Điểm dừng
_
Portrait_of_Leopold_Zborowski. Modigliani
Anh đã quen với các chuyến bay.
Những chuyến đi, nhiều khi chỉ được báo trước một giờ, thậm chí nửa
giờ. Cái việc anh chạy lên cầu thang, mở cửa phòng, mở tủ, gấp mấy
bộ quần áo cho vào va-li rồi hấp tấp khóa tủ, khóa cửa, nhón người
đặt chìa khóa lên bệ cửa sổ, chạy trở xuống, chui vào một chiếc ô
tô đợi sẵn, giục người lái xe, cậu tăng tốc đi, cũng đã là việc quá
quen thuộc, như thể đã được lập trình sẵn. Dù có được báo trước
một tuần, vài ngày hay vài giờ, anh cũng vội vã như vậy. Lần nào
cũng đến phút chót anh mới thu xếp được cho mình. Nhiều lần, anh
phải mua thêm chiếc áo lạnh ở một thành phố mùa đông nào đó, rồi
chiếc sơ-mi ngắn tay ở một thành phố nóng bức, chiếc ca-vat cho một
buổi giao tiếp lịch sự. Còn khăn mặt, dầu gội, bàn chải răng và
những thứ đồ dùng lặt vặt thì mỗi lần đi mỗi mua sắm. Nhiều khi anh
đứng ngẩn ra trước đống dao cạo, bàn chải răng đủ màu sắc, đủ cỡ,
đủ nhãn hiệu trên bồn rửa mặt, chẳng biết làm gì cho hết. Cuối
cùng thì, a lê hấp, mời các bác vào chiếc túi ni lon nhỏ, quẳng vào
thùng rác được đặt đầu tòa nhà, dưới một gốc xoài già cỗi, xơ
xác, không hoa, không trái. Rồi lại tiếp tục tha đủ thứ về sau những
chuyến đi khác. Bố khỉ, anh bật cười, nhìn khuôn mặt mình trong gương.
Có vẻ gì ngơ ngẩn trong ánh nhìn. Cha, giá mình là một vĩ nhân thì
mấy thứ của nợ này có giá phải biết. Cái cặp tóc của một quý bà
nào đó đã được trả tới mấy chục ngàn đô, cái tẩu thuốc của quý ông nọ có giá khởi điểm mười
ngàn mà giá chót đã lên tới bảy chục. Nhìn vẻ mãn nguyện trên khuôn
mặt của kẻ vừa thắng cuộc thật tức cười. Ôi thiên hạ, thiên hạ điên
rồ, thiên hạ tội nghiệp. Anh lại bật cười, đưa ngón trỏ sờ nhẹ lên
mi mắt rồi dùng cả bàn tay vuốt dọc theo khuôn mặt, xóa đi một ý
nghĩ vẩn vơ, có mà vĩ nhân cái thứ mình, kẻ suốt ngày chạy cùng
trời cuối đất như ma đuổi. Đôi mắt trong gương nheo nheo nhìn anh, lại
hiện ra vẻ diễu cợt quen thuộc. Stop
here. Nào, chào nhé, anh nói với khuôn mặt trong gương.
Chuyến đi lần này được chuẩn bị kỹ càng
vì mấy người bạn ở Hà Nội gọi điện thoại, ai cũng xuýt xoa kêu
rét, dặn dò nào áo khoác, nào áo len, nào mũ, nào khăn quàng cổ.
Có cô còn dọa, nếu không sẽ hóa thành một tảng băng giữa thủ đô
đấy. Chiếc va-li sẫm màu đã để sẵn gần cửa ra vào. Anh với tay tắt
đèn rồi cúi xuống tìm chiếc tay cầm. Va –li có vẻ nặng. Bóng tối
đã tràn ngập cả căn phòng. Giường tủ bàn ghế chỉ còn là những
hình khối mơ hồ. Anh thở dài. Cuộc sống của anh có vẻ như chỉ là
những mảnh ghép của các chuyến đi. Căn phòng nhỏ này chỉ là một nơi
chốn tạm bợ, gần như không có mấy hơi hướng của người chủ. Vậy mà,
mỗi lần ra đi là mỗi lần anh phải cưỡng chống với ý muốn ở lại.
Anh đã đọc ở đâu đó câu nói thú vị của một nhà thơ Á Căn Đình về
cái ý muốn tự nhiên hướng xuống, cái ý muốn buông xuôi của con
người. Phải, ngay giờ đây, anh thèm biết bao được với tay bật ngọn
đèn cho căn phòng bừng sáng, được cất quần áo vào chiếc tủ nơi góc
phòng, được khóa trái cửa lại, để nguyên quần áo, nằm lăn ra chiếc
giường có tấm drag màu xám nhạt kia.
Thôi,
stop here, anh thầm nói, dừng
lại, chấm dứt. Lúc đầu, anh chỉ nói theo cô giáo dạy tiếng Anh mỗi
khi hết tiết học. Lâu dần, mấy chữ stop
here cứ như đã vận vào cuộc sống của anh vậy. Nó có chút gì
đùa cợt, chút gì cay đắng, chút gì bất lực mà chỉ anh tự hiểu.
Phi
trường đầy nắng. Tại quầy hàng, người ta bày bán rất nhiều xoài.
Anh ghé lại mua một ít cho các đồng sự. Các cô gái Hà Nội ấy có
cách vòi quà rất điệu đà, duyên dáng. Anh không để ý đến ai trong số
họ. Họ cũng vậy, không ai đặc biết để ý đến anh. Giữa anh và họ ,
chỉ có tình cảm của những người cùng làm một công việc, cùng chung
một mối quan tâm. Mà buồn thay, cái mối quan tâm ấy chỉ là những con
số, những con số dài dặc, triền miên trên các trang giấy, các màn
hình. Đôi lần, anh chợt lạnh người khi nhấc máy điện thoại, nghe thấy
một giọng nói trong trẻo cứ nhắc đi nhắc lại những con số. Nhưng cả anh nữa, anh đã chẳng chỉ một
mực nói với cô những con số đó sao.
Anh
không hiểu sao nhiều người cứ loay hoay tìm cho được một chỗ ngồi trên
cửa sổ máy bay. Anh vừa ngồi xuống thì ông già bên cạnh xin đổi chỗ.
Anh đứng dậy, vâng, mời bác. Ông già có vẻ rất hài lòng, xoay lưng
lại, dán mắt vào ô kính tròn nhìn đăm đăm khoảng sân xi-mang trơ trọi
dưới nắng. Thường thì anh không nhìn gì, không đọc gì. Anh cài dây an
toàn rồi khoanh tay, nhắm mắt suốt cả chuyến đi, chẳng nghĩ ngợi
điều gì rõ rệt. Mà liệu người ta có thể nghĩ ngợi điều gì rõ rệt
không nhỉ, anh tự hỏi. Ngay như việc Thuần rời bỏ anh, anh đã
chẳng bao giờ tìm ra nguyên cớ. Lâu
dần, anh không còn giận Thuần, không còn cố suy nghĩ mọi việc cho
rành rẽ, thậm chí, anh tin cô có lý khi nói rằng họ không hợp nhau, không
hạnh phúc bên nhau. Lâu dần, mọi thứ cứ nhòe mờ đi, không còn sắc
cạnh nữa, không còn cứa xát vào lòng người nữa. Thuần đã lấy
chồng, hình như lấy anh của một bạn gái. Hôm nghe tin, anh chỉ hỏi,
thế à. Chiều đó, anh không về thẳng nhà mà ghé lại quán ca-phe quen.
Cái quán nhỏ, vắng vẻ ấy là của hai vợ chồng người em họ. Hai vợ
chồng đi làm về mới dọn hàng. Bốn chiếc bàn gỗ đặt dưới mái hiên,
vài ba chiếc khác đặt ngoài mảnh sân nhỏ. Ngày trước anh đến với
Thuần. Sau này anh đến một mình. Anh thường ngồi chỗ chiếc bàn đặt
bên gốc mít. Cây mít sai lạ lùng. Hình như lúc nào nó cũng đang mùa.
Mỗi lần anh đến, anh lại thấy mấy trái mít lúc lỉu quanh thân cây như
lớn hẳn lên. Vậy mà chưa lần nào anh được ăn mít chín. Nó chỉ chín
khi anh đi vắng. Hai vợ chồng người em rất yêu anh. Ngày trước họ cũng
yêu Thuần. Từ ngày Thuần ra đi, họ không một lần nhắc đến cô. Anh vừa
vui vừa buồn vì cách cư xử của họ. Đôi khi anh muốn nghe họ nhắc đến
Thuần nhưng họ một mực im lặng. Có vẻ như họ đang cố giúp anh đóng
lại vĩnh viễn một cánh cửa. Phải, cánh cưả đã đóng. Tin Thuần lấy
chồng tựa như chiếc then cửa vừa được cài lại.
