Friday, November 10, 2017

THÁNG BẢY. KHÔNG CÓ MÂY TRÊN THÀNH PHỐ LOS ANGELES


Nguyễn Mạnh Trinh

Lê Uyên Phương. Đinh Cường vẽ

Lê Uyên PhươngTháng bảy. Không có mây trên thành phố Los Angeles. Có phải vậy không ? Chàng nhạc sĩ "ôm đàn đến giữa đời" đã ra đi từ mấy năm trước. Có sợi mây trắng nào bay về một thành phố sương mù thuở nào buổi trưa hôm nay? như câu hát với tiếng đàn tây ban cầm độc đáo vẫn còn văng vẳng trong trí nhớ. Người đi, nhưng vẫn còn để lại trong nhiều người những kỷ niệm của riêng nhưng đã thành chung mang của những chàng trai thời ấy. Thuở đầu đời mới biết yêu và biết mê tình nhân.. thuở đã nghe đến mê man những tình khúc có đời sống dài hơn cả đời người nhạc sĩ sáng tác ra nó...

Một cuốn tùy bút, viết về một thành phố đã xa từ một thành phố ở gần. Thành phố Thiên Thần Los Angeles, thành phố mà theo tác giả không bao giờ có mây lại là một nơi chốn để gợi nhớ và tưởng niệm về một thành phố nhỏ ở bên kia đại dương xa vời mà gần gũi, thành phố của những sương mù đầy đặc buổi sáng, thành phố Đà lạt.
Có phải, cuốn sách ấy mở ra những kỷ niệm của quá khứ nhưng đóng lại bằng tương lai, bằng những giấc mơ? Chàng nhạc sĩ viết: ".. Tôi đã viết rất nhiều tình ca và tôi yêu tất cả những bài tình ca đã từng có trên trái đất này, nó như những dòng nước trong, nó chính là hy vọng của chúng ta, nó chính là ước mơ của chúng ta trong cuộc sống.."
Làm người cất tiếng hát giữa đời, làm con chim hót giữa mát lành bình minh, ơi giấc mơ giản dị mà tinh khiết của một linh hồn trong veo như hạt sương trên lá cỏ. Thế mà chỉ trong một phút giây hoan ca mà có khi thành cả một đời người.

Giấc mơ như khởi đầu bằng những bản tình ca và như cũng chấm dứt bằng những khoảng lặng của một trường khúc muôn thuở ? những bản tình ca lạ lùng, của những giây phút thổn thức rung động tột cùng của thân xác lẫn linh hồn, của những chất ngất đam mê nhưng lại cũng buốt cứng những nỗi niềm mênh mông của tuổi trẻ khi đang đi vào một cuộc chiến tàn khốc. Tình ca, là những khúc chim khuyên, của ước vọng đầu đời nhưng cũng là tiếng chim chiều chán nản lạc đàn đi tìm tổ ấm. Ngôn ngữ ấy, dòng nhạc ấy, vẳng lên từ trong tâm thất của dòng máu trở về, của tiếng nghẹn ngào của thanh xuân vừa ló dạng đã biến đi...

Tự nhiên, khi nghe nhạc Lê Uyên Phương, tôi lại nhớ về Đà lạt. Thành phố ấy, những giấc mơ thanh xuân, những ước vọng tuổi trẻ. Tôi tưởng tượng như khi mình đang sống giữa thành phố sương mù. Con đường rào rạt tiếng thông reo của những bình minh vừa ửng hồng. Giữa cái trong veo của thiên nhiên, thấy lòng trải ra những kỷ niệm. Xuống con dốc, qua chợ Hòa Bình, đến thung lũng thấp hơn, khu Hồ Xuân Hương, bến xe. Leo lên con dốc nữa, Nhà thờ Con gà. Những cảnh gợi nhớ đến người, có lẽ hoài hoài trong trí nhớ...
Thành phố ấy, là nơi Lê Uyên Phương viết những bản nhạc đầu tiên "Khi loài thú xa nhau". Lúc tuổi trẻ, nhạc có nét hoang sơ của những lũng vắng, của mùi mật cỏ, của vị da thịt người tình. Bằng âm nhạc, bằng ngôn ngữ, là những bước chân khám phá giây phút linh thiêng lạ lùng của bà Evà cắn miếng táo cấm đầu tiên. Nhiều người phê phán sự ví von. Tại sao lại hạ thấp vị trí của con người như vậy. Nhưng phần đông, nhất là giới trẻ, lại ưa thích nồng nhiệt những bài hát mang cái tâm tư khắc khoải cùng những ước vọng, những đam mê rất thường, rất người. Những bài hát có một lúc đã thành một hiện tượng âm nhạc...

Nghe nhạc Lê Uyên Phương, những lúc buồn hay những khi vui, vẫn là một nhịp của trái tim hối hả. Tình yêu, khó mường tượng. Có lúc, là mượt mà da thịt của người nữ, gợi cảm, mời gọi. Nó gợi nhớ đến những giọt mồ hôi lóng lánh trên làn da mướt lông măng. Nhưng, cũng có lúc, là những cánh chim đơn lẻ chíu chít trên con phố sương mù, của bâng khuâng thoảng đến trong tâm thức. Khi yêu nhau, bóng với hình lẫn lộn, thực lẫn mộng chỉ có tấc gang và bất hạnh cùng hạnh phúc kề cận nhau trong niềm nhòa nhạt của cuộc sống. Nghe nhạc Lê Uyên Phương, trái tim trẻ hoài, trẻ mãi... 
Khi tuổi đã lớn, ngẫm nghĩ từ ca từ, lắng nghe từng nốt nhạc, vẫn tìm thấy nhiều điều kỳ thú, mới lạ. Nhịp đập trái tim có khác với suy tư của lý trí? Hay xúc cảm có nhiều ngã rẽ, nhiều bước ngoặt. Từ trước, có nhiều người tìm hiểu và định nghĩa tình yêu. Và, hình như, đều có chung những kết luận không đầy đủ. Một sự bất lực của lý trí để giải nghĩa cho cảm xúc của con tim.
Cách nay hơn ba chục năm, năm 1973 ở Đà lạt, Lê Uyên Phương đã viết những lời nhạc trong "Cất Tiếng Hát Giữa Đời":

"Hãy thử hỏi lại, ta còn lại gì
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Là một bầu trời xanh
Là mối tình lành
Hay nhẹ nhàng nuối tiếc
Hãy thử hỏi lại
Ta còn lại gì
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Là cơn mưa đầu mùa
Là câu hát vu vơ
Hay một giây tuyệt vọng..."

Trong tập nhạc thưở ấy, "Con người, Một sinh vật nhân tạo", nhạc sĩ đặt nhiều câu hỏi. Tùy mỗi người, câu trả lời sẽ dễ dàng hay khó khăn theo từng cá nhân cảm nhận. Với mọi người, câu trả lời đi gần với lý lẽ tự nhiên, kiểu như"cuộc đời nó như thế, như vậy". Nhưng, nếu ở người mà xúc cảm căng lên cao độ, như nhạc sĩ Lê Uyên Phương mà những nốt nhạc thăng hoa thành cao ngất cảm giác, thì khác. Bầu trời xanh, cơn mưa đầu mùa, những lời ngỏ của bài hát tình, những câu đối thoại vu vơ ngơ ngẩn, những chiều mưa một mình con dốc,... tất cả thành khuôn cửa mở ra một lãnh thổ của tưởng tượng. Ở đó, ngôn ngữ văn chương và cung bậc âm nhạc giao hòa, tưởng như ngàn xa vọng về. Hạt mưa, sợi nắng, chiếc lá, ngọn gió,... không đơn thuần là vật chất, mà, còn là tượng hình của cảm giác nào xa xôi lắm nhưng lại thân gần. Như hạt mưa, không chỉ là thuần túy hạt nước rơi xuống từ trời cao, mà, nó gợi lại những nhịp điệu của âm vọng tiếng mưa trên mái tôn thuở thơ ấu nào. Hay giọt nắng, không phải chỉ là mầu vàng phai lóng lánh, mà còn gợi nhớ đến buổi sáng nào dìu em trên ngọn dốc, nghe mùi nhựa thông thoang thoảng giữa đất trời... Nghe "Buồn Đến Bao Giờ", để thấy mênh mông vẫn là niềm chia xa của hai kẻ yêu nhau...

"Trời mưa mãi mưa hoài
thần tiên giấc mơ dài
vào cuộc đời sỏi đá biết mình si mê
buồn ơi đến bao giờ
còn thương đến bao giờ
khi mùa thu còn mang tiếng buồn đêm hè
Vòng tay đã buông rồi
Chán chường in nét môi
Muốn lệ sầu dâng nữa thôi đem vào nhau
Dung nhan mang tình yêu
Còn ánh sáng huy hoàng
Tìm ánh mát, tìm suối tóc khi còn thơ ngây.."

Lê Uyên Phương đã viết về ngày xưa, lúc anh vừa viết những bản tình ca cho tuổi trẻ muôn năm. Không phải là không khí của những phòng trà nồng nặc mùi khói thuốc của những trang sách hiện sinh vẽ ra. Mà, lúc ấy, còn có bóng dáng của chiến tranh, của những nỗi niềm tuổi trẻ. ("Nhạc trẻ", tôi vẫn không thích cái từ ngữ gộp chung cho các loại nhạc thật sự cho tuổi trẻ mà chỉ là những bài hát lai căng hát để phục vụ cho nhu cầu đầu tiên của các sân khấu dành cho quân nhân ngoại quốc...)

Viết về Đà Lạt, nhạc sĩ như người trở về thánh địa xưa của mình, của hồi ức mang mang, của những phút giây chẳng thể nào quên được.

NGUYN MẠNH TRINH

No comments:

Post a Comment