Saturday, December 22, 2018

NGÀY SẼ HẾT!


Khuất Đẩu

Lữ Kiều, Nguyễn Lệ Uyên và Khuất Đẩu

Ngày sẽ hết.
Tôi sẽ đi.
Dù chưa biết đi đâu!
                     Bùi Giáng

1.
Chỉ còn 5 tháng nữa, tôi tròn 80. Tâm trạng của tôi lúc này giống như Bùi tiên sinh, biết chắc cái phút giây cuối cùng của đời mình sẽ đến và khi nó đến, dù dịu dàng hay dữ dội, thì cũng sẽ đi thôi.

Vậy thì sống là đi tới phía trước. Mà chết cũng đi không hề ngoảnh lại.

Trịnh Công Sơn bảo “về thu xếp lại”. Mà anh có thu xếp được gì đâu. Những tác phẩm của anh để lại, được cả hai bên thua cuộc và thắng cuộc xào đi nấu lại, thêm đủ gia vị tây tàu, thành ra một món tả pí lù, cuối cùng được các đội kèn tây cố làm ra vẻ bi ai để thổi ra tiền trong các đám tang.

Tôi không tin có một cõi gọi là “vĩnh hằng”. Hạt bụi của anh không hóa kiếp, vẫn còn lang thang đâu đó một cách tức tưởi.

Hạt bụi của Sơn Nam thì “nghiêng mình nhớ đất quê”. Yên phận hơn.

2.
Tôi yêu ánh nắng cuối ngày. Đó là thứ ánh nắng mỏng và nhẹ như tơ. Còn nhẹ hơn cả tơ nữa, mỏng và nhẹ gần như bằng không. Cho nên cái phút giờ gần chạng vạng đó, lúc nào tôi cũng thấy buồn.

Không phải buồn vì ngày sắp hết. Mà buồn vì cái đẹp sao mong manh quá. Một chút tím trên những cồn cát trắng. Một sợi khói trên mái nhà sàn. Tiếng mõ rời rạc của đàn bò trên đường trở về chuồng. Chỉ trong chớp mắt là tan chìm vào bóng tối.

Nhưng cũng chính trong phút giờ mong manh của trời đất, tôi lại cảm nhận được cái sâu dài của tình bằng hữu.

Nếu có thể thu xếp thì tôi xin được thu xếp và mang theo những khuôn mặt bè bạn mà nhờ ơn phước tôi may mắn được gặp ở cuối đời.

3.
Đó là khuôn mặt như tạc bằng rìu của Nguyễn Lệ Uyên, với màu da như gốm nung già lửa sắp biến thành sành và hai hàng chân mày như hai con dao găm không có chuôi, dễ khiến người ta liên tưởng đến Lỗ Trí Thâm của Lương Sơn bạt.

Con người ấy đương nhiên là nói lớn, nhưng ăn không to, uống cũng không nhiều. Với rau cỏ trong vườn, chị Hoa vợ anh bảo đi chợ chỉ 30 đồng một ngày cũng đủ. Viết thì lại khác. Với cái lý thuyết gọi là Mắc le, anh vung bút như Don Quichot đánh với cối xay gió. Không khó để hình dung ra anh qua “Nhật ký thằng điên”.

Một người cũng cao lớn dềnh dàng nhưng lại ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng, quá đỗi dịu dàng, là Lữ Quỳnh. Tôi rất thích cách anh vào quán gọi “một ly mình và một ly không” rồi cuối cùng uống “chút nắng tàn trong chiếc ly không” để tưởng nhớ bạn.

Một người cũng ưa chữ Lữ đó là Lữ Kiều. Đây là chàng nho sinh không chịu cầm bút lông mà chỉ muốn cầm bút sắt thay cho con dao chủy thủ để làm Kinh Kha buồn. Nhưng Tần Thủy hoàng giờ quá nhiều và quá hèn, anh lại bỏ bút cầm cọ. Với cây cọ, anh một mình múa may trên toile và trên giấy như Bùi Giáng cầm cây đu đủ múa trên cầu Trương Minh Giảng. Cho đã đời du côn, chắc là vậy!

Một người có tên đẹp như một nữ quận chúa, đó là Đỗ Hồng Ngọc. Ngoài Nguyễn Nhật Ánh được các cô cậu choai choai rồng rắn xếp hàng để xin chữ ký, trong giới viết lách, còn có anh cũng được quý bà và quý cô ái mộ không kém. Bài thơ nổi tiếng “Thư cho bé sơ sinh” không chỉ gửi riêng cho một bé nào mà cho cả một thế hệ đến nay cũng đã bước vào tuổi “gió heo may”.

Một người lặng lẽ tự vẽ mình lúc 5, 6 tuổi ngồi ôm trụ cây số, là Lê Ký Thương, đến tuổi già vẽ tặng tôi một người cầu học đạo. Đến nay, cánh cửa vị cao tăng ấy vẫn đóng kín. Anh còn là một nhà thơ và thơ anh lúc nào cũng thơm mùi bã mía.

Một người có trái tim khác người, ngoài bốn ngăn còn có một ngăn dành riêng cho người tình tên T. Đó là Nguyên Minh, người mê in ấn đến nỗi bỏ quên người yêu đứng dưới mưa và cũng chẳng nhớ đứng ở góc đường nào, để đem báo mới in đi khoe bạn bè. Trong cái ngăn ấy, cô T. cứ rọ rạy hoài nằm không yên chỗ nên anh cứ phải viết mãi về cô.

Một người hiện đang nằm một chỗ, sau khi đã trầy vi tróc vảy với công an mạng để tạo dựng trang Văn Chương Việt, là Nguyễn Hòa VCV. Người anh mỏng như cây sậy nhưng ý tưởng và ý chí thì mạnh mẽ và sum suê lá cành như cây đa. Nhờ có anh mà tôi được biết thêm một Hiếu Tân với những bài dịch rất sâu sắc trong thời Mùa xuân Á rập, một Từ Sâm với chị vợ rất hiền thục, đã biến ngôi nhà mình thành nơi tụ họp của các nhà văn nhà thơ ở Nhatrang.

Tôi cũng không quên Phạm Văn Nhàn, trong lần về VN, khi đi thăm lại căn cứ Lam Sơn ở Dục Mỹ, anh đã ngậm ngùi nói về cái ngày tan hàng đau đớn. Chính anh đã dẫn đám tân binh đi ngang qua Ninh Hòa, lúc đó tôi và học trò đứng ở trường nhìn ra với cõi lòng tan nát. Cũng chính anh đem bản thảo NTNCN của tôi qua cho Trần Hoài Thư in thành sách và đưa lên mạng Talawas của Phạm Thị Hoài.

Một người nữa, gần như đồng thanh hay đồng khí sao đó, mà từ Paris đã về Ninh Hòa để gặp tôi, cùng đi Đầm Môn tắm dù chỉ thích tắm với đầm. Đó là Kiệt Tấn, nhà văn với những cuộc tình khiến Nguyễn Mộng Giác hơi thở phải “rướn cong”, và là nhà thơ khiến Bùi Giáng có sống lại cũng phải phục lăn, nhất là hai câu: “thơ ông lén đọc sau hè, mỏi chưn ngồi xuống em tè ổng coi”. Anh cũng để lại trong tôi cái hình ảnh cực kỳ thơ dại, cực kỳ lãng mạn khi anh và cô em điên xõa tóc Evelyn ngồi mút cà rem ở Paris.

4.
Có những người chỉ gặp nhau trên mạng, nhưng đúng là đến chết vẫn không thể quên. Một người ngoài cái tình sâu dày với sách vở, còn chung thủy với bạn bè và nhất là với người bạn trăm năm. Đó là Trần Hoài Thư, người khâu vá toàn bộ kho tàng đồ sộ của văn học miền Nam, chủ bút Thư Quán Bản Thảo, một tạp chí in chỉ để tặng chứ không bán, đến nay đã gần 100 số…

Một người họ Trương tên Vấn, chủ trang mạng T.Vấn & bạn bè, rất có duyên gặp gỡ trên mạng, nhưng chưa có duyên gặp nhau trên đời dù anh đã về tới Sài Gòn. Anh, cũng như Trần Hoài Thư, lặng lẽ sưu tầm những bản nhạc in trước 75, nhạc trong tù cải tạo, kể cả những CD rất quý của Hoài Nam nói về nhạc Việt trên đài phát thanh của Úc.

Một người nữ tôi đặc biệt ngưỡng mộ và kính phục, là Phạm Thị Hoài, người đã sáng lập và phát triển trang mạng có thể gọi là hay nhất ở nước ngoài. Ròng rã suốt 9 năm, phải đối phó liên tục với các thế lực hùng mạnh và gian xảo của nhà nước, cô đã tập hợp được những cây bút có uy tín nhất gần như trong mọi lĩnh vực. Cô là người miền Bắc đầu tiên nhận ra chân giá trị của Bùi Giáng và cổ xúy cho việc lập một giải thơ với tên gọi là giải Bùi Giáng. Với ngòi bút sắc sảo, cô đã khiến cho tiếng Việt trở nên bén như gươm, khiến các “dư luận viên” trở thành ngọng nghịu như bọn ngọng líu lưỡi trước Hồ Xuân Hương vậy.

Mà thôi, hoàng hôn sắp tắt rồi. Ngày sẽ hết, tôi sẽ đi. Dù chưa biết đi đâu. Xin thân ái chào các bạn.

KHUẮT ĐẨU
10/8/2018

*Nguồn: T.Vấn & Bạn hữu

No comments:

Post a Comment