Wednesday, December 17, 2014

NHÀ TA Ở PHỐ SINH TỪ



Phí Ngọc Hùng


Phố Phái

Tác phẩm Trần Dần

Trần Dần, dịch giả Đoàn Cẩm Tú, nhà văn Thuận

    Xưa...nghe thật xa vắng với tác giả Tang thương ngẫu lục Phạm Đình Hổ (1826) qua Vũ trung tùy bút, trong đêm mưa giữa kinh kỳ gió táp mưa sa, tác giả phóng bút: "Nhà ta ở phường Hà Khẩu...". Hà Khẩu đây là phố Hàng Buồm, nhích thêm dăm bước nữa là tới chùa cầu Đông có tích Tú Uyên gặp Giáng Kiều qua bức họa đầy kỳ tích. Đã bao nhiêu mùa gió thổi, cho đến một đêm mưa, mặc kệ cho gió mưa choàng lên phố thị, Phạm Đình Hổ để chữ nghĩa trào ra ngọn bút lông tùy hứng dẫn đi, nét ngang, nét sổ, nét móc thấp thoáng hồn người bên phố đông người qua. Hồn người đã đem những viên gạch lá nem lát lên nền phố cổ. Lá vàng rơi trên giấy: Phố đã đi vào văn học...
       Thế nhưng không xa mấy, đúng một trăm năm sau...Như với túc duyên để hai người gặp nhau ở ngã tư xưa. Chuyện là có một người thơ (1926) đã bước lên những viên đá xanh trải trên một con phố Hà Nội. Bằng vào câu thơ mở đầu "Nhà ta ở phố Sinh Từ..." và tiếp đến là Những cột đèn và Những ngã tư có phố mờ chờ tha thiết tự ngày xưa cùng những dấu chân đầy tang thương ngẫu lục...Người đời coi thơ ông là lập dị. Nhưng trên phố phường mà chỉ riêng cái ba toong của cụ Nguyễn Tuân chống trên vỉa hè Hà Nội đã được coi như một biểu tượng. Thì thơ ông vượt qua mọi khoảng cách. Thơ ông tĩnh mịch, nhưng ngập gió lộng như tranh Phố Phái:
Gió ơi đừng vội tủi
Khuya rồi! Hãy tới khóc ở hom sông
Có lẽ thu rồi em nhỉ
Em chớ khóc nhiều vàng ố ngã tư xưa
Cùng những cột đèn chơ vơ:
Có lẽ xa kia là phố tôi sinh
Có sương sớm đọng trên đèn muộn
     "Người góp nhặt bên phố đông người qua" trong tạp bút này lượm lặt được một vài con chữ trong cái lò luyện chữ của ông. Những chữ ngập ngụa, cách ông ứng xử với ca dao chẳng hạn là cách của một người biết yêu sao cho cả phía được yêu lẫn phía mình đều lớn bổng lên, không phải cách yêu ai thì người đó nhỏ lại như ông đã từng. Con chữ nào qua tay ông là mang cuộc đời mới với những bồng bột tha thiết:
Ở đâu? Ở đâu có ngọn đèn xanh
Rèm che nhòe cửa sổ...?
Nín đi thôi. Nín đi thôi các đại lộ nhiều cây
Đừng sa sút lá
Để ta khuyên gió... gió đừng rung cây...
Những dòng khinh bạc quay quắt:
Tôi ơi! Tôi ơi!...
Tôi vẫn rong chơi bên mấy cột đèn mù...
Tôi càng đứng bơ vơ đầu cống tỉnh...

   Cũng căn nhà ấy, con phố ấy ông đã ngã bệnh nhiều năm trước khi qua đời, có lẽ cùng những linh cảm đó nhưng không còn đủ thời gian để nhìn thấy những hình dạng mới của chữ nghĩa. Chữ nghĩa bấy giờ có vẻ như chưa cần đầy đọa đã tự ngắc ngoải tự hủy, chưa sinh ra đã kề huyệt. Thì chôn ai? Nhưng ấy là chuyện sau. Bây giờ, ông lại trở về với gió và những ngõ ngách:
Gió thổi kèn ma mưa thui lòng ngõ hẹp
Ồ...ồ ...Đêm đi như một cỗ quan tài
       Từ phố Sinh Từ nhích thêm mươi bước là chùa cầu Đông để có bức tranh Giáng Kiều gặp Tú Uyên. Và người sau biết thêm rằng trước khi là người thơ, ông là họa sĩ. Vẽ trước tiên là cảm hứng, là cách giải tỏa bản thân và thể hiện cái tôi qua nét vẽ. Vẽ như một cứu cánh, một hình thức giao lưu mới khi người viết cảm thấy cô đơn, bất lực trước những trang giấy. Như ông đã thổ lộ: "Tôi có cống hiến gì đâu. Tôi làm chưa bằng người làm vườn, người trồng rau". Như ông dí dỏm "Tôi còn sáng tác thêm vài chữ nữa để miêu tả chân tướng mình, như tự vẽ chân dung, để cho nó hết lòng một thể...". Con đường giấy, bút cũng như cọ, mầu của ông đã có mặt, ẩn khuất qua những mốc thời gian. Và được những người đi sau dàn trải trong một cõi đi về như thế này đây:
        1946, Nguyễn Tuân với Chùa Đàn, cùng lúc ông lập nhóm tượng trưng Dạ Đài với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương và thơ của ông bị chê là khó hiểu.
        1948, Picasso có mặt trong Đại hội văn hóa tại Breslau.
        1950, ông bắt đầu vẽ tranh theo trường phái lập thể và phác họa. Ông giải bày: "Trong phác họa cần cả hình dung lẫn hình thức Không tạo được hình thức sẽ làm hỏng nội dung. Hình thức càng tốt, càng giảm số chữ phải ghi trong tranh. Phác họa cần nhất là dễ nhìn, dễ phân biệt, tập trung làm bật ý chính, tạo cho người thưởng ngoạn chú ý ngay về sự khập khễnh của hình thức rối mới dẫn giải đến cái "phi lý", cái lố bịch của nội dung".

    






Tranh phác họa của Trần Dần
     
    Ông vẽ tranh, làm thơ, viết truyện đều có những dấu ấn riêng. Rồi người tình phố thị của riêng ông được phác họa lên giấy croquis với những...cái lố bịch của nội dung. Vẽ cũng như thơ, ông không trói nghĩa vào chữ, không bôi chữ vào chỗ trống của vô nghĩa. Những chữ rất hàn lâm uyên bác mà rất cực nôm. Cái sướng nôm hiện đại của "một bát sẹo, một lẹo vú, một bú đít, một lít nách" qua những nét vẽ hoàn toàn không truyền thống, khác hẳn với những họa sĩ bạn ông như Văn Cao, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái.
    1954, ông tham gia chiến địch Điện Biên Phủ với Đỗ Nhuận, Tô Ngọc Vân. Cái chết của họa sĩ Tô Ngọc Vân tác động mạnh mẽ đến ông. Ông viết một hơi tiểu thuyết Người người lớp lớp.
***
     Chuyện là một bữa tìm đến một nhà báo Văn Long, người cùng trạc tuổi với người góp nhặt bên phố đông người qua. Gần ông lắm, chỉ cần đi bộ vài trăm mét tới một con phố...:                                            
"...Khi tôi mới lớn, tôi nghe đâu đó từ 1961, ông kiếm sống bằng nghề tô màu ảnh và cũng dùng chất liệu này để tiếp tục vẽ tranh. Sau khi ông qua đời, Mai Gallery (Hà Nội) đã tưởng niệm nhà thơ bằng một triển lãm thân hữu, giới thiệu một khía cạnh còn ít được biết đến: 40 tranh khổ nhỏ chọn lọc của ông, một hình thức biểu đạt khác của thơ, tiếp cận lập thể, siêu thực và trừu tượng làm giới xem tranh thật sự ngạc nhiên, khi biết những tranh ông vẽ vào những năm 60 là thời điểm mà những thông tin nghệ thuật thế giới đến Việt Nam còn rất hạn chế...Thế nên tôi có ý nghĩ người viết, làm thơ bỗng một hôm chuyển sang vẽ, còn người đang vẽ bỗng một lúc nào đấy lại làm thơ, viết văn. Dường như không lằn ranh giữa chữ nghĩa và hội họa. Xem những sáng tác của ông thấy vẫn con người ấy, chỉ có cách thể hiện là khác đi. Đó là những nỗi buồn, những khát vọng, một giấc mơ hay một ký ức nào đó. Ký ức như một cái bóng. Cái bóng chỉ thoáng hiện thôi nhưng đa dạng và sắc nét...
     Đầu giai đoạn đổi mới văn học, tôi được chuyển sang làm biên tập thơ cho "Hội nhà văn". Công việc cử tôi đi lấy bài của các tác giả lâu năm bị "treo bút" trong nhóm "Giai phẩm" như Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt, Sỹ Ngọc, Tử Phác, Phùng Quán, Nguyễn Sáng, Tô Vũ. Một công đôi việc tôi có những khúc mắc với chuyện những người bị tù tội với những con số định mệnh định sẵn như Nguyễn Hữu Đang 17 năm tù, sau 7 năm thì được tha. Trần Thiếu Bảo giám đốc nhà xuất bản Minh Đức 17 năm. Phùng Cung 7 năm. Lạ nữa là Vũ Duy Lân, một người chẳng dính dáng đến nhóm "Giai phẩm", chỉ vì bị nghi là đưa Nguyễn Hữu Đang cái áo len khi đang đi tù. Thì cũng bị...7 năm tù . Rồi đến nhóm "Nhân văn Giai phẩm" bị đánh, trừ 5 người không "đánh" vì nghĩ cũng là anh em mình cả gồm có: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Kim Lân.
     Hà Nội lúc ấy thật nhỏ! Gặp ông tôi chỉ cần đi bộ vài trăm mét tới một con phố hẹp Nguyễn Khuyến còn được gọi là ngõ Sinh Từ có chùa Bà Ngô. Ông ngồi trong một góc nhà thiếu ánh sáng, chỉ vài mét là đường phố, mà ngỡ như ông đã tạo một thế giới riêng cho ông, thế giới của trầm tư, trầm cảm...Ấn tượng đầu tiên với tôi là có cái gì hài hòa giữa tâm trạng, tính khí ông, thơ ông với góc nhà cuối phố ấy! Ông ngồi đó hầu như bất động từ bao năm với gương mặt râu ria, không cởi mở, thậm chí không nhếch một nét cười khi biết mục đích tôi đến tìm ông. Sau tôi mới biết, ở bên trong sự trơ lì đó là những dòng nham thạch sục sôi của sáng tạo. Như chuyến đi Huế với Phùng Quán mà tôi đã ghi lại: "Đến khách sạn để gặp ông, ông vẫn ngồi một mình trên giường, tôi hỏi sao ông không đi chơi đâu đó với anh Quán. Ông nói: "Phùng Quán ngồi không yên, chỉ thích đi. Mình ngồi 30 năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ "bụi", sổ "ngao du". Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình".
    Có lẽ từ dáng ngồi này, mà xuất hiện huyền thoại: Khi ông mất đi, trên bức tường góc nhà như vẫn còn bóng ông ngồi đó! Để Trịnh Thanh Sơn có được câu thơ xuất thần "Bao năm tháng thân chìm vào bóng – Thân về trời bóng vẫn ngồi im".

    Thơ ông cực đoan là cá tính sáng tạo. Nhiều bài diễn đạt hơi rối, khúc mắc và khó hiểu. Đó là theo cách nhìn hồi ấy của tôi: Thơ cần có ý tưởng và cách diễn đạt có thể đa nghĩa mà vẫn trong sáng. Ông đương nhiên là khó hiểu. Nhưng ông nói về sự khó hiểu một cách giản dị: "Tất cả mọi cái đẹp đều khó hiểu. Vì cái đèm đẹp giết chết cái đẹp". Một câu sáng rõ như vậy quả là tối tăm mù mờ với những ai chưa bào giờ nghĩ ngợi về cái...đèm đẹp. Còn "hơi rối" thì với ông: "Làm thơ là làm con chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa, sẽ được nhiều nghĩa. Cái biết rồi là nghĩa, cái chưa biết là chữ. Làm câu châm ngôn hay như Khổng Tử là chưa phải là thơ, nghịc lý như Lão Tử chưa phải là thơ. Nhẩy qua bóng mình mới là thơ. Mình chưa hiểu thơ vì khó mà nhẩy qua bóng mình. Nếu làm thơ mà làm nghĩa, rồi mới mượn chữ để diễn đạt nghĩa thì nghĩa sẽ hẹp. Cái chưa biết mới là cái thăm thẳm, cái chưa biết mới là cái mới. Nguyễn Du vừa làm chữ vừa làm nghĩa. Như câu "Trăm năm trong cõi người ta - Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét" nhau là làm nghĩa. Còn câu "Mai sau dù có bao giờ..." là làm chữ hư tự mà đa nghĩa, đa cảm!...

    Là người hoài cổ, mỗi lần đi qua phố Hàng Bạc mà cả mấy trăm năm trước có căn nhà tường đỏ hát ả đào ở một ngã tư nào đó nên được gọi là nhà đỏ. Từ căn nhà đỏ này đã đi vào truyện Kiều qua lầu xanh của Nguyễn Du khi đến Thăng Long. Là tôi lại lay lắt đến câu thơ của ông "Có lẽ thu rồi em nhỉ - Em chớ khóc nhiều vàng ố ngã tư xưa" .

      ***
    Trong tù ông dùng dao cạo tự tử để họa sĩ Nguyễn Sáng có bức Chân dung của ông có vết sẹo trên cổ in trên Nhân văn số 1. Nào có khác gì Van Gogh cãi nhau với Paul Gauguin. Trong cơn điên Van Gogh dùng con dao sắc...không cứa cổ. Mà cắt đứt một vành tai. Chỉ hai tuần sau Van Gogh có họa phẩm Chân dung tự họa với ống điếu và tai bị băng bó (Self-Portrait with Pipe and Bandaged Ear).
    Chẳng phải đợi hai tuần, lấy cái mốc thời gian năm 1956. Mãi đến một phần tư thế kỷ sau, một người cùng tuổi với người góp nhặt bên phố đông người qua có bút hiệu Nam Dao từ ngoài nước về Hà Nội năm 1981. Bằng vào đường nét trường phái đa đa hay siêu thực hậu hiện đại diễn tả hai con mắt mê dại trên khuôn mặt tượng đá của ông. Bức tranh "chữ" này cũng khó hiểu như bức La Joconde mà Léonard de Vinci vẽ bà Giocondo mỉm cười cũng đầy...khó hiểu khi mang thai như dưới đây:                                                        
"...Tôi gặp anh khoảng 81. Buổi trưa hôm ấy, nắng hanh và trời lên cao đến không còn đó. Khò khè ho khan, anh mở mắt ra rồi lại nhắm lại. Lúc ấy anh mới mở mắt nhìn tôi tròng trọc. Cặp mắt anh sáng, sáng lạ lùng. Và long lanh rừng rực đam mê, ánh đỏ lè, như mắt cọp. Từ đấy, nghĩ đến anh, tôi cứ liên tưởng đến một con cọp. Anh mỉm cười, cái cười méo mó vui buồn, lại nhắm mắt lại. Con cọp nhắm mắt nhưng không ngủ, chòm râu bạc thỉnh thoảng lại nhếch lên như từ phản xạ. Khuôn mặt anh tạc đá, thứ nham thạch lạnh mặt trên, bốc lửa phía dưới. Gò má u lên nhô thành một khối hoạn nạn, liệu dưới sâu còn một hỏa sơn nào âm ỉ chực phun ra chất bỏng cuộc đời? Một con cọp ngủ ngày, thình lình thức dậy, quắc mắt. Câu thơ của anh bỗng ùa về. "Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc - Đất hôm nay tầm tã mưa phùn - Bỗng nhói ngang lưng máu nhỏ xuống bùn - Lưng tôi có tên nào chém trộm?" . A, cái lưỡi dao cùn. Không đứt được mà đau!

    Lưỡi dao cùn để vết thương những máu nhiễu giọt rơi tí tách đánh nhịp theo thời gian. Anh thở ra: "Tí tách như cái đồng hồ". Tôi nghe, im lặng. Những buổi đến với anh, thật khác khi có "rượu", anh chỉ nhấp. Không ham vui, ăn ít nói ít, mắt trừng trừng, anh thỉnh thoảng câu đực câu cái, đôi khi đúng một chữ. Tôi kể, đêm qua tôi chiêm bao. Nhìn đồng hồ, chiếc kim dạ quang quay ngược chiều đẩy mọi sự về phía đằng sau. Hoảng hốt, tôi chồm dậy, nhìn lên tường. Chiếc đồng hồ treo cũng vậy. Nó câm, không cứ tích ta tích tắc, nhưng kim quay ngược, mỗi lúc mỗi nhanh. Tôi tung cửa lao ra đường. Hà Nội giữa trưa không một bóng người. Ven theo hồ, tôi cắm cổ chạy về phía Bưu Điện. Nhìn lên cái đồng hồ ngất ngưởng, hai cái kim đồng hồ... Cứ thế này, tôi thầm nhủ, chắc trở lại thời nhà Tiền Lê trong một khắc. Đúng thế thật, mặt đất chao nghiêng, tiếng người ơi ới thứ thổ ngữ tôi không thật hiểu. Thêm dăm phút, tôi chắc mẩm, chắc là đến thời Hồng Bàng mất. Nhưng hai chiếc kim bỗng tuột ra, bay lên, mỗi lúc một cao, tít tắp cuối trời. Mặt đồng hồ trơ ra. Mấy giờ rồi? Tích tắc, tích tắc. Nó vẫn sống. Nhưng chiều quay đẩy thời gian về đằng sau hay kéo ta lên phía trước? Tôi réo lên hỏi. Tiếng tôi kêu lạc lõng. Mặt hồ Hoàn Kiếm lăn tăn bọt. