Nguyễn
Xuân Thiệp
Sài Gòn… Tôi yêu
thành phố ấy. Nơi ngày xưa có phố xá tấp nập đông vui với những chàng trai cô gái
đi ăn kem bát phố bình yên thanh thản. Nơi có những quán sách quán cà phê trí
thức, lãng mạn. Những trường Luật, trường Văn Khoa. Nơi những hàng cây xanh bóng
mát vút cao làm đẹp bầu trời thành phố và cho hồn người mơ mộng.
Vậy mà… Những ngày vừa qua, trên các trang
mạng xã hội Việt Nam cũng như trên báo chí bùng lên dư luận khóc thương tiếc nuối
hàng chục cây trăm tuổi sừng sững qua bao thế kỷ nay bị chặt đốn cũng như các
thương xá bị đập phá, dẹp bỏ nhường chỗ cho việc xây dựng nhà ga đường xe điện
ngầm giữa lòng thành phố.
Tin
cho biết: Chỉ nội trong ba
ngày, đã có đến 57 cây trăm tuổi trước Nhà hát thành phố Sài Gòn bị đốn chặt.
Đây là hàng cây cổ thụ mọc dài trên đường Lê Lợi của thành phố Sài Gòn, trong
đó có 39 cây dầu, sao đen, bò cạp… Việc đốn hạ những hàng cây cổ thụ trăm
tuổi đã làm biến mất mảng xanh của trung tâm Sài Gòn. Rất nhiều cư dân Sài Gòn
nói “…Sài Gòn nay không còn xanh, và hàng liễu ở khu vực trung tâm cũng đã
không còn rủ bóng…”. “người ta chỉ mất vài năm để xây một tòa nhà cao vài chục
tầng, nhưng mất cả trăm năm để trồng những cây cổ thụ mang tính biểu tượng của
một thành phố.” Trong bài “Vẫn
nhớ về cây xanh thành phố” nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu sau khi nhìn phố bỗng
dưng trơ trọi; bất lực nghe tiếng kêu cứu trong mỗi nhánh cây gãy, đã đau xót
nhận ra mấy công trình tráng lệ “chưa biết đẹp ở đâu (và có đẹp không?) nhưng một
phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn đã vĩnh viễn ra đi”. Nguyễn Thị Hậu viết: “Đối với
tôi và nhiều người, những hàng cây cổ thụ ở Hà Nội, Sài Gòn không chỉ là cây
xanh, mà còn là kỷ niệm, ký ức, là nỗi nhớ là hồn vía của đô thị, nơi nhiều người
từng sống, đang sống và đến đây kiếm sống! Sống lâu ở đô thị, mỗi hàng cây mỗi
góc phố mỗi căn nhà đường phố trở nên thân quen, nó mang lại cảm giác bình yên
của một đô thị “đáng sống”, dù cuộc sống vẫn còn quá nhiều bề bộn… Chiều nay đi
qua đầu đường Lê Lợi trông thấy cảnh những cây cổ thụ bị cưa ngọn cưa thân một
cách vội vã, lạnh lùng… Nhìn phố trơ trọi… bỗng ứa nước mắt.” Đạo diễn Việt Linh hiện ở Paris cũng bày
tỏ cảm xúc: “Ừ
thì cuộc tàn hạ thiên nhiên là để đổi ga metro hiện đại. Nhưng ga thì dù hiện đại
vẫn là cái... bến xe, mà những đặc tính xô bồ - dù nhiều hay ít - của nó chắc
chắn sẽ làm tổn thương nét thanh tao, nền nã lâu nay của trái tim thành phố.
Cái giá tiêu hoại mỹ quan phải trả ở tương lai là rất lớn, khó cứu chữa. Có
lẽ không ở đâu người dân phải liên tục kêu rên sự đập phá vô tâm như ở đây. Và
có lẽ, do sự kêu rên đó mà những hàng cây kiêu hãnh bị đánh úp. Cây trách Sài
Gòn nông bạc, nhưng cây biết người Sài Gòn cũng thảng thốt, bàng hoàng!” Và đạo
diễn Việt Linh đưa ra nhận xét: “Người ta hứa sẽ tái hiện không gian xanh,
nhưng, như kinh nghiệm nhãn tiền: công viên Chi Lăng - không phải xanh của cây
mà của... kiểng trang hoàng - không phải cho dân. Người có trách nhiệm nói, những
cây bị chặt không quý, nhưng sống trăm năm thì cây hết là gỗ. Thành phố nhân
văn phải xanh. Xanh của cây chứ không phải của kiểng leo khoeo, dễ dãi, nhôm
nhoam. Tôi muốn khóc khi đọc câu này của Nguyễn Thị Hậu: “Hay là thôi, Sài Gòn
cứ là của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, chẳng cần phải
là Sài Gòn của bao người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn mỗi
ngày...” Tôi cũng suýt khóc khi đọc câu “Ít có ai chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc
chia ly như vậy” trong bài “Sài Gòn run rẩy trong tiếng máy cưa” của nhạc sĩ Tuấn
Khanh. Chia ly, anh đã dùng chữ thật hay để thấy hồn cây níu quấn hồn người -
không phải những người đến - đi, lên - xuống, mà những người đang yêu tha thiết
Sài Gòn. Quá muộn để cứu cây, nhưng hoàn toàn không muộn để khóc và khuyến
cáo. Khi Sài Gòn cứ còn của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống,
thì những người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn sẽ còn
khóc chia ly...”
Huy Vespa cũng ghi nhận trên trang web của
mình: “Những ngày này, Saigon đang đau đớn trong cuộc đại phẫu cưỡng ép, những
ngày “đường êm quên tên vẫn nhớ” bị dày xéo bởi những cào cấu, biến tất cả
thành hoang tàn từ những “kẻ đến sau” cố ra sức “làm cho, cho hại, cho tàn, cho
cân”… tôi không còn chạy xe ngang qua khu trung tâm, tôi không còn muốn “tám phố”
mỗi “sáng chủ nhật trời trong” với một lời hẹn “lên Saigon”, tôi hết còn “đi rất
chậm buổi chiều” khi phải vòng tránh qua những đống xà bần ngổn ngang và những
khoảng đất trơ trọi như minh chứng quyết liệt cho sự tàn bạo tẩy xóa, cho sự cướp
trắng “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa …” tôi thấy như mình đang “đi lạc
vào những phía không đường về”.
Saigon rồi còn gì đây ngoài những cao ốc vô
hồn, những địa chỉ chỉ là những con số trơ trẽn… Đập hay giữ, cải tạo hay san bằng,
người ta tranh luận nhau bằng cảm tính, bằng lý tính đã nhiều …Tôi chỉ muốn hỏi,
mất đi một tòa nhà mang trong lòng nhiều ký ức và bản thân nó cũng đã trở thành
ký ức của nhiều người (và trước đó còn là truất phế Eden, nát tan Xuân Thu, bức
tử Chi Lăng… và những ngày sắp tới sẽ là một cưỡng bức mới mà nạn nhân – “người
di tản buồn” lần này chính là bức tượng thánh tổ truyền tin của quân lực VNCH -
Trần Nguyên Hãn … ) phải chăng sẽ là (những) hổ thẹn (nữa) cho thành phố mất
tên này, sẽ là một hối tiếc bất khả vãn hồi để rồi trên linh hồn vất vưởng của
Saigon, người ta sẽ chỉ còn biết “im lặng thở dài” vì tất cả cuối cùng gì cũng
sẽ là muộn màng cho một lần cứu vớt?
Những ngày này, nhìn đâu, nghe đâu, đọc
đâu... tôi cũng mường tượng đó là lời ai điếu cho những tàn rữa cuối cùng …
“Mùi lá ải nào
thơm quanh đây
Lời khấn nguyện
làm run chân ai
Vườn cỏ hoa xác
xơ dế buồn kêu bầy
Đời vắng tanh
như chẳng ai
Dám mong chờ ai
nữa
Thôi nước mắt
xin đừng rơi
Thôi gió rét xin
ngừng lay
Cho ngày về đã tả
tơi này
Còn một niềm tin
cuối đường đắng cay..” (Nguyễn Đình Toàn)
Đã tả
tơi, đã đắng cay… nhưng rồi, cũng từ văn chương của 20 năm miền tự do, tôi biết
rằng, hồn phách của Saigon còn mãi đây, còn hoài hoài. Bởi có tập đoàn nào,
chuyên chính nào có thể xâu xé một lần nữa những “hồn là tình anh”, những ký ức
đã thành văn, thành thơ … của mảnh đất bùng-binh-đèn-màu-phô-sắc, mảnh đất “nắng
vàng xoài, mưa xanh vú sữa / Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê”, mảnh đất “nắng
thi ca, cả mưa tiểu thuyết“/”tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm …”
Và họ bắt ngưng được chăng những cơn mưa
trưa nồng mùi đất, những “giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người hoài
trinh…” Họ rào chắn được chăng “nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do”, họ bức tử
được chăng “nắng rọi trong đầu những trắng bao la/ còn đôi mắt tôi ở nhà bè Gia
Định/ ở ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi” …
Saigon đã hóa thân thành những kỉ niệm,
thành mưa, thành nắng, thành ngõ nhỏ, đường đông, thành bước chân, thành ánh mắt,
thành câu vọng cổ, thành bản nhạc mùi…
Và trong 1 sự yếu thế (biết sao được, trước
những chiêu bài của thế lực) đành phải ngậm ngùi “Chúng ta chỉ còn mãi mãi những
gì đã mất đi vĩnh viễn..” (Mai Thảo)
Saigon đang cất tiếng trong những im lặng dữ
dội!...
Hãy nghiêng đời xuống, hãy lắng nghe trong
từng va chạm với mảnh đất này...Đi cho sâu ngõ nhỏ bềnh bồng mây bông giấy Tân
Định, bước cho tận cùng “đêm khuya ngõ sâu như không màu” Đakao, nghe cho rõ tiếng
gõ xe mì dạo Phú Lâm, bước cho vang tiếng guốc vỉa hè Tự Do , gọi cho to kinh
koong của chiếc xích lô Đồn Đất , im cho tròn tiếng lá rụng hè đường Nguyễn Du,
ngửi cho đầy hồn me xơ xác Gia Long, nếm cho trọn ly chè Đèn Năm Ngọn, nghe cho
thấm một bài vọng cổ khu Vườn Chuối, chạm cho ngất ngây giọt mưa bến Bạch Đằng,
đi cho hết một đêm hoang vu Chợ Lớn, ngắm cho say mềm tà áo Trưng Vương, thắp
cháy kỳ cùng nén nhang Lăng Ông ... , đó là tiếng nói của im lặng ... của một
Saigon đằm thắm giấu mình trong những xô bồ và sáng lòa trên những nát tan.
....đó là những căm bặt dữ dội nhưng cũng rất dịu dàng...mà Saigon đang mang
trong lòng, đó là những lời im lặng..đa ngôn, im lặng để lắng nghe, im lặng để
nhìn lại...
"Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi/
Hãy im lặng đến thời lên tiếng/ Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời" (Duyên
Anh)
Saigon, Saigon, Saigon…"Tiếng động nào
gõ nhịp khôn nguôi", tiếng động nào thôi thúc được gọi lên trìu mến, mãi
mãi, không ngừng! (huyvespa@gmail.com)
Ôi, những hàng cây xanh của Sài Gòn. Tôi muốn
viết cả trăm bài thơ chia tay những hàng cây ấy. Và tôi mơ… Những bài thơ sẽ được
viết trên những cánh diều thả bay khắp bầu trời thành phố Sài Gòn. Như một lần
tiễn đưa những vẻ đẹp không bao giờ trở lại.
Viết thêm sau khi đọc lại: Nỗi nhớ những hàng
cây của Sài Gòn lại có dịp bùng lên khi mới ngày hôm qua đây bạn Hải Phương ở
San Jose gởi cho một cái video clip có nhan đề Sài Gòn Của Tôi. A, đây là công trình thơ nhạc và hình ảnh đặc sắc của
anh bạn Ian Bùi tức Nghĩa ở Dallas này. Nhiều người, rất nhiều người đã cảm động
muốn rơi nước mắt khi xem Sài Gòn Của Tôi.
Nguyễn cũng xúc động rưng rưng khi xem lại và nghe từng nốt nhạc rơi rơi trên
những hàng cây trên phố Duy Tân, Công Lý, Lê Lợi, Tự Do, nhà thờ Đức Bà… Ôi những
hàng cây xanh một thời trẻ tuổi của tôi.
NXT
Thân
ái mời các bạn vào link sau đây để nghe và xem Sài Gòn Của Tôi:
Tiếc khi sắp tới phải chứng kiến sự thay đổi rất lớn của một Sài Gòn đã quen thuộc.
ReplyDeleteKeyword: thiết bị âm thanh Soundking