Tuesday, June 4, 2019

THIÊN AN MÔN. CÁC BÀI THƠ ĐẠI TỰ BÁO


Phan Tấn Hải

Thiên An Môn 1989

Tuần lễ này là tưởng niệm 30 năm trận thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi Quân đội CS Trung Quốc tràn vào Thiên An Môn ngày 4 tháng 6/1989 với xe tăng và súng máy, giải tán cuộc biểu tình vì dân chủ của sinh viên, công nhân và trí thức.
Số người bị bắn chết, và bị xe tăng cán chết tại Thiên An Môn ước tính dè dặt là từ  200 tới 2,500 người, theo nhiều cách tính từ nhiều nguồn độc lập. Con số thực, có thể chết tới 10,000 người. Hầu hết bị chiến binh bắn chết, một số bị xe tăng cán chết.
Trận thảm sát được gọi là “Sự kiện Thiên An Môn,” hình ảnh chủ lực là những cuộc biểu tình ngày đêm ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, kéo dài từ ngày 15 tháng 4/1989 tới ngày thảm sát là ngày 4 tháng 6/1989. Nhưng trên toàn quốc thời gian đó có biểu tình rải rác tại 400 thành phố trên toàn Trung Quốc.
Có nhiều lý do dẫn tới bùng nổ các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, duyên khởi là: Cái chết của Hồ Diệu Bang (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ trương cải cách), sinh viên yêu cầu cải cách kinh tế, tình hình đang lạm phát, phản đối tham nhũng chính trị, Đông Âu đang bất ổn chính trị, đòi Tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ.
Hình thức xuống đường ở Thiên An Môn là: Tuyệt thực, tọa kháng, chiếm đóng quảng trường công cộng.
Mới hôm cuối tuần qua, tại hội nghị quốc tế có tên là Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói hôm 2 tháng 6/2019 rằng trận thảm sát đẫm máu nhắm vào những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh 30 năm trước là quyết định “đúng đắn” đồng thời nêu lên chuyện “ổn định” ở Trung Quốc kể từ đó. Nghĩa là sau 30 năm, vẫn không có chút ân hận nào từ phía Đảng CS Trung Quốc.
Trong cuộc xuống đường kéo dài nhiều tuần lễ ở quảng trường Thiên An Môn, đó là thời kỳ nhân loại chưa có điện thoại thông minh và tối tân nhất chỉ là máy fax, sinh viên loan tin ra bằng loa phóng thanh và các báo tường viết chữ lớn, gọi là Đại Tự Báo (Dazi bao). Các báo chữ lớn này treo ở nhiều nơi trong và quanh quảng trường, trên đó có nhiều bài thơ ngắn, nói lên ước mơ dân chủ tự do của sinh viên, công nhân và trí thức. Xen kẽ giữa các bản tin trên Đại Tự Báo, hầu hết các bài thơ trên đó đều không ký tên.
Sau ngày Thảm Sát Thiên An Môn – còn gọi là Chủ Nhật Đẫm Máu 4 tháng 6 – khi quân đội dọn xác người biểu tình, một số bài thơ trên các Đại Tự Báo được chép lại và fax sang Hong Kong, và rồi từ đó fax sang Đài Loan, nơi đó nhà thơ Hoa Kỳ Mike O’Connor dịch sang tiếng Anh. Các bài thơ này được truyền thông Hoa Kỳ gọi là thơ tài liệu, thơ ghi nhận sự kiện, hay docu-poems. Những bài thơ này là các lá phiếu bầu cho dân chủ tự do. Tác giả có thể đã bị giết tại Thiên An Môn, hay đã từng thọ án tù nhiều thập niên và bây giờ có thể đang ẩn dật nơi nào tại quê hương mênh mông Hoa Lục, nơi họ yêu thương và một thời đã bước tới giữa quảng trường Thiên An Môn  để tuyệt thực và hô hào dân chủ. Sau đây là hai bài thơ dịch từ cuốn The Politics of My Heart của William Slaughter.
Bài thơ đầu tiên nơi đây có tựa đề  là “Những Câu Hỏi Nhỏ” (“Small Questions”) khi đăng trên Đại Tự Báo ở Thiên An Môn, không ghi tên tác giả, nhưng có dòng ghi chú của tác giả: “Từ một cuộc đối thoại giữa một bé gái 4 tuổi và mẹ của bé.” Người dịch sang Anh văn là Mike O’Connor ghi chú thêm về nghĩa của “The rainbow flower” (Hoa cầu vồng) mà người mẹ nhắc cuối bài thơ, rằng đó là “một loại hoa trong phim hoạt họa thiếu nhi trên truyền hình Trung Quốc; hoa này có sức mạnh huyền bí và được xem là rất mực cát tường.”

.
NHỮNG CÂU HỎI NHỎ
.
EM BÉ: Mẹ ơi, mẹ ơi. Các dì, các chú này kìa,
     tại sao họ không ăn gì nữa?
MẸ: Họ ước muốn nhận được một món quà đẹp đẽ.
EM BÉ: Món quà gì?
MẸ: Tự do.
EM BÉ: Ai sẽ cho họ món quà đẹp đó?
MẸ: Chính họ.
EM BÉ: Mẹ ơi, mẹ ơi. Trong quảng trường này
     sao lại có quá đông người?
MẸ: Ngày lễ đó con.
EM BÉ: Lễ gì vậy mẹ?
MẸ: Ngày lễ thắp đuốc.
EM BÉ: Ngọn đuốc đâu rồi?
MẸ: Trong tim tất cả chúng ta.
EM BÉ: Mẹ ơi, mẹ ơi. Xe cứu thương đang chở ai kìa?
MẸ: Một anh hùng.
EM BÉ: Tại sao người anh hùng đó đang nằm như thế?
MẸ: Để em bé phía sau anh ta thấy rõ hơn.
EM BÉ: Có phải con là em bé đó?
MẸ: Đúng vậy.
EM BÉ: Để thấy gì rõ hơn?
MẸ: Thấy đóa hoa với các cánh hoa đủ màu sắc
     của chiếc cầu vồng.
.
Bài thơ được dịch kế tiếp  sẽ là “Fasting” – nghĩa là “Tuyệt thực” hay “Nhịn đói.” Bài thơ này nói về cuộc tuyệt thực khởi sự từ 2 giờ chiều ngày 13/5/1989 tại Thiên An Môn. Trước cuộc tuyệt thực, một bản tuyên ngôn phổ biến, giải thích rằng những người tuyệt thực còn quá trẻ, không muốn chết, nhưng vì lịch sử kêu gọi và họ sẵn sàng hy sinh. Bản Tuyên ngôn Tuyệt Thực Ngày 13 Tháng 5 (1989) yêu cầu chính phủ đối thoại tức khắc với sinh viên, và đòi chính phủ phải xác nhận tính chính đáng của phong trào sinh viên đòi dân chủ. Cuộc tuyệt thực kéo dài tới khi quân đội tiến vào thảm sát. Người ta không có con số chính xác bao nhiêu sinh viên tham dự tuyệt thực và bị bắt, nhưng các sinh viên té xỉu đã được chở đi cấp cứu liên tục. Bài thơ như sau.

.
TUYỆT THỰC
.
1.
.
Biểu ngữ - các lá cờ - bay – trải rộng thêm
Trong hy vọng ẩn mầm hạt tuyệt vọng, và trong tuyệt vọng
     ẩn mầm hy vọng.
Tuyệt thực   Tuyệt thực     Tuyệt thực
Không từng có chữ nào mạnh như chữ này
     hôm nay.
.
2.
.
Tuyệt thực là tiếng hô hào của tuyệt vọng,
     và là cuộc phản kháng kiên cố nhất bất khả lay chuyển
Tuyệt thực là quyền lực mong manh nhất, và là đấu tranh quyết liệt nhất
Tuyệt thực là ánh sáng xuyên bóng tối, xuyên màn đêm
Tuyệt thực là hơi nóng, là hơi ấm của đất,
     hơi ấm của mầm lúa
Tuyệt thực là lửa bật sáng các khẩu hiệu, bật sáng các biểu ngữ
Tuyệt thực rọi sáng xuyên qua những thờ ơ và bất động
Tuyệt thực là sấm sét rung chuyển mạch máu,
     lay động trái tim
Tuyệt thực là gió xáo động các vầng mây đen
     kích động dân tộc mình
Tuyệt thực là yêu thương tổ quốc, yêu thương đồng bào
Nhin đói là căm ghét những đói nghèo
     và lạc hậu.
Tuyệt thực là xao xuyến khi nó cất cánh
     khi nó đột ngột khởi dậy
Tuyệt thực là nỗi giận, luôn luôn bất mãn với tai họa
     và bất tường.
.
3.
.
Phía sau tôi là xương của các anh hùng dân tộc
Bia đá tưởng niệm hướng dẫn chiếc tàu tổ quốc
Từ khởi đầu của hiện hữu     từ khởi đầu
     của lòng can đảm
Từ khởi đầu của hy sinh hiến tế cho cõi trời
     từ khởi đầu sự chết
Tượng đài đã đứng nơi đây lặng lẽ
Tượng đài đã đứng canh gác nơi phía sau
     của dân tộc
Nhắc nhở hãy bình tĩnh và kiên tâm
Mỗi lần có dao động
Chiếc tàu tổ quốc lạc hướng thêm
Mỗi lần có dao động
Chiếc tàu tổ quốc phóng tới và lăn đi.
.

No comments:

Post a Comment