Friday, December 28, 2018

NÂNG LY CHO TÌNH THÂN ÁI NGÀY XƯA


nguyễnxuânthiệp

 Auld Lang Syne

Vốn yêu thích âm nhạc (đầu tôi là chiếc hộp chứa đầy ca khúc), mình từng viết nhiều bài nói về những khúc hát nổi tiếng: Cuốn bay theo gió (Blowin’ in the Wind-Bob Dylan), Hãy đứng bên tôi (Stand by Me- Roger Ridley hát), Những bông hoa đi về đâu (Where have all the Flowers Gone – Pete Seeger), Cánh buồm xa xưa (La Paloma), Mừng Năm Mới (A Happy New Year – ABBA)…  

    Bây giờ, xin nói tới một bài hát khác, bài Auld Lang Syne sắp vang lên trên quảng trường Times Square. Vừa mới đêm qua đây thôi, Nguyễn mở Youtube nghe lại bài hát trong Waterloo Bridge tức La Valse Dans L'Ombre (Điệu Vũ Trong Bóng Mờ). Đó là thời gian giữa hai cuộc Thế Chiến, Roy Cronin (Robert Taylor) và Myra Lester (Vivien Leigh) gặp nhau và yêu nhau. Họ trải qua những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi trong âm vang của ca khúc Auld Lang Syne với tiếng đàn violon vang lên trong đêm dạ vũ. Từng ngọn nến tắt. Và cuối cùng cái hôn bắc cầu cho tình yêu. Nhưng hỡi ôi, tình yêu đã chết bên cầu Waterloo, chỉ còn điệu nhạc đêm nào cùng những kỷ niệm.
     Bạn ạ, trong đêm New Year's Eve sắp tới đây, như thông lệ tại quảng trường Times Square ở Nữu Ước, hằng triệu trái tim người sẽ náo nức, hân hoan và cảm động nhìn trái cầu từ từ rơi xuống và đồng hồ điểm mười hai giờ, để được cùng nhau hát lại bài ca "Auld Lang Syne” của tình bạn ngày xưa thân ái.  "Này bạn ơi, liệu ta có thể nào quên đi những thân tình cũ, và không bao giờ hồi tưởng lại nữa? Không đâu, bạn nhỉ, thời gian trôi qua (và dẫu cho giữa chúng ta là biển lãng quên sóng gào), nhưng chúng ta hãy cùng nâng ly cho tình thân ái ngày xưa."  Đại ý lời của bài Auld Lang Syne là như vậy, về sau người ta còn đặt thêm nhiều lời nữa để diễn tả với nhiều ảnh tượng hơn về những tình thân ái của một thời được gọi "The Old Good Time". Chẳng hạn, ca từ nhắc lại thời bạn bè chạy chơi trên các ngọn đồi và hái những bông cúc trắng cũng như  cùng nhau bơi thuyền trên sông hồ từ sáng cho tới chiều hôm. Vậy mà giờ đây xa cách ngàn trùng, nhưng thế nào rồi cũng có lúc bạn bè hội ngộ, nếu không trong thực tại thì cũng trong ý nghĩ tưởng nhớ tới nhau.
    Bạn biết đấy, Auld Lang Syne nguyên gốc là một bài hát rong Tô Cách Lan (Scots Ballad), ca từ được đặt ra khoảng năm 1677. Về sau, thi sĩ Robert Burns của xứ Tô Cách Lan nhuận sắc lại và ông đã gửi một bản cho Bảo Tàng viện Anh quốc với lời ghi chú: "Bài hát sau đây nguyên là một ca khúc xưa chưa bao giờ được in ra dù dưới dạng bản thảo..." Và cứ như thế, bài hát được truyền đi khắp mọi nơi trên thế giới. Tựa của bài thơ, Auld Lang Syne (đọc là ôld laeng zain) dịch sang tiếng Anh hiện đại là old long since, có nghĩa là for old times' sake, có thể tạm dịch sang tiếng Việt là "vì tình xưa nghĩa cũ".  Bài thơ Auld Lang Syne được phổ nhạc thành một bài hát với giai điệu đơn giản dễ hát, với lời lẽ tha thiết nhắc chúng ta nhớ về tình bạn và sự tử tế của những ngày xưa thân ái, gợi cho người nghe những hoài niệm da diết nhưng đồng thời cũng khơi dậy lòng tin vào con người khiến ta hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.
     Theo trang web tin tức của đài ABC, bài hát này không bao giờ được viết để đón giao thừa, thậm chí cũng chẳng dành cho dịp hội hè nào cả. Nó được biết đến ở Mỹ là do công lao của Guy Lombardo khi dàn nhạc của ông chơi bài hát này trong thời gian chờ giữa hai chương trình truyền thanh trong một cuộc phát thanh trực tiếp tại khách sạn Roosevelt tại New York vào năm 1929 (cách đây cũng gần 100 năm rồi). Rất tình cờ, bài hát ấy lại được chơi vào ngay sau khi đồng hồ gõ chuông báo giao thừa, và thế là một truyền thống mới đã được hình thành.
     Nội dung chính của bài hát là gì? À, nó chỉ là câu chuyện của hai ông bạn già người Scotland gặp lại nhau sau một thời gian dài; vốn tính keo kiệt (cố hữu của người Scots), họ rủ nhau đi uống rượu nhưng tiền ai nấy trả, để ôn lại những kỷ niệm từ ngày xửa ngày xưa. Và cứ thế, câu chuyện của họ cứ kéo dài miên man bất tận, với những hoài niệm đẹp đẽ.
    Và nếu bạn giàu trí tưởng tượng, bạn có thể hình dung ra hai ông bạn già ấy đã vui biết bao khi gặp lại được người bạn nối khố. Họ cứ ngồi đó uống, đến quên cả giờ giấc, uống mãi từ chiều cho đến tận khuya .... Và chỉ sực tỉnh ra khi chuông đồng hồ gõ 12 tiếng.
      Giao thừa! Năm cũ đã qua, năm mới đến. Thời hoa mộng đẹp đẽ nhất đã qua, nhưng những kỷ niệm đẹp ấy cũng làm ta ấm lòng và lạc quan bước vào năm mới.

       Theo tập tục của Tô Cách lan, “Auld Lang Syne” được hát lên trong đêm New Year's Eve. Ở Bồ Đào Nha, và ở VN trước 1975, nó được hát lúc chia tay, đặc biệt trong phong trào Hướng Đạo Sinh. Ở Đài Loan, sinh viên tốt nghiệp ra trường cùng nâng ly rượu mừng hát “Auld Lang Syne”, và ở một vài nơi người ta cũng hát nó lúc cử hành tang lễ. Riêng tại Mỹ, ca khúc “Auld Lang Syne” từ lâu đã là ca khúc được hát lên trong đêm New Year's Eve, đêm giao thừa giã từ năm cũ đón mừng năm mới. Điều này đã trở thành truyền thống. Khởi đầu là do một nhạc sĩ gốc Tô Cách Lan tên là Guy Lombardo, cho rằng bài ấy hợp với Giao Thừa, là thời điểm để người ta nhìn lại thời gian qua, tìm thời gian đã mất, nên ông soạn lại bài hát và năm 1929 thì có dịp trình tấu trong đêm New Year's Eve tại New York. Từ đó, "Auld lang syne" trở thành "bài ca của đêm Giao Thừa Tết Tây", gợi lên trong lòng hàng triệu người tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
   Và bạn hiền ơi, trong đêm New Year's Eve này, bạn hãy nhìn vầng trăng xanh huyền hoặc và nghe lại bài Auld Lang Syne, để cảm nhận thân tình ấm áp từ phương xa gởi tới.

NXT



No comments:

Post a Comment