Sunday, June 2, 2019

THẬN NHIÊN VIẾT NHƯ NGƯỜI TẠM TRÚ


Phan Tấn Hải

Thận Nhiên và tác phẩm.

Nhà xuất bản Văn Học Press vừa ấn hành tiểu thuyết Những Ghi Chép Ở Tầng Thứ 14 của Thận Nhiên… Đây là những trang giấy rất buồn. Từng chữ và từng hình ảnh trong tiểu thuyết dội lại trong hồn người đọc về một đất nước và con người Việt Nam một thời chiến tranh tan nát, và rồi một nền hòa bình buồn bã.
Tiểu thuyết này đã được giải văn xuôi của Văn Việt năm 2018. Khi viết những dòng cho Lời Tựa để ấn hành sách năm 2019, nhà văn Thận Nhiên đang ở Detroit, tiểu bang Michigan. Ông viết rằng tiểu thuyết này là hư cấu, dựa trên một số chi tiết đời thật. Khởi sự tiểu thuyết viết từ năm 2014, lúc đang sống ở Sài Gòn, ở căn hộ tầng 14, trong một chung cư ở huyện Bình Chánh.
Kể về hoàn cảnh và cảm xúc khi khởi sự viết tiểu thuyết này, Thận Nhiên ghi nơi chương “Những Ghi Chép Cuối” trong tiểu thuyết Những Ghi Chép Ở Tầng Thứ 14, với các chi tiết có thể là sự thật hay gần với sự thật, qua những dòng sau đây ở trang 166:
"Mỗi chu kỳ chín mươi ngày là hết hạn visa, tôi ra văn phòng Xuất Nhập Cảnh ở quận Một xin gia hạn. Gia hạn ba lần thì phải ra khỏi Việt Nam, thường thì tôi đến một nước ở Đông Nam Á cho gần, như Campuchia, Lào, hay Thái Lan, dăm ngày hay một hai tuần, rồi vào Việt Nam lại để có visa mới, rồi lại tiếp tục gia hạn.
Tôi tạm trú dài hạn trên đất nước này; đất nước của ông tôi, của cha tôi, của mẹ tôi, của gia tộc tôi. Và của tôi.
Trong buổi sáng thứ hai sau khi dọn đến, tôi bắt đầu gõ chương đầu cuốn tiểu thuyết, nhưng sau khi viết được vài trang thì tôi không còn thấy nó là một cuốn tiểu thuyết như đã dự định, mà nó là những ghi chép rời rạc bất chợt hiện ra trong đầu. Những dữ kiện có vẻ như vô lý. Và vô ích." (ngưng trích)
 Nghĩa là, cầm bút như một người lưu vong, đang ở tạm trú nơi quê nhà.
Nhân vật trong tiểu thuyết này không chỉ là người, nhưng còn là một Sài Gòn rất nhiều ma. Thận Nhiên viết: “Sài Gòn là thành phố có nhiều ma nhất trên thế giới…” (trang 9)
Với những sinh vật nửa ma, nửa người. Khi Thận Nhiên về thăm Sài Gòn là đã thấy ngay: “Máy bay hạ cánh. Vừa bước xuống là cảm nhận được ngay cái hơi nóng hừng hực của mùa hè ở xứ nhiệt đới. Hành khách được xe buýt đưa vào khu vực khai nhập cảnh. Ngay lập tức, tôi bắt đầu thấy ma…” (trang 13)
Nhân vật tiểu thuyết cũng là những thi sĩ trong một cường quốc thơ Việt Nam, nơi “bạn có thể phạm tội giết người, nhưng không thể phạm tội chê thơ kẻ khác. Đó là một tội ác ghê gớm.” (trang 16).
Và nhiều nữa, rất nhiều chuyện buồn nữa trong tiểu thuyết.
Buồn vô cùng tận là cuộc nội chiến đau đớn. Thận Nhiên viết nơi trang 140:
Chiến tranh ngày càng lan rộng khốc liệt. Nhiều người bỏ thị trấn dời qua vùng khác tránh bom đạn, nhưng hầu như không còn nơi nào an toàn. Cha được giải ngũ, quyết định bán nhà vào Sài Gòn làm lại từ đầu, cũng bằng nghề dạy học.
1975, cuộc chiến chấm dứt. Thị trấn là nơi diễn ra trận đánh dữ dội nhất, là cơn giãy giụa, hấp hối sau cùng của con vật chiến tranh. Thị trấn thành bình địa. Khu chợ và những dãy nhà chung quanh chỉ còn gạch ngói ngổn ngang. Vậy mà kỳ lạ, ngôi nhà thờ không đổ. Tháp chuông là vật thể duy nhất còn đứng trơ trọi, lỗ chỗ dấu đạn. Thánh giá trên cao gãy gập, bay mất một bên tay, trơ giàn khung sắt trĩu xuống.
Chúa đang cúi xuống. Cúi xuống niềm tin và hi vọng rách rưới của con người. Hoà bình.
Hoà bình mà sao tan nát, phân tán hơn cả khi còn chiến tranh!
Thỉnh thoảng có tin mơ hồ về mợ Viên, Hồng và Bửu, nhưng không thể biết họ chính xác đang ở đâu, chỉ nghe phong thanh nơi này nơi khác. Chẳng bao giờ Lễ gặp lại ai trong gia đình cậu.
“Mợ ơi, Bửu ơi, Hồng ơi, ở đâu? Còn sống không?”…”(ngưng trích)
