Friday, June 23, 2017

NÉT U UẨN CỦA LINH HỒN NGA



Lời Giới Thiệu của người dịch: Bài ký này lấy từ Secondhand Time (Thời đại cũ), cuốn sưu tập các câu chuyện kể miệng thời hậu Nga Sô-viết, do Svetlana Alexievich (giải Nobel Văn học 2015) biên tuyển, nhà Random House xuất bản tháng Năm, 2016. Người kể câu chuyện của chính mình là Olga Karimova, nữ nhạc sĩ bốn mươi bảy tuổi. Bản tiếng Anh, Trick of the Russian Soul do Bela Shayevich chuyển ngữ từ tiếng Nga, đã xuất hiện trên Mục Readings, Harper’s Magazine, June 2016, tt. 11-14.

Sách của Svetlana Alexievich

Chân dung Olga Karimova

(Theo lời kể của Olga Karimova)
Nếu không vì anh, hẳn tôi chẳng bao giờ kết hôn lần nữa. Lúc đó, tôi đang có mọi thứ: một đứa con, việc làm, tự do… Đột nhiên Gleb xuất hiện… vụng về, mù dở, thở hụt hơi kinh niên. Anh vừa trải qua mười hai năm tù trong các trại lao động khổ sai của Stalin. Họ bắt anh khi anh mới là cậu bé mười sáu tuổi. Cha anh, một quan chức cao cấp của đảng, bị hành quyết, và mẹ anh bị đông cứng tới chết trong một thùng phuy nước lạnh.
Hẳn mọi người đã ngó chúng tôi và hỏi:
“Đó có phải là ông nội của chị không? Hay cha chị?”
Tôi hai mươi tám. Tôi luôn luôn mặc váy ngắn. Về sau, kể từ khi chúng tôi sống chung, anh ngày càng đẹp trai ra. Tôi nghĩ mình biết bí quyết ấy -nó là chiếc cửa chỉ có thể mở bằng tình yêu. Nửa đêm chợt thức, tôi tự hỏi, “Mình đang làm cái gì đây?” Tôi cảm thấy tôi điên rồ. Tại sao anh? Tại sao đặc biệt anh? Đàn bà Nga yêu thích việc tìm thấy những đàn ông bất hạnh này. Bà nội tôi yêu người này nhưng bị cha mẹ gả cho người khác. Bà thật sự không thích người đó, bà chẳng muốn sống với người đó chút nào! Bà quyết định rằng, trong nhà thờ, khi linh mục hỏi bà có đồng ý kết hôn với người đàn ông này không, bà sẽ nói không. Nhưng linh mục đang say rượu, nên thay vì hỏi bà câu lý ra phải hỏi, ông chỉ nói, “Con hãy cư xử tử tế dịu dàng với người này, chân anh ta đã bị đông lạnh trong chiến tranh.” Sau đó, bà chỉ có một chọn lựa là kết hôn với người đàn ông đó. Đó là cách bà nội tôi trải qua cuộc đời còn lại của mình với ông nội tôi, “Hãy cư xử tử tế dịu dàng với người này, chân anh ta đã bị đông lạnh trong chiến tranh.”
Hết thảy đàn ông của chúng tôi là người tử đạo. Tất cả họ đều bị hội chứng, hoặc từ chiến tranh hoặc do nhà tù, hoặc từ cuộc sống trong các trại lao động khổ sai. Chiến tranh và trại tù là hai từ ngữ quan trọng nhất trong tiếng Nga -những từ ngữ thật sự Nga! Đàn bà Nga chưa bao giờ có được người đàn ông bình thường. Đàn bà Nga tiếp tục chữa thương những người đàn ông đó, đối xử với họ như những anh hùng, đồng thời cứu vớt họ như con cái. Cho tới hôm nay, đàn bà Nga vẫn tiếp tục giữ vai trò ấy. Liên bang Sô-viết đã sụp đổ, giờ đây chúng tôi có những nạn nhân của sự sụp đổ một đế chế!

Gleb không ưa bị hỏi. Anh làm ra vẻ bạo dạn, thói quen của người tù đang che giấu mọi sự nghiêm trọng đằng sau những câu nói giỡn. Anh không bao giờ nói tới tiếng “tự do” -mà luôn luôn là “chỗ bên ngoài”. Vào những khoảnh khắc hiếm hoi, anh kể chuyện. Nhưng anh kể chúng một cách linh hoạt, rất háo hức, và tôi chỉ cảm thấy niềm hạnh phúc của anh rút ra từ đó. Giống như khi anh đăt bàn tay mình lên những mảnh lốp xe phế thải rồi cột chúng vào đôi ủng nỉ, và anh rất hạnh phúc có được những mảnh vụn ấy lúc tù nhân bị chuyển trại. Vào một thời điểm khác, họ có nửa ba-lô khoai tây. Và tại nơi nào đó ở bên ngoài, trong khi họ đang lao động, có ai đó cho anh một khoanh thịt to. Đêm ấy trong phòng đun nước nóng, họ nấu xúp, và thật ngon lành, rất tuyệt vời. Khi nhà cầm quyền phóng thích anh, họ đưa anh tiền -bồi thường thiệt hại cho cha anh. Họ bảo anh:
“Chúng tôi nợ anh ngôi nhà và đồ đạc trong nhà.”
Nợ được dứt điểm bằng một số tiền khá nhiều. Anh mua một bộ vét-tông mới, áo sơ-mi mới, đôi giày mới và máy chụp hình. Rồi anh đi tới nhà hàng National ngon nhất Moscow. Ở đó, anh gọi các món ăn đắt tiền nhất trên thực đơn, rượu cô-nhắc, và cà phê với món tráng miệng làm riêng theo ý mình. Sau bữa ăn, khi bụng no nê, anh nhờ người nào đó chụp cho anh một bức ảnh trong khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời. Anh nhớ lại:
“Lúc quay về căn hộ của mình trong chúng cư, anh bắt gặp anh đang nghĩ rằng mình không cảm thấy hạnh phúc chút nào. Trong bộ đồ vét đó, với chiếc máy ảnh đó… tại sao ở đó chẳng có chút hạnh phúc nào? Ngay khoảnh khắc đó, những lốp xe và bữa xúp trong phòng đun nước nóng lại trở về với anh.”
Chúng tôi thường tự hỏi: cái gì làm nên hạnh phúc?
Anh sẽ chẳng buông bỏ những năm tháng của mình trong các trại tù để đổi lấy bất cứ cái gì trên trần đời; anh cũng chẳng thay đổi điều gì về cuộc đời mình. Đó là gia tài bí mật của anh. Anh bị bỏ tù từ khi anh mười sáu tuổi cho tới khi anh gần ba mươi. Tôi hỏi anh:
“Nhưng sẽ ra sao nếu họ chẳng bao giờ bắt anh?”
Anh nói giỡn, để tránh trả lời:
“Hẳn anh sẽ là một gã ngố trong chiếc xe thể thao màu đỏ chót.”
Chỉ tới phút cuối, vào thời điểm tận cùng, khi anh ở trong nhà thương, phải chăng đó mới là lần đầu tiên anh thành thực bày tỏ:
“Nó giống như khi em đi vào rạp hát. Từ chiếc ghế của mình nơi khán giả, em xem một truyện thần tiên tuyệt vời -dàn trang trí tỉ mỉ, diễn viên xuất chúng, ánh sang huyền ảo- nhưng khi em đi vào hậu trường, ngay lúc vừa bước chân qua khỏi cánh gà, em thấy những tấm ván bể, những miếng dẻ, những bức sơn dầu bỏ dở, những chai rượu vodka rỗng, những mẩu thức ăn rơi vãi. Ở đó không có truyện thần tiên; nó tối tăm, nhớp nhúa. Nó giống như chuyện anh bị đem vào hậu trường, em hiểu không?”

Chuyến trở về nhà của anh, anh đi xe lửa giường tầng. Con tàu mất hai tuần lễ xuyên Nga. Suốt thời gian đó, anh nằm đó, ở mặt giường tầng trên, sợ bước xuống. Anh chỉ đi ra ngoài hút thuốc, vào ban đêm. Anh sợ bạn đồng hành sẽ cho mình cái gì đó ăn, và anh sẽ ứa nước mắt kể cho họ nghe mọi sự, rồi họ sẽ khám phá ra anh là người đã về từ các trại lao động khổ sai. Các bà con xa của anh đón anh vào nhà. Họ có một cô con gái trẻ. Anh ôm chào cô, và cô ứa nước mắt. Có cái gì đó về anh… Anh là người quá đỗi cô đơn, ngay cả với tôi.
Anh hãnh diện nói với mọi người:
“Giờ đây tôi có một gia đình.”
Anh yêu chuộng cuộc sống gia đình đều đặn của chúng tôi. Nhưng nỗi sợ -bất kể mọi thứ, nỗi sợ, anh không biết làm thế nào sống mà không có nó. Anh thức giấc giữa đêm, người mướt mồ hôi, sợ rằng mình sẽ không hoàn thành cuốn sách (anh đang viết cuốn sách về cha mình), sợ rằng mình sẽ không kiếm được mối dịch thuật mới (anh là dịch giả kỹ thuật từ tiếng Đức), sợ rằng mình sẽ không có khả năng chu cấp cho gia đình. Giả như tôi đột ngột bỏ anh, điều gì sẽ xảy ra? Trước tiên là sợ hãi, rồi tới hổ thẹn vì sợ hãi. Anh đã sống sót trong các trại tù, nhưng trong đời sống dân sự bình thường, một công an cảnh sát đi vượt qua người anh cũng đủ làm anh lên cơn đau tim.

Tôi cho rằng chúng tôi gặp may. Đó là thời điểm quan trọng: perestroika![1]. Nó làm mọi người hân hoan. Tự do hiện hữu trong không khí chúng tôi thở. Giấc mơ trọng đại nhất của anh nay thành sự thật: chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Đây là thời gian của hy vọng lớn lao. Các nhà đối lập của thập niên Sáu mươi [2] – dân chúng có thể bàn tán bất cứ điều gì họ muốn về những vị đó, nhưng tôi, tôi yêu mến hết thảy các vị. Phải chăng lúc đó chúng tôi quá ngây thơ lãng mạn? Đúng! Anh xem báo suốt cả ngày. Sáng sớm, anh chạy ra sạp của Nhà xuất bản Công đoàn cạnh nhà chúng tôi, cầm theo cái túi lớn dùng đi chợ. Anh lắng nghe đài phát thanh và xem truyền hình không ngừng. Lúc đó, mọi người rất điên khùng. Tự do! Từ ngữ ấy tự nó làm ta say. Tất cả chúng tôi lớn lên trong samizdat [3] và tamizdat [4] Hẳn bạn từng nghe cách chúng tôi trò chuyện! Mọi người thường nói rất nhiều! Trong khi tôi nấu bữa trưa hoặc bữa tối, anh ở bên tôi, đọc báo cho tôi nghe: “Susan Sontag [5]: chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa phát-xít khoác bộ mặt người. Còn cái này nữa… nghe đây…” Đó là cách chúng tôi đọc Berdyayev, Hazek. Chúng tôi đã sống như thế nào trước khi có những cuốn sách và những tờ báo ấy? Nếu chúng tôi đã biết … thì có lẽ mọi sự sẽ khác. Jack London có viết truyện về hiện tượng này. Ai cũng có thể sống gò buộc trong chiếc áo bó, vì ai cũng có thể chịu đựng và quen dần với cái áo bó. Và thậm chí bạn vẫn có thể mơ mộng trong lúc bị bó chặt. Đó là cách chúng tôi đã luôn luôn sống. Vậy giờ đây chúng tôi sẽ sống như thế nào? Tôi không biết, nhưng tôi mường tượng rằng tất cả chúng tôi sắp sửa sống hưng thịnh. Trong thâm tâm, tôi chẳng có chút hoài nghi nào.

Khi tôi biết anh bị ung thư, suốt đêm tôi trằn trọc, đầm đìa nước mắt. Tới sáng, tôi chạy tới nhà thương gặp anh. Anh ngồi trên thành cửa sổ, vàng võ và rất hạnh phúc. Anh luôn luôn hạnh phúc mỗi khi cuộc đời anh thay đổi. Trước tiên nó là các trại tù, kế đến là lưu đày, sau đó là tự do, và rồi như thế này. Cái chết chỉ là một thay đổi khác của tình cảnh.
“Có phải em sợ anh sắp chết?”
“Phải.”
“Vậy thì, trước hết, anh không bao giờ hứa với em rằng anh sẽ bất tử. Kế đó, nó sẽ không sớm như thế đâu!”
“Anh chắc chắn chứ?”
Như thường lệ, tôi tin anh. Tôi liền lau nước mắt và tự thuyết phục mình rằng thời gian sẽ cứu giúp anh lần nữa. Từ đó trở đi tôi không khóc… cho tới tận giờ cuối, tôi không khóc… Tôi đến khu bệnh xá mỗi buổi sáng. Đó là thời điểm tái tạo cuộc sống thường lệ của chúng tôi. Chúng tôi đã thường sống ở nhà, và giờ đây, chúng tôi sống trong nhà thương. Chúng tôi trải qua sáu tháng nữa bên nhau trong khu bệnh ấy.

Anh không còn đọc nhiều. Anh thường xuyên kể chuyện cho tôi nghe hơn. Anh biết kẻ trước kia tố giác anh. Cậu thiếu niên đó từng sống trong nhóm học tập tại Trụ sở Thanh niên Tiền phong. Hoặc người ta đã buộc anh làm, hoặc chính Gleb đã tự ý làm -anh đã viết một bức thư phê phán Stalin và biện hộ cho cha anh, một kẻ thù của nhân dân. Khi thẩm vấn, người hỏi cung đưa cho anh thấy bức thư đó.
Suốt đời mình, Gleb sợ rằng kẻ tố giác anh phát hiện ra anh đã biết. Khi có người nói với anh rằng người tố giác anh về sau có đứa con bị thương tật, anh lại đâm lo: phải chăng đó là quả báo? Thậm chí trong một khoảng thời gian ngắn, người tố giác anh và chúng tôi cùng sống trong một khu phố. Đôi bên thường chạm mặt nhau trên đường phố, trong cửa hàng. Chúng tôi cất tiếng chào nhau. Sau khi Gleb qua đời, tôi kể chuyện đó cho một người bạn chung của cả hai, cô ấy không tin nổi:
“N. sao? Chẳng thể nào! Cậu ấy luôn luôn ca ngợi Gleb.”
Tôi liền nhận ra rằng lý ra mình chẳng nên nói gì cả. Lý do hết sức đơn giản: biết những việc ấy thì nguy hiểm. Các cựu tù chung trại chỉ thỉnh thoảng mới ghé lại; anh không đi tìm họ. Mỗi khi họ tới, tôi thường cảm thấy lạc lõng, như thể họ đến từ một nơi mà tôi không hiện hữu. Họ biết nhiều về anh hơn tôi biết. Tôi thấy anh đã có một kiếp sống khác; nó cũng làm tôi nhận ra rằng phụ nữ có thể kể lại những trải nghiệm nhục nhã của mình, còn đàn ông thì không. Phụ nữ dễ dàng biểu lộ những đau thương vì ở một nơi nào đó sâu thẳm trong lòng họ, họ đã được chuẩn bị để chịu đựng bạo lực – thí dụ như chuyện giao cấu. Mỗi tháng phụ nữ bắt đầu một chu kỳ mới. Những chu kỳ ấy… thiên nhiên luôn phù trợ nàng. Phần lớn những phụ nữ từng là tù nhân trong các trại lao động khổ sai đều độc thân. Tôi ít gặp những cặp vợ chồng mà cả hai đều từng ở tù. Những bí mật của trại tù không gắn bó mà chia cách. Các bạn đồng trại của anh gọi tôi là “bé con.”
Đối với anh, việc sắp chết chẳng mới mẻ gì. Anh không sợ cái chết nhỏ nhen này. Các đại bàng hình sự trong trại thường lấy cướp bánh mì của tù nhân, rồi đánh bài thua hết; tù nhân bị buộc phải ăn nhựa đường trộn với đá dăm. Vô số người chết theo cách đó vì dạ dày của họ bị trét cứng. Còn anh, những lúc ấy ngừng ăn, chỉ uống.
Từ ngưỡng cửa, tôi ngoái nhìn anh; anh vẫy tay chào. Khi tôi quay lại mấy giờ sau, anh hoàn toàn chẳng biết gì nữa. Có vẻ anh đang năn nỉ ai, “Rán đi. Rán nữa đi.” Nhưng cuối cùng anh ngưng bặt, và chỉ nằm đó. Thêm ba ngày nữa, tôi cũng quen dần tình cảnh đó. Anh ở đó, nằm đó, và tôi ở đây, sống đây. Người ta mang vào cho tôi một cái giường, kê kế bên anh. Tiêm thuốc cho anh qua đường tĩnh mạch là việc rất khó; máu anh đang vón cục. Tôi phải cho phép bác sĩ ngưng chữa trị. Rồi anh và tôi bị bỏ lại một mình. Không còn máy móc, không còn bác sĩ, không còn ai tới xem xét chúng tôi nữa. Tôi nằm xuống bên anh. Trời lạnh. Tôi chui vào chăn anh, thiếp ngủ. Khi thức giấc, trong chốc lát tôi nghĩ chúng tôi đang ngủ ở nhà… Tôi sợ không dám mở mắt. Khi mắt mở ra, tôi nhớ chính xác mình đang ở đâu. Tôi bắt đầu lo về anh. Tôi ngồi dậy, đặt bàn tay lên mặt anh. “À, à…” anh nghe ra tôi. Cơn hấp hối bắt đầu, và tôi ngồi ở đó. Giữ bàn tay anh, tôi lắng nghe tiếng đập cuối cùng của trái tim anh. Sau đó, tôi ngồi với anh như vậy trong một thời gian. Rồi tôi gọi y tá, và cô ấy giúp tôi thay áo cho anh. Ánh sáng xanh nhạt, màu xanh anh ưa thích. Tôi hỏi cô:
“Tôi có thể ở đây không?”
“Dĩ nhiên được. Cứ ở lại. Chị không sợ sao?”
Ở đó có gì mà sợ. Tôi biết anh giống như người mẹ biết đứa con của mình. Tới sáng, anh tuyệt đẹp… Nỗi sợ trút thoát khuôn mặt anh, cơn căng thẳng biến mất, mọi điên cuồng của cuộc đời đã tiêu tan. Và tôi bắt đầu để ý tới những đường nét phong nhã và thanh lịch của anh -gương mặt của một hoàng tử! Đó chính mới là anh thật sự! Anh thật sự là như vậy!

Chú thích của người dịch:
[1] perestroika: Tái cấu trúc; cải cách; đổi mới, một phong trào chính trị ở Nga Sô-viết từ thập niên 1980 tới 1991, dưới thời Mikhail Gorbachev. Nó song hành với glanost (cởi mở; công khai).
[2] the Sixties dissidents: Các nhà phản kháng thời băng rã ở Nga Sô-viết trong thập niên 1960, thế kỷ 20. Họ gồm trí thức, văn nghệ sĩ, họa sĩ….
[3] samizdat: Văn bản của người phản kháng, tự xuất bản và bí mật lưu hành trong nước thời Nga Sô-viết.
[4] tamizdat: Văn học và tài liệu cấm, chỉ trích chính quyền, được lén mang ra khỏi nước và lưu hành trên diễn đàn quốc tế.
[5] Susan Sontag (1933–2004), người Mỹ, nhà văn, nhà phê bình, đạo diễn phim, giáo sư và nhà hoạt động chính trị.

*Nguồn: Bài Trick of the Russian Soul, Mục Readings, Harper’s Magazine, June 2016, tt. 11-14.

No comments:

Post a Comment