Sunday, June 9, 2019

ĐÁ ĐỢI


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Đá Đợi. Ảnh của An Nguyễn

1
     Đợi, và đợi. Có đến khoảng gần một trăm người xếp hàng đợi. Mới có năm giờ sáng thôi! Trời Đà Lạt đổ sương xuống nghe ướt tóc, ướt vai. Phòng bán vé còn đóng kín cửa. Sáu giờ mới bán vé. Biết vậy rồi, nhưng đám đông người này vẫn đến sớm chờ đợi. Chẳng qua là số xe có giới hạn, mình đến sớm mới mong có xe đi, nếu không thì phải về và trở lại vào ngày mai. Người ta nhìn nhau, như ngầm nói qua đôi mắt rằng đến sớm chắc ăn hơn. Mà không chừng có người đã ngủ đêm trước phòng bán vé để được xếp hàng phía trên cùng.
      Đoan mỉm cười. Cũng là một dịp được dậy sớm, được nếm mùi giá lạnh, được thấy có những người “biết lo xa” như mình. Trông cũng trật tự, đàng hoàng lắm. Vài người như còn ngái ngủ, ngồi thụp xuống trên chiếc túi xách, nhắm mắt cho đỡ mỏi, đợi. Vài người như khó chịu khi phải im lặng quá lâu nên tìm chuyện để nói. Một người đàn bà bắt chuyện với Đoan:
      “Chà! Không biết họ chạy xe xăng hay xe than há em!”
      Đoan giật mình, đáp:
      “Dạ, em không biết nữa!”
      Người phụ nữ chép miệng:
      “Cầu Trời cho có xe chạy xăng. Đi xe than ngán lắm!”
      “Chắc không đâu! Em nghĩ chạy đường đèo mà dùng xe than chắc không nổi.”
      Nói rồi Đoan cũng cảm thấy lo. Biết đâu do thời buổi khó khăn, người ta cũng phải chạy xe than, loại xe “cải tiến” trong thời khan hiếm xăng dầu. Đoan nhớ tới lần nếm mùi đi xe than khi có dịp về miền Tây thăm bạn, đúng là hú hồn. Chiếc xe đò ọp ẹp cũ kỹ, có gắn một cái thùng sắt ở một bên phía sau đuôi. Đó chính là cái thùng đựng than củi. Xe chạy tốn rất ít xăng vì nhiên liệu chính là than củi được đốt cho cháy trong điều kiện thiếu không khí và tạo ra một loại khí đốt, giúp xe chạy được, Đoan chỉ nghe giải thích như vậy. Xe chạy được một quãng đường thì anh lơ xe lại dùng một cái que sắt dài để khều cho than cháy tiếp. Tro than rơi lả tả khắp đường, hắt vào những người chạy xe đàng sau. Còn hành khách trên xe đò cũng không khá hơn. Sau chuyến đi, mặt mũi áo quần của họ nhuốm đầy tro. Lần đó, được đi xe than, mà xe lại đông nghẹt, hết chỗ, người ngồi chen chúc lổn ngổn như cá hộp, Đoan năn nỉ anh lơ xe cho mình lên, và phải bám một tay vào cái thanh vịn ở cửa, cứ đu như thế mà đi hết chặng đường…
      “Em đi Sài Gòn?” Người phụ nữ hỏi tiếp.
      “Dạ, em về Sài Gòn.”
      Nói xong, Đoan giật mình khi nhận ra cả chị này và mình đều nói “Sài Gòn,” nghe vừa vui vừa buồn. Vậy là Sài Gòn của mình vẫn còn đó, dù đã mất tên.
      Tự nhiên cảm thấy gần gũi với người phụ nữ này, Đoan nói thêm:
      “Dạ em đi công tác trên này. Khi đi thì em nhờ xe cơ quan, về thì mua vé xe ngoài.”
      “Sao em không về xe cơ quan?”
      “Chờ về xe cơ quan phải đến tuần tới mới có. Em cần về gấp.”
      “Vậy à?”

