Thursday, August 3, 2017

CON CHỒN BÔNG LAU


Huyền Chiêu

Tranh minh họa. Huyền Chiêu

Sau “giải phóng” một năm, Tí đi học mẫu giáo. Tí vui lắm,  nó là đứa bé ham khám phá , say mê những điều mới lạ xảy ra hàng ngày trong đôi mắt trong veo của nó.
Đi học về Tí hát nghêu ngao:

“Em yêu trường em
Với bao bạn thân
Và cô giáo hiền như yêu quê hương
Cặp sách đến trường con bướm vàng yêu thương.
…………………………………..
Có tiếng chim kêu
Trên cành cây cao
Có lá cờ sao
Trong nắng thu vàng
Yêu sao yêu thế
Trường của chúng em”

Khen cho các nhạc sĩ miền Bắc. Họ phải yêu Xã Hội CHủ Nghĩa  lắm mới viết được những ca khúc  khéo đến thế cho trẻ con hát. Hình ảnh  nhà trường, bạn bè, hoa, bướm, nắng thu vàng được tỏa sáng dưới lá cờ sao.
Từ đó hình ảnh lá cờ sao ăn sâu vào tâm hồn của bọn trẻ như biểu tượng của những điều đẹp đẽ nhất.
Nhưng lá cờ sao không  cho Tí  đủ cơm trắng để ăn.
Mẹ nấu cơm độn bắp nghệ Tí nói “cơm đẹp nhưng không ngon” Mẹ thay bữa, độn cơm với chuối già. Nhìn bát cơm lẫn với những miếng chuối khô khốc đen thui  Tí khóc “Cơm này xấu quá, chắc có trộn thuốc độc”
Cái  đói nghèo không chừa nhà nào nên dần dần Tí cũng quen, không đòi hỏi gì thêm.

Nhà bà Còi hàng xóm còn nghèo hơn nữa. Bà còi làm một cái nghề rất lạ. Hàng ngày bà được thuê lấy gòn từ những trái gòn khô. Người chủ thuê họ bán gối trên chợ.Tiền công không đủ  mua gạo, bà và thằng Bằng, cháu ngoại bà chỉ có thể  ăn…bột mì thay cơm.
Đó là thuở cây khoai mì là cứu tinh của người dân  nước Việt thống nhất. Mì được trồng khắp mọi nơi như một dấu hiệu của tăng gia sản xuất. Nhiều đợt phong trào lao động được tổ chức để  đi khai hoang trồng mì. Vào dịp hè, các thầy cô giáo sau khi học chính trị một tháng lại hăm hở  thực hành bài học lao động trong các đợt đi phá rừng trồng mì. Sức mạnh của tinh thần thực khủng khiếp. Các thầy cô giáo ốm và đói đến vậy mà chỉ bằng những cây rựa phát hàng rào, họ đã thay phiên nhau hạ gục những thân cây hai người ôm.
Mì mọc lên khắp mọi nơi. Mì là niềm tin vào một tương lai đầy hy vọng.
Khoai mì xắt lát phơi khô xay ra lọc thành bột mì. Bột mì trắng tráng bánh tráng, làm bánh chuối. Bột mì xấu hơn bán rẻ cho người ta nuôi heo.
Cũng  nhờ có bột mì, nhà bà Còi sống sót qua những ngày không có hột gạo nào.
Mỗi buổi chiều , đi học về Tí hay sang nhà bà Còi chơi với thằng Bằng và xem nhà bà Còi ăn… bột mì.
Bột mì pha với nước lã được bà Còi khuấy đều trong một cái xoong đen thui trên bếp lửa lá dừa khô khói bay đen kịt. Bột  chín được múc ra chén. Hai bà cháu chan nước mắm vào chén bột nuốt ngon lành khỏi phải nhai. Tí nhìn chén bột thèm lắm. Có lần bà Còi múc cho Tí một chén nhưng Tí nuốt không trôi .

Trẻ nhỏ vốn mau quên và không biết khổ vì nghèo đói. Chờ thằng Bằng ăn xong chén bột, hai đứa rủ nhau ra đường chờ những xe củi từ vùng kinh tế mới về bán cho xóm bánh tráng.  Sau “giải phóng” những dân “ngụy quân, ngụy quyền”  không được cấp hộ khẩu thành phố. Họ phải bỏ lại nhà cửa, bán hết đồ đạc trong nhà gom chút tiền đi về vùng kinh tế mới. Nhà nước nói bây giờ hết chiến tranh rồi, ở thành phố không có đất sản xuất, lý lịch xấu không xin được việc đâu nên mọi người phải tìm cuộc sống mới, phải khai hoang phá rừng làm rẫy để có lương thực mà sống.
Tí thích nhìn những cộ chở củi vì nó không được kéo bằng bò mà do người kéo.
Mẹ Tí nói  vùng kinh tế mới cách  xóm của Tí hơn hai mươi cây số.
Nhìn những con người đen đúa, gầy còm, quần áo rách rưới, phải kéo xe củi nặng kinh khủng  xa đến vậy Tí thấy thương quá. 
Rồi Tí cũng  không còn để ý đến mấy cái xe củi khi sắp có biễu diễn văn nghệ.
Một không khí hào hứng tin yêu vào cách mạng, vào một ngày mai tươi sáng  làm người ta quên cả đói nghèo. Các chị gái và các anh trai háo hức đi tập hát.

“Tay anh phá đá . tay em  đào sỏi
Ngồi trong xe ủi anh nhớ những ngày hè”. (*)

Rồi :

“Gia Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” (*)

Trong xóm có thằng Út mặt mũi khôi ngô được chọn đóng vai Kim Đồng.
Ông Ba Hưng có râu quai nón được vào vai lính Tây.
Cả xóm rộn ràng chờ ngày biểu diễn.
Cuộc sống cứ thế trôi đi đều đặn như nhạc hiệu của chiếc loa phát thanh lúc 5 giờ chiều:

“Năm xưa anh phá núi, em mở đường trên dãy Trường Sơn đồi núi chập chùng..”

Năm Tí học lớp 4, một biến cố làm  rung chuyển tâm hồn của Tí .
Espana 1982.

Lâu nay Tí cứ tưởng trái đất này chỉ có bốn nước là Liên Xô, Việt Nam, Trung Quốc và Cuba.  Khi ba Tí mua về một tạp chí bóng đá in hình màu, số đặc biệt về  Cúp bóng đá thế giới diễn ra tại Tây Ban Nha, Tí ngây ngất vì một thế giới diệu kỳ bày ra trước mắt. Thì ra trái đất này còn có nhiều nước khác nữa. Mà sao người dân các nước ấy khác với mấy chú kéo cộ chở củi quá vậy. Tí say mê nhìn những tấm ảnh chụp mấy mươi đội bóng. Trời ơi, sao họ cao to, vạm vỡ và nụ cười của họ tươi vui đến như vậy.
Mỗi đội bóng  một bộ đồng phục thể thao khác nhau. Ôi họ giàu quá, áo quần họ đẹp quá.
Tí mê say các đội bòng đến nỗi Tí thuộc  lòng những cái tên rất xa lạ như Brazil. Italy, Belgium, Scotland, New Zealand…
Rồi Tí thuộc lá cờ nào của đội nào, thuộc hết tên của các huấn luyện viên…
Ba của Tí không bao giờ ngờ rằng cái tạp chí ông đọc qua một lần rồi bỏ ấy là cả một thế giới lộng lẫy cho đứa con của mình.
May quá, loa phường có phát thanh kết quả bóng đá Espana 1982.
Mỗi chiều Tí theo bố ra đầu ngõ nghe tin tức từ chiếc loa rè rè.
Sau sự kiện bóng đá, Tí không còn thích nghe mấy bài hát cách mạng nữa. Tí bắt đầu hát theo nhạc chế:
Espana một chín tám hai

Đội Ý thành Công…
Em có biết không Maradona là vua phá lưới
Từ xa sút vào
Thằng gôn té nhào
…………………..

Mấy hôm nay có một sự kiện khác xãy ra trong chính ngôi nhà của Tí.
Một con chồn thỉnh thoảng xuất hiện trong bếp .
Con chồn xám đuôi xù lanh quá chừng, cứ vừa nhìn thấy người nó chạy mất, nhanh như một bóng ma. Mẹ Tí nói nó sống trong bụi tre sau nhà và khó ai bắt được nó.
Tí thích con chồn lắm. Cứ vài ngày Tí nhìn thấy nó một lần. Ước gì con chồn về sống bên cạnh Tí như con chó Cún nhà bên cạnh.
Chiều hôm ấy đất trời như sụp đổ khi Tí nhìn thấy cái đuôi chồn nằm trên đống rác sau nhà bà Còi. Trong bếp có tiếng nói cười tíu tít của thằng Bằng,  mùi thơm của thịt nướng bay ra ngây ngất.
Tí nghe như có ai bóp vỡ trái tim mình. Tí khóc ngất như hôm ông ngoại chết.
Đó là năm Espana 1982.

HUYỀN CHIÊU
Tháng 8. 2017

(*) Nhạc ‘cách mang’. Người viết nghe từ loa phường, không biết tên tác giả.


No comments:

Post a Comment