Friday, February 5, 2016

SẮM TẾT



Lưu Na

Cô gái viết thư pháp. Photo by Lưu Na

Hoa Tết. Photo by Lưu Na

Cô dắt xe đạp ra sân.  Cái xe mua ga ra sêu 5 đồng thì không thể hào nhoáng hay ngon êm, nhưng cần gì, miễn nó đưa mình tới được nơi mình muốn, và nghĩ như vậy thì lại thấy mình lời nữa kia.  Bảo đảm xe này của một người đàn bà Việt Nam được chồng chăm sóc, bởi xe có giỏ đằng trước, yên xe to nệm dày, và có yên sau để chở đồ.

Cô lấy chiếc thùng trắng bằng ny lông dày loại bưu điện dùng đựng những quyển báo cột vào yên sau.  Đồ dùng của bưu điện thì mang về kể như ăn cắp, nhưng không phải vậy bởi cô đã nằn nì xin xếp viện cớ cái thùng này “hư” vì không có logo và xếp nghe cũng bùi tai nên gật đầu cho cô lấy.

Hết của đến người, bây giờ cô bắt đầu đội mũ len, đeo găng len và khoác thêm áo gió bên ngoài bộ quần áo thể thao dày ở bên trong.  Trời tháng  Một ở Mỹ là mùa Đông, tuy không lạnh cho bằng những tiểu bang miền Trung và miền Bắc nhưng vẫn đủ tái môi chảy nước mũi cho người sinh trưởng nơi miền nhiệt đới như cô.  Cô cột dây giày cho chắc, leo lên yên lựa thế ngồi cho vừa vặn và bắt đầu đạp xe xuống lòng đường.  Nhà bên cạnh không biết lão khọm đi đâu mà sáng giờ chả nghe tiếng ho hen kèn cựa.

Cô ra đường Hazard xuôi xuống góc Westminster.  Năm nay mới trổ ra một rạp bán hoa to hơn cả hội trường, dựng ngay trước cửa chợ Stater Bros chiếm một nửa bãi đậu xe.  Rạp có hai ngõ ra vào, bên trong chắc phải cả ngàn chậu hoa lan lớn nhỏ, mai, đào, quất, và cây phát tài.  Cô tìm được hai chậu lan nho nhỏ, hỏi giá.

_Tám đồng.
_Có cho trả giá không?  Cô hỏi chỉ để mà hỏi, móc túi lấy tiền ra đếm.
_Chị muốn trả thì cứ trả.  Cô đưa vào tay người đàn bà tờ 20 đồng, mắt ngó sang mấy cành đào và những củ thủy tiên đang ngâm trong chậu thau để dưới đất.
_Năm đồng chịu hông, cô trả giá bâng quơ, nghĩ bụng phải lấy mấy củ thủy tiên này về để vài bữa nữa nó nở hoa.

Tiền dúi vào tay, cô quay lại thấy còn nguyên tờ 20, ngơ ngác nhìn lên, chị đàn bà ngoe nguẩy bỏ đi không thèm bán!!!  Cô chưng hửng tưởng mình bị tát.  Ok, không cần bán thì tớ cũng không cần mua.  Kể như ra ngõ gặp gái.

Cô lên xe đạp xuôi Westminster , gió lạnh cũng nguôi ngoai mối hận bị mụ bán hàng chanh chua xua đuổi.  Cô lên Brookhurst, đến Giò Chả Thái Bình mua giò thủ.  Ở đây giò thủ pha với giò lụa ăn không mỡ và mềm, họ gọi “phớt thủ,” cô nghĩ bịa, làm gì có chữ đó.  Bãi đậu xe hẹp té, xe ra chỉ ra được nửa bánh, xe vào chỉ vào được cái cản xe, còn xe đang đậu thì loay hoay nửa giờ chưa xê ra được…  Cứ như vậy mà người Việt đi mua sắm Tết.  Bên trong người người chen lấn xếp hàng, bánh chưng mười tám bánh tét mười lăm, giò mười lăm, bánh khảo tròn và dẹp bọc giấy bóng kính đỏ thì mười hai, để cả chồng.  Mua năm cái được tặng một bị ny lông may sẵn dùng để đi chợ cho đỡ phải xài bao nhựa làm tổn thương trái đất !!!  Cô tham cái bao hai đồng nên mua năm cái giò thủ vừa cúng vừa cho cũng đắt hàng tốn hết 90 đồng.  Ra khỏi tiệm còn hả hê mình rất thông minh đã đi xe đạp nên chỗ nào cũng lọt.

Để gói giò vào thùng cột ở yên sau, đạp trên Brookhurst qua Bolsa ghé tiệm Nguyên Hương.  Tiệm này cũng bán giò chả, nhưng cô đến để mua bánh chưng.  Mua bánh chưng ngay tiệm Thái Bình thì đã sao, nhưng có sao.  Bởi bánh chưng thời healthcare awareness chỉ toàn thịt nạc, cho nên dẫu bánh to tướng chỉ tính giá mười tám đồng một cái mà cô vẫn phải vào Nguyên Hương để bị chặt 28 đồng một cái bánh nhỏ hơn.  Bánh chưng Nguyên Hương gói bằng tấm giấy màu hồng loại gói thịt trong các chợ (nhưng là giấy mới sạch sẽ thẳng thớm), và không có góc cạnh vuông vức như những tấm bánh chưng được ép khuôn.  Bánh Nguyên Hương cầm lên có cảm nghĩ được gói bằng tay, và ăn vào cũng cảm thấy như bánh gia đình làm lấy, bởi nếp hơi nhão một tí và không chặt tay như đã bị lèn.  Nhưng đặc biệt nhất (“Michelle má bèo” có thể không vui lòng lắm đâu) là ở chỗ thịt mỡ.  Cắt miếng bánh ra thấy đã, ăn vào càng đã với cảm giác như đang ăn một miếng bánh ngày cũ thuở đã thôi tắm mưa.  Hàng độc chỉ nên mua cho riêng mình, đem biếu vớ vẩn bị mắng chứ chả chơi đâu.

Bây giờ cô xuôi Nam đến Chợ Tam Biên (đúng ra là đi về hướng Tây).  Đây cũng lại là một cái chợ chồm hổm khác không kém phần náo nhiệt.  Anh karaoke năm ngoái ở chợ ABC nay đã dời về khu Bushard Bolsa này để phục vụ đồng hương, đồ nghề vẫn vậy và giọng vẫn ngọt ngào nhưng năm nay anh không cần xin phép nghỉ một chút vì “em mệt góa” nữa, bởi có một tài tử khác thèm hát karaoke quá đã xin hát thế (cho vui thôi, không cạnh tranh).

Cô đang lui cui cột cái xe đạp năm đồng vào một gốc cây chết rét (giẻ rách cũng đỡ nóng tay, nếu rủi có đại ca nào buồn chân mượn đạp thử thì cũng vỡ nợ) bỗng giật bắn người vì một tiếng nói vang lên.

_Mẹ nó định mua gì ở đây?  Khọm, lão khọm.  Cô lật đật quay lưng về phía có tiếng nói, tai vẫn dỏng lên nghe.
_Em định mua vài trăm chả ốc và dăm chục hộp giò sống.
_Mẹ nó định cúng cả nước Mỹ à?
_Thì họ hàng của mình đông, lại ở xa, gửi chút quà Tết cho mỗi nhà một chút gọi là.
_Thế mẹ nó tiện thể gửi luôn cho Obama một xuất gọi là giới thiệu hương vị dân tộc.  Giọng lão dường như hơi chua thì phải.

Cô lui lủi đi vòng ngang qua một chiếc xe truck để lão khỏi thấy mình rồi vào tiệm thuốc Bắc mua hộp sâm cho Má.  Cô lòng vòng lần quần thật lâu xong mới rề rà qua bên Chợ Tam Biên, không thấy bóng dáng lão khọm, cô vội vã bước vào xếp hàng chờ tới phiên mình, chốc chốc lại ngoảnh ra sau xem chừng.  Nếu quên cảnh giác mà bị lão khọm bắt gặp thì còn phiền hơn cả lúc gặp mụ bán hoa ngoe ngoảy khi nãy nữa.  Gặp trai như lão khọm không chắc may gì hơn.  Cô mua mấy hộp cháo lòng, giò sống, và hai hộp sưn sa rồi ra.  Thùng hàng đã đầy, cô chỉ còn có thể mua mấy bó hoa để ở giỏ trước rồi về.  Năm ngoái tham hàng tiếc công cô đã chất hàng Tết đầy giỏ trước giỏ sau và cặp một bó mai vào hông gác lên tay lái rồi đạp xe về, lục đục không ghì được ghi đông lúc quẹo đã chúi nhủi xuống đường, may có anh chàng đang đứng chờ xe bus chụp tay lái giữ cô lại được.  Nghĩ lại vẫn còn sợ, cô tự hứa mai sẽ đi mua tiếp.

Cô dự định đạp xuống khu chợ ABC góc Magnolia Bolsa mua hoa, nhưng ngay góc đường có một “tụ điểm” bán hoa “đột xuất” của một cụ già.  Vài bó huệ, vài bó lay dơn, mươi chậu cúc… Cô đoán cụ này không chừng nhớ Tết nhớ quê nên dở trò buôn bán vặt mong nghe tiếng chào câu hỏi, mong lời qua tiếng lại cho đỡ buồn thiu ngày trống, mong lời lỗ dậy chút lòng đã héo hắt vì tháng năm.  Thì cô cũng xà vào mua bán xem sao.  Cô mua hai bó huệ, một bó lay dơn, và hai chậu cúc nhỏ.  Mấy năm nay không biết mùa màng ra sao mà cúc đại đóa hết đại, và cúc hai mặt ngoài vàng nhũ trong huyết dụ cũng mất tăm. 

Cô đặt hai chậu cúc chen nhau vào giỏ xe, cụ giúp cô cột ba bó hoa thành một đặt chéo ngang giỏ, cuống  gần sát tay lái.   

_Cô lái xe cẩn thận nhá.
_Dạ, cháu cám ơn bác.

Cô đạp xe ra về, lòng phơi phới nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bính:

Hôm nay là Xuân, mai còn Xuân
Rượu uống say rồi nhớ cố nhân…
Năm mới tháng Giêng mùng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân. 

Gió thổi lạnh hai má, lạnh đầu mũi, cô quên chuyện ra ngõ gặp gái, quên luôn dò tìm xem lão khọm mua bán Tết ra sao, bởi cô thấy mình đang chở cả một mùa Xuân. 

Lưu Na
12/09/2015


No comments:

Post a Comment