Monday, June 19, 2017

NÓI CHUYỆN VỚI ĐINH SINH LONG VỀ DÒNG NHẠC NGUYỄN ĐÌNH TOÀN


Nguyễn Mạnh Trinh & Nhã Lan

Chiều nhạc Nguyễn Đình Toàn ở Dallas 2012

Nguyễn Mạnh Trinh:  Trong 20 năm sinh hoạt văn học nghệ thuật của Miền Nam VNCH, Nguyễn Đình Toàn là một khuôn mặt lớn.  Ông là một nghệ sĩ đa tài, bao gồm cả văn, thơ và nhạc.  Ông nổi tiếng với tiểu thuyết Áo Mơ Phai, từng đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1973.  Ông cũng từng nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn, trước 1975, và sau này, với chương trình “Đọc Sách Với Nguyễn Đình Toàn” trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.  Ông đã phải trải qua nhiều năm tù đày cộng sản, cuối cùng, ra khỏi nước, và được định cư tại Hoa Kỳ.
Người ta đã nói nhiều, viết nhiều, về văn và thơ của Nguyễn Đình Toàn.  Trước đây, trong chương trình Tản Mạn Văn Học này, chúng tôi cũng đã có dịp nói về văn thơ của ông.  Hôm nay, chúng tôi lại xin trở lại với người nghệ sĩ đa tài này, nhưng lần này, chỉ để nói về một Nguyễn Đình Toàn nhạc sĩ, chỉ để nói về dòng nhạc của ông, người đã viết những ca khúc tha thiết, gắn liền với dòng sinh mệnh của đất nước và thân phận con người chúng ta …  
Nhã Lan: Vâng, để nói về Dòng Nhạc Nguyễn Đình Toàn, hôm nay, chúng tôi xin mời một vị khách khá quen thuộc với chương trình Tản Mạn Văn Học, đó là nhà báo Đinh Sinh Long.  Ông từng là chủ bút Nguyệt san Lý Tưởng của Không Quân, trước 1975.  Ông cũng là một nhạc sĩ tài tử, được nhiều người biết đến qua những sinh hoạt âm nhạc ở hải ngoại và trên mạng internet.  Trước đây, ông đã đến với chương trình Tản Mạn Văn Học qua 2 đề tài: Một đề tài về báo chí: “Nói về Nguyệt San Lý Tưởng và các nhà văn Không Quân” và một đề tài về âm nhạc: “Nói về Nhạc sĩ Bob Dylan và giải Nobel Văn Chương 2016”.  Và bây giờ, xin mời quý vị cùng theo dõi buổi nói chuyện của chúng tôi về “Dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn” sau đây
Nguyễn Mạnh Trinh: Thưa anh, trong giới truyền thông báo chí và văn học nghệ thuật tại hải ngoại, nhiều người biết là anh và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là chỗ rất thân quen.  Anh có thể cho biết đôi chút về mối giao tiếp của hai anh như thế nào chăng?
Đinh Sinh Long:  Vâng, mối giao tiếp của chúng tôi thưc ra chỉ bắt đầu khi chúng tôi gặp nhau trên đất nước Hoa Kỳ này.  Trước 75, tôi chỉ nghe danh của anh.  Cái duyên kết giao nó như thế này: Khoảng 6 năm trước đây, ca sĩ Mai Hương đi cùng chị Thu Hồng là vợ anh Toàn, có đến tôi, nhờ tôi đệm đàn và thâu âm hai ca khúc của Song Ngọc phổ thơ Hoàng Anh Tuấn.  Đó là món quà văn nghệ dành cho ngày Giỗ đầu của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn năm đó, năm 2011 thì phải.  Từ đó, chúng tôi có dịp gặp nhau thường xuyên và đàm đạo với anh Toàn nhiều lần về âm nhạc.  Tôi nhớ lần đầu vợ chồng tôi đến thăm anh chị Toàn ở căn nhà nhỏ ở thị xã Westminster, anh tự đàn và hát cho tôi nghe bài “Hãy thắp cho nhau một ngọn đèn”. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe bài này. Rất xúc động. Tôi bảo với anh là anh đã viết hộ bài đó cho tôi, cho vợ chồng tôi đấy. Nó diễn tả đúng tâm tư của người chồng bị đọa đày trong lao tù cộng sản và người vợ cô đơn trong chia ly tuyệt vọng. Sau đó, tôi tình nguyện thực hiện một chương trình “Giới thiệu ca khúc Nguyễn Đình Toàn” nhân ngày anh ra mắt tập sách “Bông Hồng Tạ Ơn” vào tháng 5, 2012.  