Friday, April 14, 2017

DẠ LAN ƠI, NHỮNG NĂM NÀO CHIẾN TRANH ĐÃ QUÊN…


nguyễn xuân thiệp

Dạ Lan

Những năm nào chiến tranh đã quên…* Có thật vậy không? Đành rằng chiến tranh đã lùi xa ngoài bốn mươi năm, nhiều cuộc đời đã đổi khác -hoặc đã héo hắt tàn phai (như Nguyễn và các bạn ta) hoặc mập béo phây phây (như mấy cha nội ở quê nhà)- và lớp người trẻ sinh sau chiến tranh nay đã bước vào đời với nhiững bước chân bất định  … Vâng, đành rằng là thế, nhưng rải rác đây đó vẫn còn dấu tích của một thời đã qua, và một khi cơn giông kéo đến trên bầu trời làm bật lên những gốc rễ từ trong lòng đất, thì lòng người bên này và bên kia bờ sóng còn dấy lên những u hoài.

Lòng người bên này và bên kia trong đó có Nguyễn Xuân Thiệp này và Dạ Lan. Tháng tư rồi, làm sao không nhớ… Mây của trời xưa đang bay về. Dạ Lan cánh hoa của thời loạn ly ấy có nhìn thấy mây xám buồn. Ở một thời lớp lớp những người trẻ phải lên đường đi giữ nước, gởi thân nơi doanh trại đồn ải, để đem lại cho các chiến sĩ chút ấm nồng, Dạ Lan đã gởi tiếng nói và tâm tư của minh đến an ủi khích lệ và chia sẻ cùng các anh. Đêm đêm trên làn sóng điện của Đài Phát Thanh Quân Đội, giọng nói của người em gái hậu phương ấy có mãnh lực thu hút cảm tình của những người lính trú đóng khắp trên bốn vùng chiến thuật. Danh từ “em gái hậu phương” và “anh trai tiền tuyến” là một danh từ khá quen thuộc phát sinh trong thời gian này được nghe và dùng nhiều trong các bài thơ hay nhạc phẩm thịnh hành.
Chương trình Dạ Lan do Đại Tá Trần Ngọc Huyến thiết lập, phỏng theo chương trình Bông Hồng Đen của Đài Loan hướng về Trung Quốc lục địa vào thập niên 1950. Chương trình được phát thanh từ 7 giờ đến 9 giờ hằng đêm, gồm các phần câu chuyện hằng ngày, tin tức, thời sự, điểm báo và phần văn nghệ. Đặc biệt nhất là phần trao đổi thư tín giữa Dạ Lan và các quân nhân, phần lớn là các quân nhân ở các tỉnh xa thủ đô, nhất là thành phần trú đóng ở các tiền đồn. Chương trình được sự giúp sức của nhiều người: Lưu Nghi, Nguyễn Triệu Nam, nhà văn Huy Phương và thi sĩ Mai Trung Tĩnh. Phần nhạc do nhạc sĩ Đan Thọ, Ngọc Bích chọn và các nhà văn viết lời giới thiệu để Dạ Lan đọc trên đài.

Chương trình Dạ Lan rất được anh em quân nhân hoan nghênh, nhất là các quân nhân xa nhà, trú đóng ở các tiền đồn hẻo lánh. Vào hai năm 1964 - 1965, Đài Phát Thanh Quân Đội phải tuyển thêm một số nữ nhân viên để phụ trách vấn đề trả lời thư của các “anh trai tiền tuyến” hằng đêm. Chương trình đang hưng thịnh thì Dạ Lan rời đài đi lên Đà Lạt. Người thay thế là Hồng Mỹ Linh cũng có giọng đọc rất hay giống Dạ Lan và cũng xưng là Dạ Lan. (Tài liệu Internet)

Nguyễn tôi gặp Dạ Lan Hoàng Xuân Lan ở đài phát thanh Đà Lạt. Hai ngưởi trờ thành thân nhau. Nguyễn thường hay qua nhà Dạ Lan chơi, nhà nằm trên con dốc đường Tự Đức. Biết bao ấm lạnh hàn huyên. Trong ngôi nhà nhỏ cùng ngồi uống cà phê, uống trà và xây mộng ước. Ngày ấy, mình và Dạ Lan nuôi dự tính mở một quán trà cà phê ở Đà Lạt sẽ có bạn bè đông vui, ấm cúng. Không biết Dạ Lan còn nhớ không?

Thuở ấy, trong thời chiến tranh, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II Quân Khu II dự tính mở một đài địch vận ở Pleiku, bèn kêu Nguyễn qua, mình đem theo Dạ Lan. Một thời thiệt vui. Ban ngày mình làm bản tin, viết bài Dạ Lan đọc trên một chiếc xe dã chiến làm phòng vi âm. Dạ Lan ở trong nhà vãng lai của Quân Đoàn còn mình ở nhà Kim Tuấn. Trưa đưa Dạ Lan đi ăn ở Hội Quán Phượng Hoàng, chiều tối đi chơi với Kim Tuấn, Tô Mặc Giang, Chi. Bún bò Nhà Thương, Cà phê Dinh Điền. Chuyện trò vui thiệt là vui. Ánh lửa ngày ấy còn soi rõ khuôn mặt, nụ cười của từng người. Làm sao quên.

Năm 1974, mình về làm Đài Quân Đội Sài Gòn. Một hôm Dạ Lan cùng với Tô Mặc Giang (Trầm Trọng Tài) ghé thăm. Ba người kéo nhau qua câu lạc bộ uống cà phê, chuyện trò. Dạ Lan nhắc lại ước mơ một thuở của hai người: mở quán trà cà phê…

Thế rồi chia tay, xa nhau mãi mãi. Những năm đi tù CS về thỉnh thoảng nghĩ đến Dạ Lan. Nhưng biết đâu tìm. Sang Mỹ thỉnh thoảng báo chí lại nhắc tới Chương Trình Dạ Lan năm xưa. Tin anh em cũng cho biết Dạ Lan đã đi tu!

Gần đây chuẩn bị họp mặt anh chị em Đài Tiếng Nói Quân Đội thuở xưa. Các bạn lại nhắc tới Dạ Lan. Dương Ngọc Hoán cho biết có email cho Dạ Lan và được cho biết Dạ Lan hiện tu ở một thiền viện. Nghĩ tới Dạ Lan và những ngày tháng cũ mình bèn xin Hoán địa chỉ email của Dạ Lan và viết thư thăm.

Dạ Lan ơi,
Nguyễn Xuân Thiệp đây, Dạ Lan còn nhớ không? Những ngày ở Đà Lạt và Pleiku có Dạ Lan dường như vẫn còn ẩn hiện đâu đó.
Sau năm 1975 ở tù CS ra sống lây lất ở Sài Gòn rồi tới Mỹ, thỉnh thoảng nhớ Dạ Lan với niềm ray rứt.
Kèm theo đây là một bài thơ gởi Dạ Lan. Đọc để xem lòng có dao động chút nào không?
Mừng DLan vui với cửa thiền. Nhớ thư cho anh nha.
Thương mến,
NXT

LỜI GỞI TÔ MẶC GIANG

Tô mặc giang ơi
dường như sông sài gòn vẫn chảy
chiều nay. tôi nhìn thấy bạn. đi cùng với đinh cường
trên phố bonard
tóc bờm xờm. lộng gió
và tôi cũng nhìn thấy bạn
ở pleiku
cùng với người nữ làm thơ tên chi
trong cà phê dinh điền
có cả kim tuấn. ngồi cười
mới đó mà mấy chục năm trôi qua
người xa người. người bỏ người đi
những quán khuya. nơi chúng mình họp mặt. không còn ánh lửa
mới đây. hải phương nói với tôi
sẽ làm một bài thơ. nhớ pleiku
hồi tôi. và dạ lan. qua làm đài địch vận
và chúng mình mê cô ca sỹ trong hội quán phượng hoàng
những cây thông còn đó
bài thơ chắc vẫn còn trong trí óc hải phương
còn bạn đã cho in. gió cũng nói lời từ biệt
thôi hãy gởi cho nhau xem
để nhớ lại pleiku
và kim tuấn
và dạ lan

lời này xin thả bay trong nắng
ơi. tô mặc giang
NXT

Và Dạ Lan đã viết trả lời:

Anh Thiệp,

Sáng hôm nay, như thường lệ, dalan thức dậy lúc 2g30 - để ngồi Thiền, lễ Phật, vào Internet ... dalan check mail. sau 30' ngồi Thiền và ... đã rất bất ngờ nhận được mail của anh. Một người quen đã mấy chục năm, nay mới lại được tin.
dalan có thói quen thức dậy rất sớm, mở toang cửa, cho khí lạnh tràn vào và hưởng cái cảm giác thế giới này, không gian này chỉ thuộc về một mình ta! Cái cảm giác tuyệt đối cô đơn, tuyệt đối cô độc thật là tuyệt vời !

dalan đọc bài thơ của anh, bỗng như thấy Đàlạt Pleiku rất gần! và nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè- anh, anh Kim Tuấn và rất nhiều nhiều bạn bè nữa... Nhưng bây giờ chắc là đã lạ lắm rồi, phải không anh? Biết bao vật đổi sao dời, bãi biển nương dâu, thế thái nhạt nồng, nhân tình ấm lạnh. Biết bao nỗi đau không nói hết được - biết bao nỗi oan khiên hàng hàng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp... Nói sao cho hết? Nói sao cho vơi?

Như anh biết, những ngày cuối cùng, dalan đã tình nguyện vào giữ đài Phát thanh SG mà không tìm cách đi Mỹ -dù có nhiều người quen rủ đi -, có 3 lý do:
1/ Không dễ dàng bỗng chốc bỏ lại cả quê hương để ra đi (vì sao biết được có ngày thăm lại? Như khi hai miền nam bắc phân chia, chỉ một con sông Bến hải bé nhỏ mà khg còn biết tin nhau được, thì làm sao có tin được khi xa đến cả trùng trùng đại dương?)
2/ Còn ông già già kẹt ở Miền Trung mà vì miền Trung đã mất, không liên lạc được.
3/ Và cuối cùng là lý do chính đáng nhất : hận người bạn đồng minh 1975 của đất nước mình - thấy không lợi nữa thì buông một cách  tức tửi- không bằng người bạn đồng minh 1954!

Và sáng 30/4 khi ông Minh đầu hàng, dalan ra về với con bé con của dalan, ở nhà một bà bạn thân.
Sau một thời gian đầu óc tỉnh táo đã quyết định đặt tất cả mọi thứ của cuộc đời này ngoài vòng phủ sóng, kể như dalan không dính dáng gì đến cuộc đời này nữa, chỉ còn 2 đối tượng để sống nốt quãng đời còn lại: Đức Phật và đồng bào nghèo khốn khó của mình -hay nói theo con nhà Phật- chúng sinh đau khổ. Thế là ăn chay trường, đi từ thiện liên miên, ngồi Thiền, lễ Phật... Nhờ vậy dalan tìm thấy sự vững vàng  an lạc trong tâm hồn và trong cuộc sống. dalan hiện đang  sống rất  "tĩnh" trong thê giới "động'
Hiện nay, bà bạn dalan cho vay tiền xây một tịnh thất - tịnh thất Hạnh Vân - ở một vùng khu dân cư mới ở Đồng nai, tương đối còn hoang sơ. dalan sống độc cư vì yêu thích sự độc cư nhưng khi đau ốm thì ... hơi bị phiền. Nhưng cũng không sao. À, hạnh vân là ... tên tây (pháp danh) của dalan đó.
Lâu lắm mới viết một lá thư dài, dalan là người kiệm lời, mà thật ra những nỗi đau của mình ai mà hiểu ni được mà nói? Nói ra còn nguy hiểm là khác.
Chúc anh thân tâm luôn an lạc nhé! 
Thân,
Dalan

NXT
Tháng Tư 2017 

*Thơ Thanh Tâm Tuyền:
Những năm nào chiến tranh đã quên
Con mắt đen. niềm im lặng 



No comments:

Post a Comment