đêm giao thừa năm Con Gà Cồ 2017...
Julie Quang

Ghi chú:
(1) lời giới thiệu của tác giả trong CD 10 bài nhạc Duyên Anh
(2) Thơ, nhạc, trào phúng và con người Duyên Anh, đọc "Duyên Anh và Tôi" tác giả Vũ Trung Hiền.

Nghe Julie hát Ru Đời Phù Ảo ở đây

Nguồn: Gio-o

No comments:

Post a Comment