Tôi cũng yểm trợ tổ chức nhiều buổi trình diễn ca khúc Nguyễn Đình Toàn tại Quân Cam cho anh.  Rất thành công, gây được tiếng vang trong nhiều giới.  Có thể nói, qua âm nhạc, qua ca khúc của anh Toàn, chúng tôi kết thân với nhau.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn năm nay tuổi đã ngoài 80 rồi, sức khỏe yếu dần, và thưc sự là yếu nhiều rồi.  Anh em ở tuổi trên dưới 80 như chúng tôi, ở cái tuổi “Đã thấy ta gần với cái xa” như câu thơ anh Toàn viết, thì, nếu còn có dịp được gặp nhau, được thăm hỏi trò truyện cùng nhau, là điều rất quý.  Cho nên, chúng tôi lại càng thân hơn là vậy.   
Nhã Lan:  Anh nhắc đến buổi ra mắt sách “Bông Hồng Tạ Ơn” của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, trong đó, có chương trình giới thiệu ca khúc Nguyễn Đình Toàn, với tiếng hát của chị Minh Châu, và tiếng đàn của anh. Nhã Lan và anh Nguyễn Mạnh Trinh cũng đến dự buổi sinh hoạt rất đáng ghi nhớ đó.  Hôm đó cũng có nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, đủ mọi khuôn mặt tiêu biểu trong giới văn học nghệ thuật của Miền Nam VN thuở trước.  Nhã Lan nhớ là anh có đưa ra một nhận đinh về nhạc Nguyễn Đình Toàn, anh bảo đó là một “dòng nhạc nói về thân phận của quê hương và con người, sau biến cố 1975 của đất nước”.  Thưa anh, thế còn những bài tình ca rất nổi  tiếng như các bài “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Anh đến thăm em đêm 30”,  thì sao? Nó có nằm trong chủ đề về “thân phận quê hương và con người” như anh nói không, thưa anh? 
Đinh Sinh Long:  Hôm đó, khi giới thiệu về dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn là tôi muốn nói đến những ca khúc ông viết sau Tháng Tư Đen.  Đó là những ca khúc do chính ông viết cả lời lẫn nhạc, trên 100 bài.  Những bài đó nói lên tâm tư của ông, về quê hương, về thân phận con người, trong thời buổi đen tối ấy.  Cho nên tôi chọn năm bài tiêu biểu như: Nước Mắt Cho Sài Gòn, Mai Tôi Đi, Một Cánh Hoa Rơi, Đường Đưa Bước Em Đi, và Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn, chỉ năm bài thôi, nhưng theo tôi, cũng đủ để nói rằng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã tạo cho ông một chỗ đứng rất đặc biệt, nổi bật, đó là dòng nhạc nói về “thân phận của quê hương và con người sau biến cố đau thương 1975 của đất nước”.  Lẽ dĩ nhiên, dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn, nói chung, là dòng nhạc của tình ca, tình quê hương, tình con người.  Cứ đọc tên các bài ca là thấy rõ điều đó.  Nhiều lắm, kể tên ra thì dài dòng quá, và không nhớ hết đựợc.   
Còn hai bài “Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em đến thăm Anh đêm 30” mà cô nói đến, là do Vũ Thành An phổ nhạc hai bài  thơ của Nguyễn Đình Toàn. Nó đã nổi tiếng từ trước 75. Tuy nó không nằm trong loạt bài ông viết sau này, nhưng, nếu kể đến toàn bộ dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn, thì chúng ta phải bao gồm cả những bài thơ phổ nhạc này, vì lời ca là yếu tố chính của một ca khúc, không có lời thì không thành một ca khúc để hát được.  Theo tôi, hai bài này nổi tiếng, ngoài yếu tố có âm điệu hay của Vũ Thành An, phần lớn, chính là vì lời ca rất hay, rất mới lạ. Nghe lại hai bài này, chúng ta sẽ thấy được cái nét “tân kỳ” của lời ca Nguyễn Đình Toàn, nó khác với những nhạc sĩ lớp trước như thế nào …  

