Saturday, February 20, 2016

GIỰT MÌNH NGÓ LẠI



Lưu Na

                                                      Ký ức xám. Tranh Phạm Ngọc Minh

Rứa em đi mà em chẳng dặn dò
Giựt mình anh ngó lại con đò chơi vơi

Ngà bậm môi cố trèo.  Chỉ còn một khúc ngắn nữa là tới đỉnh, tới lớp mây trắng bồng bềnh, tới làn khí trong nhẹ, tới muôn ánh hào quang hòa quyện ẩn vào bụi không gian.  Đoạn dốc cuối chỉ có vài mấu cây để níu, vài chỗ lồi lõm để đặt chân lấy trớn vươn lên, Ngà mím môi đẩy _ tới, tới, tới…  Thấp thoáng hình ảnh Gia nơi đỉnh, nhạt nhòa ẩn hiện như khiêu khích như gọi mời.  Ngà muốn gọi Gia dừng lại, đến với Ngà, nhưng không thể thốt ra tiếng.  Bao sức lực dồn hết vào hai tay bấu hai chân ghì.  Ngà gồng mình chồm tới.  Tới.  Ngà đã nhẩy được vào giữa đám mây, những tảng khói là là nhẹ như bông và trắng rực rỡ không lướt trôi nữa mà bao bọc lấy Ngà.  Không một âm thanh, không một mùi hương.  Ngà bật tiếng kêu vừa lúc tiếng Gia vang lên bên tai, Ngà, Ngà…  Hai bàn tay Gia bao ghì hai đầu vai, hơi sức Ngà như nước tuôn thoát khỏi bể chứa, Ngà đổ xuống trên mình Gia.  Nhịp tim Ngà dội lên cùng tiếng đập trong lồng ngực Gia, Ngà không khóc mà sao thấy hai giọt nước mắt đã đọng nơi khóe.  Một bàn tay Gia ấp đầu Ngà sát xuống vai, một tay vỗ nhẹ trên lưng rồi từng ngón miết nhẹ dọc theo rãnh xương sống ướt mồ hôi.  Đêm lặng thầm như không hề trôi, hơi thở Ngà đều lại.  Hơi ấm của hai thân thể áp sát dường đã toát hết, chỉ còn lại dính dấp của mồ hôi của chất lỏng, nơi chân tóc nơi trũng ngực nơi sống lưng.

Ngà lật người nằm sát bên Gia, kéo tấm ga sát lên cổ.  Bàn tay Gia nhẹ xoa dọc cánh tay Ngà.  Im lặng.  Im lặng.  Mình không có gì để nói với nhau sao?  Mình không còn gì để nói với nhau sao?  Lâu thật lâu, không biết là bao lâu, khi mắt Ngà đã nặng trĩu, bóng đêm như đã hóa lỏng, Gia nhẹ nhàng ngồi dậy mặc quần áo xỏ giầy.  Xoay người lại, Gia vuốt nhẹ tóc Ngà, vuốt nhẹ má, “Gia về…”  Gia đi rồi Ngà cũng tỉnh cơn buồn ngủ.  Thân thể nhẹ tênh và đầu óc rỗng toang, Ngà chợt thèm câu hát

Just call me angel of the morning angel
Just touch my cheek before you leave me, baby
Just call me angel of the morning angel
Then slowly turn away, I won't beg you to stay

Giọng Juice Newtown dội thầm trong óc, gian phòng mênh mông như mặt biển đen sóng sánh đè nén mọi bí mật của cuộc đời xuống tận cùng thăm thẳm.  Ngà nuốt tiếng mình trong cổ, sợ lời hát của mình sẽ như những bóng thuyền đen mỏng xé rách cái bằn bặt ngàn đời của biển bao la.  Đất trời có bơ vơ như Ngà đang bơ vơ?  Ngoài kia không gian có chuyển động?  Ngà mặc quần áo ra xe.

Xa lộ 22 hướng Đông chập vào xa lộ 55, Ngà lấy hướng Bắc rồi ra ngay con ngõ Chapman đi về hướng núi.  Đường Chapman cũng chấm dứt với một con đường ngoằn ngoèo vô tận.  Ngà rẽ tay mặt, lao xe vào bóng đêm.  Trời đen như mực, chỉ có bảng hướng dẫn và những cọc phân ranh đường phản chiếu ánh đèn xe dẫn lối.  Con đường hẹp và quanh co khúc nối khúc, bóng cây gò đồi như những tấm bìa đen đủ dạng thẫm trên nền trời đêm, Ngà phải hết sức chú ý để không lạc tay lái.  Xe lao tới, cây cỏ vùn vụt chạy lui.  Những khi gió giật cây ngả nghiêng, Ngà thầm sợ mình sẽ bị lật xe, bị hết xăng, bị xe khác tông…  Nhưng không có gì xảy ra, không có gì cả, chỉ có mình Ngà trên đường vắng. 

Hình ảnh Gia lúc giã từ bắt đầu lấn vào suy tưởng.  Ngà đã chẳng nặn ra được giọt nước mắt nào, hơi thở nào để làm Gia bịn rịn.  Gia phải về, bởi lễ giáo gia đình như vậy, chỉ vậy thôi.  Chúng ta vượt qua được đại dương nhưng không thể vượt qua nền nếp cũ đã thành vóc nên hình.  Gia dẫu đã ra đời đi làm kiếm sống nhưng vẫn đưa lương về cho ba, muốn tự mình định đoạt cũng không dám nói, chỉ đành mua xe mới như một cách giữ tiền cho riêng mình.  Có lúc Ngà muốn cười vào mặt Gia, vào sự thiếu thẳng thắn và thiếu quả quyết của Gia nhưng sợ Gia buồn, rồi khi nghĩ xa xôi hơn Ngà lại thấy mình tự mâu thuẫn.  Không phải chính Ngà cũng ngày đêm thèm ước  mái ấm gia đình đó sao?  Không phải Ngà cũng tôn thờ Má như một vị thánh đó sao?

Hoàn cảnh chưa chắc là điều khiến Gia dậm chân tại chỗ.  There'll be no strings to bind your hands, not if my love can't bind your heart…  Thật buồn cười, giữa một quan hệ tha thiết mặn nồng lại có những lấn cấn chẳng liên quan gì với tình yêu.  Gia có lúc buồn bã nói với Ngà “chưa thấy ai nói đến má nhiều như Ngà…”  Hai đứa đã cãi nhau kịch liệt một chuyện không đâu _ Gia cho rằng cha mới là người lèo lái và quản nhiệm gia đình chứ không phải là mẹ như Ngà hằng tuyên xưng.  Tệ hơn nữa là cãi nhau vì ông Nguyễn Hiến Lê!!!!  Ngà thú vị nói ông NHL nghiêm túc như vậy mà lại cưới hai vợ.  Gia cười khẩy sao Ngà tin ba cái chuyện viết lách bịa đặt.  A ha, Gia chẳng những không ghiền đọc sách như Ngà mà còn cho đó là một đam mê vớ vẩn.  Nhưng Ngà biết chưa có ai thương Ngà hơn Gia.  Ngà không cần phải đắn đo suy nghĩ lượng định, niềm yêu của Gia dành cho Ngà bao phủ đất trời này, bao phủ mỗi bước chân Ngà đặt tới, kể từ phút đầu tiên Gia túm được Ngà.

Hôm đó là một ngày mưa phùn mà hội chợ Tết do sinh viên tổ chức vẫn đông.  Ngà mê man nơi gian hàng cắm hoa nghệ thuật, say sưa nơi gian hàng triễn lãm tranh, và rồi chôn chân nơi gian hàng triển lãm hình ảnh Việt Nam Cộng Hòa.  Chiếm ngự ở một góc là những bức hình đen trắng Tết Mậu Thân.  Những khuôn mặt tang thương, những giòng nước mắt khô, những tiếng kêu thống khổ không âm vang… Khăn tang nhiều như đống xương cốt chất chung quanh, mặt đất không còn là mặt đất bởi đã bị đào sâu với biết bao nấm mồ tập thể.  Ngực Ngà thắt lại, Mậu Thân trong trí nhớ Ngà chỉ có lựu đạn cay và hàng rào kẽm gai, sao bây giờ đầy máu khô xương trắng?  Có thật những thứ này đã xảy ra trên một vùng nào đó của đất nước mình?  Ngà bước ra, đứng dưới trời xám ngửa mặt đón những sợi mưa nhè nhẹ bay bay.  Sau làn nước mắt Ngà thấy một cặp mắt tròn xoe chăm chú nhìn mình, và trước khi Ngà kịp dấu mặt, người thanh niên bước tới khẽ kéo tay áo Ngà nói trống không:

_Đằng kia có cà phê nóng, uống một ly không?  Giọng tự nhiên và thân thiện làm Ngà thấy dễ chịu.
_Ok.  Ngà theo Gia đến gian hàng thức uống, và mãi cho đến bây giờ Ngà vẫn ngày đêm được bao bọc với sự chăm chút của Gia. 

Kính xe đã mờ hơi nước, Ngà sực nhớ mình cần thở một chút và thấy lạnh.  Ngà tăng nhiệt độ trong xe.  Đã đến chỗ đường mở rộng thành hai lanes, nơi có một con đường khác cắt ngang, Ngà đã đi được một nửa con đường hằng đi mà vẫn chưa biết tên.  Ngà tự hỏi sao mình chẳng đi thử con đường ngang ấy một lần xem nó dẫn về đâu.  Liều lĩnh hay tò mò, mọi thứ dường chỉ đến một lần với Ngà.  Và còn những thứ không biết vì sao đến với mình, không biết vì sao mình lại bắt đầu, có thực mỗi người chúng ta làm chủ cuộc đời mình?  Như Gia, như Ngà, chúng ta có thực đã quyết định được phận của mỗi người?  

Con đường lại thu hẹp lại.  Lòng đường rộng hẹp mỗi lúc mỗi khác nhưng không khỏi tầm mắt của mình, chỉ với lòng người thì có ai đo được.  Ngà tưởng đến nét mặt của ba Gia khi nghe đến chặng ở đảo của Ngà.  Ông hơi cúi đầu ra trước, cặp kính xệ xuống cánh mũi, hai má xệ theo hai khóe môi mím chặt dẩu ra, cả khuôn mặt như lớp bột chảy nhão xuống.  Chầm chậm, ông bỏ lửng một câu “qua cầu rút ván,” hừ mũi một tiếng rồi thôi.  Cả buổi còn lại không nói thêm lời nào.  Lúc đó Ngà thấy oan ức không biết đâu mà kể, và thầm tội nghiệp cho Gia.  There's no need to take a stand, for it was I who chose to start…  Giờ đây một mình trên đường vắng Ngà hiểu, chính Ngà đã gieo số phận đen đủi cho mối tình của mình, chính Ngà đã dán bùa thiêng yểm chặt nẻo tình duyên.  Nhưng Ngà có thể nào làm khác được không?  Giả như không yêu Hùng Ngà có vẫn gật đầu đi theo để tìm một tương lai?  Bốn năm ở với cộng sản đủ cho Ngà tuyệt vọng, Ngà không dám đoan quyết câu trả lời.  Nhưng cho dẫu lời phán xét của ba Gia đúng, Ngà biết mình không thể nào đi với Hùng cho hết chặng đường.  Những buổi sáng tinh mơ ra đi lăn xả vào một tương lai mở rộng và cái dở chăn của một đêm trên đảo buồn đã khẳng định suy nghĩ của Hùng cũng như chỗ đứng của Ngà trong quan hệ ấy.  Ngà không cam tâm, nhưng trên hết Ngà không còn dám nghĩ tưởng đến chuyện chung đụng _  nếu đôi mắt thảm sầu của Phượng là một ám ảnh không nguôi thì chính cử chỉ của Hùng làm Ngà thấy ghê tởm những quan hệ xác thịt có thể có.  Cho đến khi gặp được Gia.  Gia xúi Ngà ăn thử pizza, Gia vo ống quần bẻ cổ áo cho Ngà.  Gia chở Ngà đi “thám hiểm” những chỗ lạ.  Gia kể mọi thứ chuyện cho Ngà cười.  Gia đố Ngà những câu đố mẹo thách thức trí thông minh.  Gia luôn có mặt bên Ngà trong từng giây phút mọi hoàn cảnh dù Ngà không đòi hỏi.  Vậy mà Gia với Ngà chỉ có thể thầm lén thương nhau.  If we're victims of the night, I won't be blinded by the light. 

Hương lộ đã dẫn đến thành phố El Toro, đường phố rộng rãi thẳng tắp và êm đềm dưới ánh hồng vừa lên.  I see no need to take me home.  I'm old enough to face the dawn.  Ngà quay kính xe xuống cho không khí tràn vào.  Trời chỉ hơi se lạnh và trong mát.  Ngà thẳng đường xuống bãi biển rồi quẹo phải, lái dọc theo bờ biển để về.

Căn phòng lạnh và khô như gian nhà hoang.  Ngả xuống giường, chăn gối còn xô lệch nhưng đã không còn dấu vết nào của người mình thương đứt ruột, Ngà mệt lả _ không biết vì hai giờ lái xe căng thẳng hay vì Ngà đã đuối với một niềm yêu.  Ngà muốn ngủ, bởi trong mơ mình sống một cuộc đời khác không dính líu chi đến khổ đau bịnh hoạn ám ảnh dập vùi.  Ngà muốn ngủ, để không phải loay hoay tìm mãi một câu trả lời không bao giờ có.  Cuộn mình nhắm mắt, đầu óc Ngà vất vưởng nửa nhẹ tênh nửa trĩu nặng.  Sao lạnh dữ vầy nè.  Hình như Ngà đang nằm trên một quan tài đá.  Ô kìa, quan tài đang được từ từ hạ xuống huyệt trong khi Ngà vẫn còn nằm trên mặt áo quan.  Gia, Gia ở đâu, ôi Ngà thương Gia biết bao nhiêu, Ngà cần Gia biết bao nhiêu.  Sao chúng ta phải xa nhau khi tình vẫn níu tình? 


***

Khi Ngà thức dậy trời đã trưa.  Dưng không Ngà muốn về thăm bố mợ.  Ngày Ngà dọn ra thấy mợ tuy cười cười mà long lanh nước mắt, rồi những lần gặp sau này mợ mới nói cho Ngà hay “ông già xếp dọn lại căn phòng xong thì ngồi khóc.”  Anh Huân đã lấy vợ, một người vợ do hai bên cha mẹ giới thiệu, không phải là những “nhỏ” mà anh đã hẹn hò.  Ngà thầm ngạc nhiên, rồi năm tháng qua đi khi ngẫm lại Ngà hiểu cái điều mà người ta vẫn nói _ lấy người mình yêu mới khó chứ lấy vợ thì chuyện thường!!  Ngà ước mình có thể làm vậy. 

Ngà vào nhà, thấy bố có khách (lúc nào cũng có khách!) và ra sau bếp tìm mợ. 

_Ủa, con Ngà, hôm nay mày không đi làm hả con?
_Tuần này con nghỉ, mợ.
_Mợ đang nấu cháo lê ghim cho Tí.

Tí gần 2 tuổi và đã nói sõi.  Nó đang hát véo von những bài hát nghe trong phim hoạt họa mà ông bà cho xem mỗi khi đút cho Tí ăn.  Ngà theo tiếng hát lần lên lầu, thì ra Tí đang ngồi cầu, hay chân ngắn tủn đong đưa, hay bàn tay mũm mĩm đang nối ngón giả dạng con nhện leo tường,  
the Incy Wincy Spider climbed up the water spout, down came the rain and washed the spider out…  Bất chợt Tí gào to:

_Ông chùi điê..ê..điếc!!!
_Ông đang có khách, cô chùi cho Tí nha, Ngà lật đật bước vào phòng tắm, nhưng Tí dãy nãy,
_Ông, ông
_Ông đây, ông đây. 

Ngà ló đầu nhìn xuống, bố đang cười cười “xin lỗi mấy ông chút nhá, để tôi lo cho thằng cháu nội” rồi tất tả chạy lên.  Mới lúc vào nhà Ngà thấy ông còn đang nghiêm trang bàn thảo với mấy ông bạn chuyện làm sao giúp bảo lãnh cựu quân nhân đi theo diện HO, bây giờ ông lính quýnh bỏ ngang chỉ vì thằng cháu hò.  Trong giây phút, cái hình ảnh bố cái đại vương quê kệch trong đầu Ngà bỗng trở nên một chân dung ấm áp, cái tình thương thắm thiết mà ông dành cho Tí làm Ngà thấy ông cao cả vô ngần.  Trước khi vào họp bàn tiếp ông dặn vói:

_Con Ngà, ở chơi chút nữa ăn cơm với bố mợ nghe.

