Monday, August 20, 2018

BẠT CHO TẬP ‘KỶ NIỆM KHÔNG CÓ MƯA’ CỦA Ý NHI


Vũ Thành Sơn

Ý Nhi và tác phẩm

Tôi là kẻ khác
Arthur Rimbaud

Bằng một vọng âm đặc biệt, Kỷ niệm không có mưa khiến chúng ta bất ngờ nghe thấy một cơn mưa khác chưa hề tạnh trong kỷ niệm. Cơn mưa của Jacques Prévert.

Em hãy nhớ
Dẫu sao em cũng hãy nhớ ngày hôm ấy
Đừng quên
Một người đàn ông trú dưới mái hiên
Và chàng kêu tên em
Barbara

Và em đã chạy tới phía chàng dưới mưa
Ướt đẫm hân hoan rạng rỡ
Và em đã lao vào tay chàng
Em hãy nhớ điều ấy Barbara

Và đừng giận tôi nếu tôi gọi em bằng em
Tôi gọi bằng anh em tất cả những người tôi yêu mến
Ngay như tôi chỉ gặp họ có một lần
Tôi gọi bằng anh em tất cả những người yêu nhau
Ngay như tôi chẳng hề quen biết họ
Em hãy nhớ Barbara

Đừng quên
Cơn mưa hiền hòa hạnh phúc ấy
Trên gương mặt em hạnh phúc
Trên thành phố hạnh phúc ấy
Cơn mưa trên biển
Trên công binh xưởng
Trên con tàu Ouessant ấy

Ôi Barbara
Chiến tranh thực là đần độn chó má
Bây giờ em đã ra sao
Dưới trận mưa sắt
Lửa thép máu ấy[1]

Chiến tranh trên đất nước chúng ta đã lùi rất xa nhưng vết thương trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam chưa bao giờ thật sự ngủ yên và vĩ thanh từ những chia cắt, ngộ nhận và bạc đãi vẫn còn rền rĩ không dứt trong mỗi phận người.

Vì vậy, cho dù trong tâm tưởng, những kỷ niệm đối với nhà thơ Ý Nhi, luôn sáng trong và ấm áp nhưng chúng ta vẫn cảm thấy phảng phất qua từng trang viết của Kỷ niệm không có mưa một dư vị cam phận, buồn bã. Có phải bởi vì văn chương, suy cho cùng, bao giờ cũng là một hơi thở dài cuồng nhiệt và ám ảnh của đời sống?

Kỷ niệm không có mưa ghi chép những kỷ niệm cá nhân của nhà thơ Ý Nhi với nhiều văn nghệ sĩ ở hai miền Nam-Bắc trong và sau khi chiến tranh kết thúc. Ở một khía cạnh nào đó, qua trung gian của tác giả, chúng ta được nhìn ngắm, được “tiếp xúc” với những nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ đó trong đời sống thực trần trụi ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và tất nhiên, có cơ hội để làm một sự đối chiếu thú vị giữa con người nghệ sĩ mang tâm tình, khát vọng, băn khoăn, lo toan hằng ngày với những đứa con tinh thần của họ; để kiểm chứng trong bối cảnh cá biệt của Việt Nam tính xác thực một phát biểu của Lucien Goldman “Lịch sử văn học đầy dẫy những nhà văn mà tư tưởng của họ đối nghịch quyết liệt với ý nghĩa và cấu trúc tác phẩm của họ”[2]. Có thể nói tuy tác giả tự đóng khung hồi ức của mình như là một triển lãm chân dung dưới góc nhìn cận cảnh “để bày tỏ lòng biết ơn”, Kỷ niệm không có mưa một cách khách quan đã cung cấp không ít tư liệu văn học quý giá, lý thú cho những độc giả yêu thích văn chương và những nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại và cũng chính điều đó mới thực sự làm nên căn cước của tác phẩm trong tư cách là một chứng cứ của một giai đoạn lịch sử. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, dưới góc nhìn của tư liệu như vậy, tập sách đã soi rọi một tia sáng hiếm hoi vào một không gian văn học mà vì nhiều lý do không được công bố chính thức, hiện nay hẵng còn chìm khuất trong bóng tối. Trong viễn tượng đó, nếu đọc với một quy chiếu lịch sử, chính trị, xã hội cụ thể, Kỷ niệm không có mưa sẽ mang một chiều kích khác vượt ra ngoài giới hạn tự thân của nó cũng như chủ đích khiêm tốn ban đầu của tác giả để có thể được coi, hay nên được coi, như là một phiên bản lịch sử cá nhân của một số phận nghiệt ngã có tên gọi chung là Việt Nam.

