Tuesday, September 13, 2016

ĐOÀN MINH ĐẠO: DÒNG THƠ TRÍ TUỆ


Trần Thu Miên

Bìa Lưới Mưa

Lưới Mưa (2016) là thi phẩm thứ hai sau khi ông cho ra đời Trầm Tích Biển (2015). Cả hai tập thơ đều phát xuất từ một dòng tâm thức tràn ngập chữ nghĩa của trí tuệ.  Việc giới thiệu thơ Đoàn Minh Đạo, với tôi, rất khó vì hai lý do. Thứ nhất vì ông thầy giáo của tôi thời trung học ở tu viện Châu Sơn, Đơn Đương, và, thứ hai vì chữ nghĩa cùng tư tưởng trong thơ ông ở một vị trí cao hơn khả năng ngôn ngữ thi ca của tôi, một người xa lìa Việt Nam đã hơn 4 thập niên. Tuy nhiên, khi nhận được hai món quà văn nghệ của thầy mình tôi hãnh diện và rất vui. Trong bài giới thiệu ngắn này, tôi sẽ bàn về dòng thơ Đoàn Minh Đạo dựa trên thi phẩm Lưới Mưa (2016).

     Thi tập Lưới Mưa gồm 19 bài thơ không nằm trong các thể loại thơ quen thuộc từ hình thức, ngôn ngữ đến tư tưởng. Thơ ông không đi ngay vào trái tim người đọc dễ dàng, nhưng đòi hỏi người đọc sự suy tư trên từng dòng và từng con chữ.  Để kể lại một nơi chốn cũ đã tan nát vì bom đạn trong chiến tranh, ông không kể như Trịnh Công Sơn, “Đại bác đêm đêm dội về thành phố,” nhưng qua thơ ông ta vẫn cảm nghiệm được ẩn hiện lác đác trên dòng chữ cô đọng nét hoang tàn đổ vỡ và những nỗi khổ cùng cực của chiến tranh:

Những thân tàu bong tróc ống khói và cần trục gỉ sét
giương những cánh tay kêu cứu mệt nhoài
Thành phố nát nhàu những con đường thống thuộc
(Lưới Mưa, tr. 9).

     Cũng trong bài Lưới Mưa, ông diễn tả sự nghèo đói cơ cực của một miền quê xưa (có lẽ Quảng Trị).  Dù tôi chưa đến nơi chốn này, nhưng đọc kỹ những dòng thơ ông viết, tôi đã hình dung và cảm nghiệm được sự đói rét nghèo nàn của người dân:

Dáo giác cơn rét luồn về đất Quảng
Ngập ngụa bùn mưa Cam Lộ
Xoay chiều chiếc áo tơi lá
(Lưới Mưa, tr. 10)

     Chiếc áo tơi, theo mẹ tôi kể khi tôi còn bé, là áo che mưa của dân nghèo được dệt bằng lá cỏ loại dùng lợp mái nhà. Người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở thành thị hay từ giữa thế kỷ 20 đến nay có lẽ chẳng ai nhìn thấy chiếc áo tơi bao giờ. Trong vài câu thơ trên Đoàn Minh Đạo đã vẽ lại được hình ảnh lịch sử thời bóng văn minh cơ khí và thị trường chưa phát triển ở Việt Nam.

     Từ hình ảnh quê hương cũ ẩn hiện qua ngôn ngữ thi ca, ký ức ông vẫn còn đầy kỷ niệm để ôm giữ, để ôn lại, nhưng ông cũng biết rằng những thương nhớ có dầy đến đâu đôi khi chả còn là gì:

Hoài niệm trân châu đôi khi là bụi đất…
(Và),
Giữ cũng từng là buông bỏ đó em.
(Lưới Mưa, tr. 11)

     Một bài thơ tôi yêu thích trong thi tập Lưới Mơ là bài “Tưởng Niệm, tr. 12-15). Bài này, tôi nghĩ, Đoàn Minh Đạo nói về một biến cố lịch sử rất đau thương bi đát của dân Miền Nam, Việt Nam, đó là ngày 30 Tháng Tư, 1975.  Nhưng, không như vố số những bài thơ bài văn đã được viết về biến cố lịch sử này, ông dùng ngôn ngữ đầy ẩn dụ:

Tháng Tư
Bằng trí nhớ cánh hạc đập vào khoảng lặng
Bất chợt là vùng mây bão
Tâm bão vịnh giả định
Lửa dập thẳng vách trường sơn
Đêm hoả châu mù mờ tung trên thành phố
Chiến tranh cứ vinh danh sự rẻ rúng con người
(Tưởng Niệm, tr. 12)

Và hậu quả quốc nạn 30 Tháng Tư được ông diễn tả tinh tế:

Man rợ phun đầu độc một khoảng trống thơ
Bằng những công trường mù
Dằn đầu ngọn roi sắt sau lưng
Mặt nạ cứu tinh biến hình khuôn chiếm đoạt
(Tưởng Niệm, tr. 13)

     Bài thơ “Khi Tôi Trở Về” (tr. 37), theo tôi, là một vấn nạn về đức tin tôn giáo và quyền lực thần linh. Độc giả tín đồ Công Giáo hay người có chút ít kiến thức về tôn giáo này sẽ nhận ra ngay một nghịch lý giữa đức tin, giáo điều tín lý và logic đời thường. Làm sao một người với khả năng tư duy và lý luận khoa học lại có thể uỷ quyền phán xét lương tâm mình cho một con người?