Ngà vào bếp phụ mợ rửa chỗ chén bát trong bồn.  Mợ huyên thuyên kể,

_Thằng Huân tháng sau về đón Tí.
_Ủa,  anh Huân không có nhà?
_Nó mới có việc trên Xăng Hô Dê, mợ bảo cứ lên trên đó đi làm rồi hai vợ chồng lo kiếm chỗ ở xong hãy về đón Tí.
_Bố mợ xa Tí chắc buồn chết.
_Làm sao được con, nó đã có gia đình thì phải để nó thu xếp theo ý nó.  Cứ miễn Huân êm ấm là mợ mừng, đứa nào được yên ấm mợ cũng mừng.  Ngừng một chút, còn thằng Hùng, cái thằng bỏ mẹ ấy đang đòi cưới con Trinh.
_Mợ, Trinh đã học ra trường, cũng biết làm ăn, mợ còn kén chọn gì hơn.

Mợ ngước mắt nhìn Ngà,
_Ừ, con nói vậy thôi mợ cũng an lòng.  Cái chuyện không hợp nhau là duyên số, mợ chỉ muốn vun bồi cho tụi mày mà chưa xong tới đâu đã mỗi đứa mỗi đường nên mợ áy náy với má của con.
_Mợ có lỗi gì đâu mà áy náy, con chỉ sợ bố mợ buồn con bạc lòng.
_Con Ngà mày đừng nói vậy, mợ lúc nào cũng thương mày như con trong nhà.  Im lặng một lúc lâu.  Mà mày cũng phải lo mà lấy chồng để còn sinh con đẻ cái. 

Ngà muốn khóc.  Không còn Gia Ngà có còn dám yêu ai nữa không? 

Bố hội họp đã xong, bế Tí vào bàn ăn ngồi kề ông nội.  Bố vừa ăn vừa đút cho Tí, nhưng ăn thì ít mà hầu hạ cháu thì vô ngần, thấy vậy mợ bảo “tôi ăn xong rồi, ông để tôi.”  Tí lại dãy nảy, “ông, ông,” nhưng rồi vẫn bị bà bế xốc lên và chỉ 2 phút sau đã ngồi yên há miệng đón những muỗng cháo lê ghim một cách ngon lành.  Bố hắng giọng,

_Con ạ, có cái tài liệu này con nên đọc.
_Đâu, bố?
_Đây, bố đưa ra 2 cuốn sách _ Thái Dịch Lý đông A và Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam.  Ông bắt đầu mở máy,
_Bố với nhóm ông Tư đang “học tập” tài liệu này đấy, chỉ cuốn Thái Dịch, đây là một thiên tài con ạ.
_Ổng còn sống không bố, Ngà nghi ngờ hỏi lại.
_Năm 1945 bị bao vây trận Nga My, ông biến mất, năm 1946 có người thấy ông xuất hiện ở đồng bằng Bắc việt.  Con ạ, ông còn sống chờ thời cơ đấy.
_Sao bố không nghĩ là ông đã bị Việt Minh bắt giữ?  Mà còn sống sao ông chả xuất hiện cho đến bây giờ?

Bố cái đại vương khựng lại.  Ngà hối hận sao mình cứ hỏi những câu cắc cớ làm ông mất hứng.  Ngà lật lật Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam.  Tác giả Vô Danh, Tú Quỳnh in lại với sự đồng ý của Văn Nghệ Tiền Phong, không ghi năm tháng.  Giở lại mấy trang đầu, thủ bút và di ngôn của tác giả, lời giới thiệu của Lê Triết _ 1980.  Bố không thấy nó đến tay mình hơi muộn sao?  Ngà đứng tại chỗ, bên bàn bếp, bắt đầu đọc những bài thơ của một người vô danh.  Giữa những lời thơ chửi đảng và “kệ cha bác” Ngà bắt gặp những tiếng u hoài.

Đêm rừng một tiếng chim xa lạ
Một tiếng giày canh bước hụt đà
Người lính đi tuần pin lấp lóa
Trong xà lim tối gã điên la
Ta nằm không động nghe từ tạ
Mảng đời niên thiếu lắng trôi qua
Đau ốm lao tù thui chết cả
Bao búp xanh lòng mới nhú ra

Ngà tưởng nghe tiếng kêu thương của người nông dân chân chất tuổi đôi mươi đương không bị vướng lao tù oan uổng.  Thấp thoáng những tiếng thơ tình mộc mạc xen lẫn tiếng hờn căm bén nhọn…  Thơ không trau chuốt mà tha thiết, không hùng hổ mà khẳng quyết sắc sảo, tác giả là ai?  Bố thấy Ngà chôn chân đứng đọc thơ thì lại gần.

_Cũng là của Lý Đông A đấy con ạ.  Lần này Ngà kịp giữ miệng không hỏi “sao bố biết, sao Lý Đông A không dám ký tên?”

Khi Ngà giã từ, bố còn dẫn Ngà ra ga-ra chỉ những chồng báo mới in, hàng hàng lớp lớp chờ phân phối, như những tờ báo ấy khẳng định rằng bố đã bước được trên con đường giải phóng quê hương.  Ngà đem 2 cuốn sách ra về, lòng ái ngại và thương cho ông Ninh mãi loay hoay đi tìm minh chủ, đi tìm một phương án cho đất nước mình đã phải bỏ ra đi. Đất đã vào tay giặc, người trôi dạt bốn phương, ván đã đóng thuyền còn mong gì tái lập, bố, sao bố chưa nghĩ ra?

Theo đuổi với lý thuyết Duy Dân con đường thật xa vời, nhưng một cách nào đó Ngà lại thấy hơn là bố lao vào cuộc đấu tranh hiện tại.  Mặt trận bây giờ là điều được chú ý nhiều nhất, bài của chiến hữu Võ Hoàng như vương mùi thuốc súng chứ không như loạt thơ văn đấu tranh của thi hữu Hùng Cường - Nhất Quốc Tâm trước đây.  Đâu đâu cũng nghe bàn mặt trận làm Ngà càng thấy hoang mang.  Hình ảnh bà ba đen khăn rằn và cái tên Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam không gợi hứng cho Ngà, chỉ làm Ngà thấy dội.  Ngà nhớ những ngày ở đảo, trại tỵ nạn ăn lông ở lỗ là biết bao công sức của Cao Uỷ Tị Nạn hiệp cùng các tổ chức chính phủ, các nước thứ ba, của các thiện nguyện viên bỏ nơi phố thị văn minh ra đảo hoang phụ người tỵ nạn… Tạo lập một căn cứ một địa điểm cho một công cuộc lâu dài rõ ràng không phải chuyện “có sức người sỏi đá cũng thành cơm,” và thời mê mù ảo tưởng cũng đã qua, đã vỡ.  Cuộc chiến đã chấm dứt, gạo đã thành cơm, bây giờ mấy nước bên biên giới Việt Nam lại chịu cho thuê đất nhà để “kháng chiến quân” làm căn cứ lật đổ chính quyền cộng sản Việt nam?  Lợi là bao so với hại vô vàn?  Ngà thấy hoang mang, thất vọng và buồn, không biết phải nghĩ sao phải hiểu thế nào.  Tận cùng trong tâm khảm, Ngà không muốn thấy một người Việt Nam nào phải cầm lại cây súng.  Bấy nhiêu xương máu chưa đủ lắm sao?  Hết cuộc đời này của Ngà có mong gì thấy được một nước Việt nam thái bình đúng nghĩa?


***

Ngà lại ra tiệm sách, và mỗi lần ra tiệm sách Ngà đều nhớ đến cái vách vô hình giữa Gia với Ngà.  Với Gia đời sống ở trước mặt, ở quanh mình, sao Ngà cứ mãi vùi đầu vào những hàng chữ không đâu.  Có lẽ Gia đúng, rõ ràng Gia đã kéo Ngà ra khỏi căn phòng giá lạnh, ra khỏi nỗi tăm tối buồn phiền của một đứa con gái bơ vơ trên đất lạ, ra khỏi hố thẳm của đời vô nghĩa.  Xa Gia rồi Ngà như rớt lại xuống vực sâu và những ngày tháng bên Gia tựa như Aladin một lần được đứng trên tấm thảm thần chu du thế giới.  Về lại với mảnh đời đơn độc, Ngà càng bị cuốn hút vào sách, với những ý nghĩ những cảm xúc những sự thực mà Ngà chưa bao giờ có cơ hội trải qua.  Chính nơi những hàng chữ mà Ngà được an ủi, biết nỗi khổ đau của mình chỉ là hạt cát sông Hằng, biết một nơi nào đó trên địa cầu này có người mang cùng một niềm đau, biết tất cả những gì xảy ra quanh mình đều chỉ là trăm năm nhân thế.  Sách vở còn mang cho Ngà thêm những nụ cười, những hiểu biết _ túi khôn nhân loại đâu bắt đầu từ giữa trời không?

