Trương
Vũ
Trương
Vũ ký tặng sách
Hình của
NT Thanh Bình
Trương Vũ Trương Hồng Sơn, là giáo sư Toán tại Đại học Duyên Hải
Nha Trang trước 75. Sau khi đến Hoa Kỳ năm
1976, ông tốt nghiệp Cao Học về vật lý hạt nhân, toán, kỹ sư điện và Tiến Sĩ
‘Doctor of Science’ về điện ứng dụng trong kỹ thuật không gian. Trương Vũ từng
là chuyên gia về kỹ thuật xác định quỹ đạo phi thuyền của trung tâm NASA. Ngoài
ra, ông còn làm chủ bút tạp chí Đối Thoại, đồng chủ biên tập san Việt học The
Vietnam Review và đồng chủ biên tuyển tập The Other Side of Heaven, nxb
Curbstone Press, 1995. Mới đây Trương Vũ đã cho xuất bản tập tùy bút và tiểu luận Đuổi Bóng Hoàng Hôn,
do Nxb Nhân Ảnh ấn hành. Cuốn sách vừa in ra đã được đón nhận. Các trang web đều
nhắc đến với những lời khen ngợi. Tạp chí Quán Văn của Nguyên Minh còn chuẩn bị
ra một số chuyên đề về Trương Vũ và Đuổi Bóng Hoàng Hôn. Thật ra, từ lâu những
bài tạp bút và tiểu luận của Trương Vũ đã được độc giả yêu thích và đánh giá
cao. Ở đó thể hiện những suy tưởng sâu sắc và những hoài niệm văn học nghệ thuật
thật đẹp của tác giả. Những bài như Những Cơn Mưa Ngày Cũ, Về Lại Sorrento, Mùa
Đông Prague, Mưa Ướt Vị Thành… thật sự là những áng văn tuyệt tác.
Sau đây Phố Văn xin đăng
lại Mưa Ướt Vị Thành để cùng thưởng thức. PV
Cách
đây hơn 20 năm, tôi bắt đầu tham dự khá thường xuyên vào các sinh hoạt văn học
ở hải ngoại, trong suốt một thời gian khá dài kể cả lúc còn làm việc toàn thời
gian ở NASA trước khi về hưu. Hợp tác với Wayne Karlin để thực hiện tuyển tập
văn chương chiến tranh The Other Side of Heaven, hợp tác với giáo sư Huỳnh Sanh
Thông của đại học Yale cho tập san Việt Học The Vietnam Review, viết bài và hợp
tác với một số tạp chí văn học Việt Nam ở hải ngoại, thuyết trình ở một số hội
thảo về văn học, v.v... Sự tham dự tương đối năng động vào những sinh hoạt đó
có vẻ như bất bình thường, vì văn học là một lãnh vực tôi không hề được đào tạo
ở trình độ cao. Mà, ngay cả ở trung học, bạn bè đều biết tôi là một đứa học trò
rất tầm thường về môn văn. Từ bé tới lớn, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ trở thành
một nhà văn hay một giáo sư văn chương.
Một
hôm, trong một hội thảo hè dành cho các nhà văn trẻ tổ chức ở đại học St. Mary
thuộc tiểu bang Maryland, một nhà văn trao đổi với tôi về trường hợp của cô. Cô
mê văn chương, viết rất nhiều truyện ngắn, đang vật lộn với đời sống và phấn
đấu với chính mình để xem có nên tiếp tục sống toàn phần cho văn chương và bán
phần cho sinh kế, hay ngược lại. Cô muốn tôi lấy kinh nghiệm cá nhân để giúp cô
ý kiến. Rất tiếc, hôm đó tôi chẳng giúp gì được vì chẳng có kinh nghiệm nào về
chuyện này. Câu trả lời của tôi khá mông lung. Văn chương có giữ một vị trí đặc
biệt trong đời sống của tôi thật nhưng không phải để tôi trở thành nhà văn, mặc
dầu đôi khi, do những gì đã viết ra, nhiều người trong văn giới gọi tôi là nhà
văn. Tuy nhiên, nhân câu chuyện trên, tôi thấy cần viết một bài về đề tài này,
về cái vị trí của văn chương trong đời sống của mình, để từ kinh nghiệm riêng
chia sẻ được gì với người khác. Đặc biệt, tôi muốn chia sẻ với những bạn trẻ
giống như tôi trước đây, không được đào luyện tốt về văn chương ở trường ốc và
sống với những ngành nghề gần như trái ngược. Tôi xin viết một cách tản mạn, và
tản mạn từ những chuyện rất riêng tư.