Nhà văn Trang Châu nhận định nơi trang bìa sau:
Văn của Thận Nhiên gọn mà hàm ý. Giọng văn lúc chững chạc, lúc dí dỏm, lúc châm biếm, không nặng nề chua chát nhưng đôi khi gần như lạnh lùng. Đọc Những ghi chép ở tầng thứ 14, tôi không muốn cười, chưa đến nỗi phải khóc, nhưng buồn thì rất buồn.”
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc cũng có nhận định in nơi bìa sau:
Tiểu thuyết như sự lắp ghép những câu chuyện có vẻ rời rạc, nhưng chính thứ tự xuất hiện của mười lăm chương sách đã làm nên cốt truyện chung và diện mạo nhân vật. Những ghi chép ở tầng thứ 14, cũng chính là tầng thứ 13, thật sự lôi cuốn. Có cảm giác nó là câu chuyện thật, từ vô số chi tiết đời sống, chứ không phải một sản phẩm hư cấu… Đứng ngay giữa trung tâm của những giằng xé, “tôi” đúng là nạn nhân của lịch sử. Một thành phố Sài Gòn và một đất nước Việt Nam tràn ngập người/ma và tràn ứ thi sĩ. Những chuyện lẽ ra phải gào khóc đau đớn nhưng lại tìm cách cười cợt để có thể dằn lòng bước tiếp. Những đời người không biết rõ quá khứ, cũng không quá quan tâm hôm nay, huống gì chuyện tương lai xa vời. Những cái chết không phải do kẻ khác giết mà là tự giết mình, dần mòn, từng mỗi ngày qua.”
 Nhà thơ Trịnh Y Thư ghi nơi bìa sau:
 Được Văn Đoàn Độc Lập trao tặng giải tiểu thuyết hay nhất năm 2018, Những ghi chép ở tầng thứ 14 của nhà văn Thận Nhiên – một luồng gió mát trong cơn nắng khô hạn của tiểu thuyết viết bằng tiếng Việt ở hải ngoại – là cuộc hành trình cảm xúc của một cá nhân đi tìm kiếm tình thương và ý nghĩa nhân sinh bất kể đường biên địa lí và ngăn cách thế hệ. Cá nhân ấy có tìm thấy điều mình mong ước không? Dĩ nhiên là không, bởi đây là một trong vô vàn nghịch lí hết thuốc chữa của đời sống.”
Trong bài nhận định văn học rời, nhan đề “Thận Nhiên: Những ghi chép trên tầng thứ 14,” được  dùng làm Lời Bạt cho tiểu thuyết này, nhà thơ Trịnh Y Thư (cũng là Giám đốc NXB Văn Học Press) viết, nơi trang 182-183:
“…nguyên do của thảm cảnh chính là cuộc chiến tàn khốc kéo dài mà trong đó những kẻ đồng loại, đồng hương đối xử với nhau tệ hơn ác thú. Tiểu thuyết Việt Nam trong vòng nhiều chục năm qua hiếm khi thoát khỏi những ám ảnh về cuộc chiến, Thận Nhiên cũng thế, và anh đã viết cực hay, mặc dù anh chỉ dành cho nó vỏn vẹn hai chương sách. Cuộc chiến được nhìn từ mắt một cô gái trẻ, rất trẻ, mà sau này chính là mẹ “hắn.” Tiểu thuyết gia, nhất là những cây bút bị/được soi giọi bởi “bóng ma” Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, khi viết về chiến tranh, phần nhiều vẫn có sự phân định “ta-địch.” Quán tính này dù được ngụy trang khéo léo, người đọc tinh ý vẫn nhận ra. Thận Nhiên không thế. Anh viết với tất cả lòng đau xót của một nhà văn nhìn cuộc chiến như một tai họa khủng khiếp của dân tộc với biết bao chết chóc, đổ vỡ, điêu tàn, di họa kéo dài đến tận ngày nay, và chưa biết bao giờ mới được hàn gắn trọn vẹn.” (ngưng trích)
Có thể nói ngắn gọn rằng đây là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc, chứa đựng rất nhiều nỗi buồn. Thận Nhiên không hề có ý làm độc giả vui, cũng không muốn làm chuyện gì như là kể lại những chuyện buồn ngày xưa. Thận Nhiên chỉ ghi lại hình ảnh của một số hình ảnh với cương vị một người cầm bút và thấy nơi nào cũng là nơi tạm trú của ông, và rồi những nỗi buồn của cõi người đọng lại từng nét chữ gõ lên trang giấy.
Sách dày 189 trang, giá bán $15.00. Tìm mua trên Barns & Noble. Search Keywords: Nhung ghi chep o tang thu 14.
Hoặc liên lạc ở: Văn Học Press, 22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA
Email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

PTH

No comments:

Post a Comment