Ngà tà tà lục lọi trong Tự Lực, mỗi khi tìm được một cuốn sách hứa hẹn Ngà đem ra để nơi mặt quầy kính.  Bà chủ tiệm tươi cười, em cứ thủng thỉnh.  Có một cuốn sách trên tầng cao nhất của kệ sách Ngà không biết làm sao với xuống, dáo dác ngó quanh mình.  Bà chủ hiểu ý, kêu một thanh niên đứng cách Ngà vài bước: “cậu lấy hộ chị cuốn sách cho cô ấy.”  Ngà ra tính tiền, 150 đô, nhưng Ngà chỉ có 80 đô trong túi.  Bà chủ tiệm vẫn cười cười, “em cứ lấy về, mai mốt trả tiền không sao!”  Ngà ghé Tự Lực nhiều đến nỗi không ngượng phải mua thiếu, dù đây chỉ là lần đầu.  Khệ nệ ôm chồng sách, bà chủ lại “cậu giúp cô ấy một tay hộ chị,” anh chàng mắt kính cao gầy vẫn vui vẻ theo Ngà ra xe.  Ngà vào xe định lái đi rồi đổi ý, muốn ghé nhà hàng cách đó vài căn mua một món về nhà ăn cho tiện.

Chưa kịp mở cửa nhà hàng, có tiếng bước gấp sau lưng.  Anh cao gầy mắt kiếng đã đến gần bên.

_Xin lỗi cô, tôi tên Tuấn, cô cho phép tôi mời cô một ly nước hay một chén súp gì đó.  Ngà nhướng mắt, anh lật đật phân bày thêm, tôi đang định vào đây ăn thì  lại tình cờ gặp cô lần nữa, cũng vui vui  nên muốn mời cô một bữa ăn chứ không có ý gì.

Hóa ra gia đình anh là chủ tiệm vải trước ở đường Golden West, và câu chuyện xoay quanh hàng quán bán buôn.  Anh tỏ ra vui tính hồn nhiên, rồi thì cũng xin điện thoại.  Số điện thoại, thì cũng làm gì nhau.  Gia, Gia đã xin được bao nhiêu số điện thoại rồi?  Ngà lại bắt gặp mình ngó lại chuỗi ngày đã qua.  Tình đôi ta cách biệt, tình đôi ta lỡ làng, tình đôi ta mãi hoài… cách ngăn, Ngà lái xe đi miệng lẩm bẩm câu hát trong phim Tiểu Long Nữ do Kiều Nga hát.  Ha, bố cái đại vương cũng còn mê Tiểu Long Nữ chứ nói chi ai.  Ông ngồi dán mắt vào TV, Tí ngồi thu lu trong lòng, trên màn ảnh cô Trần Ngọc Liên kêu thảng thốt “Góa, Góa…,”  đôi mắt ngây thơ to buồn như giữ chặt người xem.  Phim vừa dứt, ông Ninh đã bật lên quặp Tí một bên tay lao ra xe miệng gọi to “tôi đi đổi phim bà ơi.  Ngà thấy thú vị mỗi khi nghĩ đến tính cách của ông Ninh, và rồi một lúc nào đó tự hỏi điều gì gắn bó mình với gia đình ấy khi quan hệ với Hùng đã là nước chảy qua cầu.

Chín giờ sáng, điện thoại reo đánh thức Ngà.  Tiếng Tuấn reo vui:

_Ngà ơi, qua nhà anh Tuấn ăn phở gà, bà vú nấu ngon lắm.
_ Ngà lười, không muốn đi đâu cả.
_Qua đi, anh Tuấn cho Ngà xem cái này hay lắm.  Ngà không biết “cái này hay lắm” có làm mình vỡ nợ, thấy Ngà lặng thinh Tuấn bồi thêm, có cái hình của Ngà!
_Làm sao anh Tuấn có được?
_Vậy mới hay chứ.
_Nghi quá.
_Thì, đây nè, cái hình chụp bạn anh hôm tốt nghiệp trường Long Beach, không biết sao có dính Ngà trong đó.
_Để mai mốt đi, bây giờ em có việc phải làm. 
_Vậy thôi, để khi khác.
_Bye anh Tuấn
_Bye.

Ngà trở dậy sửa soạn lên trường Santa Ana College ghi tên cho mùa học mới.  Giữa tháng 7 là hạn chót ghi danh cho mùa Thu bắt đầu vào tháng 9, Ngà không biết mình có đủ kiên tâm mà đi hết con đường học vấn.  Mùa Hè, mọi thứ tưng bừng rực rỡ tới nỗi chói cả mắt và vô duyên hết đỗi những khi muốn tìm chút mát dịu êm đềm.  Ngà vào bãi đậu xe rồi đi lần về phía building hành chánh.  Có tiếng gọi ơi ới:

_Tỷ, tỷ, tỷ đi đâu vấy! 

Ngà giật mình nhìn về phía âm thanh mới thốt ra, trời đất, thằng Quang.  Nắng 11 giờ sáng thì cũng chưa chói lắm mà nó vận cặp kính đen thùi.  Kinh nhất là tấm áo măng tô có vẻ dầy nặng dài tới gối, mũ dạ và phu la trắng thả dọc theo 2 bên cổ áo.  Không biết đây là “thằng Cường” hay “thằng Lực” của Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải.  Nhìn nó Ngà thấy chân tóc mình rịn mồ hôi, vội vã huơ tay đáp ứng nếu không nó “tỷ” với tê nữa thì…

_Ủa, Quang qua hồi nào sao chị không biết?
_Thì em phải nộp giấy vào trường cho kịp rồi mới về nhà chị.
_Rồi hành lý đã gửi qua chưa?  Thằng Quang cười rộ,
_Có gì mà phải gửi, một thùng sách một sắc áo quần thôi.  Ngà mím môi nghĩ thầm _cái gì nặng nề đều ở trên người cả rồi mà.
_Chị vào ghi danh xong sẽ về, mình gặp nhau sau nha.
_Ok.

Cuộc đời cô quạnh của Ngà sắp tới hồi náo nhiệt!!!


Châu tíu tít chạy vào,

_Chị Ngà, chị Ngà.
_Chuyện gì?
_Thằng Quang tới rồi.
_Biết rồi.
_Ủa, bà gặp nó rồi hả?
_Ừ, nó “tỷ” với tê ầm ĩ ở sân trường Santa Ana.
_Ha ha ha, nó kêu tui muội, muội.. um sùm, tui giả lơ dông tuốt.
_Rồi sao?
_Thì vô cafeteria cũng lại đụng nó thôi.

Cổng gỗ chợt bật tung, thằng Quang tay kéo va li nhỏ trên có cột một thùng sách bước chắc nịch vô nhà.  Sau lưng nó có thêm một cái nùi giẻ to: một con nhỏ mặt đen đúa phong sương đeo cặp kính trong vai quàng bị vải.  Con nhỏ mặc tấm áo nỉ nhẹ lùng bùng, quần vải jean cũng lùng bùng, chỉ có mái tóc dài cột sau lưng là gọn.  Nó nhìn Ngà bằng cặp mắt sắc lẻm, nhưng lời chào hỏi thiệt nhẹ nhàng,

_Chị, chắc là chị không biết em nhưng chị biết chị của em đó.
_Ai vậy bồ?
_Bà Kim đó, Châu xen vào.
_A, mình đâu có biết.  Bồ tên gì?
_Ở nhà gọi em là Ngầu.
_Ngầu gì mà ngầu, thằng Quang cà khịa.
_Thì cứ từ từ rồi sẽ biết.  Con nhỏ thản nhiên trả lời.

Bốn đứa hè nhau đem sách và vali của Quang lên lầu.  Phòng của Ngà ngay sát mé phải cầu thang, phòng của Châu đâu góc với phòng của Ngà, đối diện cầu thang, và cách phòng tắm là phòng của Quang nơi cuối hành lang.  Nhà condominium là nhà chung vách, với những người có gia đình đông đúc có thể là một bất tiện nhưng với hai chị em Ngà thì việc ở sát vách với một ai đó làm Ngà thấy yên tâm dù vẫn biết chưa chắc an toàn hơn, vả, Ngà cũng không đủ tiền mua nhà riêng biệt.  Thêm sự có mặt của Quang, Ngà hy vọng cuộc sống sẽ thêm ít nhiều ấm cúng và cũng đỡ gánh tiền nhà.

Quang tắm rửa xong thì rủ đi ăn, nhưng con Ngầu nói mua thức ăn về nhà ăn thoải mái hơn.  Tụi nó bắt đầu cãi qua cãi lại ăn món gì, thế trận đã thành hình: thằng Quang cà khịa chê tất cả mọi món ăn Châu đề nghị, con Ngầu lắc đầu món nào cũng không ăn được, và Châu tuyên bố dứt khoát “tui kêu món gì tui thích, không ăn thì ráng chịu.”  Thằng Quang hình như cãi cọ chỉ để Châu phùng mang trợn mắt.  Nó cầm chìa khóa đứng lên cười cười “tôi tưởng cô nói ưu tiên cho người mất của _ nghĩa là tôi trả tiền thì tôi được quyết định món gì!  Còn lâu.”  Và Châu ngoe ngoảy ra xe.

Quang và Châu đi rồi Ngà mới có dịp nói chuyện với Ngầu nhiều hơn.

_Em đi vượt biên cùng chuyến với Quang đó chứ, nhưng dì em bên Pháp bảo lãnh nên em qua đó.
_Rồi sao bây giờ ở đây?
_Thì thằng Quang nói cưới em để em được qua đây sống, đời sống ở đây dễ dàng hơn và em có chị Kim nữa.
_Giấy tờ tới đâu rồi?
_Còn lâu chị ơi, bão lãnh di dân kiểu này cầu năm bảy năm.
_Bây giờ bồ làm gì để sống?
_Em làm cho phòng mạch bác sĩ.  Họ trả rẻ lắm, nhưng em chưa có thường trú nên phải làm thôi.  Rảnh thì em đánh máy cho mấy tờ báo.

Hm, coi bộ quen biết nhiều và lanh lắm chứ đâu có khờ, Ngà nghĩ thầm.  Quang và Châu lại ùa vào với thức ăn trên tay và lời cãi cọ đầy không gian.

_Tui đã nói với ông rồi, để tui order chứ ông ăn nói lung tung người ta biết đâu mà làm
_Bộ cô nghĩ tôi không biết tiếng Việt á?
_Nhưng mà ông ăn nói cộc lốc.
_Order thức ăn chứ có tán gái đâu mà phải ngọt ngào.  Thức ăn làm ra đúng món chứ có lộn gì đâu.
_Nhưng ông nói tới nói lui làm tui guê.
_Guê gì mà guê, mình muốn sao thì nói người ta làm vậy.

Ngầu phụ bầy bát đĩa, thằng Quang đặt xâu bia trên bàn,

_Tỷ uống bia?
_Ha ha ha, bà biết hông, nó ra đường cứ muội ơi muội hỡi, ăn mặc thì như FBI, tui quê không biết đâu mà trốn.

Thằng Quang làm thinh khui hai chai bia, con Ngầu lấy ly nhưng Ngà và Quang đồng loạt lắc đầu “khỏi.”  Con Ngầu ấm ức, “không troang nhõa chút nào hết.”  Châu lại cà khịa _ bà này lúc nào cũng “troang nhõa.”  Cả bốn đứa châu đầu vào tấn công mấy đĩa thức ăn, tiếng ly đĩa va chạm, tiếng nhai tiếng cười tiếng chai cụng ly… chỉ thoáng chốc Ngà như thấy lại xóm nhỏ ngày nào đã bỏ ra đi.  Thằng Quang bỏ Texas về đây vì những người cùng xóm.  Con Ngầu bỏ đất Pháp văn hóa thẳm sâu lấy cuộc sống bấp bênh chỗ này để có chị Kim và gặp lại người quen.  Em Châu mới là một kỳ tích.  Nó là con út trong nhà, sinh ra trong lúc gia đình dư dả tiền bạc, lớn lên khi gia đình đã đi qua nỗi khó khăn của những năm đầu sau “giải phóng,” và sống hết tuổi hoa niên trong cái chững chạc đằm thắm đàn bà của má.  Nó không có nhu cầu phải vượt biên, phải rời bỏ gia đình, nhưng nó cũng đã qua đây cho Ngà “có chị có em…”  Năm ngày trên biển, được tàu Mỹ vớt đưa vào Singapore 3 tháng, qua Bataan Philippine 6 tháng học Anh văn, nó đến Mỹ nhẹ như lông ngỗng của Mỵ Châu nhờ làn gió thoảng vượt đại dương.  Cả bọn ồn ào ăn nhậu, Ngà hớp một hớp bia tưởng mình đang ăn lại bữa lẩu năm 18 tuổi.

Nhưng tận đáy lòng Ngà biết, dẫu cả xóm có tụ về ở cạnh nhau thì tất cả vẫn chỉ là những mảng bèo ráng bấu víu vào nhau, không còn bao giờ có một xóm như những xóm đạo của những người Bắc di cư năm xưa.  Đất đã không là đất của mình, đứng trên nó vẫn mãi bồng bềnh như thuyền nhân vừa bước lên mặt đất, Ngà không biết cái chơi vơi này sẽ kéo dài đến bao giờ.  Ngà ngó quanh gian nhà.  Ngày Ngà mua được căn condo này đã nghĩ, rồi mình sẽ đặt bàn thờ bởi từ ngày rời đất quê rời gia đình Ngà hằng mong một ngày được cắm nén nhang tưởng nhớ ông bà; nhưng ngày tháng đã qua đi _ vật dụng cần thiết cho một mái nhà đều đã sắm đầy đủ, Ngà nhận ra mình không đủ can đảm lập cái bàn thờ mong ước ấy.

Ngà mường tượng lại những căn nhà những gia đình Ngà đã ghé qua.  Dẫu không thấy tận mắt Ngà vẫn biết chắc đâu đó dưới mái nhà có một bàn thờ cho dù lương hay giáo.  Có khó gì một bộ tượng, một bộ bài vị, những bức ảnh thờ, một bát chân nhang…  Những thứ ấy nhẹ tênh, nhưng những món nhẹ tênh ấy là cội rễ xâu mình với quá khứ tổ tiên làng mạc tôn giáo, mỗi cái bàn thờ khẳng định người chủ của nó là kẻ kế thừa dĩ vãng đang là một phần của dĩ vãng và sẽ trở thành dĩ vãng.  Ngà không bao giờ ngơi trăn trở, mà khi bắt tay vào việc xếp đặt một chỗ thờ đều thấy mình do dự, đều thấy mình choáng ngợp với cái viễn ảnh mình sẽ sống hết cái đời còn lại ở đất này, mình đành phải đóng cọc bám rễ ở đất này, mình sẽ là công dân của đất nước này.  Không, không thể được.  Chẳng phải vì đây là hãm địa _ đất này là đất lành, là đất dưỡng nuôi, là đất để an cư chứ đâu như đất quê nhà ngày một tàn phai héo rụi.  Nhưng Ngà không cam lòng đoạn lìa cố thổ, không cam lòng mình không còn là dân của quê hương con của mẹ cha – ba má vẫn còn trên dương thế đó thôi.  Hạt gạo quê nhà dẫu vàng hao ố mục nhưng là hạt gạo Ngà nhai chung với mẹ cha anh chị em, đất khô cằn là đất đã tiếp cho Ngà những hơi thở hao gầy những buồn vui ray rứt.  Xa đất nhà rồi Ngà thấy hồn mình mục ruỗng dẫu cơ thể như thân cây đậu thần với mãi tận trời cao.  Ở nơi đây Ngà bước trên một tương lai với những điều nhân bản, nhưng Ngà vẫn âm thầm thấy như trong mạch máu mình sủi những hạt bong bóng phập phồng, vẫn thấy một khoảng trống trong óc, một khúc xương bị rỗng.  Hạt gạo ở đây trắng quá, trắng xót cả mắt.  Miếng tôm rang muối ăn nửa chừng chợt mặn chát và không khí trong nhà chỉ còn mùi thức ăn Tàu nồng nả bám chặt vào tóc tai áo quần.  Ngà với chai bia dốc cạn một hơi, con Ngầu đứng lên mở chai khác.

