Sunday, June 4, 2017

HIPPIES. NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI


Hồi ức Đỗ Trung Quân


Hippies

Tranh của Peter Max

Woodstock 1969

Phong trào hippies khởi động từ những năm 60 tại nước Mỹ, xâm nhập vào Việt Nam – Sài Gòn – hoàng kim vào những năm 69 – 70.
Những năm ấy tôi chỉ 15, 16 tuổi còn vị thành niên, còn đi học cấp 2 chỉ có thể tiếp thu thứ thời trang sặc sỡ, chiếc quần ống loe còn tóc tai không thể để dài vì phải chạm mặt hàng ngày với các thầy giám thị nhà trường. Mọi nhà trường công hay tư đều cấm nam sinh để tóc phủ gáy. Giấc mơ được để tóc dài là giấc mơ có thật hàng đêm, tôi chỉ mong mình mau chạm tuổi 18 dù khi ấy cũng vẫn sẽ phải lẩn tránh những cái ngoắc tay của thầy giám thị nếu còn đến lớp. Nhưng 18 tuổi đã thành niên.
Những cuộc nhảy nhót tưng bừng với âm nhạc và vòng dây kim tuyến, hay lấp lánh confetti mỗi mùa giáng sinh từ những bal family tôi chỉ là kẻ đứng ngoài nhìn đàn anh đàn chị. Tôi chưa đủ tuổi, cũng không xuất thân gia đình sung túc để bước vào.

Nhưng hippies là gì và cái tinh thần của nó? Khi ấy cũng chưa đọc, chưa được ai cho biết. Chỉ đơn giản trước mắt là thời trang lạ lẫm, thu hút, mái tóc dài và phong cách “bất cần đời”.
40 năm sau, tôi thấy mình được đưa đến một con phố không dài ở san Francisco: phố Haight. Lịch sử của con phố những năm của thập niên 70 là nơi tụ tập thường xuyên của dân hippies để sau này chính quyền thành phố thông qua một đạo luật cho phép họ hình thành một lãnh địa của mình dù hippies đã lụi tàn – Nơi đây ta dễ dàng tìm lại những chiếc áo pull in hình Jimmy Hendrix, Santana, CCR… một thời Woodstock, ta cũng có thể nhìn thấy hay mua về những sản phẩm thời ấy những ống thủy tinh hút cần sa. Tôi đã mua ở phố Haight một cuộn giấy vệ sinh in hình tổng thống Bush và trích dẫn những câu phát biểu ngớ ngẩn nhất của vị tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ. Món để kỷ niệm chỉ có thể có… ở Mỹ.
Trở lại với Hippies. Họ là những người trẻ phản kháng và có tinh thần giải phóng bản thân ra khỏi những ràng buộc vật chất, những món hàng công nghiệp, những giá trị khô cứng, họ chất vấn chủ nghĩa máy móc, họ từ chối chiến tranh, họ quay về những giá trị của tự nhiên, họ có ý thức gần gũi thiên nhiên và hầu hết là người ăn chay. Từ phong trào này về nghệ thuật nhiều nhà thơ lỗi lạc đã ra đời mà Allen Ginsberg như một chủ soái của dòng thơ “beatnik” họ gồm nhiều nhà thơ cùng khuynh hướng thường tụ tập đọc thơ và trình diễn cho công chúng nghe và xem. Họa sĩ danh tiếng Peter Max tác giả của những đồ họa sặc sỡ với bông hoa, chim bồ câu, cầu vồng, đàn ghi ta mà tác phẩm của ông trở thành tiêu biểu cho phong trào Hippies và nó sẽ làm background chính thức cho Woodstock lần thứ 2 tại Mỹ.

Trở lại Sài Gòn 1969

Tôi chưa đủ tuổi để biết hòa bình và phản kháng chiến tranh cũng là một trong tinh thần của họ. Chỉ trong 4 năm cộng với nhạc hội lẫy lừng Woodstock và những cuộc xuống đường lớn tại ngay lòng nước Mỹ chính họ,những con người bị xem là lập dị đã góp phần lớn vào sự thay đổi cục diện chiến tranh tại Việt Nam .
Nhưng phong trào nào cũng có hai mặt của nó. Sự phóng khoáng, tự do, thân thiện, chia sẻ ban đầu dần biến tướng có lẽ ma túy là thủ phạm chính đã làm lụi tàn những bông hoa tinh khiết thủa ban đầu…
Hippies ở Sài Gòn cũng còn bị một bóng đen bao trùm và ám ảnh: chiến tranh đang dần lên đỉnh điểm máu xương. Mùa hè đỏ lửa 1972.

ĐỖ TRUNG QUÂN
(trích từ Văn Việt)


No comments:

Post a Comment