Chiều
qua anh cũng ghé lại quán. Người em dâu trong bộ đồ hoa sẫm màu mang
ca-phe đến cho anh. Vừa đặt ly xuống bàn cô vừa kêu lên, ôi chao, bác
dạo này mô đen quá. Có thể cô
muốn nói đến chiếc sơ mi nền đen sọc đỏ của anh. Cũng có thể cô chỉ
nói cho có chuyện vậy thôi. Anh mỉm cười nhìn cô, stop here nghe cô, cô bỏ chữ mô
đi thì chính xác đấy.
Anh
lơ mơ trong mớ ý nghĩ lộn xộn, giật mình vì có ai vừa chạm vào tay
và thì thầm một câu gì. Anh mở choàng mắt. Cô chiêu đãi viên nhắc anh
mở bàn để nhận thức ăn. Cô ta mỉm cười. Thuần. Cái cười của Thuần.
Cái mỉm cười nửa vui nửa buồn. Cái mỉm cười bao giờ cũng khiến
lòng anh rộn lên niềm thương cảm vô cớ. Cái cách Thuần khóc cũng lạ
lùng, khóc lặng lẽ, nước mắt ràn rụa mà không một tiếng nấc, không
một lời thổn thức. Rồi cô tự ra khỏi, rửa mặt, chải tóc, nói với
anh, em xin lỗi và mỉm cười. Anh ngẩng nhìn cô gái. Không, đó không
phải là nụ cười của một chiêu đãi viên. Nó không tươi tắn một cách
lạnh lẽo, nó không rạng rỡ một cách vô hồn. Nó báo trước một tiếng
khóc. Anh mỉm cười đáp lễ, đưa tay mở chiếc bàn trên lưng ghế trước,
cám ơn cô. Cô gái hơi cúi người, đặt xuống một khay thức ăn bằng nhựa
trong. Ở góc khay có một lát xoài vàng rực, tươi tắn. Anh muốn một
lần nữa nhìn thấy nụ cười của cô gái, muốn nói với cô một lời gì
nhưng cô đã đẩy xe thức ăn lên mấy hàng ghế trước. Mảnh áo dài màu
hồng bay nhẹ như một chiếc bóng mỏng manh. Stop here. Anh thở dài.
Về
khách sạn, anh đẩy va-li vào góc phòng, khoác áo ấm rồi chạy ra
phố. Bạn anh nhờ chuyển gấp bức thư cho người bạn gái. Anh chàng đẹp
trai, giỏi giang, luôn mặc những bộ cánh đúng mode ấy nhất định chỉ viết thư cho bạn gái bằng giấy
trắng mực đen. Hắn bảo, email
chỉ dùng để giao dịch công việc thôi. Hắn kể, nhà thơ hắn yêu mến,
mặc kệ mọi thứ phương tiện hiện đại, mặc kệ sự cám dỗ của công
nghệ thông tin, khi làm thơ là phải viết trên giấy. Nhà thơ đã nói
rất hay về cảm giác khi nghe thấy tiếng giấy sột soạt, khi nhìn
những con chữ hiện ra nơi ngọn bút, khi mạnh tay xóa bỏ một từ chưa
đạt. Có hôm, vào giớ ăn trưa, hắn đã giảng giải cho anh vì sao thông
tin đầy ắp trên mạng mà người ta vẫn muốn cầm trên tay một cuốn
sách, một tờ báo. Anh vừa nghe hắn vừa nghĩ, cái gã hoạt ngôn này
sẽ khiến cho khối cô nàng phải chết. Khi đưa bức thư cho anh, hắn lại
bảo, một bức thư đưa tận tay sẽ khác một trời một vực với một bức
thư dán tem, gửi qua bưu điện. Nó vừa bí ẩn vừa khẩn thiết vừa ấm
áp.
Thành
phố lập đông đẹp kỳ lạ. Con phố anh đến nhỏ và yên tĩnh. Những cây
bàng chạy dọc theo phố, lá đỏ rực. Anh có phần ngạc nhiên khi thấy
căn nhà anh cần tìm lại là một quán ca-phê. Trong lúc anh phân vân
nhìn lại số nhà thì cánh cửa bật mở. Một cô gái bước đến bên anh,
xin lỗi, anh có phải là bạn của K không ạ. Anh chưa kịp đáp thì cô
gái đã nói tiếp như đoán được ý nghĩ của anh, nhà em rộng, bỏ không
phía trước này phí quá nên cô em dâu xin mở quán này. Anh đáp, không
sao, tôi cũng đã quen với quán cà-phê của các cô em dâu rồi. Cô gái
không hiểu, anh bảo sao ạ. Tỷ số hòa rồi đây, anh nghĩ rồi trả lời
cô, giọng từ tốn, xin lỗi cô, tôi chỉ muốn nói rằng tôi cũng có một
cô em dâu mở quán cà-phê trong đó. Cô gái nhìn anh thật nhanh như để
phỏng đoán một điều gì rồi bước tới bên cửa, nhường lối cho anh, anh
vào đi, quán còn vắng, anh em mình ngồi uống cà-phê cho ấm.