***

Mười giờ sáng Ngà thức giấc, Châu và Quang đã đi học.  Ngà xuống bếp lấy ly cà phê Châu đã pha sẵn bỏ vào microwave quay một phút.  Cầm ly cà phê nóng Ngà mở cửa ra mảnh vườn bé tị nơi sân trước.  Dọn vào căn condo xong Ngà đã vào Home Depot mua ba gốc hồng loại có hương, màu cam, màu trắng và màu tím lợt, hè hụi đào một buổi để đặt xuống.  Bây giờ hồng đã trổ đầy hoa, trong buổi sáng vắng lặng hương hồng nhẹ thoảng làm Ngà thấy lâng lâng.  Ngà ngồi bệt xuống lối xi măng bên cạnh gốc hồng trắng, đặt ly cà phê xuống bên cạnh và lắng nghe tiếng chim trong lùm cổ thụ nơi bãi cỏ trước nhà.  Phong thủy nói không nên mua nhà có cây to hay cột đèn trước cửa bị lấy mất sinh khí, địa ốc nói trước nhà có cây cao bóng cả rất mát và tạo khung cảnh an hòa.  Phong thủy nói chớ mua nhà cuối ngõ khí cùng, địa ốc rao nhà cul-de-sac yên tịnh và nhiều chỗ đậu xe.  Hình như cái gì của phương Tây cũng đều ngược với phương Đông, ngắn gọn là Tàu, và người Việt thì luôn nêu cao bản sắc nhưng chỉ toàn bản sắc của Tàu!!!

Ngà bật cười vu vơ với ý nghĩ của mình.  Con Ngầu tà tà bước vô.

_Chị.
_Good morning.  Mới sớm mai mà đi đâu vậy?
_Trưa rồi chứ còn sớm gì, mà hôm nay Tuấn tha thiết hẹn mình đi ăn chị có quên không vậy.
_Quên, nhưng thấy bồ thì nhớ liền.  Để tớ đi sửa soạn.

Ngà và Ngầu đến quán El Torito thì anh Tuấn đã đợi sẵn, bên cạnh có một anh bạn.  Anh thấp hơn và trông đậm người, Tuấn tha thiết (cái tên này do lũ 3 đứa Châu Quang Ngầu phán ra, vì anh ta nói chuyện gì cũng rất tha thiết) giới thiệu với hai đứa:

_Đây là bạn anh, cũng tên Tuấn.  Hai cô đây là Ngà và Ngầu, nháy mắt một cái.

Cả bọn vào bàn.  Chọn món cho dễ ăn thích hợp với mọi người, cả lũ đồng ý món bò lúc lắc trên chảo gang quấn với bánh tráng bột bắp dầy và mềm, chấm salsa.  Tuấn đô, Ngà đã thầm cho hắn cái tên ấy vì hắn đô con bắp thịt nở nang như tay lực sĩ khỏe đẹp Arnold Schwarzenegger, có vẻ không tha thiết gì khác hơn chảo gang bốc khói trước mắt.  Hắn ăn uống gọn gàng nhưng rất hào hứng, Ngà ưng như vậy _ bởi đi ăn mà không thích ăn thì chán lây đến người chung quanh.  Có Ngầu, có Tuấn đô, Ngà thoải mái ăn uống không cần phải đẩy phải chặn những ve vuốt của Tuấn tha thiết.  Nhiều lần đi ăn cùng Tuấn Ngà có cảm tưởng mình là bẹ sườn non nướng trên đĩa của anh ta, bởi không lúc nào Tuấn thiếu cử chỉ tha thiết với Ngà, tới mức Ngà tự hỏi mình là ai.

Bữa ăn kết thúc vừa vặn thời gian, không quá dài hay quá gấp.  Từ giã Tuấn đô, Tuấn tha thiết theo Ngà và Ngầu ra xe của hai đứa.  Ngầu ý nhị bước nhanh lên trước, Tuấn nắm cơ hội đi chậm lại cầm tay Ngà quyết liệt:

_Anh thích em, không thích cô đó đâu.  Ngà bật cười,
_Ok, ok.
_Rảnh gọi anh nha, bye.
_Bye.

Ngà lên xe lái đi lòng thầm bâng khuâng.  Không thể lửng lơ mãi hoài, nhưng bao rạo rực thèm muốn ước mơ của tuổi vào yêu dường chạy mất tiêu.  Ngà luôn thèm yêu một ai đó mà hình như tình yêu không thể nhen nhúm.  Những khi đến sát một người là những khi Ngà thấy rõ lòng mình nhất, Ngà với người ta mãi là hai ngọn núi hai giòng sông song song chẳng bao giờ hòa nhập.  Ngà luôn mơ một mái ấm gia đình, nhưng buồn sao Ngà chẳng thể tưởng tượng được mái ấm đó sẽ như thế nào.  Có điều gì bịnh hoạn trong Ngà, như một phần cơ thể đã lặng lẽ ung thối mà mình chưa khám phá ra là bộ phận nào.  Phải chăng những tủi hận khi Gia nói “Ngà không phải là người vợ lý tưởng mà Gia muốn có” đã làm Ngà thui chột?

Những năm tháng ấy Ngà luôn tự nhủ, rằng trong cõi đời này vua chúa cũng như thứ dân không ai có thể thắng duyên phận, rằng nếu có một người chê bỏ mình thì cũng có nhiều người bị mình quay mặt đó thôi, giòng đời quanh co lúc dồn lúc dạt, như bờ sông bên lở bên bồi đâu thể hoài phẳng lặng…  Tủi hận rồi cũng nhạt nhòa _ Ngà đã tự cứu rỗi mình để có thể bước tới mà không mang niềm oán hận.  Gia chỉ còn là một bóng mờ trong cuộc sống.  Nhưng rồi khi đi bên những người bạn trai mới Ngà mới thấy ra cái tình yêu năm cũ ấy vẫn ngự trị trong tâm khảm Ngà như một thiên đường đã mất, như một vũng nước trước sân nhà nay đã cạn khô nhưng vẫn làm nhầy nhụa bước chân mỗi khi ra khỏi cửa. 

Ngà lái xe miết không biết mình đã đến nơi đâu cho đến khi con Ngầu khẽ gọi “chị…”  Ngà ngơ ngác nhìn quanh, đã quá khỏi lối về khá xa, lại phải quanh lại.  Nhưng Ngầu vẫn bình thản, nó có cả một kho thời gian để tiêu xài theo ý muốn.     

_Đi chơi không?    
_Đi đâu?
_Đâu chả được, lại chỗ bạn em tán dóc đi.  Em có hẹn sẽ giao bài.
_Đi thì đi.  Ngà trả lời lòng thầm thấy con Ngầu không ngừng tỏ lộ cuộc sống của nó dưới một màn sương.

Căn mobile home ọp ẹp đầy người.  Đây chị chủ báo lính.  Chị nhướng mắt nhìn Ngà sau cặp kính như 2 đít chai cô ca, ngồi xuống đây em gái, chị vỗ vỗ chỗ ghế sofa trống bên cạnh.  Rít một hơi thuốc, chị ngần ngừ như muốn hỏi Ngà có phiền không, nhưng rồi chị quả quyết rít thêm hơi nữa, cái ngần ngừ tuôn ra theo làn khói.  Đã vào chốn này thì vậy đi.  Chốn này, là chốn tụ họp tán dóc của các tay làm báo.  Làm, nghĩa là trình bày cắt dán bài vở tin tức sao cho vừa trang đủ khổ.  Công việc đó của một nhà thơ mà anh Võ nói “nó xưa là triệu phú ở Việt Nam.”  Còn anh Võ, anh mới là cái chủ đích Ngầu tới nơi đây, là một nhạc sĩ.  Anh cười khằng khặc,

_Anh là đờn sĩ, không phải nhạc sĩ.

Con Ngầu nghiêm và buồn phụ đề:

_Chị đi nhà hàng ăn bây giờ có nghe toàn là nhạc không lời đó không, của ảnh đó.  Để hôm nào em lấy cái băng Thúy Nga chị xem, ổng lên sân khấu chơi bộ vest trắng bảnh lắm đó.

Anh Võ điềm nhiên trước những lời xưng tụng “khiêm tốn kín đáo” ấy.  Cái thản nhiên của anh cho Ngà biết trong thế giới này mọi việc không như bề mặt biểu trưng.  Nhà thơ, nhà triệu phú chuyên “mi” báo cũng phụ họa,

_Trời, cha này giờ giào lắm á.  Chả làm chủ 4 tiệm furnitures. 

Anh Võ vẫn chỉ cười cười.  Anh hắng giọng, để anh kể cho nghe, khách họ thương mình ghê lắm.  Ai nấy im lặng chờ một cuộc vui, Ngà tò mò háo hức.

_Bữa đó mới mười giờ sáng, vừa mở cửa tiệm thì có một bà bước vào.  Anh ra đón khách, cặp này chồng Mỹ vợ Việt.  Bả mặc quần túm đi đôi guốc cao nhọn hoắc, rảo một vòng ngắm ngó.  Bà đi từ ngoài lủi tuốt vô trong, tới một bộ sa lông bả chợt kêu to “hưa ni hưa ni, tết ờ luốc át đít sâu phua.  Oong ly phưa hăng rết pho pits nô téc.  Hừa ni bưa đít, du bưa đít pho me.” 

Anh nói một tràng không vấp váp, cả phòng cười bò, Ngà quệt nước mắt; anh Võ chỉ nhẹ nhàng nhe răng đẩy hàm râu rậm trên mép lên cao _ Chỉ mười lăm phút anh bán được một bộ sofa, buôn bán khi trúng mánh thì vậy đó, chứ khi xui rồi thì rạt gáo.

Anh Võ nhìn Ngà, tới bây giờ anh mới nhìn Ngà, hỏi, “em là sao với con Ngầu?”

_Chỉ ở cùng xóm với em, bạn của chị Kim em đó.
_Đi ăn cái gì không em, anh Võ hỏi.
_Dạ, em phải về đi làm bây giờ, Ngà trả lời.
_Ừ, thôi để khi khác.  Rảnh qua anh chơi, anh ở mé bên kia.  Chỉ căn mobile home đối diện phía bên kia lối lái xe.

Ngà ra về, Ngầu nói còn việc phải bàn, ở lại cùng bọn họ.


***

Ngày Giáng Sinh đã gần kề mà gian nhà vẫn quạnh quẽ.  Châu hỏi sao mình chưa chưng cây Noel, Ngà không biết nói sao.  Cái khoảng trống của đời Ngà trước khi có Gia vốn không nhỏ, nhưng xa Gia rồi khoảng trống cũ cũng bị mất dấu, chỉ còn lại một biển nước trắng xóa nhạt nhòa buồn tênh.  Không có Gia Ngà nhận ra mình không biết sống, không biết tạo niềm vui.  Cả chuỗi đời cũ của Ngà chỉ toàn theo lịnh Má, lúc nào cũng tất bật với cuộc sống khó khăn _ có được phút nào rảnh thì rút vào cái góc nhỏ nhoi của riêng mình mà thầm mộng mơ suy nghĩ.  Ngà chưa một lần được tự do, công khai, làm một điều gì đó cho mình, cho người chung quanh, trong cái bình thường của cuộc sống.  Chuyện duy nhất Ngà biết làm và cũng phải làm trong lén lút là đàn đúm bè bạn, chỉ gói vào chỗ đạp xe qua nhà hỏi bài, tán dóc, mượn truyện… Nơi cuộc sống hoàn toàn độc lập này Ngà phát giác ra mình không biết xã giao, không biết tiếp đãi, và cả cái việc mua sắm chưng nhà trong dịp lễ tết cũng dường quá mức cáng đáng của Ngà.  Nhưng đời sống có chờ đợi ai, dẫu nơi này chỉ có hai chị em thì vẫn là một mái gia đình và cái bổn phận của người lớn vẫn buộc Ngà phải băn khoăn suy nghĩ.

Ngà mở cửa ra garage lôi thùng chứa cây thông giả và những món trang trí nho nhỏ đã cùng Gia tậu năm ngoái năm kia.  Mỗi trái châu lấp lánh như một giọt máu, mỗi vì sao là ước vọng vỡ toang…  Ngà bùi ngùi nhìn kỷ niệm của mình đung đưa đung đưa.  Em Châu về tới, thảy bị sách vở xuống chân tường cạnh lối ra vào.  Nói bao nhiêu vẫn vậy, đóng kệ cho để vẫn không dùng, cho dù nó theo rất sát thời khóa biểu dọn dẹp nhà cửa mà Ngà dán trên tủ lạnh.

_Tối 24 mình ăn Noel nha.  Mày coi mấy đứa bạn tứ cố vô thân đứa nào không có gia đình để về thì rủ nó tới đây với mình.  Kêu luôn thằng John bún riêu (ăn một lúc hai tô, ngửa cổ húp cạn nước).
_Thằng John phải về nhà ba má.
_Ok.

Châu qua ở với Ngà được sáu tháng thì vào trường Santa Ana College, và Ngà nghĩ nó có chừng 78 đứa bạn, con số đều đều tăng mỗi khi ngó lại.  Bạn cũ chỉ lèo tèo, bạn ESL, bạn mới, bạn đảo, bạn vân vân hầu như không thể nhớ hết.  Với bấy nhiêu bè bạn, nó luôn từ chối bốc điện thoại viện lý do đâu có ai rảnh mà kêu tui, và tất cả điện thoại Ngà nhận đều phải chuyển cho nó.  Điên nhất là khi bị nó bán cho những người bạn mà nó không dám chối từ.

Một bữa Ngà về, thấy một ông áo mông ta ghi quần tây đen giày bốt nâu đầu tóc láng mướt ngồi ở phòng khách.

_Xin chào chú ạ.
_Đây là bác Hậu, em quen ở trường ESL
_À đây là chị của Châu phải không.  Hậu đến mời Châu đi ăn, tiện thể mời chị Ngà luôn.
_Dạ, cháu có hẹn trước vì không biết bác ghé, thôi bác cứ đi với chị Ngà
_Dạ, cháu sắp có bạn ghé thăm không đi cùng bác được.

“Hậu” ra về có vẻ buồn.  Ngà chửi con nhỏ một mách.

_Thời buổi này mà đi đi về về Việt Nam thì chỉ có làm ăn với Việt Cộng mới được vậy thôi.
_Bởi dậy, tui đã sợ “Hậu” muốn chết mà “Hậu” còn tới rủ đi ăn.
_Không đi thì thôi sao bán cái cho tao.
_Thì tui không biết nói sao nên đổ qua cho bà.
_Hm.

Dưng không Ngà thấy mình già nua tuổi tác, thấy mình lại phải cáng đáng những chuyện trời ơi từ muôn kiếp trước, như số phận cũng đã vượt biên theo Ngà tới đây.

Có tiếng lách cách nơi cửa.  Con Ngầu rút chìa khóa ra khỏi ổ, bước vào rồi nhẹ nhàng khép cửa. 

_Chị, ông già hỏi chị đó, nói em rủ chị qua chơi, đi ăn.
_Khi nào?
_Bất cứ lúc nào chị muốn.
_Ok, bây giờ rảnh nè.
_Vậy mình đi luôn?
_Gọi ổng trước, để không tới nơi ổng đi vắng lỡ tàu.
_Khỏi, em mới ở chỗ ổng về đây tìm chị, ổng nói sẽ chờ.
_Vậy chờ tớ sửa soạn.
_Trời ơi, đẹp rồi, ghớm cứ làm như đi đóng phim.

Ngà lên lầu thay áo quần rồi vào phòng tắm thoa son phấn.  Con nhỏ thiệt lạ.  Ăn mặc xuề xòa nhưng lại rất tỉ mỉ chi li thái độ với người chung quanh, có vẻ ngu ngơ với chuyện son phấn điểm trang nội trợ nhưng rất sắc bén mau chóng nắm bắt được người đối diện.  Quanh nó lúc nào cũng có một màn sương, nửa che lấp cái vai trò quan trọng của nó với thế giới chung quanh _ toàn là văn nghệ sĩ _ nửa đánh bóng cái mù mờ không rõ ấy.  Nó đi bên Ngà, lúc nào cũng cần mẫn chăm sóc bảo vệ, bảo vệ tới mức như muốn kiểm soát hành động và quan hệ của Ngà với người chung quanh.

Ngà và Ngầu vào căn mobile ọp ẹp của anh Võ, anh đang ngồi đàn.  Hình như lúc nào gặp anh Ngà cũng thấy anh mặc veste nguyên bộ.  Quần áo như thịt đắp lên khuôn xương gầy rạt, cho anh có vóc dáng của người trên dương thế.

_Em.  Tiếng em nửa dịu dàng nửa ân cần
_Anh Võ bữa nay rảnh?
_Bữa nào mà chả rảnh, em.  Chút nữa mình đi ăn xong ghé Tú Quỳnh anh giao cho họ ít dĩa nhạc.
_Nhớ đòi tiền, “ông già” hay cả nể.
_Bà Tú Quỳnh luôn sòng phẳng rộng rãi, con Ngầu mày không cần lo.