Kỷ niệm không có mưa,  tác phẩm phi hư cấu đầu tiên của nhà thơ Ý Nhi, hoàn toàn có thể được đọc như một câu chuyện dài với nhiều nhân vật, mỗi nhân vật một tính cách, một số phận, được kể bằng một giọng thì thầm của một người ngồi hồi tưởng bên khung cửa. Nó đem đến cho chúng ta một Ý Nhi khác trong một chân dung nhìn nghiêng; một Ý Nhi kín đáo, rụt rè trong quan hệ xã hội nhưng tinh tế, sắc sảo trong vai trò một độc giả-nhà thơ. Sự hòa quyện bất phân ly, hoặc đôi khi hoán đổi, giữa hai vị trí ấy được thực hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối của câu chuyện cho cảm giác người nghe cùng với người kể như đang cùng tham dự vào đời sống của chính nhân vật, tạo ra một sự sống động hấp dẫn.

Chúng ta sẽ bắt gặp một Tô Thùy Yên, “một người đàn ông tầm thước, lịch duyệt, từ tốn”, “mong có dịp ra Hà Nội, nơi ông từng qua giữa đêm khuya trong chiếc xe chở tù bít bùng, chật chội.” (Thức cho xong bài thơ)

Hay Nguyễn Minh Châu “ít khi xuất hiện ở những nơi đông người, mà có tới, chắc cũng ngồi ở một căn phòng đóng kín cửa nào đó”, một người với “nhiều cái sợ, sợ đủ thứ, sợ ma quỷ, sợ đám phê bình, sợ tuyên huấn”. (Gương mặt người kêu gọi)

Còn với nhà thơ bị Việt Phương: “Có lần Việt Phương khoe với tôi ông có nhiều thơ tình yêu và sẽ gửi cho tôi đọc vài chục bài. Tôi chợt nhớ đến nhận xét của Xuân Quỳnh về thơ tình của ông, đại ý: Thơ tình của Việt Phương dành tặng cho những cô tôi đã yêu, những cô tôi đang yêu, những cô tôi sẽ yêu và những cô tôi chưa kịp yêu. Một tình yêu không có địa chỉ chăng. “Đâu cũng em mà em chả là ai” thật sao. Không. Tôi nghĩ, có địa chỉ đấy, có “là ai” đấy nhưng ông chỉ đứng trước căn nhà đó thôi. Có thể, có vài lần Việt Phương đã đưa tay bấm chuông nhưng chủ nhà chưa kịp mở cửa thì ông đã rời xa. Có đôi khi ông đã vào nhà nhưng chỉ ngồi ở phòng khách, uống một ngụm trà rồi cáo từ. Việt Phương là con người có thể “nhận tất cả tình yêu của em không có anh trong ấy”, có thể nơi nào đó “thì thầm nói chuyện cùng em/ Em cứ ngủ bình yên trong thành phố”, và có thể “yêu em một tình yêu tự đủ”. Chẳng làm gì nên tội mà Việt Phương đã áy náy: “Nhưng anh đã gây đủ cái phần gây đau khổ trên đời”. Việt Phương là như vậy. Một cách tự nhiên, từ trong bản chất. Ông không thể khiến bất cứ ai đau khổ, tổn thương.” (Thơ làm chết người như bỡn Thơ làm sống người được chăng)

Sự nhạy cảm của một nhà thơ-kể chuyện cũng dễ dàng bắt gặp qua những quan sát kín đáo, tinh tế: “Có lẽ, trong nhiều năm tháng nổi trôi trong cõi đời này, ông phải nói một mình rất nhiều, nhiều đến nỗi đã thành một thói quen khó thay đổi. Vì vậy chăng mà những lời ông nói ra như có sức nặng nào đó đọng lại trong lòng ta. Tôi từng được nghe ông chơi đàn kìm và cảm thấy dường như có mối liên hệ cật ruột giữa lời nói của ông và những âm thanh bật lên trong buổi chiều ắng lặng miệt vườn, giữa cơn mưa rả rích.” (Niềm hạnh phúc được trả bằng rất nhiều đau khổ).

Chúng ta cảm động nghe tác giả kể lại bằng một ngôn ngữ chân thật tình bạn của tác giả với nhà thơ Xuân Quỳnh: “Quỳnh thích màu vàng. Mùa hè 1973, khi tôi sinh cháu thứ hai, Quỳnh đến thăm. Quỳnh mặc một chiếc áo phin nõn màu vàng nhạt, Quỳnh khoe mới mua được. Quỳnh đem cho tôi một chục ổi chín, thơm phức, ngượng nghịu bảo: “Thay vì mang trứng thì tao lại mang ổi”. Tôi nhớ bấy giờ Quỳnh nghèo lắm, như tất cả chúng tôi. Quỳnh ngồi chơi rất lâu, nói rất nhiều chuyện. Quỳnh đang rất buồn vì một chuyện tình cảm đổ vỡ. Quỳnh có đôi mắt rất đẹp và buồn. Hôm ấy tôi nhìn thấy ngấn nước trong đôi mắt đen tuyệt đẹp ấy.” (Nhớ Quỳnh)

Hay “Xuân Sách rất ít nói. Và cũng không hay cười. Có cảm giác ông đang nghĩ ngợi về một điều gì đó, chưa thể nói hoặc không thể nói. Nhiều lần, giữa đám đông, tôi thấy ông lặp lại cử chỉ tôi từng thấy trong lần gặp đầu tiên: khoanh tay, đầu hơi cúi xuống, nhìn chăm chú vào một nơi nào đó.” (Nhớ một giọng cười)

Một số tác giả được nhắc đến trong Kỷ niệm không có mưa hoặc đã mất hoặc hiện thời không còn ở trong nước. Những cảm nhận hay nhận định của Ý Nhi, vì lẽ đó, mang tính chất hồi cố nhiều hơn là một sự tương tác như đối với các tác giả đương thời. Song, dù vậy, những hồi cố ấy sẽ làm cho chúng ta, với độ lùi của thời gian, khi đọc lại không khỏi kinh ngạc cho sự ngây thơ, bế tắc của một giai đoạn lịch sử.

Lịch sử văn học Việt Nam, chúng ta hy vọng, sẽ còn phải quay trở lại với thời kỳ đặc biệt này cùng với những thi sĩ, nhà văn bị bạc đãi hay “có vấn đề” như Tô Thùy Yên, Việt Phương, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Nguyễn Xuân Sách; đồng thời ở một mặt khác, sự phát triển lành mạnh của một nền văn học đòi hỏi phải có một sự soi sáng những mảng tối với nhiều khuôn mặt mà nếp gấp của lịch sử vẫn còn tiếp tục phủ bóng lên họ như Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…Những khoảng trống đó đã được phơi bày ra, kêu gọi một sự khai quật khi tập sách được gấp lại.

Dưới góc nhìn đó, Kỷ niệm không có mưa có một giá trị đích thực, bền vững không thể phủ nhận qua việc cung cấp những chi tiết sống thực. Đó là lý do vì sao chúng ta, những độc giả, có thể dễ dàng bị lôi cuốn vào những câu chuyện, những suy nghĩ, cảm nhận hoàn toàn riêng tư và mang đậm tính giai thoại của một nhà thơ vốn tự nhận là “chỉ thích màu đen”, xa lánh đám đông và thường “tìm một góc để ngồi”.

Cuối cùng, đọc Kỷ niệm không có mưa trong sự liên kết với những tác phẩm khác của Ý Nhi có mở ra những khả thể khác? Hay nói một cách khác, từ một kinh nghiệm đọc Kỷ niệm không có mưa quay trở về với những tác phẩm của chính tác giả có làm cho người đọc phát hiện ra những chiều kích mới? Sau những tác phẩm thơ, năm 2014, Ý Nhi ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên Có gió chuông sẽ reo và bà hiện nay vẫn tiếp tục thử sức với thể loại này. Cũng như chính tác giả tự nhận “Mỗi nhà văn đều đã tự họa chân dung của mình qua tác phẩm”, chúng ta tin điều đó là sự thật.
VTS

[1] Jacques Prévert, Rapelle-toi Barbara, bản dịch Nguyễn Đăng Thường và Diễm Châu.
[2] George Steiner, Language and Silence, tr. 216.

No comments:

Post a Comment