Thursday, December 3, 2015

THƠ HAIKU



Việt Phương


The haiku of Basho

Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới được thiền sư Matsuo Basho khai sinh ra ở thế kỷ 17. Thơ gồm 3 dòng 17 âm tiết nhưng rất cô đọng, chuyên chở thiền, hình ảnh, tiếng động và ý nghĩa sâu xa của nó. Cấu trúc thơ Haiku gồm. Dòng một, 5 âm, dòng hai 7 âm và dòng ba, 5 âm (đôi khi được biến hóa chút đỉnh). (1)

Theo nhận xét của nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861 -1941, Nobel văn chương năm 1913) về Matsuo Basho: "Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi tránh sang một bên" (2). Có nghĩa là thơ Haiku, chỉ là cánh cửa đưa chúng ta vào khu vườn đơn sơ chữ nghĩa, nhưng đằng sau khu vườn đó là một chân trời mở lớn theo sự suy tưởng của người đọc đến bao la vô cùng. Đó là cái hay của thơ Haiku. Đọc thơ Haiku, chúng ta không dừng ở 17 âm tiết đó với chỉ vỏn vẹn ba dòng thơ, không vần, không điệu. Nhà thơ chỉ đưa chúng ta đến cánh cổng của chữ nghĩa, sau đó chúng ta tự đi một mình để khám phá cái mênh mông trong trí tưởng. Và như thế chúng ta lại tiếp tục sáng tạo.

Có thể nói, thơ Haiku như là một thứ nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản xuất hiện và phát triển từ thế kỷ 14. Nó như là một bình hoa tuyệt mỹ, không thừa không thiếu từng thân cành, cánh hoa, chiếc lá. Nó gom cả vũ trụ (Thiên, Địa, Nhân) vào một bình hoa nhỏ. Ngôn ngữ trong thơ Haiku cũng thế, cũng được cắt xén kỹ lưỡng nhưng chuyên chở rất nhiều ý nghĩa. Cũng có thể nói thơ Haiku là một bức tranh thủy mạc sống động.

Theo Basho: "Haiku ghi lại một cách đơn giản việc đang xảy ra ở một nơi nào đó, trong khoảng khắc." Thế nhưng trong Haiku những sự việc đã và đang xảy ra đã đạt được ý nghĩa xa hơn hiện thực. Bài thơ như một tấm gương, và chúng ta có thể thấy sự phản chiếu của cái đẹp và sự tĩnh lặng.

Nhà thơ William Wordworth (1770 - 1850) định nghĩa thơ như là "Sự xúc động được hồi tưởng trong tĩnh lặng". Thơ Haiku Nhật Bản đúng như lời định nghĩa trên cộng thêm ý nghĩa sâu xa và sự tôn vinh cái đẹp.

Theo Reginald Horace Blyth (1898 - 1964) về thơ Haiku: "Đó là ngón tay chỉ vào mặt trăng... Nếu bàn tay đeo đầy trang sức lộng lẫy, e ta sẽ quên mất điều mà ngón tay muốn chỉ tới." (3).

Thơ Haiku đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ 17 và 18. Cho đến hôm nay Haiku vẫn được gìn giữ và phát triển.

Nói đến thơ Haiku là phải nói đến ba bậc thầy vĩ đại của Nhật Bản trong lãnh vực Haiku của thế kỷ 17 và 18. Bước qua thế kỷ 19, chúng ta có thêm nhà thơ Masaoka Shiki:

1. Thiền sư Matsuo Basho (1644-1694).


                                                                            Matsuo Basho

Ông được thừa nhận là người đã khai sinh ra thơ Haiku. Ông mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền Tông vào thơ. Haiku của Basho lúc nào cũng thanh thản trong mênh mông biển Thiền. Ông còn mang cả tinh thần Phật giáo vào thơ. Bài thơ nổi tiếng của ông là bài thơ "Con Ếch" trong tập "Xuân Nhật" (Haru no hi,1686) viết chung với môn đồ:

The old pond;
A frog jumps in, -
The sound of the water.

Ao xưa;
Con ếch nhảy vào, -
Nước xôn xao.

Along this road
Goes no one,
This autumn eve.

Dọc theo con đường
Không bóng người,
Chiều thu.

The first snow,
Just enough to bend
The leaves of the daffodils.

Cụm tuyết đầu tiên,
Chỉ vừa đủ uống cong
Những chiếc lá thủy tiên.

Spreading a straw mat in the field,
I sat and gazed
At the plum blossoms.

Trải chiếu trên cánh đồng,
Tôi ngồi nhìn đăm đăm
Những cành hoa mận nở.

Sweeping the garden,
The snow is fogotten
By the broom.

Quét sân
Tuyết bị lãng quên
Trong chiếc chổi

2. Yosa Buson (1716 - 1783).

Yosa Buson

Ông sinh sau Basho gần một thế kỷ. Ông có công đưa Haiku trở lại, sau khi Haiku đã dần chìm trong quên lãng từ khi Basho qua đời. Buson còn là một họa sĩ tài hoa. Ông mang vào thơ Haiku màu sắc lãng mạng mà Basho không có. Ông là bậc kỳ tài trong cả hai lãnh vực thi ca và hội họa.

Night deepens,
And sleep in the villages;
Sounds of falling water.

Đêm sâu,
Và ngủ yên trong những ngôi làng;
Âm thanh tiếng nước chảy.

What happiness,
Crossing this summer river,
Sandals in hands!

Hạnh phúc nào hơn,
Khi lội qua con sông mùa hạ,
Với đôi dép trên tay!

The halo of the moon,-
Is it not the scent of plum-blossoms
Rising up to heaven?

Hào quang của ánh trăng,-
Có phải hương thơm của hoa mận
Tỏa ngát lên trời?

A kite, -
In the same place
In yesterday's sky!

Con diều bay,-
Cùng một chỗ
Trên bầu trời ngày hôm qua!



Kobayashi Issa

Issa có một cuộc đời bất hạnh. Mẹ mất sớm, ông phải sống với người mẹ ghẻ. Lớn lên lập gia đình, 5 người con của ông cũng chết sớm. Người vợ ông yêu thương cũng qua đời trước ông. Nhưng thơ ông lại mang đầy tính chất nhân bản. Ông trang trải tình yêu thương dịu dàng với vạn vật lên thi ca của ông.

"The peony was as big as this,"
Says the little girl,
Opening her arms.

"Hoa mẫu đơn nở lớn như thế này,"
Cô bé nhỏ nói,
Theo đôi cánh tay mở.

The sparrows
Are playing hide-and-seek
Among the tea-flowers.

Những con chim sẻ
Đang chơi trốn tìm
Giữa những đóa hoa trà.

Reflected
In the eye of the dragon-fly
The distant hills.

Phản chiếu
Trong mắt con chuồn chuồn
Những qủa đồi xa xa.

Grasshopper,-
Do not trample to pieces
The pearls of bright dew.

Châu chấu,-
Không được đạp vỡ vụn
Những hạt sương như ngọc long lanh.

4. Masaoka Shiki (1867 - 1902)


Bia tưởng niệm


Masaoka Shiki

Sau khi Issa qua đời. Thơ Haiku một lần nữa, gần như chìm vào lãng quên. Phải mất hơn nửa thế kỷ sau. Shiki mới vực sống dậy thơ Haiku. Ông kêu gọi hãy tự nhiên "cắt bỏ những trạng từ và động từ". Shiki là người đầu tiên đưa khuynh hướng hiện thực vào Haiku. Cho đến ngày nay, Haiku còn chịu rất nhiều ảnh hưởng của ông.

Hanging a lantern
On a blossoming bough, -
What pains I took!

Treo lồng đèn
Trên cành cây trổ hoa, _
Nỗi đau này tôi hái!

Tranquillity:
Walking alone;
Happy alone.

Trong tĩnh lặng:
Bước chân một mình;
Với hạnh phúc lẻ loi.

How long the day:
The boat is talking
With the shore.

Ngày dài bao lâu:
Chiếc thuyền đang nói chuyện
Với bãi bờ.

The sandy shore;
Why are they making a fire
Under the summer moon?

Trên bãi cát;
Tại sao họ đốt lửa
Dưới ánh trăng mùa hè?

VP

----------------

Ghi chú:

Những bài thơ trên được Việt Phương dịch từ bản tiếng Anh  trong cuốn "Silent Flowers" (A Collection of Japanese Haiku", Edited by Dorothy Price), (Hallmark Card, Inc., 1967. Selected from "Haiku", Volumes 1-4, by R.H. Blyth, Hokuseido Press, Tokyo, Japan, 1960).

(1) Thật ra thơ HaiKu lúc đầu mang sắc thái trào phúng. Thiền sư Matsuo Basho đã thổi âm hưởng sâu thẳm của Thiền Tông vào để Haiku được phát triển mạnh.

(2) A Tagore Reader, by Amiya Chandra Charavarty, (New York: Macmillan, 1961, p. 254)

(3) R.H. Blyth: Haiku (Hekuseido Press, Tokyo, Japan, 1960, Vol. 3, P.1).

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.
Hình ảnh: Internet.

No comments:

Post a Comment