Anh Võ cười, hàm râu mép rậm lại nhích lên.  Anh vẫn khảy đàn, như chưa hết cơn thì đồng chưa xuống.  Anh đàn tay trái, nhưng không thay dây đàn nên mỗi khi nhìn anh đàn Ngà cứ thấy như mình bị hóc xương cá.  Anh có vẻ không bị vướng víu gì với chuyện dây đàn bị đổi thứ tự, tiếng đàn vẫn ngọt ngào thong thả.  Anh cất giọng khào khào bắt đầu hát.  Anh gầy như que củi, phơi áo dưới tàn đông…  Anh về như tên hủi, đứng xa em nghìn trùng…

Lục đục cũng phải cả giờ sau mới nhổ rễ được.  Ngà, Ngầu, và anh Võ chưa kịp ra khỏi cửa thì anh Lâm và một ông cao lớn râu ria mắt kiếng lao xao bước vào.

_Cột cờ tụi mình đã dựng xong, giờ tới phiên tụi nó phải lo mà bảo vệ chứ mình đâu thể cáng đáng mãi hoài.
_Bảo vệ cái con c.  Anh Lâm im bặt khi thấy Ngà.  Anh xuống giọng tiếp…  Tụi nó bây giờ đang bấu xấu cái chuyện mày trình bày cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở.
_Làm gì nhau.  Tao không bằng lòng chuyện lập sân chơi giao lưu với bọn trong nước bất kể quan điểm, không rảnh mà giao lưu một chiều, nhưng những lời phản kháng thì phải giúp. 
_Tụi nó đòi cột cuốn sách kéo lê tuần hành phố Bôn sa rồi đốt nữa chứ.  Anh Lâm cười thú vị.
_Mày nhắn với tụi nó, xưa có Tần Thủy Hoàng, sau có Đảng cộng sản Việt Nam đốt sách bỏ tù trí thức.  Bây giờ tụi nó muốn theo gương thì cứ tự nhiên.

Anh Lâm chẳng buồn giới thiệu người bạn của mình.  Thực ra Ngà đến hai căn mobile homes này chỉ lần đầu được Ngầu giới thiệu với anh Võ và những người có mặt hôm ấy như anh Lâm, chị chủ báo, triệu phú layout…  Từ ngày ấy về sau, mỗi lần ghé là một khuôn mặt bất chợt “gặp gỡ dường như chuyện liêu trai, ra đi chẳng hứa một ngày mai…” không ai để ý đến ai, thật dễ chịu.  Ngà gật đầu chào, ông râu ria cũng gầm gừ gật đầu chào lại.  Ngà với Ngầu ra xe của mình đi trước, để anh Võ nói với họ xong sẽ ra sau.

Đến mall, anh Võ vẫn chưa ra.  Ngà đi vòng vòng ngắm nghía các cửa tiệm.  Bất chợt Ngà thấy ông Ninh trong một văn phòng nhỏ nơi góc khuất.  Ngà đứng xế xế nhìn lén vào.  Ông đang ngồi nơi bàn làm việc, vài ông bạn Ngà biết mặt xếp dọn lẩn quẩn chung quanh, trên tường ngự bức hình tổng thống Bush bắt tay bố thật đẹp.  Đã lâu Ngà không về thăm bố mợ, và ông Ninh cũng không còn phải nói với Ngà một băn khoăn suy nghĩ gì.  Ông đã thôi không còn mơ tưởng chuyện lấp biển vá trời sau lần lên DC tìm thăm ông Tư cho rõ “cơ sở” của việc tụ họp anh em làm một điều gì đó nhằm “giải phóng quê hương.”

_Chỉ có hai bố con ông Tư nằm khèo trong căn apartment nhỏ, sớm tối hết ra lại vào mà nào thấy tổ chức đoàn thể anh em gì.  Hóa ra ông chỉ “vận động” mình, tán thối cho mình ra sức làm chuyện châu chấu đá xe.  Bố bảo ông ấy bố thôi, không còn muốn theo đuổi tham gia.

Nhờ vỡ mộng mà bố tìm được cho mình một hướng đi.  Từ cái ga ra của nhà, nơi mợ gói những tấm bánh chưng, nơi ông cột từng chồng báo phân phát những ngày mơ kháng chiến, ông Ninh đã xoay ra đón những gia đình HO mới đến định cư giúp họ ổn định đời sống.  Ông lập Hội tương trợ, giúp lập hồ sơ bảo lãnh diện HO những chiến hữu còn kẹt lại quê nhà, và vận động quyên góp để có tài chánh bảo trợ.  Công việc nơi cái ga ra xập xệ ấy được cơ quan địa phương biết đến và tín nhiệm, ngày càng có thêm nhiều cơ sở chính quyền và người tỵ nạn gom góp giúp sức.  Ông đã tìm được mình và đang thảnh thơi sống cuộc đời hằng mong ước.  Ngà nhìn vào khoảng không gian nhỏ bé nơi văn phòng này thấy sự sống như tỏa ra qua lần cửa kính.  Ngà thấy hãnh diện, thấy mừng, nhưng một nỗi hoang mang cũng len vào lòng và dần chiếm ngự nỗi ấm áp khi nhìn thấy ông Ninh.

Năm đứa con của bố mợ_ những đứa anh em sống chết, “thằng” chồng hụt của Ngà, tất cả đều đã xong bằng cử nhân kỹ sư… và đã lập gia đình xây đắp cuộc sống vững vàng.  Sao Ngà còn đứng nơi đây, lêu bêu như một kẻ giang hồ?

Công việc đã chắc chắn, cuộc sống đã ổn định, Ngà những tưởng mình sẽ tiếp tục cho xong cái mộng ước mà Ngà và mẹ cha đã vất vả ôm ấp - học cho xong mảnh bằng đại học, mà rồi Ngà thấy mình như con thuyền tuột dây dần xa bến.  Ngà không còn hiểu được chính mình, không thể trả lời với mình câu hỏi tại sao.  Ngà lười quá chăng?  Ngà kiêu hãnh quá chăng _ cái kiêu hãnh vô căn cứ làm mình không dám thử một điều gì vì sợ thất bại?  Ngà không còn đều đặn viết thư cho Má dù vẫn ngày đêm nghĩ đến Má.  Má ở xa quá, làm sao Má hiểu được những gì xảy ra chung quanh Ngà.  Ngà đã chấp nhận mình không còn bao giờ có thể gặp lại gia đình, không còn có thể là một người con dân của đất nước.  Ngà biết mình chỉ còn một con đường là sống và chết ở nơi này _ đó không còn là chuyện núi lở sông tan gì.  Chấp nhận, nhưng có nỗi ngao ngán âm thầm khi Ngà nghĩ đến những gì sẽ đạt được: một mảnh bằng một công việc tốt một mái nhà một hôn nhân đùm đề con cái, và một vuông đất cuối đời.  Nếu xem những thành đạt có thể có đó là ý nghĩa chung quyết của cuộc sống, Ngà buồn rầu nghĩ rằng đó thực ra là điều sỉ nhục cho cố gắng của mình, của muôn người đã dùng hết sức mình vượt cơn hồng thủy nơi quê nhà, nơi biển dữ. 

Viễn ảnh một cuộc đời chưa sống mà đã biết nó ra sao làm Ngà hốt hoảng, và cái khác biệt giữa Ngà với ông Ninh cùng những người trong gia đình trở thành một gánh nặng trong tâm hồn.  Hơn lúc nào hết Ngà thèm được đơn sơ bình thường và cũng hơn lúc nào hết Ngà nhận ra cuộc sống rất tầm thường mà thật khôn kham.

Ngà mệt mỏi trở lại tiệm Tú Quỳnh tìm anh Võ.  Anh đứng bên trong đang cười nói với một ông trông từa tựa như anh.  Từa tựa, Ngà chợt choáng váng, thấy như trời đất xoay ngày một nhanh chung quanh mình, biến mọi hình ành mọi con người mọi sự vật nhòe nhoẹt như một bệt màu lộn xộn và Ngà không biết mình là đốm nào vết nào trong cái bệt màu đang vùn vụt quay ấy.  Ngà ra xe bỏ về quên cả việc tìm Ngầu hỏi xem đã gặp anh Võ hay chưa.


Lưu Na
02082016

No comments:

Post a Comment