Khi tôi về giữa đời vùi dập
Thần linh lột hết hành trang…
…………………………….
Đích thị lời phán quyết trang trọng thật sự
Đích thị trên toà phán xét
Đích thị ngồi toà giải tội
Băn khoăn nỗi thụ tạo lại quá quyền năng….
(Khi Tôi Trở Về, 37)

     Từ tôn giáo sang tình yêu, Đoàn Minh Đạo làm thơ như đạo sư ban bài sấm giảng. Chẳng hạn như trong bài Lòng Hoa (tr. 21-23). Ông viết:

Chuyến xe băng đèo
Trên vai người sửng sốt nhập hồn thu (tr. 21        )

     Hai câu này làm tôi liên tưởng đến đoạn đường đèo Đà Lạt qua Trạm Hành xuống Đơn Dương dù có thể ông tả về một nơi chốn khác, nhưng chẳng sao cả. Và ông phán tiếp:

Thị trấn liêu xiêu cao ốc dựng đều kẽm núi
Con đường đổ lại dòng sông
Trú ẩn cửa mật ngôn
Mở ra vừng ơi dẫn lời cứu rỗi…(tr. 22)

     Những hình ảnh trên thì hơi lạ, khó tim thấy ở quê nhà hơn 40 năm trước, tuy nhiên ta vẫn hình dung ra đoạn đường núi đồi nào rất xa và cũng rất gần. Dường như, không, chắc chắn là con đường ven biển từ Los Angless lên vùng Cựu Kim Sơn. Ở giữa cảnh núi đồi lạ lẫm nhưng gần kề ấy ông nói nhỏ với người yêu:

Hãy nói bằng những lời chim chóc
Xa mãi tuổi thơ cây cỏ núi rừng
Em yêu đừng thả tôi lạc lõng bên đường (tr. 22)

Đẹp quá hình ảnh người tình ông trong ba câu thơ sau:

Thương mãi em về lại phố
Nắng còn vương vai áo lụa
Xôn xao hồn cỏ may hồng. (tr. 23)

     Ở nơi chốn xa lạ, ông vẫn níu giữ hình ảnh “vai áo lụa” của hiện tại, nhưng cũng là từ một quá khứ, xa, có lẽ rất xa.  Cách đây vài năm, thầy tôi gửi tôi đọc bài thơ Thiền của ông, tôi vội chuyển ngay đến Nhất Chi Vũ nhạc sĩ bạn tôi, và nghĩ thầm, thế nào NCV cũng soạn thành ca khúc.  Quả nhiên bài thơ “Thiền Và Chiêm Niệm” nguyên bản đã thành ca khúc với dòng nhạc ẩn ấp chút dân ca Việt Nam, và cũng, ngất ngư vài âm giai Jazz. Bài thơ có những lời thơ nghe như Thánh Vịnh Kinh Thánh:

Từ ngoại thành cẩm chướng
Từ tảng đá góc tường
Từ nỗi đời dao động
Từ vật vã mù sương……
(Và rồi:),
Từ phán tán chảy vào ngày vĩnh quyết
(Thiền và Chiêm Niệm, Nhạc Nhất Chi Vũ, Boston)

     Thơ trong Lưới Mơ đề cập tới những khía cạnh gần gũi cuộc đời, nhất là cuộc đời một người biệt xứ.  Dù thi từ của ông không là ngôn ngữ đời thường, nhưng người đọc chiêm niệm ra được những mất mát, băn khoăn, hoài nghi, ray rứt về cuộc sống ẩn hiện sau những ẩn dụ trên từng dòng thơ và từng con chữ của tác giả, và dĩ nhiên, cũng là của chúng ta.

     Sau cùng, thơ Đoàn Minh Đạo cũng mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng để bước qua những hoài nghi quằn quại của kiếp người. Vì, cho dù ta có thắc mắc hoài nghi về thân phận làm người chẳng có gì tuyệt đối hoàn hảo:

Tại sao ta mãi lớn lên quặt quẹo
Tại sao ta cứ lượn lờ trong hẻm ám ảnh mù câm
(Đất Hưu Canh, tr. 77)
Nhưng ta vẫn phải:
Đánh thức những câu thơ say ngủ đêm qua
Tiếng kèn và đàn dây như thúc giục chúng ta
(Đất Hưu Canh, tr. 77)

(Vì):
Một ngày mới sẽ mở sang trang viên nàng ngập nắng
(Đất Hưu Canh, tr. 77)

     Trân trọng mời bạn đọc đi vào cõi thơ Đoàn Minh Đạo, một cõi tràn ngập ngôn ngữ ẩn dụ trên dòng trí tuệ. Bạn có thể tìm thơ Đoàn Minh Đạo trên các trang nhà thi ca như: Gió O: http://gio-o.com,  và Phố Văn: http://phovanblog.blogspot.com.


Trần Thu Miên
Boston College, cuối hè 2016.



No comments:

Post a Comment