Wednesday, August 2, 2017

ĐỒNG HÀNH


Hồ Đình Nghiêm

                                                       Nhà văn Nguyễn Thị Thảo An

Những năm đầu thập niên 80, xuất hiện một đội ngũ đông đảo người cầm viết. Họ đóng góp và làm giàu cho giòng văn học hải ngoại. Khởi sắc, hưng phấn. Như tất cả các tạp chí văn chương (báo giấy) thời điểm đó, chủ nhiệm nguyệt san Văn, nhà văn Mai Thảo hằng tháng vẫn giới thiệu “Những Người Viết Mới”, kỳ vọng và gọi tên: Họ là một nhịp cầu tiếp nối không làm gián đoạn sự tốt đẹp của nền văn học miền Nam vừa bị bức tử.Nhà văn Nguyễn Thị Thảo An là một khuôn mặt mới, là một trong các “gạch nối” đầy lạc quan kia.
Tôi không rõ nhịp cầu ngày nọ vẫn còn đó hay đã gãy nhịp theo giòng chảy ơ hờ của thời gian phủ lấp. Mấy mươi năm sau “hai người viết mới” tìm ra nhau, nói theo cách của Hoài Khanh: “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng,
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”.

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Mến chào chị Nguyễn Thị Thảo An, vượt biển ngồi chung ghe, giả dụ thế, chưa chắc thuyền nhân đã quen biết nhau.Định cư bốn phương trời, tình cờ họ lại ngồi kề bên nhau. Chắc chị hiểu điều tôi vừa ví von? Vậy thì cho tôi được ngồi gần chị, phút này, để có đôi lời vấn an. Hữu xạ tự nhiên hương. Thưa chị, chị vẫn cư ngụ ở Atlanta? Và chắc chắn, chị vẫn khoẻ?

Nguyễn Thị Thảo An (NTTA): Chào anh Hô Đình Nghiêm. Những người tỵ nạn bằng thuyền đều như đã ngồi chung ghe vậy, hơn nữa đọc văn anh đã lâu nên tuy chưa gặp mà như quen đã lâu. Tôi vượt biển ngày 23/7/1982, từng qua trại tỵ nạn Palawan, Bataan, rồi sang định cư ở Atlanta đến nay. Thành phố hiện nay là Kennesaw, vùng ngoại ô Atlanta, và là một chiến trường đẫm máu trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ 1964.

HĐN: Cho tôi được tò mò về công việc chị đang theo đuổi? Chị vừa có “Nhà Sơn Màu Trắng”, một bài tản mạn súc tích đậm chất Nguyễn Thị Thảo An. Thưa chị, hẳn chị rất lu bu trong sinh hoạt hàng ngày?

NTTA: Tôi là chuyên viên kiểm nghiệm trong Cơ Xưởng Quốc Phòng, chuyên kiểm nghiệm, định lượng các loại máy bay chiến đấu và vũ khí missile cho các ngành Hải, Lục, Không Quân Hoa Kỳ. Công việc này rất bận rộn nên tôi có rất ít thời gian để viết. Thường chỉ viết được vào cuối tuần, vì vậy tôi hết sức hạn chế việc đi chơi.

HĐN: Khi rắp tâm làm các cuộc phỏng vấn, tôi phát hiện ra chút khó khăn, chút không vui, ấy là những người viết cùng trang lứa mình đã chẳng còn mấy ai. Lần hồi họ cùng thu người vào bóng tối. Chị là nhà văn nữ luôn thể hiện sự nhạy bén, tinh tế trong nhận xét. Thưa chị, thực sự thì điều gì đã xẩy ra khiến họ “nhác chơi”?

NTTA: Tôi cũng không hiểu tại sao họ “nhác viết” như anh nói. Riêng tôi kiếm thời giờ viết thật khó. Tôi hy sinh phần bạn bè, không tiếp điện thoại cuối tuần, không đi chơi cuối tuần, dành cả ngày lễ cho việc viết. Hình như tôi đang chạy đua với thời gian vậy.

HĐN: Chị là nhà văn nữ đầu tiên bị tôi nhắm tới, quấy rầy. Tôi cảm ơn chị vì thấy chị vẫn còn “chung ghe” với tôi. Trời yên biển lặng nhưng đừng đi biển mồ côi. Thưa chị, chị có gặp khó khăn khi sáng tác? Dạo gần đây chị thưa viết truyện ngắn?

NTTA: Khó khăn là thời gian. Tôi ước một ngày có 48 tiếng để viết nhiều hơn. Các nhà văn trước năm 1975 thế hệ trước họ sống bằng nghề viết nên có toàn thời gian để viết. Còn những người viết ở hải ngoại phải sống bằng nghề khác. Viết chỉ là trách nhiệm hay sở thích mà thôi. Riêng tôi, coi đó là trách nhiệm nên vui lòng hy sinh những sở thích khác. Rất vui khi biết còn có người “chung ghe”.

HĐN: Tôi rất thích cách đặt vấn đề của chị trong bài “Thơ Thận Nhiên. “Chôn Bả Đâu Bây Giờ?” Tôi đồng cảm với những suy nghĩ của chị. Ngoài viết văn, chị có từng làm thơ?

NTTA:  Tôi là người yêu thơ từ hồi nhỏ. Có lẽ do sự nhạy cảm trời cho chăng? Trước khi đi vượt biên, tôi đem cho hết tiền bạc, xe cộ, chỉ giữ lại một cuốn thơ chép tay mang theo. Lúc đó cứ sợ ra nước ngoài không có thơ để đọc. Mà nếu tôi chết, thì ít nhất cũng có một tập thơ mang theo làm“thuốc”. Yêu thơ vậy, nhưng tự nghĩ mình không làm thể nào làm thơ hay như họ được. Ít nhất, tôi cũng hiểu mình như vậy.

HĐN: Là một nhà văn nữ, chị có mang niềm đau khi nghĩ về trường hợp chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và chị Trần Thị Nga?

NTTA: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.” Tôi nghĩ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga và các anh chị em khác biết mình đang làm gì, và họ biết cái giá phải trả cho những việc làm to lớn cho đất nước. Thuyền to thì sóng lớn. Có nhiều người còn bị ám sát trên con đường trốn sang Campuchia nữa là. Trong sự đồng cảm, tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta có bổn phận tiếp sức với các anh chị em trong nước. Tùy theo khả năng của mình, mỗi người nên làm một cái gì đó để góp gió thành bão. Bài “Lang thang trên các vỉa hè”, “Khiêu vũ với bầy sói”,… là những đóng góp nhỏ nhoi của tôi. Những ai không làm gì khi có thể, người đó không còn là người Việt nữa. Đất nước đang trong cơn quốc phá gia vong mà anh? Hiểm họa Bắc thuộc gần kề.

HĐN: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Câu “thần chú” ấy có linh nghiệm đối với một đất nước đầy tang thương như ở Việt Nam?

NTTA: Áp bức và đấu tranh đã và đang diễn ra hàng ngày ở Việt Nam từ 30 tháng 4 năm 1975 đến nay đó chứ, chỉ tiếc là hiện nay phần đấu tranh chưa đủ mạnh để đập tan áp bức. Nhưng tôi tin tình hình nay mai sẽ đổi khác. Nếu chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh biên giới Trung Ấn xảy ra, thì Đảng Cộng Sản sẽ không đứng vững được. Hiện nay người dân chưa đứng lên vì chưa thấy có một sức mạnh nào ngăn chận một vụ Thiên An Môn xảy ra ở Việt Nam. Chúng ta đang chờ thời cơ sắp tới.

HĐN: Để giảm “áp bức” tôi xin hỏi chị chuyện nhẹ nhàng hơn. Ngoài tác phẩm “Bức Phù Điêu Khắc Cạn” in năm 2001 và “Tập Truyện Nguyễn Thị Thảo An” chào đời năm 2011, chị còn tác phẩm nào khác? Và dự tính của chị sắp tới?

NTTA: Tôi đã hoàn thành thêm một tập gồm truyện ngắn “Cánh Diều Reo” đó cũng là tựa đề của truyện ngắn chính. Thời gian này tôi cũng đang soạn một bộ sách Đức Dục gồm 3 cuốn sách cho thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam, lứa tuổi 5-10, 10-14,15-18. Song song đó, tôi tiếp tục viết cuốn truyện dài đang viết dở với tựa đề Tay Không Tấc Sắt. Những truyện ngắn sau này trong Cánh Diều Reo tôi chưa đăng ở đâu do rút kinh nghiệm ở những cuốn trước, tôi muốn dành cho độc giả một sự ngạc nhiên. Tôi quan niệm viết kỹ hơn viết nhiều.

HĐN: Hình như chị có mở Facebook? Đi vào chốn “ta bà” đó (thú thật là tôi chẳng mặn nồng) có giúp chị thu nhặt được niềm vui hoặc nỗi buồn nào không? Tôi thăm dò cảm nghĩ của chị bởi tôi hồ đồ cho rằng có thể nó làm hại cho đầu óc muốn tìm chút “thân tâm an lạc”. Tôi là đứa lạc hậu, chị có thấy vậy chăng?

NTTA: . Tôi mở Facebook từ năm 2009, nhưng mở rồi bỏ đó, ít khi vào xem. Chỉ từ năm ngoái khi có cuộc vận động tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ tôi mới vào xem tin tức. Anh gọi là chốn “ta bà” cũng đúng. Ở đó tôi “gặp” những người quen. Biết một vài tin tức sinh hoạt của họ cũng vui. Ngoài ra, tôi phát hiện nó có một công dụng khác. Tôi dùng thế giới “ta bà” này để thiền anh ạ. Quay mặt vô vách thiền dễ hơn bước vô chốn “ta bà” nhiều. Tôi đang thử thách chính mình. Đôi khi mệt tôi giải lao bằng viết Facebook. Bài giới thiệu thơ Qua Sông của Tô Thùy Yên, Bài Ca Trung Quốc Ở Châu Âu, Lang Thang Trên Khắp Vỉa Hè, Nhà Sơn Màu Trắng, Chôn Bả Đâu Bây Giờ?… Những bài đó tương đối ngắn, viết nhanh tôi cho vào Facebook để chơi.

HĐN: Nhà văn Mai Thảo từng có lần nói với tôi: “Thế hệ cậu quả có bất hạnh, ngày xưa sinh viên ôm sách vở đến giảng đường vẫn kèm theo “Mười Đêm Ngà Ngọc” hoặc “Để Tưởng Nhớ Mùi Hương”… Con tôi không biết đọc quốc ngữ, chúng giỏi tiếng Anh tiếng Pháp. Mấy cháu nhà chị thì sao? Có đọc được những tấc lòng chị dàn trải?

NTTA: Cái gì cũng có hai mặt cả anh ạ. Con tôi sinh ở đây, không biết nói tiếng Việt nữa chứ đừng nói chi đọc tiếng Việt. Tôi không cho đó là bất hạnh. Chúng được sự giáo dục ở đây nên thành công và giỏi hơn chúng ta. Anh không thấy cái cách giáo dục của Việt Nam khiếm khuyết đủ điều hay sao? Cách giáo dục Việt Nam dạy cho người Việt tinh thần tiêu cực, bi quan, ỷ lại, thích hưởng thụ, không cầu tiến,… Đồng ý nó cũng có những cái hay nhưng so ra cần phải cải cách sửa đổi nhiều lắm  mới mong đào tạo được một thế hệ bắt kịp các dân tộc khác trên thế giới. Khi tôi viết cái gì thì cũng tóm tắt đại ý kể cho các con nghe. Các cháu cũng có tham gia viết (phần Anh Ngữ) và vẽ minh họa trong bộ sách Đức Dục nói trên. Mời chúng tham gia để cũng là cách để nó học thêm về khuôn phép, nề nếp, lễ giáo trong gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn về mặt khác, không thừa hưởng được văn chương Việt Nam và triết học Đông Phương cũng là một thiệt thòi lớn. Có lẽ vì không hấp thụ được điều này mà chúng nó là người Việt nhưng tâm hồn không giống tâm hồn Việt. Có người gọi chúng là thế hệ “banana”!