      Câu chuyện có thể sẽ còn tiếp tục, nhưng kìa, cánh cửa sổ quầy vé đang mở ra. Đoan nhìn hàng mình xếp nãy giờ, cũng khá gần phía trên. Hy vọng mình sẽ có vé, không đến nỗi…
      Bỗng có tiếng một người phụ nữ ré lên. Rồi tiếp đó là nhiều tiếng la nữa. Có một người kêu Trời. Chuyện gì xảy ra vậy? Trong ánh sáng mờ mờ đầu ngày, Đoan thấy đám đông đang xếp hàng trật tự bỗng rạp xuống như một ruộng lúa trước gió, rồi vỡ ra thành nhiều mảnh. Ngay lúc đó, Đoan nghe đau thấu một bên vai. Chúa ơi, một thanh niên lực lưỡng từ đàng sau đang bước trên vai của Đoan. Chưa hết, tên này vừa vượt lên xong lại đến một tên khác đẩy Đoan ngã loạng choạng. Hắn chạy băng lên hàng trên. Người ta bước trên vai, trên đầu nhau. Những tên to lớn này đã thắng đám người yếu ớt, trở thành những kẻ ưu tiên mua được vé xe.
      Đám đông không còn bình tĩnh nữa. Họ tan hàng, xô đẩy nhau, mạnh tay gạt nhau để tiến lên hàng trên. Đoan như bị bẹp dí trong đám hỗn loạn đó. Người phụ nữ nói chuyện với Đoan vừa rồi biến đâu mất. Chị đang bị đè bẹp? Hay chị đã may mắn vượt được lên trên kia? Đoan thấy nghẹt thở quá. Phải thoát ra khỏi chốn này thôi!
      Đoan ngồi phịch xuống một bậc thềm, nghe thân người ê ẩm. Ôi, chuyện gì thế này? Nước mắt trào ra dù Đoan không muốn khóc. Người ta nói thời buổi này phải “xếp hàng cả ngày.” Cũng được đi! Nhưng xếp hàng rồi cũng “mạnh được, yếu thua” thì thật quá tội nghiệp.
      Chị ban nãy đã tới bên cạnh Đoan. Chị trông cũng bơ phờ. Nét mặt chán nản, chị nói với Đoan:
“Chen không nổi với tụi nó, hết vé rồi em à! Uổng công mình xếp hàng cả đêm. Thôi, chắc ra mua cái vé chợ đen, khỏi phải đợi.”

2
      Đoan cho thêm một cây củi vào lò. Khói ùn lên, cay mắt. Nhưng mùi sả thơm phức hấp dẫn hơn nhiều, lấn át mùi khói. Đoan hít một hơi thật sâu. Mớ sả bằm trong chảo đã vàng rồi, Đoan cho thịt đã ướp gia vị vào, đảo đều. Chưa bao giờ thấy ngon mắt như vậy. Cuối cùng thì cho chén mắm ruốc vào, trộn tiếp. Hãy đợi, đợi cho đến khi thật khô. Màu thịt kho ruốc sả sao mà đẹp thế! Trong thời gian chờ đợi ấy, thật thương hại cho các giác quan của mình! Lâu lắm mới thấy một chảo nhiều thịt như vậy. Mọi người đi ngang đều hít thật mạnh. Nhưng bảo ăn thì ai cũng lắc đầu. Để cho cậu!
      Và thế là món thịt kho ruốc sả này, cùng với một chục thứ khác, được gói ghém cẩn thận, cho vào giỏ, chờ ngày mai xách đi “thăm nuôi.” Những gì thuộc về “thực phẩm” đều phải được làm thật khô để giữ được lâu. Ngoài món thịt kho ruốc sả, còn có những bánh lương khô tự làm từ gạo, bắp và bột mì. Rồi nào là đường tán, nào bánh quy, nào kẹo… Còn lại là vật dụng cho nhu cầu hàng ngày, khăn, áo, bàn chải, kem đánh răng… không thiếu thứ gì.
      Đoan về kịp đi cùng với mợ. Hai mợ cháu cẩn thận mang đầy đủ áo ấm. Ngoài đó lạnh lắm, phải chuẩn bị cho gió núi với mưa rừng. Hai mợ cháu không lạc lõng, bởi sau khi xuống ga xe lửa, họ đã gặp một số người cùng đi chuyến xe hàng lên trại. Mọi người trải qua một đêm trên xe, làm quen với nhau, và không ngại ngần trong những câu chuyện chia sẻ. Họ kể về gia cảnh của mình, về những nỗi gian truân mà họ trải qua sau cuộc đổi đời. Họ có một điểm chung: theo dấu chân của chồng từ các trại trong Nam ra đến ngoài Bắc. Đêm cũng nhờ đó mà qua nhanh.
      Trời hưng hửng sáng, xe đến trước cổng trại. Mọi người bảo nhau rằng còn phải lội bộ vào sâu bên trong, xe không được vào. Đoàn người mang các thứ lủ khủ kéo nhau đi. Ai cũng rét run. Cái lạnh thật lạ lùng, khó tả. Không phải như cái lạnh dịu dàng của Đà Lạt ngày xưa, với người người dạo phố áo mũ đầy màu sắc, nam nữ tay trong tay. Mà là một thứ lạnh như rút lấy sinh lực từ trong mỗi con người. Một thứ lạnh như roi quất trên da. Một thứ lạnh khô khốc, tàn nhẫn. Đoan ngước nhìn một vật sừng sững ngáng tầm nhìn của mình. Người ta nói “ngước nhìn rơi nón”, phải rồi, là núi. Núi cao lắm, ngước nhìn rơi nón. Mọi người cùng rùng mình.
       Đoàn người thăm nuôi phải ngồi túm tụm trong một cái chòi không có vách, nộp giấy tờ và chờ gọi tên. Còn hồi hộp hơn cả nghe xướng danh thi đậu. Và rồi lần lượt, họ đã được vào và biết bên trong kia, người thân của họ đang chờ.
      “Sao mãi không nghe họ gọi mình?”
      Mợ bắt đầu sốt ruột. Đoan trấn an mợ:
      “Chắc… cậu sẽ ra sau, mợ ạ! Nhiều khi… cậu phải làm cái gì đó…”
     Mợ gật đầu nhẹ. Đoan cảm thấy ái ngại quá. Mình cũng bồn chồn không kém. Mình biết gì đâu, cái thế giới bên trong kia? Mình chỉ hình dung trong trí tưởng tượng, cảnh đoàn người hàng ngày đi “làm lao động” trồng khoai trồng bắp. Mình chỉ thấy cậu, như chìm trong dòng người lam lũ, cắm cúi trên rẫy nương. Cậu, một buổi chiều nào đó, ngước mặt lên trời, tự hỏi bao giờ sẽ về… Có tiếng vọng từ vách núi cao như trả lời cho cậu. Khi quyết định không ra đi khỏi nước, hẳn cậu đã nghĩ đến cái ngày này. Nhưng cậu vẫn ở lại. Đúng hay sai, chỉ có cậu hiểu mình hơn ai hết.
      Đoan lén nhìn qua mợ. Trong ánh mắt không giấu được vẻ bồn chồn của mợ, còn chứa cả một sự chịu đựng. Sự chịu đựng không bùng nổ thành ngọn lửa, mà âm ỉ, ray rứt, như đã âm thầm tiếp nối từ ngày này qua ngày khác. Đoan từng chứng kiến có những lúc mợ để rơi những giọt nước mắt, nhưng rồi mợ luôn tỏ ra cứng rắn như một người cha nghiêm nghị. Mợ, như một cấp chỉ huy, cai quản đàn con sáu đứa của mình, cương quyết bắt đầu lại từ con số không.
     Cuối cùng, khi mọi người đã vào hết, mợ mới được gọi tên. Và chỉ một câu vỏn vẹn:
     “Người này… vừa mới được chuyển trại rồi, không còn ở đây.”
     Mợ cuống quít hỏi:
     “Chuyển qua trại nào, ở đâu ạ?”
     “Không biết. Bà về đi, chờ có tin báo rồi đi thăm.”
     Hai mợ cháu đứng sững, không còn lời gì để nói, và cũng vì kẻ truyền lệnh kia đã quay lưng đi. Đoan chợt có lại cái cảm giác của người đứng xếp hàng cả đêm để cuối cùng bị người ta dẫm lên vai mình mà chạy…
     Rồi chính mợ là người nói như an ủi Đoan:
     “Mình về đi cháu! Lại đợi tiếp thôi! Biết kêu ca với ai ở đây được?”
     Đi trở ngược con đường cũ. Còn phải lội ra tận đường lớn, hy vọng đón được một chiếc xe. Hai người cùng ngoái nhìn cổng trại, rồi cúi xuống nhìn mấy cái giỏ thăm nuôi bây giờ nghe nặng trịch.
     Núi cao lùi lại sau lưng. Núi ơi, hãy đợi!

3
     Đoan trở lại sở làm. Mọi việc vẫn bình thường. Mấy ngày vắng “sếp”, mọi người trong phòng tự lo công việc, như cái nề nếp đã được tạo thành từ thời trước.
    Thế nhưng Đoan cảm thấy có một điều gì đó không bình thường. Hình như thiếu tiếng cười. Mọi ngày, dù no hay đói, các dì các chị vẫn chuyện trò, vẫn hay nói chuyện tếu cho vui. Nào chuyện đi hái bông súng, đi bắt còng để làm thức ăn cứu đói, đến chuyện chăn heo “làm đời sống” trong sở… Hôm nay không khí có vẻ hơi trầm xuống. Đoan đi một vòng, hỏi thăm các chị. Thiếu một người: dì Tám. 
    “Các chị ơi! Dì Tám hôm nay nghỉ sao ạ? Dì có đau ốm gì không?”
    Chị Bảy kéo Đoan lại, nói thật nhỏ:
    “Chị Tám có đi làm, nhưng ngồi ở trong kho ấy! Chỉ không muốn ai hỏi tới mình.”
     “Có chuyện gì vậy? Em chưa hiểu.”
     “Chuyện nhà của chỉ… rầu lắm. Mình chỉ biết sơ thôi, chỉ không muốn nói nhiều. Đoan thử hỏi thăm chỉ coi sao.”
     “Dạ.”
    Đoan đi vào kho. Đây là nơi chứa vật liệu và dụng cụ dự trữ để dùng hàng ngày, nào chai lọ, nào bông gòn, nào giấy gói... Dưới ánh sáng mù mờ, Đoan thấy một người ngồi bất động trong góc phòng. Dì Tám đó hay sao? Như một người khác hẳn. Nghe động, người đó giật mình, rồi trong một cử chỉ lạ lùng, co rúm cả người lại như bị điện giật. Đoan kinh ngạc, lấy lại sự bình tĩnh rồi rón rén đến gần. Chính là dì Tám mà! Nhưng là một dì Tám gầy guộc, nét mặt u ám, ánh mắt thất thần. Đoan gọi khẽ:
     “Dì Tám! Đoan đây dì Tám! Cháu mới đi làm lại. Dì Tám… có khỏe không?”
     Đoan e dè, ngập ngừng, như sợ một lời vô ý nào đó sẽ làm kinh động người trước mặt. Cái gì đã làm cho một dì Tám hiền hậu, từ tốn hàng ngày bỗng trở thành như vậy? Dì không trả lời, chỉ lắc đầu. Đoan tiến thêm đến gần hơn. Và thấy dì không lộ vẻ phản đối, Đoan ngồi xuống bên cạnh dì.
     “Dì Tám ơi, có chuyện gì, dì Tám kể cho cháu nghe được không?”
      Dì Tám nhìn Đoan chằm chằm. Rồi như chợt nhận ra một điều gì, dì Tám lẩm bẩm:
      “Còn gì mà nói!”
      “Dì Tám nói cho cháu nghe đi, giống như mỗi ngày dì Tám vẫn kể chuyện cho cháu đó!”
      “Cô… không hiểu đâu! Không ai hiểu đâu!”
      “Dì kể, cháu sẽ ráng hiểu.”
      Đoan nhẹ nhàng nắm bàn tay gầy guộc của dì Tám. Im lặng một lúc… Bỗng nghe giọng dì Tám run run, nói như tiếng gió:
       “Cái nhà của tôi, không còn là cái nhà của tôi… Con người đó, tôi đợi đã mấy mươi năm. Gặp lại, tôi mừng lắm! Con gái tôi cũng mừng. Nó gặp cha nó. Nó chưa gặp cha bao giờ. Con tôi đã có cha. Nhưng mà tôi không còn người chồng. Con người ấy, đem một gia đình vào ra mắt tôi. Tôi biết làm gì? Tôi thương hại. Tôi phải chấp nhận. Tôi… có cái gì trong nhà đem bán hết, lấy tiền lo cho họ. Tôi vẫn không có chồng. Tôi… mất hết rồi! Mất hết rồi!..”
      Như một nỗi đau òa vỡ, dì Tám khóc trên vai Đoan. Ôi Trời! Vết thương tâm lý quá nặng nề. Đoan đã biết chuyện người chồng đi tập kết, vào tìm lại dì và người con gái, mang theo cái gia đình của ông, từ ngoài Bắc. Hôm nay câu chuyện đã đến hồi kết, đó là sức chịu đựng của dì Tám đã cạn. Bao nhiêu sự gắng gượng của dì đã biến hóa thành sự sa sút một cách thê thảm. Phải chăng nó còn đau thương hơn cả cái chết?
      Dì Tám khóc được rồi, thần sắc như có trở lại một chút. Dì nói:
      “Xin lỗi cô.”
      “Dì ơi, cháu thương dì.”
      Không biết rồi nỗi khổ của dì Tám bao giờ mới hết? Dù sao, trong lúc này, đưa được dì Tám ra ngồi ở bàn làm việc, Đoan thấy tạm yên tâm.
      Có điện thoại mời đi họp. Đoan rời phòng, ra hành lang, băng qua khoảng sân rộng, đến phòng họp ở dãy nhà đối diện. Trong giờ làm việc, không gian bên ngoài thật yên tĩnh. Đoan chào người làm vườn đang tưới những khóm hoa đủ màu sắc. Chợt giật mình khi nhìn thấy thấp thoáng ở cuối đường, có một nơi gọi là chuồng heo, nơi mà mỗi tuần một lần Đoan cùng dì Tám đi xuống đó làm cái gọi là “công tác đời sống.” Mọi người luân phiên đi chăn heo. Đoan bàng hoàng. Ngước mặt nhìn trời, khoảng trời xanh thơ mộng, Đoan nhớ ngay đến những ngọn núi cao in trên nền trời xám. Ngước nhìn rơi nón! Rồi như thấy rất rõ những con người lầm lũi đi trong cái lạnh cắt da của núi rừng miền Bắc. Những người mẹ, người vợ chắt chiu đi thăm nuôi, nhưng có khi phải trở về mà chưa gặp được người thân. Hình bóng của họ như cũng khắc sâu vào đá núi. Núi ơi, hãy đợi cùng! Nhưng so ra, dù phải đợi, ít ra họ, như mợ, cũng còn có cái hạnh phúc được đợi, được mong cái ngày gặp người thân yêu. Còn như dì Tám, dì không còn cái để mà đợi. Ôi buồn!
      Đợi! Đợi đến bao giờ? Dân tôi vẫn đợi. Vẫn đợi, dù hóa ra đá.

CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
Thư Quán Bản Thảo số 84 – Tháng 4-2019

No comments:

Post a Comment