Tôi
tin mỗi người trong chúng ta đều mang trong tim mình những dấu ấn, những tì vết
gây ra từ một biến cố trong đời, một chấn động mạnh hay có thể chỉ là một hình
ảnh đến rất nhanh, như một nụ cười, một giọt nước mắt, … Để rồi, sau đó, vào
một lúc rất bất chợt, con tim nhói lên, cái cách vui buồn thương ghét trong cuộc
đời bỗng thay đổi. Một bài thơ, một cuốn sách đã đọc vào một lúc nào đó cũng có
thể làm nên chuyện như vậy.
Tôi
xuất thân là một thầy giáo toán, được gọi nhập ngũ khi có lệnh tổng động viên
lúc chiến tranh ở miền Nam trở nên tàn khốc. Sau hơn hai năm, được biệt phái
trở về dạy học lại. Cách sống của tôi thay đổi hẳn. Đời sống trong quân ngũ có
làm tôi thay đổi thật, nhưng ảnh hưởng lớn nhất thật ra là từ một bài thơ, của
một nhà thơ sống cách đây hơn ngàn năm ở một nơi xa lắm.
Cách
đây gần 50 năm, sau khi tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi đi trình diện
đơn vị ở một hải đảo xa. Tôi nhớ, đó là một buổi sáng mưa nhẹ hột. Trên đường
đi đến đơn vị, tôi và một người bạn cùng khóa mang ba-lô đi bộ lên một ngọn
đồi, trên đó có một quán ăn nhỏ. Chúng tôi vào quán uống cà phê. Ngồi khá lâu
vì mưa bắt đầu nặng hột. Đơn vị ở cách đó không xa nhưng qua mưa không nhìn
thấy. Cả hai châm thuốc hút, rồi bỗng nhiên, tôi nhớ tới một bài thơ của Vương
Duy. Tôi đọc lên. Bạn tôi chỉ mỉm cười, im lặng, phà khói thuốc, rồi lãng đãng
nhìn những giọt mưa rơi từ mái tôn xuống bậc thềm. Năm đó, dù đã dạy học một
thời gian trước khi động viên, tôi chỉ mới vừa qua tuổi 26. Bạn tôi, cũng cùng
tuổi và cả hai đều đã có gia đình. Tôi nhớ rất rõ bản tiếng Hán, Vị Thành Khúc
(渭城曲),
của Vương Duy:
渭城朝雨浥輕塵,Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần
客舍青青柳色新。Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
勸君更盡一杯酒,Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
西出陽關無故人。Tây xuất Dương Quan vô cố nhân
Và,
cả bản dịch của Ngô Tất Tố:
Trời
mai mưa ướt Vị Thành
Xanh
xanh trước quán mấy nhành liễu non
Khuyên
chàng hãy cạn chén son
Dương
Quan đến đó không còn ai quen
Đây
chắc không phải là bài thơ hay nhất của Vương Duy và càng không phải là bài thơ
hay nhất của Đường Thi. Chắc cũng không có bao nhiêu bạn đọc cảm xúc gì nhiều
khi đọc bài này. Nhưng, với tôi, khi đọc lên tôi xúc động. Tôi biết tôi đã đọc
nó lần đầu tiên từ cuốn Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, lâu
lắm rồi, khi còn ở trung học, trong căn nhà cũ gần bờ biển Nha Trang, nơi tôi
đã sống suốt tuổi thơ. Bài thơ đó, thời gian đó, không gian đó, với những xúc
cảm của lúc đó, tưởng quên đi, nhưng không. Cũng từ đó, tôi đọc nhiều sáng tác
văn học hơn mỗi khi rảnh và nhớ lại nhiều bài thơ đã học và đã quên.
Ở
hải đảo có một thời gian tôi làm sĩ quan tuần tra. Tôi nhớ, một buổi tối, mưa
tầm tã, khi hết phiên trực, tôi ghé vào lều của một ông thượng sĩ già, xin cà
phê uống. Ở đó, người sĩ quan trực kế tiếp, MDT, cũng đang ngồi uống cà phê.
MDT trước khi động viên dạy Pháp văn ở Huế. Trong khi trò chuyện, bỗng nhiên T.
nói về những tiểu thuyết Pháp đang ăn khách như Bonjour Tristesse, Un Certain
Sourire,… của Françoise Sagan, rồi quay trở lại nói về những tác phẩm học ở
thời trung học, những tác phẩm của Alphonse Daudet hay Anatole France, rồi
Nguyễn Du của ngày xưa, rồi Bùi Giáng của ngày nay, rồi quay sang nói về
Sartre, về Camus, v.v… Chúng tôi nói say sưa, ông thượng sĩ già châm thêm cà
phê, lặng lẽ nghe và thỉnh thoảng nở nụ cười độ lượng. Trước khi chia tay và
bắt đầu phiên trực của mình, T. nói với tôi: “Tụi mình… à la recherche de la
jeunesse perdue!” Tôi cũng thấy mình già đi thật. Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại,
thấy… tếu tếu. Tuy nhiên, những câu chuyện theo kiểu câu chuyện trong lều của
ông thượng sĩ già đó, đã giúp tôi rất nhiều để những ngày tháng nơi hải đảo bớt
đi cái nhớ nhà, cái lo sợ, cái nhàm chán. Và, dù hễ mở miệng là thích nói về
cái tuổi trẻ đã mất, nhưng chính vào thời gian đó, từ những câu chuyện văn
chương đó, tôi thấy cái tuổi trẻ thật sự của mình bắt đầu bừng lên một sức sống
mãnh liệt. Tôi nghĩ đến những ngày tháng tới, khi không còn chinh chiến, hay
khi được trở về với đời sống thường dân, tôi sẽ sống khác, nhìn cuộc đời cách
khác. Và, quả thật, khi về lại, tôi vẫn tiếp tục dạy toán, nhưng tôi có khác.
Trên
sách vở, trong nghiên cứu, toán học và văn học có một lằn ranh rõ rệt, nhưng
trong mỗi con người, lằn ranh đó có thể rất mờ nhạt. Khi tìm hiểu về cuộc đời
các nhà toán học, tôi ấn tượng nhất về một thiên tài mà cuộc đời ngắn ngủi của
ông có thể là đối tượng tuyệt vời cho một tác phẩm văn chương. Một thiên tài đã
sống tận cùng cho sự đam mê về toán học, về những lý tưởng nhân bản, và về chất
lãng mạn trong tình người và tình yêu. Tôi muốn nói về Evariste Galois. Ông
sinh ngày 25/10/1811 ở Bourg-la-Reine, Pháp. Năm 14 tuổi đã bắt đầu có những ý
niệm mới và nghiêm chỉnh trong toán học. Đến năm 19 tuổi ông đã công bố những
công trình quan trọng làm nền tảng cho “Lý Thuyết Galois” và “Lý Thuyết Nhóm”
trong đại số trừu tượng (abstract algebra). Trong lúc chăm chú vào những phát
kiến toán học, ông vẫn tham gia vào chính trị Pháp, tranh đấu cho nền cộng hòa
Pháp, đi đầu trong cuộc biểu tình chống đối vua Louis Philippe. Bị bắt và bị xử
sáu tháng tù. Trong tù, ông ngồi viết tiếp những công trình toán học. Ra khỏi
tù tháng 4/1832. Qua tháng sau, để bênh vực danh dự của người yêu,
Stephanie-Felice du Motel, ông chấp nhận tham dự một cuộc đấu súng. Năm ngày
trước cuộc đấu, ông viết thư cho một người bạn, tâm sự về mối tình này. Đêm
trước khi đấu, biết rằng mình sẽ chết, ông thức suốt đêm để hoàn tất những công
trình toán học còn dở dang. Sáng sớm hôm sau, ông bị bắn ở bụng, mọi người bỏ
đi, để ông nằm một mình ở đấu trường. Đến 10 giờ, một nông dân nhìn thấy đưa
đến bệnh viện gần đó. Chỉ có người em trai, Alfred, được thông báo. Câu cuối
cùng ông nói với em: “Đừng khóc, Alfred! Anh cần sự can đảm để chết ở tuổi hai
mươi.”
Một
trăm bốn mươi năm sau, ở Nha Trang, tôi bắt đầu dạy sinh viên Lý Thuyết Nhóm
của Galois. Chương trình trung học Pháp đưa Lý Thuyết Nhóm vào năm cuối của ban
toán trước đó vài năm. Chương trình trung học Việt thì chưa.
Tôi
không phải là một thiên tài như Galois, dĩ nhiên, nhưng toán học ảnh hưởng vào
đời sống tôi rất nhiều. Những hiểu biết cơ bản về toán học cũng đã giúp tôi
không ít khi đi vào các chuyên môn khác như vật lý hạt nhân, như kỹ sư điện hay
như kỹ thuật không gian mà sau này tôi phải sống với nó một thời gian khá dài.
Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ ở đây với các bạn trẻ là tinh thần toán học,
nhất là, thói quen tìm giải đáp cho những nghi vấn, đã giúp tôi đến với văn
chương thi vị hơn. Xin kể một câu chuyện. Thời còn ở trung học, tôi được đọc
bản tiếng Việt một tác phẩm của Leo Tolstoi, nhan đề Một Bản Đàn, do nhà văn
Trương Bảo Sơn chuyển ngữ, có lẽ từ một bản tiếng Pháp. Tôi đọc say mê. Tác
phẩm xây dựng trên thảm kịch của một cặp vợ chồng. Vì nghi ngờ vợ mình có tình
ý với một ông thầy dạy nhạc, một nhà quý tộc giàu có nổi cơn ghen giết vợ. Một
truyện dài rất hay. Rất thích nhưng tôi luôn tự hỏi tại sao nhà văn TBS lại đặt
nhan đề là Một Bản Đàn. Vì, sau này, sau khi được đọc bản dịch tiếng Pháp La
Sonate à Kreutzer, tôi ngờ rằng Tolstoi rất có cố ý khi lấy tên một bản sonate
của Beethoven, “Bản Sonate cho Kreutzer”, làm nhan đề cho cuốn tiểu thuyết. Nó
phải là bản sonate đó chớ không phải một bản đàn nào cũng được. Ý của Tolstoi,
theo tôi, là chính bản nhạc đó, bản sonate đó của Beethoven, đã đóng góp vào
thảm kịch. Nhưng, tôi không chắc lắm, vì không biết gì về bản sonate này.
Hơn
hai mươi năm sau, khi sống ở Philadelphia, một hôm có dịp vào thư viện thành
phố. Tình cờ, thấy bản tiếng Anh, The Kreutzer Sonata, tôi nhớ lại cái nghi vấn
ngày nào. Tôi vào phòng thính âm, xin được nghe bản sonate này. Bản “Sonate cho
Kreutzer” được Beethoven soạn cho dương cầm và vĩ cầm. Bản tôi được nghe do
Arthur Rubinstein và Henryk Szeryng trình tấu. Rubinstein phụ trách dương cầm,
Szeryng vĩ cầm. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần. Tiếng dương cầm hòa với tiếng
vĩ cầm một cách tài tình, réo rắt, tha thiết, làm ruột gan người nghe thắt lại.
Tôi hình dung ra buổi hòa nhạc trong ngôi nhà vị quý tộc. Tôi tưởng tượng ra
cảnh ông quý tộc ngồi nhìn vợ mình với ông thầy dạy nhạc say sưa trình tấu, như
không cần biết có ai xung quanh. Ông quý tộc giàu có nhưng trong người ông
không có bao nhiêu chất âm nhạc, chất thi ca. Ông nhìn cảnh vợ ông (chơi dương
cầm) với ông thầy (chơi vĩ cầm) để hết tâm hồn vào bản nhạc. Tiếng nhạc quyện
lẫn vào nhau da diết mãnh liệt. Ông hình dung ra một cảnh khác. Ruột gan ông
bấn lên nhưng ông ghìm lại. Sau buổi trình tấu, ông vẫn giữ cung cách của một
quý tộc, cười nói khen ngợi vợ. Một thời gian ngắn sau đó, thảm kịch xảy ra.