Nhã Lan: Vâng, sau đây xin mời quý vị cùng thưởng thức ca khúc “Tình Khúc Thứ Nhất”, thơ Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An, qua tiếng hát Lệ Thu.  Bài ca này được ghi âm trước 1975 và lồng trong video nghệ thuật của Qúy Denver trên Youtube:

Nguyễn Mạnh Trinh:  “Tình Khúc Thứ Nhất” quả là một ca khúc rất hay, hay cả lời lẫn nhạc.  Thưa anh, anh có nói là lời ca của Nguyễn Đình Toàn, như qua bài hát này, là những lời ca mới lạ, khác với lời ca của những nhạc sĩ lớp trước.  Phải chăng vì ông vốn là một nhà văn, lại là một thi sĩ, nên ông đã đưa văn thơ vào các ca khúc chăng?  Anh nghĩ thế nào?
Đinh Sinh Long:  Vâng, đúng vậy.  Theo tôi, lời ca của Nguyễn Đình Toàn chính là lời thơ của ông. Có nhiều người đã phân tích về ngôn ngữ thơ của Nguyễn Đình Toàn, như chính anh Nguyễn Mạnh Trinh đây cũng đã từng viết và nói về ông trên diễn đàn này, như Hoài Nam trong “70 NămTình Ca Việt Nam”, như Đỗ Đình Tuân phân tích về CD Hiên Cúc Vàng trên Người Việt, như Ngô Thế Vinh viết trên Diễn Đàn Thế Kỷ, như Quỳnh Giao viết trong cuốn Tạp Ghi, nhiều người lắm…  Và đặc biệt, có một cây bút nữ thuộc thế hệ trẻ, thế hệ “một rưỡi” là Lưu Na, cô đã viết nhiều bài rất súc tích về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, đăng trên trang mạng T-Vấn.net. Trên trang này, có lưu trữ̃ nhiều tài liệu và bài viết của nhiều người về ông.       
Còn với tôi, chỉ là một người thích đàn hát một số ca khúc chọn lọc của ông, thì như tôi đã trình bày trước đây, là ca khúc Nguyễn ĐìnhToàn thành công phần lớn là ở lời ca.  Lời ca của ông chính là lời thơ, là những lời thơ hay, và rất “tân kỳ“.  Tô Vũ viết ”Em đến thăm anh một chiều mưa” với ngôn ngữ thông thường, dễ hiểu:  “Mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lời nghẹn ngào hồn anh như ngây như say vì đâu?” Còn Nguyễn Đình Toàn viết “Em đến thăm anh đêm 30” thì “Tay em lạnh để cho tình mình ấm.  Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm”.  So sánh như vậy, tôi không có ý bảo lời nào hay hơn lời nào, mà tôi chỉ muốn nói là lời ca của Nguyễn Đình Toàn là lạ, là mới, so với cách dùng chữ của những nhạc sĩ ở thế hệ trước như Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn v.v
Tôi xin dài dòng một chút để nói thêm về điểm này:  Có nhiều câu nhiều chữ Nguyễn Đình Toàn dùng rất lạ, rất thấm.  Chẳng hạn, như trong bài Căn Nhà Xưa, ông viết “đã đổi màu xanh lấy hương nồng”, theo tôi hiểu, là để diễn tả sự hiến dâng, trao thân lần đầu của người yêu, từ “màu xanh” trinh tiết qua “hương nồng” tình yêu.  Chẳng hạn như trong bài Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn, có những câu như thế này cho người chồng “Đêm quê hương, đêm treo trên một cành ngang, chôn nhau xong làm dấu nhớ chỗ ai nằm”, nó gợi cho tôi hình ảnh ở trại tù trong núi rừng Sơn La, ban đêm hai người gánh xác bạn tù đi chôn bằng cây đòn ngang và đánh dấu mộ phần bằng cành ngang chữ thập của cây thánh giá. Và nữa, câu này cho người vợ: “Ngón tay bẻ đốt, như ngày xanh, gãy từ anh qua em”, hơi khó hiểu, nhưng rất thấm.  Tôi hiểu là, đó là những ngón tay đan xoắn vào nhau trong giây phút rung động của thân xác, để diễn tả cái đắm say của tình chăn gối, như đã có thuở nào, mà nay không còn nữa.  Đó là cách diễn tả “rất lạ” của Nguyễn Đình Toàn về nôĩ cô đơn day dứt của người vợ trong cảnh chia ly. Và trong cuộc sống đen tối đó, dù người chồng có còn sống sót được trở về đoàn tụ, thì cũng chỉ để thấy rằng, chúng ta đã mất hết, mất quê hương, mất cuộc đời, mất tất cả, chỉ còn giữ lại được “tình riêng”, là chúng ta còn có nhau, như câu kết trong bài Một Cánh Hoa Rơi của ông: “Dù có đau thương cũng còn tình riêng, được sống với nhau dẫu đời khó khăn”. Nãy giờ tôi dài dòng dẫn chứng như vậy, là để chứng minh rằng, ca từ của Nguyễn Đình Toàn là rất mới lạ, rất thấm thía, và rất thơ.
Nhã Lan:  Vâng.  Hát nhạc Nguyễn Đình Toàn là hát thơ, ca thơ, như có lần anh đã nói như vậy trên chương trình Tản Mạn Văn Học này.  Để chứng minh điều đó, xin mời quý vị nghe thêm một ca khúc với lời thơ của Nguyễn ĐìnhToàn và nhạc của Vũ Thành An:  “Em Đến Thăm Anh Đêm 30” qua tiếng hát Khánh Ly, lồng trong video nghệ thuật của Vân Lê Nguyên Hoài:

Nguyễn Mạnh Trinh:  Ngoài hai bài thơ của Nguyễn Đình Toàn được Vũ Thành An phổ nhạc mà chúng ta vừa nghe trong chương trình này, còn có một tình khúc nổi tiếng khác, đó là bài “Còn Tiếng Hát Gửi Người” do Trần Quang Lộc phổ nhạc.  Bài này được nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, lúc đó còn bị kẹt ở trong nước, gửi sang Hoa Kỳ cho bạn ông là ca sĩ Duy Trác. Duy Trác là người đầu tiên hát bài này ở hải ngoại. Sau này, tôi và Nhã Lan cũng được nghe chính nhạc sĩ Trần Quang Lộc đàn guitar và hát bài này trong buổi họp mặt tại nhà anh chị Đinh Sinh Long, nhân dịp Trần Quang Lộc từ Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, cách đây 6 năm.  Đó là buổi gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, cùng một số văn nghệ sĩ hải ngoại, vào dịp Tết
Tân Mão 2011, một tháng trước ngày ra đi của Nguyễn Đức Quang, tôi nhớ vậy. Chúng tôi cũng biết là chính anh Đinh Sinh Long cũng đã trình bày bài ca này trên trang Youtube của anh.  Hôm nay, anh là vị khách quý của chương trình này, nên chúng tôi xin được đặc biệt giới thiệu cùng quý vị, bài “Còn Tiếng Hát Gửi Người”, qua chính tiếng hát và tiếng đàn của Đinh Sinh Long.  Xin mời quý vị cùng nghe:

Nhã Lan:  Thưa quý vị, Chương trình TMVH “Nói chuyện với Đinh Sinh Long về dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn” do Nhã Lan và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh phụ trách, xin trở lại với phần 2. Trong phần một, chúng tôi đã có dịp giới thiệu 3 bài thơ phổ nhạc nổi tiếng của Nguyễn Đình Toàn, và nói về những nét mới lạ trong ca từ của ông.  Trong phần 2 tiếp theo sau đây, chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với nhà báo và nhạc sĩ Đinh Sinh Long về Dòng Nhạc Nguyễn ĐìnhToàn qua một số bài ca tiêu biểu, do chính ông viết cả nhạc và lời.  Đó là dòng nhạc của Nguyễn Đình Toàn viết sau biến cố 1975, khi ông bị tù đày cộng sản, và phải sống khổ cực nhiều năm ở trong nước.   

Nguyễn MạnhTrinh:  Dường như Nhà văn và Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn chỉ thưc sự viết nhạc sau biến cố Tháng Tư Đen.  Những bài ca ông viết được gửi lén qua Hoa Kỳ cho Khánh Ly, cho Duy Trác, là những giọng ca chọn lọc trong chương trình “Nhạc Chủ Đề” nổi tiếng của ông tại Sài Gòn thuở trước.  Những ca khúc đó, lúc đầu, không mang tên tác giả Nguyễn Đình Toàn, vì tác giả còn ở trong nước, bị kềm kẹp theo dõi gắt gao bởi hệ thống công an của chế độ.  Trong số nhiều bài ca ông gửi lén ra ngoài, thì bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” là bài nổi tiếng nhất trong cộng đồng hải ngoại, ngay khi được Khánh Ly hát lần đầu.  Có lẽ nhà văn nhà thơ Nguyễn ĐìnhToàn thưc sự mang thêm danh hiệu là NHẠC SĨ, kể từ bài đó chăng? Anh nghĩ thế nào về sự đón nhận và phỗ biến dòng nhạc của ông trong quần chúng?
Đinh Sinh Long:  Vâng, có thể nói là nhà văn Nguyễn Đình Toàn chính thức mang thêm danh Nhạc sĩ kể từ khi bài hát đó được phổ biến. Thực ra, tên gốc của bài này là “Nước Mắt Cho Sài Gòn”.  Lúc đầu, nó được gửi lén từ trong nước ra hải ngoại, dưới tên tác giả là Hồng Ngọc, gần giống với tên vợ ông là Thu Hồng. Nhiều ca khúc của ông khi gửi sang bên này, cũng bị thêm bớt lời ca và thay đổi âm điệu. Sau này, khi ông định cư tại Hoa Kỳ, thì mọi thông tin được rõ hơn, đúng hơn. Ông có tặng vợ chồng chúng tôi một tập nhạc của ông, trên 100 ca khúc, và tôi đã có dịp thực hiện và phổ biến một số ca khúc chọn lọc trên trang mạng.  
Có 2 chi tiết tôi được biết: Thứ nhất là Nguyễn Đình Toàn đến với âm nhạc từ thời còn rất trẻ, ông chơi đàn guitar và nuôi ý định sẽ làm ca sĩ, từ lúc ông còn là học sinh Chu Văn An, cùng thời với ca si Duy Trác, nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt, gs Đỗ Đình Tuân … Chi tiết thứ hai là: chị Thu Hồng, bà xã của ông, là người thuộc tất cả lời ca các bài ông sáng tác, nhờ đó, khi sang bên này, ông đã có thể chép lại toàn bộ các bài của ông.   Bây giờ, dù chị Toàn mắc bệnh mất trí nhớ Alzeimer’s, nhưng vẫn không quên bài nào cả.  Chỉ cần nhắc một câu là chị đọc tiếp câu sau.  Chúng tôi đã thử và đúng là như vậy. Đó là điều kỳ lạ!  
Nói về mặt phổ biến của dòng nhạc Nguyễn ĐìnhToàn, thì, mặc dù nhạc của ông rất “kén” người hát, nhưng nhiều bài đã mau chóng nổi tiếng. Đặc biệt là sự đón nhận của giới trẻ trong nước bây giờ.  Có những nhóm nhỏ, trong riêng tư, họ đàn hát những bản tình ca của ông trong các quán cà phê ở Đà lạt, những bài như “Căn Nhà Xưa”, “Mưa Khuya”, “Dạ Khúc” v.v . Trên youtube có ghi lại những sinh hoạt đó. Tôi tin rằng, khi phong trào đang thịnh hành loại nhạc “trình bày bài ca bằng vũ điệu múa may” trở nên nhàm chán theo thời gian, thì những ca khúc có lời ca hay làm rung động lòng người như dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn sẽ được nhiều người đón nhận và phổ biến rộng rãi hơn.   
Nhã Lan:    Viết về quê hương, thì Ca khúc “Nước Mắt Cho Sài Gòn” hay “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của Nguyễn ĐìnhToàn đã nổi tiếng và rất quen thuộc với những người Việt tỵ nạn chúng ta. Mỗi lần kỷ niệm Ngày Quốc Hận, chúng ta lại được nghe bài hát này nhiều lần.  Từ Tháng Tư Đen 1975, Miền Nam rơi vào tay cộng sản, tù đày, đàn áp, và bây giờ là một xã hội tham nhũng, bất công, băng hoại.  Hơn hai triệu người Miền nam đã phải tìm đường bỏ nước ra đi, dù phải vươt biển hiểm nghèo.  Đi vào cõi chết để tìm con đường sống. Nguyển ĐìnhToàn đã viết ca khúc “Mai Tôi Đi”, ghi lại tâm tư đó của ông, và của nhiều người chúng ta. Dù phải bỏ nước ra đi, nhưng trong lòng vẫn còn mang nặng một tình quê hương tha thiết, như lời ca ông viết:  “Mai Tôi đi, như máu chảy ngoài tim.  Xin khấn nguyện, cả mười phương tám hướng.  Cho quê hương u mê, ngày thức tỉnh. Để dù xa, có chết cũng vui mừng”.  Xin mời quý vị nghe ca khúc  “Mai Tôi Đi” của Nguyễn Đình Toàn với tiếng hát  Khánh Ly qua video nghệ thuật của Qúy Denver trên trang mạng Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=eehaV2FtTCA

Nguyễn Mạnh Trinh: Trong một bài tường thuật viết về đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn được tổ chức tại Orange County cách đây 5 năm, đó là một đêm trình diễn rất thành công, ký giả Ngọc Lan của nhật báo Người Việt viết bài “Đã có một đêm nhạc như thế” với nhận xét về dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn như thế này (xin trích dẫn): “Nhạc Nguyễn Đình Toàn không thuộc dòng nhạc dễ nghe dễ cảm ngay từ phút đầu.  Nhưng cái bàng bạc như mênh mang như buông lơi, lại sâu xoáy lòng người qua cung điệu, qua ca từ, lại từ từ khiến người ta mê người ta say, và không muốn dứt ra” (hết trích). Ngọc Lan thuộc thế hệ trẻ, sau 75, đã cảm nhận như thế về nhạc Nguyễn Đình Toàn.  Để chứng minh cho nhận xét đó, xin mời quý vi nghe ca khúc “Một Cánh Hoa Rơi” của Nguyễn Đình Toàn qua tiếng hát Minh Châu và nhạc đệm của Đinh Sinh Long.  Video sau đây được lấy từ trang Youtube của ĐinhĐứcThảoLinh: https://www.youtube.com/watch?v=hXuOSOSSbRc

Nguyễn Mạnh Trinh:  Thời lương của Chương trình Tản Mạn Văn Học thì có giới hạn, mà đề tài này thì còn có nhiều điều để “tản mạn” thêm nữa.  Hy vọng là còn có dịp khác chúng tôi được tiếp chuyện cùng anh.  Đến đây, xin hỏi anh một câu chót:  Anh kết luận thế nào về Dòng Nhạc Nguyễn Đình Toàn?  Và trong dòng nhạc đó, ca khúc nào anh thấy hay nhất, thích nhất? 
Đinh Sinh Long:  Như đã thưa trước đây, tôi không phải là nhà phê bình âm nhạc để có thể đưa ra một kết luận chính xác.  Nhưng, tôi nghĩ là nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã tạo cho ông một chỗ đứng rất đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam.  Đó là “Dòng nhạc viết về quê hương, về tình yêu, về thân phận con người sau biến cố đau thương 1975 của đất nước”.  Nhìn vào tên các bài hát là thấy rõ điều đó:  Nước Mắt Cho Sài Gòn, Quê Hương Thu Nhỏ, Một Ngày Sau Chiến Tranh, Tôi Đã Sống Những Ngày, Tôi Muốn Nói Với Em, Đường Đưa bước Em Đi, Mưa Khuya, Dạ Khúc, Hiên Cúc Vàng v.v.  nhiều lắm.  Còn anh hỏi ca khúc nào tôi thích nhất, thì, mỗi bài mỗi vẻ, hay nhất hay thích nhất chỉ là ý niệm tương đối thôi.  Tuy nhiên, riêng với tôi, thì bài “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn”, như tôi đã nói đến từ đầu chương trình, là ca khúc mà tôi thấy xúc động nhất. Nguyễn Đình Toàn đã viết đúng với tâm tư chúng tôi.  Trong một bài viết đăng trên báo Người Việt, ngòi bút Nguyễn Ngọc Dung, ái nữ của cố nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Cao Đàm, đã ghi lại cảm tưởng về ca khúc này như sau: "Hãy nghe bài hát này trong đêm thật tối để cám ơn ánh sáng. Hãy nghe bài hát này trong ánh sáng rực rỡ để cùng thông càm với những người bị tù đày trong đêm đen giữa ban ngày."
Cám ơn cô Nhã Lan và anh Nguyễn Mạnh Trinh đã mời tôi tham dự vào chương trình Tản Mạn Văn Học hôm nay.  Và trong dịp này, tôi có ý định đóng góp với chương trình bài ca này, do chính vợ chồng tôi đàn hát. Dù không có giọng ca điêu luyện của người ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi đã hát với tấm lòng của “người trong cuộc”, như một “Bông hồng tạ ơn” để gửi đến tác giả Nguyễn Đình Toàn, người đã viết cho chúng ta bài ca tha thiết này.
      
Nhã Lan:  Vâng, thưa quý vị, để kết thúc chương trình, sau đây, xin mời quý vị cùng thưởng thức ca khúc “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn” của NĐT, qua tiếng hát và tiếng đàn của cặp nghệ sĩ tài tử Ngọc Diệp & Đinh Sinh Long, là đôi vợ chồng, mà người chồng là một Sĩ quan Không Quân VNCH, từng bị đày đọa nhiều năm trong lao tù cộng sản ở núi rừng Sơn La miền Bắc, và người vợ từng phải sống những tháng năm cô đơn tuyệt vọng.  Họ chỉ đoàn tụ với nhau sau 15 năm chia ly.  Xin mời quý vị cùng nghe:
 (Chương trình TMVH hôm nay đến đây là chấm dứt.  Nhã Lan và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh cám ơn quý vị đã theo dõi và xin hẹn gặp lại vào kỳ tới.)
NMT & NL




No comments:

Post a Comment