HĐN: Bất hạnh? Đồng ý. Nhưng người ta đã từng đánh đổi cả mạng sống mình cho sự không may bé bỏng đó. Thử tưởng tượng còn sống ở bên nhà, làm sao mọc lên được một cái tên Nguyễn Thị Thảo An. Thưa chị, đã có khi nào chị “buồn chân” về thăm lại cảnh cũ người xưa?

NTTA: Nếu còn ở Việt Nam, có thể tôi cũng sẽ viết, nhưng chắc là không có tự do như ở bên này. Mà tính tôi thì chẳng thà “ngọc nát, vàng phai” chứ không viết theo kiểu ‘lề phải” được. Ông Nguyễn Mộng Giác có lần nói, tôi lỳ. Chú Võ Đình cũng nói, tôi lỳ. Tội nghiệp hai ông, tôi lỳ hơn hai chữ lỳ đó cộng lại. Ông Tô Thùy Yên cũng nhiều lần khuyến cáo tương tự thế.  Năm 2001, tôi có về Việt Nam một lần duy nhất. Cảnh cũ, người xưa đã mất. Nhưng cái vũng nước trước nhà thì còn y chang. Kỷ niệm nhớ đời lần đó là cái tên Trần Trọng Hải, đến bây giờ tôi vẫn không quên. Trần Trọng Hải là cán bộ khám xét ở phi trường. Anh ta bắt tôi lên xuống cầu thang 10 lần. Chủ yếu làm khó để vòi tiền. Đến lần thứ 10, tôi nhớm chân lên cầu thang hỏi, “Có muốn tôi đi lần thứ 11 hay không?” Sau cùng thì anh ta năn nỉ, “Về bên ấy, xin chị đừng có viết gì đấy nhá.” Tôi nghĩ, có lẽ anh ta là con cháu gì của Trần Trọng Kim.

HĐN: Giao tình của nhà văn nữ Nguyễn Thị Thảo An đối với các nhà văn nhà thơ hiện cư ngụ quanh vùng? Ý tôi muốn hỏi chị có tiếp xúc nhiều hay chị là mẫu người thích sống khép kín?

NTTA: Tôi là người dễ tính, ít giao thiệp. Tôi ít tham gia những sinh hoạt văn nghệ địa phương. Có lẽ vì vậy nhiều người nghĩ tôi kiêu ngạo. Thật ra tôi không có nhiều thời gian.

HĐN: Tôi vẫn nghĩ một đứa viết văn, đứa ấy nên đi nhiều. Tôi hình dung điều có thể xẩy ra: Một ngày kia nổi hứng đi giang hồ, tôi sẽ ghé thăm “căn nhà sơn màu trắng”, sẽ gặp mặt người mình chỉ thấy trong văn viết. Động thái của chị lúc ấy ra sao nhỉ?

NTTA: Đơn giản thôi. Tôi sẽ trải thảm đỏ. Welcome bạn.

HĐN: Điều tôi doạ tôi đã doạ rồi, giờ này hãy trả lại sự yên tĩnh cho chị. Cảm ơn nhà văn nữ Nguyễn Thi Thảo An đã rộng lòng đón tôi ở một căn nhà không có thực. Ảo, nhưng thưa cùng quý bạn đọc, những tâm sự ở trên là một bày tỏ, một nối kết chân tình của hai kẻ lưu lạc đã trên 30 năm. Bèo giạt hoa trôi nhưng tôi hằng tin “văn chương không bao giờ rẻ như bèo”. Thân chúc nhà văn cùng thế hệ với tôi mãi viết ra những điều tâm đắc, mặc nhân thế đã và đang quay lưng.

NTTA: Văn chương là chân dung của một dân tộc. Thi ca là tâm hồn của dân tộc đó. Không có một sức mạnh nào hủy diệt được một dân tộc có văn hóa, ngoại trừ Trời Đất. Tôi tin thế. Cảm ơn nhà văn Hồ Đình Nghiêm đã cho tôi những giây phút tâm tình cùng bạn đọc.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM
thực hiện bằng điện thư, cuối tháng 7, 2017.


No comments:

Post a Comment