Cách
đây ba năm, tôi lên Amazon tìm mua CD bản The Kreutzer Sonata cũng do
Rubinstein và Szerying trình tấu để nghe lại. Tôi tin rằng tôi hiểu được ý của
Tolstoi khi chọn bản sonate này làm nhan đề cho cuốn tiểu thuyết. Tôi tin rằng
cái nghi vấn của tôi đúng. Nhưng, thật ra, đúng hay sai không quan trọng. Quan
trọng là chính cái nghi vấn đó đã cuối cùng mang đến tôi một niềm vui, một may
mắn, được thưởng thức một bản sonate tuyệt vời. Riêng đối với nhà văn Trương
Bảo Sơn, dù vẫn không đồng ý với ông về cách đặt tên cho bản dịch cuốn tiếu
thuyết, tôi luôn kính trọng ông, và rất cám ơn ông đã đem đến cho lớp trẻ chúng
tôi vào thời đó một món ăn tinh thần rất có giá trị của Leo Tolstoi.
Leo
Tolstoi và Fyodor Dostoyevsky là những tên tuổi lớn của văn học cổ điển Nga, và
của cả nhân loại. Ngoài hai nhà văn này, sự hiểu biết của tôi về văn học Nga
vào thời còn đi học rất giới hạn. Về sau, do tình cờ, tôi đọc Anton Chekhov qua
các bản dịch tiếng Anh và thích tác giả này, đặc biệt các kịch phẩm của ông như
Three Sisters (Ba Chị Em), The Cherry Orchard (Vườn Anh Đào)… Do thích vở Three
Sisters nên khi biết vở này được trình diễn tại một kịch viện nhỏ, The Studio
Theatre, tôi đến xem. Nhân vật chính trong kịch là một gia đình có ba chị em và
một em trai. Thời trẻ họ sống ở Moscow khi ông cha chỉ huy một lữ đoàn ở đó,
cho đến khi ông về hưu cách đó mười một năm. Sau đó họ mất cả cha lẫn mẹ. Giấc
mơ của ba chị em là một ngày nào đó họ sẽ về lại Moscow. Nhiều tình tiết và bi
kịch được dựng lên từ đó. Lời lẽ trong vở kịch trình diễn ở The Studio Theatre
hơi khác trong bản dịch tiếng Anh trong sách một chút. Tối hôm đó, sau khi dự
vở kịch xong, về lại nhà, nghĩ lại vở kịch, tôi nhớ nhất câu nói và cách nói của
người đóng vai Irina (cô em út) nói với Olga (cô chị cả): “Chị Olga, em sẽ lấy
Nam Tước, em sẽ về Moscow. Tụi mình sẽ về Moscow.” Và rồi, tôi nghĩ đến một
buổi tối ở giảng đường của trường Đại Học Duyên Hải trên đường Yersin, Nha
Trang. Tối hôm đó, bạn tôi, giáo sư Bửu Ý, thuyết trình một đề tài đặc biệt:
“Văn Chương Trên Giấy, Văn Chương Trên Sàn Gỗ.” Trong phần thuyết trình, một
sinh viên Việt Hán, Dương Đề, được Bửu Ý chọn lên trình bày vài diễn xuất ngắn.
Những câu nói trong phần diễn xuất của Dương Đề luôn chấm dứt bằng câu “Ngày
mai tôi sẽ về Sài Gòn.” Bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ khá rõ dáng
điệu của Dương Đề khi vừa đi vừa nói câu đó trên sân khấu. Bửu Ý là một học giả
nổi tiếng, dạy văn chương Pháp ở Đại Học Huế, và cũng là một kịch tác gia. Kịch
phẩm Sương Hồng và Tuyệt Địa của Bửu Ý đã được xuất bản và trình diễn ở Sài Gòn
trước 1975. Bửu Ý được mời phụ trách tín chỉ nhiệm ý về kịch nghệ cho sinh viên
Duyên Hải và cùng với thầy Bửu Phi giúp sinh viên thực hiện một vở kịch cho đại
học. Sau 1975, Bửu Ý có thời gian làm chủ nhiệm ban Văn Chương Pháp ở Đại Học
Huế, nhiều lần được mời sang giảng dạy ở Pháp. Anh cũng được tưởng thưởng một
huy chương cao quý của Pháp do chính đại sứ Pháp tại Việt Nam đích thân trao
tặng. Tuy nhiên, không thấy Bửu Ý còn dính dấp gì đến kịch nghệ. Vở kịch năm
xưa chắc chắn không thể nào được tái bản. “Văn chương trên sàn gỗ” cùng với
trường Đại Học Duyên Hải đã hoàn toàn đi vào quá khứ.
Nhiều
thứ đã đi vào quá khứ nhưng vẫn để lại những dấu vết sâu đậm trong tim mình.
Tôi muốn nói về một câu chuyện thật, được kể lại để làm nền cho tác phẩm The
Bridge on the Drina (Chiếc Cầu trên sông Drina) của nhà văn Nam Tư (Yugoslavia)
Ivo Andrić, giải thưởng văn chương Nobel 1961. Tác phẩm lấy bối cảnh của thành
phố Visegrad của Bosnia từ thế kỷ 16 trở về sau. Đây là nơi thường xuyên chứng
kiến những tranh chấp tàn bạo giữa hai đế chế Thổ và Áo-Hung, và cũng là tranh
chấp giữa Hồi Giáo với Thiên Chúa Giáo (gồm Công Giáo và Chính Thống Giáo) liên
tục suốt 400 năm. Để ngăn chận sự phát triển của Thiên Chúa Giáo, người Thổ tổ
chức bắt cóc những đứa con nít thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, thường là những
gia đình nghèo, đưa sang vùng cai trị của Thổ, bên kia sông Drina. Những đứa bé
này được cải sang đạo Hồi và lớn lên như người Thổ. Rất nhiều bà mẹ đưa con đi
chợ với mình, quay nhìn lại không thấy con đâu, rượt theo kẻ cướp cho đến bờ
sông Drina, dừng lại, ngơ ngác nhìn theo chiếc phà chở con qua sông. Lúc đó,
phà là phương tiện duy nhất để qua sông. Bên kia là vùng cai trị của đế quốc
Thổ.
Thời
gian đầu ở Mỹ, cả gia đình tôi còn lại Việt Nam. Hình ảnh những bà mẹ đứng ngơ
ngác bên này sông Drina luôn ám ảnh. Có nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy dẫn các con
đi chơi, đang ngồi ăn uống vui vẻ, chợt nhìn lại không thấy con mình đâu. Tôi
thức dậy, tim còn nhói. Mãi sau này, bao nhiêu năm sau khi đã đoàn tụ đầy đủ
với gia đình, những giấc chiêm bao như vậy thỉnh thoảng vẫn hiện ra. Tôi đồng
cảm với cái nhói tim của ông Tể Tướng Thổ, Mehmed-paša Sokolović. Một trong
những đứa bé bị bắt qua sông Drina như đã nói trên đây được một gia đình quyền
quý Thổ nhận làm con nuôi, đổi đạo, đổi tên. Lớn lên, nhờ tài năng, thăng lần
lên đến bậc thang cuối cùng của danh vọng, giúp đế quốc Thổ bành trướng tận
Trung Âu, giữ chức Tể Tướng (First Grand Vizier) cho Thổ. Với ông Tể Tướng Thổ,
chuyện đứa bé bị bắt đưa qua sông ngày nào tưởng đã hoàn toàn đi vào quá khứ.
Nhưng không, có người nói là ông thường bị những cơn nhói tim. Vào một lúc như
vậy, có lẽ, ông làm một quyết định lớn là cho xây một chiếc cầu qua sông Drina.
Xây từ năm 1566 nhưng mãi đến 5 năm sau mới hoàn tất. Và, từ đó, cây cầu cũng
như con sông tiếp tục chứng kiến bao đổi thay, bao bi hài kịch của cuộc đời, và
cả bao tàn phá lẫn xây dựng.
Ở
trên, tôi có nói về buổi thuyết trình của Bửu Ý trong một giảng đường của Đại
Học Duyên Hải. Cũng chính trong giảng đường đó, một người bạn khác, nhà thơ Huy
Tưởng, đã trình bày một đề tài về Thi Ca. Tôi xin kể lại đây câu chuyện mở đầu
của Huy Tưởng. Có một ông thần, một buổi tối đẹp trời ông bay qua một con sông,
nhìn xuống thấy một người con gái đang tắm dưới ánh trăng. Ông đoán đó là một
hình ảnh đẹp và ông muốn biết nó thực sự đẹp như thế nào, ông muốn tận hưởng
nó. Ông phải đến gần. Sợ gây tiếng động mạnh làm cô gái hoảng sợ, ông biến
thành một con chuột, nhẹ nhàng đến gần cô gái. Tuy nhiên, là chuột thì cái ham
thích chỉ là những rác rưới trên bờ sông, nó không màng gì đến cô gái, nó không
thấy cô gái đẹp chỗ nào. Thất bại. Ông biến ra nhiều hóa thân khác. Có hóa thân
là một vị hoàng đế trẻ đẹp, quyền uy. Nhưng, khi thấy cô gái, vị hoàng đế chỉ
muốn ra lệnh đưa nạp cô vào cung. Thất bại. Và, nhiều thất bại tiếp theo. Cuối
cùng, ông quyết định biến thành một thi sĩ. Người thi sĩ thấy được cái hồn
nhiên, thanh thoát của cô gái, và cái đẹp tuyệt vời của sự quyện lẫn giữa thân
xác mịn màng với trăng vàng long lanh trên mặt nước. Ông thành công.
Huy
Tưởng! Bạn đang ngồi đâu đó, nếu có đọc những dòng chữ này xin đừng cười. Dĩ
nhiên là tôi… cương. Bao nhiêu năm tháng đã qua rồi, làm sao tôi nhớ cho đúng
hết những gì bạn nói. Nhưng, tôi tin là tôi không sai ý. Dầu sao, tôi cũng chỉ
muốn mượn câu chuyện này để nói đôi lời với các bạn trẻ. Hãy đem văn chương vào
đời sống. Dù có làm thơ hay viết văn hay không, hãy đến với cuộc đời bằng tâm
hồn của một thi sĩ. Bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn. Bạn sẽ thấy con người đẹp
hơn. Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể làm thơ hay viết văn mà lại không đến với cuộc
đời bằng tâm hồn một thi sĩ. Nhưng, đây là câu chuyện khác.
Khi
nhắc đến thành phố Visegrad, nơi có cây cầu được xây qua sông Drina, tôi nhớ
đến cái thành phố tôi đã sống suốt tuổi thơ. Như nhiều người, tôi thỉnh thoảng
vẫn có một ước mơ biết là không thể có, là có lại cái tuổi trẻ của mình. Của
những ngày mà ba má tôi còn, tất cả anh chị em tôi còn và cái hồn nhiên của tôi
còn. Chỉ là mơ ước, dĩ nhiên! May mắn là bên cạnh những cái không còn đó, có
những cái vẫn còn. Những con sông chảy qua thành phố, và biển. Từ một con sông
chảy ra biển, một sớm nào tôi đã theo đó mà ra khơi. Tôi đã hò hẹn với con
sông, với biển, và với bao nhiêu người là tôi sẽ trở lại. Và, tôi đã gặp lại
rất nhiều trong số đó. Tôi nhớ mấy câu thơ của một người bạn Nha Trang của tôi,
nhà thơ Hải Phương:
Cám ơn biển
biển trùng khơi con
sóng vỗ
trăm nhánh sông hò
hẹn chuyến đò qua
……..
TRƯƠNG
VŨ
Maryland, cuối tháng
7 năm 2017
(Đăng
lại theo Blog Phạm Cao Hoàng)
Hoa dại.
Tranh sơn dầu của Trương Vũ
No comments:
Post a Comment