Tuesday, August 29, 2017

VỀ BÀI THƠ ‘BÔNG HỒNG CHO MẸ’

Đỗ Hồng Ngọc


Báo Văn Hóa Phật Giáo

Mùa Vu lan. Thật may mắn cho những ai được cài đóa hồng trên ngực áo. Bởi họ còn Mẹ. Tôi thì cài bông trắng. Nhưng điều tôi tin chắc là mẹ tôi đã gặp… bà Ngoại, và vì thế, mẹ đã có thể gài lên ngực một đóa hồng thật tươi từ đó… 
Bông hồng cho Mẹ
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
Đỗ Hồng Ngọc
(Vu Lan 2012)

Võ Tá Hân, người nhạc sĩ đã có đến hơn 30 CD nhạc Phật giáo và hằng trăm khúc tình ca nổi tiếng, một hôm tình cờ đọc được bài thơ ngắn ngủn này đã cảm xúc viết nên khúc hát Vu Lan thật thiết tha dành cho những người con… không còn Mẹ. 


Và tiếng hát da diết của ca sĩ Thu Vàng thấy trên youtube:
https://www.youtube.com/watch?v=CBk4jUw1IKs

Rồi Bội Hoàng, từ Cần Thơ đã cảm tác :   

Tình yêu còn mãi

Đọc bài thơ mà mắt lệ đoanh tròng
Ai thấu hiểu một tình yêu đã mất
Ai tự hào cài hoa hồng lên ngực
Dù đã qua cái tuổi cổ lai hi!

          Con chỉ muốn luôn được cài hoa đỏ
          Dù tuổi đời Má đã rất mong manh,
          Dù con Má đã con cháu vây quanh,
          Vẫn muốn được mỗi ngày chăm sóc Má.

Được bón cơm, được đút cháo, châm trà
Được tắm rửa, được thay quần áo mới
Được ngồi bên nghe những lời Má nói
Mà dậy lên niềm thương cảm riêng tư

               Má bỏ con năm Má chín mươi tư
               Rời cõi tạm, Má lên đường thanh thản
               Con cài hoa cho màu áo Má đỏ
               Để Má về gặp Ngoại vui đoàn viên

(Bội Hoàng, 2014)

Nguyễn Thị Khánh Minh từ Santa Ana, mùa Vu Lan viết trong bài “Ngoại Chờ Bên Kia Sông”:
“Lại đến mùa Vu Lan. Những đóa hồng đỏ hạnh phúc bung nở vành môi vẽ một vòng xum vầy thỏ thẻ Mẹ Ơi. Những đóa hồng trắng ngân đọng nước mắt lung linh đôi bờ xa vắng âm vang tiếng gọi Mẹ Ơi. Trong niềm, vừa hân hoan vừa cảm động, tôi nhớ đến bài thơ về Mẹ mà khi đọc nhịp tim tôi như bị nghẹn,

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông

(Bông Hồng Cho Mẹ, Đỗ Hồng Ngọc)

Thử xem. Đọc. Nghe. Rồi hít vào một hơi thở sâu, im vắng, thì mình như nghe được tiếng nước mắt đang vỡ ra… Vỡ bung như ngọn sóng xanh lấp lánh biển pha lê. Vỡ tung như ngọn pháo hoa rơi vô vàn sợi ánh sáng trong đêm. Những cái vỡ, không tan mà thăng hoa, phải chăng đó là tận cùng của Đẹp? Như hạt nước mắt này, nó bung bung. Ánh lên bóng của Ngoại đang đứng bên kia sông, bên kia là bên của miên viễn không còn sinh tử? Và Mẹ, Mẹ đang từ cõi chết đi vào cõi sống ấy để lọt vào vòng ôm ấm áp của Ngoại. Mẹ đi từ nụ hồng đỏ nở duyên trùng phùng Ngoại. Ý thơ mầu nhiệm làm sao.
Tôi thấy không nói nên lời được để tả cho chính xác cảm giác của mình về sự mênh mang “ý tại ngôn ngoại” trong sâu thẳm bài thơ này. Về cái rất không nghĩa của Mất Còn. Đến với tôi là ý niệm con đường sinh tử đang xóa đi dưới cảm xúc của đứa con, -là Đỗ Hồng Ngọc đây-, người chiêm nghiệm sống chết thật là như không, đóa hồng trắng người đang đeo là một thực tại, đóa hồng đỏ đang rưng rưng trên áo Mẹ kia, là áo nghĩa của thực. Tất cả đều ở thì đang, không còn hôm qua ngày mai phút tàn giây tới. Sinh mệnh không khởi đi và chấm hết bằng hai đầu tiếng khóc nữa. Là Đây. Là Đang. Một thực tại sống động xóa hết biên giới không gian và thời gian. Hình dung Mẹ, trong hơi thở hắt ra bỗng trong suốt nhẹ nhàng đứng lên, trong ngày hội tưng bừng của Tình Mẫu Tử, cúi nhìn bàn tay đứa con run run cài lên ngực áo mình một đóa hồng đỏ, và Mẹ phất phới đi trong nôn nao cho kịp giờ hẹn với Ngoại. Ôi ta mất mẹ và ôi Mẹ vừa có Ngoại. Vô biên lâng lâng nỗi Còn Mất… Huyễn ảo vô cùng khiến những giây tơ vi tế nhất trong cảm xúc ta bị đánh động.
Ngoại Chờ Bên Kia Sông, tôi viết hoa vì mỗi mỗi chữ của câu thơ này là khởi đề dẫn đến chiêm nghiệm ảo hóa về sinh tử. Và toàn bài thơ là tấm tình trong vắt ban sơ của người con, rất nhỏ, mà cũng đã rất già. Bởi rất nhỏ thì mới yêu thương Mẹ được hồn nhiên như thế. Và phải chăng, rất già mới có thể biến yêu thương ngây thơ thành một tình yêu vượt qua được đau đớn của chia lìa sinh tử, như thế.
Cảm ơn Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cho tôi biết thêm một nhịp đập thương yêu nữa của Hiếu Tử, cho tôi từ bây giờ đã có thể chấp nhận một cách nhẹ nhàng khi nghĩ đến một lúc nào đó phải xa Mẹ. Không phải là một cái xa hẳn rồi, mất hẳn rồi như tôi vẫn thường nghĩ nữa. Trong hạt nước mắt rơi lại thấp thoáng nụ cười, nhìn Mẹ của ta lại cài hoa hồng đỏ về bên Ngoại. Ôi! Cái không nói của Ngoại Chờ Bên Kia Sông đã lấp đầy cảm xúc và ý nghĩ của tôi đến thế!
Và lúc này đây, còn được thấy mẹ ra vào thì hãy thỏ thẻ bên vai mẹ rằng,
… mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng… (thơ Đỗ Trung Quân)
Trong hoan hỷ địa mẫu tử, tôi đọc thầm cho riêng mình, gửi đến các con tôi,
… tận cùng hạt lệ mẹ
là nước mắt con rơi
tận cùng tiếng cười mẹ
là nụ cười con vừa mở
và con ơi
tận cùng hư vô mẹ
sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại 
(thơ NTKM)
Thưa có phải cũng có chút gặp gỡ giữa “sẽ một ánh nhìn theo con. trở lại” và “Ngoại Chờ Bên Kia Sông”?
NTKM
Santa Ana, Mùa Vu Lan
tháng 8. 2016

mà nhà phê bình Tô Thẩm Huy cảm thán:
“Bài thơ ngắn, vỏn vẹn 20 chữ, mà thâm thúy, ảo diệu vô cùng. Đọc lên điếng cả hồn.
Phải chép lại ra đây.
Con cài bông hoa trắng
Dành cho Mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực,
Ngoại chờ bên kia sông
Rõ ràng Nguyễn Thị Khánh Minh đã cảm bài thơ đến vô cùng, đến “tận cùng của đẹp”, tận cùng của ý nghĩa sinh tử kiếp người, không khởi đầu, không chấm dứt. Thời gian tan biến mất. Thơ tuyệt, mà người cảm thơ cũng quá tuyệt. Thật là may mắn có được người đồng điệu như thế.
Bài phổ nhạc hay, hai giai điệu khác nhau mà hòa hợp, hỗ tương lẫn nhau. Tuy thế, cảm xúc khi đọc bài thơ nó đến ào ạt, như cùng một lúc nó trào dâng, bủa vây tứ phía, làm bàng hoàng, run rẩy khắp cả châu thân. Cảm xúc từ bài nhạc nó đến khoan thai, từ tốn, êm đềm”.
Lê Uyển Văn từ Trà Vinh viêt: Bài viết tuyệt vời được khơi nguồn từ bài thơ đẹp. May mắn cho chúng ta được thưởng thức những tuyệt phẩm này. Xin đa tạ! Còn Trieu Minh (Úc) ghi cảm nhận khi nghe bài hát từ giọng ca Thu Vàng: “ Doc va nghe Nhac, nghe Nghen o nguc, nuoc tu lan tren Ma”. Còn ton  t thì comment: “Nghe nhức xương, thấm tới tủy”; chrslam thì ghi: Đã nghe đi nghe lại cả chục lần bài hát này. "...Mẹ nhớ gài lên ngực. Ngoại chờ bên kia sông..." Một cảm giác khó tả. Cám ơn thi sĩ và nhạc sĩ. Và E-Temple ghi nhận: “ Chỉ có 4 câu ngắn ngủn thôi mà thành lời ca, và hát mãi không muốn dừng.  Con dập đầu lạy Phật, xin Mẹ được vãng sinh ‘ Nam mô Đại Từ Đại Bi A-Di-Đà Phật....’
Nguyễn Thị Tịnh Thy từ Huế viết trong “Yếu tố bất ngờ trong bài thơ bông hồng cho mẹ”:
“Bông hồng cho Mẹ của bác sĩ - thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bài thơ hay về mẹ. Hay đến mức nào? Hay đến mức lặng người, lạnh người... Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt ngũ ngôn, chỉ vẻn vẹn bốn câu, hai mươi chữ nhưng đủ để khiến người đọc có nhiều phức cảm buồn vui, thấu đạt lẽ sinh tử, cảm ngộ điều được mất... để có thể tỉnh thức, an nhiên trước sự nghiệt ngã của quy luật sinh ly tử biệt.

(...)

Viết về cái chết, về nỗi đau tử biệt nhẹ nhàng như thế, nhà thơ đã thấm nhuần triết lý của nhà Phật. “Vô thường”, “sắc không”, “tứ khổ”, “diệt khổ”, “từ ái”... được chất chứa trong từng câu chữ giản dị tưởng chừng như không còn là thơ, không phải là thơ.  Mặc dù bài thơ đậm chất triết lý, nhưng chất triết lý ấy đến một cách đơn giản, không trau chuốt gọt giũa, không cao đàm khoát luận. Mọi cảm xúc, tình cảm trong bài thơ vừa như có, vừa như không; vừa rất nặng, vừa rất nhẹ; vừa hiện thực, vừa kỳ ảo. Tất cả đều tùy thuộc vào cách mà mỗi người cảm nhận về cái chết, về tình mẫu tử, về lẽ tử sinh. Sâu sắc và đa nghĩa như thế, Bông hồng cho Mẹ là cả một chân trời nghệ thuật mà ở đó, mọi đường nét nghệ thuật dường như tan biến trong tình cảm sâu nặng của người con đối với mẹ, để rồi lan tỏa đến người đọc. Khiến cho người đang nằm có thể bước đi, khiến cõi chết trở thành cõi sống, khiến âm dương cách biệt trở nên gần lại, đậm chất nghệ thuật nhưng không thấy dấu hiệu của nghệ thuật...”
(đặc san Liễu Quán, số 12, Vu Lan 2017).

Mùa Vu Lan này, xin gởi bạn đôi dòng về bài thơ Bông Hồng Cho Mẹ như một lời chúc mừng đến bạn, người đã rất sướng vui, tự hào, khi còn được cài một bông hồng đỏ thắm trên ngực áo của mình! “Rồi một chiều nào đó anh về, nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu... rồi nói nói với Mẹ rằng...Me ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?...” (Phạm Thế Mỹ).
ĐHN
(Văn hóa Phật giáo, số 280, Vu Lan 2017)




1 comment: