Wednesday, April 26, 2017

LÀM SAO MÀ QUÊN ĐƯỢC NỖI ĐAU DAI DẲNG?


Lê Mộng Hoàng


Chúng ta đang bước vào mùa hoa anh đào đầu tháng 4 ở thủ đô Washington D.C., năm nầy hoa đào không khoe sắc thắm rực rỡ, tươi tắn như năm trước, vì các cây hoa nở sớm đã bị trận tuyết cuối tháng 3 vùi dập, rơi rụng trông thật thảm thương! Đầu tháng 4 là mùa hoa đào hồng nhưng cuối tháng 4 lại là "NỖI ĐAU DAI DẲNG" không thể nào quên được của ngày 30 tháng 4 năm 1975! Thế là đã trải qua 42 năm rồi mà sao cứ vào tuần cuối tháng 4 đến là cơn buồn, nỗi nhớ đến các người thân đã tử nạn, đến các vị "anh hùng vị quốc vong thân" tại Sài Gòn, nơi tôi đã phải hối hả xa lìa vào ngày 28 tháng 4 cứ âm thầm xâm chiến trong tim, trong não tôi! Tôi không biết phải làm sao, làm sao mà quên được?

Ngày 28 tháng 4 năm 1975 tôi lo thu dọn tất cả đồ đạc từ nhà riêng của hai mẹ con trên đường Nguyễn Thiện Thuật đem về nhà ba má tôi ở đường Tô Hiến Thành, Sài Gòn vì theo lời má tôi nói:  "Người ta đồn khi Việt Cộng ngoài Bắc vô Nam, họ sẽ buộc các góa phụ trẻ có chút nhan sắc như con VK phải lấy những thương phế binh có công lớn với nhà nước" vì nỗi lo sợ ấy nên cả nhà  đều hối thúc tôi phải tìm cách trốn đi.

Tuy đã khá lâu rồi, 42 năm qua mà những gì xảy ra vào các ngày cuối tháng 4 năm 1975 vẫn còn âm thầm chất chồng trong sâu thẳm của lòng tôi. Trưa hôm ấy, sau khi đem đồ đạc từ nhà riêng qua để tạm ở sân trước nhà ba má tôi, vì trời quá nóng bức tôi định đi tắm cho tỉnh táo thì có tiếng chuông ở cửa trước, chạy ra mở cửa, tôi gặp người anh rể - chồng của chị XL, chị ruột của D, chồng tôi đã đột ngột từ trần vì tai nạn xe Vespa cách đây hơn 4 năm--Anh nầy đem tin cho hay:  "Gia đình anh chị Bùi & XY  đã tụ họp tại vi lla số 13 đường Hồ Xuân Hương sửa soạn lên phi trường đi qua Mỹ, mợ và bé Lina nên đến nơi này ngay" Lúc nầy lòng tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì đây là cơ hội để hai mẹ con có thể cùng đi chung với gia đình anh chị Bùi, lo là phải rời bỏ gia đình, ba má các em để ra đi xứ lạ xa xôi, chỉ có mẹ góa con côi, bé Lina mới 4 tuổi rưỡi thôi, biết phải làm gì khi bỏ xứ mà đi? Tôi chào từ biệt ba má, ôm thật chặt ba tôi hôn lên má ông mà không ngờ đó là nụ hôn cuối cùng vì sau ngày 28 tháng 4 ấy tôi không có cơ hội trở lại Sài Gòn và ba tôi đã qua đời vì cơn đau tim vào năm 1979 dù ông chỉ mới 65 tuổi.

Trở lại chuyến viễn hành bất ngờ và vội vã của hai mẹ con tôi, khi em trai tôi chở bé Lina và tôi đến villa 13 Hồ Xuân Hương thì cổng sắt của biệt thự này đóng kín, tôi đang băn khoăn nghĩ "Chắc không thể nào vào bên trong được" có 1 người lính cầm súng đứng gác trước cổng, bỗng có chiếc xe jeep nhà binh chạy tới, người lính gác cổng mở rộng cửa cho xe vào, tôi chầm chậm dắt Lina tiến vào bên trong. Lúc ấy lòng tôi đang bối rối lo lắng không biết có gặp được gia đình anh chị Bùi không thì có tiếng gọi từ chiếc xe van trắng đậu trên sân:  "Mợ Tám tôi ở đây" Chị XY, bà chị chồng tốt bụng đã thương yêu chăm sóc cho mẹ con tôi từ ngày ba của Lina đột ngột lìa trần lúc cháu mới được 4 tháng tuổi--đã dơ tay vẫy cho tôi thấy. Trước tiên tôi gặp một người đàn ông Việt Nam đứng gần chỗ xe van đậu, tôi chào ông ta và hỏi thăm:  "Thưa ông, tôi là góa phụ ở chung với gia đình bà chị chồng đang ngồi trong xe kia, làm thế nào cho tôi được đi cùng với anh chị tôi?" Ông ấy nói:  "Tôi không có quyền hạn gì cả, Cô có biết tiếng Anh không thì tới nói với ông Mỹ đứng đằng kia kìa". Tôi trả lời "Dạ có" rồi vội vàng đến gặp ông Mỹ. Ông nầy mau mắn chấp nhận lời yêu cầu của tôi rồi nói với ông Việt Nam lúc nãy ra bảo xe van hãy khoan đi, chờ ghi thêm tên hai mẹ con tôi vào danh sách ra phi trường. Mọi sự xảy ra như một cơn lốc, và tôi như có sự dẫn dắt của hương linh anh D, người chồng đã thì thầm với tôi:  "Nếu lấy được em mà có chết anh cũng vui…" khi anh biết được là bố của anh đã chọn "ngày rước dâu" là ngày xấu, không hạp với tuổi anh? hoặc là có đức Quán Thế Âm Bồ Tát luôn theo dõi độ trì cho mẹ con tôi?

Lúc xe van rời villa 13 Hồ Xuân Hương chạy lên phi trường Tân Sơn Nhất, mọi người đều hoảng sợ khi nghe tiếng nổ chát chúa. Sau này mới biết đó là quảbom nổ ở bệnh viện Từ Dũ trưa ngày 28 tháng 4, 1975. Vài giờ sau, chúng tôi gồm 10 người, gia đình anh chị BH và XY có 8 người, thêm 2 mẹ con tôi thành 10 xếp hàng lên phi cơ. Khi phi cơ cất cánh bay lên, không hẹn trước mà ai nấy cùng thoát ra tiếng khóc xót xa vĩnh biệt Sài Gòn rồi cùng im hơi lặng tiếng, chỉ nghe tiếng trẻ con khóc trong suốt chuyến bay lịch sử này, còn người lớn thì nước mắt vẫn chảy dài trên hai gò má họ. Nhưng theo suy nghĩ của tôi thì nỗi đau "mất nước, mất nhà, xa người thân yêu" quá lớn, quá bất ngờ khiến họ thẫn thờ như người mất trí, khủng hoảng tâm thần lặng câm chẳng thốt nên lời?

Đoàn người di tản được nghỉ qua đêm ở đảo Guam, sau đó đưa đến tạm trú tại các trại của khu quân sự Fort Chaffee, Arkansas. Chiều 30 tháng 4 năm 1975, trong lúc mọi người họp nhau ngồi trên sân cỏ để nghe Khánh Ly hát và ngóng trông tin tức từ Sài Gòn qua một radio của một bác cao niên mang theo thì từ máy phóng thanh lệnh truyền "Bỏ Súng đầu hàng vô điều kiện" của tướng Dương Văn Minh đã khiến ai đó sửng sốt la lên:  "Chết rồi, hết rồi, mất nước rồi!" và rồi không ai bảo ai họ khóc thảm thiết như có người thân vừa qua đời và lặng lẽ bỏ ra về, buổi họp mặt "văn nghệ lần đầu tiên tại Fort Chaffee" thất bại và cũng từ ngày ấy "Nỗi Đau Mất Nước" kéo dài triền miên lặng lẽ trong lòng các "người di tản buồn" thế hệ thứ nhất giống như tôi!

Năm sau 1976 khi liên lạc được với gia đình qua ngã Paris, rồi Canada, tôi mới biết được cùng ngày 30 tháng 4, 1975 ấy, ngoài các anh hùng tử sĩ tuẫn tiết vì không muốn mang nỗi nhục đầu hàng giặc Cộng như Ngũ Hổ Tướng Công-- Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, còn có đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn tháng 8 cùng năm 1975 và Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Long đã anh dũng tự sát trước tòa nhà Quốc Hội Việt Nam Cộng Hoà chiều ngày 30 tháng 4 ấy, và còn có rất nhiều vị quân nhân Việt Nam Cộng Hòa khác đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên khắp 4 vùng chiến thuật và nhiều không kể xiết những người vượt biển, vượt biên đi tìm Tự Do đã kết liễu đời mình để tránh nỗi nhục bị Việt Cộng tra khảo hành hạ hoặc bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp tàn bạo.

Dù đã 42 năm qua rồi mà tôi vẫn không quên hình ảnh cô Tống Nữ Bích Hà, em gái út của ba tôi, đã uống độc dược quyền sinh chiều ngày 30 tháng 4 khi hay tin Việt Cộng từ miền Bắc đã vào tới Sài Gòn. Cô không muốn bị chồng cô (chú H) từ bên kia chiến tuyến quay về hạch hỏi vấn tội cô. Cô tôi đã đi theo Việt Công vào mật khu để gặp chồng cùng hoạt động với chú, nhưng sau đó vì quá kham khổ cô sinh đủ chứng bệnh đành trốn về Hội An, tiếp tục nghề dạy học, ở với bà Nội tôi và cuối cùng tự sát để bảo tồn danh dự của chính mình. 
Vẫn còn đấy trong cõi riêng sâu kín của” con tim Việt Nam” của tôi hình ảnh hai người bạn gái đã lìa trần vào ngày Quốc hận 30 tháng 4, 1975:
Bạn Nguyễn Thị Nga đã học cùng trường nữ tiểu học Hội An và trường trung học Trần Quý Cáp với tôi, sau này Nga đi dạy tiểu học. Trong chuyến tàu vượt biên tìm đến bến bờ Tự Do, khi Nga bị hải tặc Thái Lan lên tàu của chị và bắt đàn bà con gái còn trẻ mang ra nhốt riêng để thỏa mãn nhục dục thì chị đã can cường nhảy xuống biển sâu tự vẫn.
Người sau cùng nhưng rất gần gũi, thân mật với tôi vì chúng tôi cùng ở một phòng tại Đaị Học Xá Viện Đại Học Đà Lạt trong 3 năm liền 1963-1966 và cũng đi về trò chuyện vui đùa với nhau, cùng ngồi học một lớp ban Văn Chương Việt Nam Đaị Học Văn Khoa Đà Lạt
em Lưu Thị Bích Đào, hoa khôi xinh xắn dễ thương, hao hao giống tài tử Audrey Hepburn với đôi môi đỏ chúm chím, mái tóc ngắn ngủn và má lúm đồng tiền rất duyên dáng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương viện Đaị Học Đà Lạt, Bích Đào đám cưới với người em yêu Dược Sĩ Trần X Chiểu mà trước đây đã bị ông anh Cả ngăn cản, nên Bích Đào phải đợi lúc ông anh này vì bệnh hoạn lâu ngày không còn sức kiểm soát chuyện tình cảm của cô em út xinh đẹp- đã làm vô số trái tim nam sinh viên Đại Học Xá Viện Đại Học Đà Lạt xao xuyến thổn thức - mới lấy chồng  và về dạy học ở trường Trung Học Cần Thơ. Vào mấy ngày cuối tháng 4, gia đình Bích Đào- Chiểu và 3 con nhỏ tìm đường vượt biên theo mối lái của một chủ tàu đánh cá. Không ngờ người này lại lường gạt cả nhóm để lấy vàng, lấy tiền rồi sau đó ngầm báo tin cho Công An theo dõi chặn đường và bắt buộc đoàn người phải trở về nhà. Về tới nhà thì nhà của Bích Đào đã bị cán bộ phường chiếm giữ không cho vào và đòi tống giam tất cả 5 người. Lựa chọn sau cùng của Chiểu và Bích Đào là đến tá túc tạm tại nhà một người quen rồi sáng sớm hôm sau Chiểu dùng ống tiêm chích độc dược cho 3 con nhỏ, cho vợ và cuối cùng cho chính mình. Tội nghiệp, oan uổng cho Chiểu, thuốc không còn đủ để kết liễu đời anh nên anh vẫn còn sống. Khi gia đình Bích Đào hay tin, quá đau khổ vì cái chết của 4 mẹ con Bích Đào, họ đã gọi công an tống giam Chiểu. Vào nhà tù, Chiểu trở nên mất trí, điên loạn và cuối cùng cũng tìm cách thoát ly cõi trần ai khốn nạn và nỗi hối hận dày vò vì quyết định chấm dứt cuộc sống của vợ con trước khi tự sát!

Từ năm 1975 đến nay, vào tuần lễ cuối tháng 4, tôi luôn tưởng niệm và đọc kinh cầu siêu cho các hương hồn quý liệt sĩ  “Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần" cùng tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, các nạn nhân trong biến cố đổi đời kinh hoàng cùng 3 người thân thương đã lặng lẽ chấm dứt cuộc đời trong buồn đau, tủi hờn. Từ ngày chùa Hoa Nghiêm được xây dựng rộng rãi, khang trang, tôi đã đưa ra ý kiến xin thầy Trù Trì cử hành lễ cầu siêu trọng thể cho tất cả oan hồn tử sĩ, nạn nhân tuẫn tiết trong ngày 30 tháng 4 dương lịch hàng năm. Thầy Trù Trì và ban hộ trì tam bảo đã chấp thuận, thành thử Chủ Nhật 30 tháng 4 năm nay, chùa Hoa Nghiêm cũng sẽ cử hành Lễ Cầu Siêu cho toàn thể anh linh vị quốc vong thân cùng đồng hương tử nạn, kính mời quý vị vẫn chưa quên được niềm Đau Dai Dẳng ngày 30 tháng 4 đến Chùa Hoa Nghiêm
9111 Backlick Road
Fort Belvoir, VA 22060
để cùng nhau chúng ta dâng nén tâm hương tỏ bày lòng Tri Ân cảm phục đến những ai đã nằm xuống đắp đường cho chúng ta tiến tới ánh sáng Tự Do.

“Tôi có mình tôi rất ngậm ngùi
Bốn mươi lần đếm tháng Tư rơi
Chén đắng sao ai mời uống mãi
Bên dòng bi sử dật dờ trôi…” PXT

LMH

No comments:

Post a Comment