Quán
rất đẹp. Những chiếc bàn vuông, những chiếc ghế tròn màu nâu sẫm,
nổi bật trong căn phòng quét vôi vàng nhạt. Những ngọn đèn tỏa ánh
sáng huyền hoặc qua những chiếc chao đèn đan bằng tre. Ở góc phòng,
một chậu trúc Nhật Bản lặng lẽ xanh.
Mái
tóc dài xõa tự nhiên, chiếc khăn quàng màu đồng thắt hững hờ, khuôn
mặt thanh thoát, đôi mắt một mí linh động, khiến cô có một vẻ tinh
nghịch, thanh thoát, hầu như khác hẳn với bức ảnh mà K cho anh xem.
Cô
đẩy nhẹ ly cà-phê về phía anh, có lẽ em không giống như anh hình dung.
Cũng đáng gờm đây, anh nghĩ nhưng chỉ nói, có khác chút ít. Rồi
không hiểu sao anh lại buột miệng nói tiếp, thật nguy hiểm khi yêu một
ai đó qua ảnh. Cô cười nhẹ, anh gặp sự
cố rồi phải không ạ. Anh không đáp, đưa tay mở hộp đựng đường
bằng thủy tinh. Cô chăm chú nhìn anh, em xin lỗi, em chỉ đùa thôi. Anh
đỏ mặt. Cảm giác bị người khác đọc được suy nghĩ của mình khiến
anh lúng túng. Anh quyết định tự giải vây bằng phương cách đơn giản
nhất. Đó là kinh nghiệm của anh khi thương thảo. Anh nhìn thẳng vào
cô, sự cố ư, nếu có thể gọi như vậy. Cũng không có chi phức tạp,
lớn lao. Tôi sẽ kể cho cô nghe ngay đây. Tôi ra trường thì được điều về
một tỉnh miền núi. Công việc không có gì phải phàn nàn, đời sống
cũng khá dễ chịu nhưng rất buồn. Một cậu bạn thân, thấy cảnh tôi như
vậy bèn mai mối cho tôi một cô bạn.
Cậu ấy gửi cho tôi bức ảnh của cô gái. Trong ảnh, cô ấy đeo một
chiếc kính râm lớn, che tới một phần ba khuôn mặt. Trông cô ấy có vẻ
chi đó rất bí ẩn. Tôi bị hấp dẫn bởi vẻ bí ẩn ấy. Tôi gửi cho cô
ấy bức bưu ảnh phong cảnh nhân ngày 8 tháng 3. Cô ấy gửi thư cám ơn.
Thư đi thư lại một thời gian thì tôi đâm ra quyến luyến cô ấy thật. Tôi
thường tưởng tưởng ra cảnh gặp mặt của hai con người dù chưa gặp mà
đã trở nên thân thiết. Vậy mà khi về thành phố tôi lại lần lữa mãi
mới đến thăm cô ấy. Có thể tôi đã linh cảm điều không hay chăng. Vài
tháng đầu thì vui vẻ, mãn nguyện nhưng chỉ sau đó ít lâu tôi thấy
không ổn. Cô ấy là một phụ nữ sắc sảo, giỏi giang nhưng khá lạnh
lùng. Cô thở ra, vậy là thôi ạ. Anh đáp, vâng, là thôi. Thú thực là
tôi hơi sợ. Cô ấy khác với hình dung của tôi quá. Sau đó tôi cũng quen
một người khác, gặp trực tiếp
khi tụ hội bạn bè. Tôi nghĩ cô ấy hợp với tôi nhưng cô ấy không nghĩ
vậy. Cô ấy mới đi lấy chồng rồi.
Anh
đập khẽ hai bàn tay xuống mặt bàn, nói lớn như để kết luận, vậy
là, không phải chỉ yêu qua ảnh mới có sự
cố. Anh nghĩ cô sẽ cười nhưng cô lại im lặng, cúi nhìn đăm đăm một
điểm nào đó dưới sàn nhà lát gạch nâu. Anh bối rối xoa xoa mấy ngón
tay lên trán, có lẽ mình đã sai khi xử lý tình huống đặc biệt này.
Thôi, stop here được rồi.
Cô
gái chợt ngẩng lên, hất mớ tóc lòa xòa nơi trán, giọng bình thản,
không sao đâu anh. Thỉnh thoảng em vẫn vậy. Im lặng thật lâu rồi đến
khi nói thì lại như kẻ lên đồng. Mà đôi khi, với một người lạ lại dễ
trò chuyện hơn. Anh ngạc nhiên nhìn cô, không hiểu vừa xảy ra điều gì.
Cô bỏ một viên đường vào ly cà-phê của anh, giọng như dỗ dành, có thể,
một lúc nào đó, em sẽ kể hết các sự
cố của em cho anh đấy. Nghe đến hai tiếng sự cố anh mới nhớ tới bức thư. Anh rút bức thư từ túi áo
khoác trao cho cô. Cô đặt bức thư xuống mặt bàn, em công bố với anh sự cố đầu tiên đây. Trong lúc anh
còn bay lơ lửng trên trời thì em và K đã có một cuộc trò chuyện qua
điện thoại dưới mặt đất. Mà một cuộc điện thoại thì hiển nhiên là
còn trực tiếp hơn cả những dòng chữ viết tay. Vì vậy, bức thư không
còn là một bí mật nữa và tính chất khẩn cũng đã bị loại bỏ. Anh
uống cà-phê đi, em sẽ đọc sau.
Chiếc
thìa inox tuột khỏi tay anh, rơi xuống
nền đá. Anh nghe tiếng cạch khô khan cùng với tiếng chuông điện thoại
ở đâu đó. Cô xin lỗi rồi đứng dậy đi vào phòng trong. Anh nghĩ cô đi
lấy một chiếc thìa khác nhưng rất lâu sau cô mới quay trở lại với
mái tóc đã được búi gọn. Gương mặt cô thoáng chút bối rối, K gọi
điện hỏi anh đã đến chưa và…cô ngập ngừng, nếu anh còn ở đây thì
phiền anh giữ lại lá thư giúp anh ấy. Anh chưa kịp phản ứng thì cô
đã nói tiếp, giọng hơi lạc đi, anh thấy không, sự chậm trễ đôi khi
cũng thật có ích. Cô cầm bức thư, nhìn qua nét chữ ngoài phong bì
rồi đưa lại cho anh, anh đừng căng thẳng như cầm một quả bom thế. Mà
nếu nó là bom thì ngòi nổ cũng đã được tháo ra rồi.
Một
sự cố kinh hoàng, ngoài sức
tưởng tượng, anh nghĩ và đứng dậy, tôi đã hoàn tất phần việc được
giao, tôi xin phép. Cô cũng đứng dậy theo, không có ý mời anh nán lại.
Khi
trở ra anh mới nhận thấy quán đã đầy khách. Anh không hiểu sao lại
có thể có một đám đông lặng lẽ đến vậy, cứ như họ cố tình im lặng
để lắng nghe câu chuyện của hai người. Một lần nữa, cô đoán được ý
nghĩ của anh, không sao, anh đừng ngại, họ vẫn luôn luôn lặng lẽ như
vậy. Họ không quan tâm đến ai khác ngoài họ với nhau. Đối với họ,
chúng ta chỉ là những người bên
cạnh. Đôi khi em nhìn họ rồi nghĩ, nếu có một điều nguy cấp xảy
ra, một đám cháy chẳng hạn, không biết họ có rời chỗ của họ không nữa.
Đó gọi là gì nhỉ. Cô khẽ đập tay lên trán, phong cách, vâng, phong
cách của cái quán này. Ai muốn vui vẻ, ồn ào thì đến các quán
khác. Có hàng chục quán cà-phê trong con phố nhỏ này.
Anh
bước qua cánh cửa với ý nghĩ mình vừa rời xa một nơi chốn khác
thường.
Gió
lạnh, phố thưa vắng, lá khô lăn trên mặt đường. Anh thu tay vào túi,
giật mình khi chạm vào bức thư, anh ngoảnh lại. Cô gái vẫn đứng nơi
cửa, đầu hơi cúi xuống. Anh nghĩ, mọi điều không nhẹ nhõm, dễ chịu
như cái cách mà cô biểu hiện trong suốt cả buổi tối. Anh muốn trở
lại, muốn nói với cô một lời từ biệt khác nhưng đúng lúc anh dợm
quay gót, cô xoay mình và mất hút sau cánh cửa. Ngọn đèn trên tấm
bảng hiệu vàng rực lên trong giây lát.
SG 2007
Ý Nhi
No comments:
Post a Comment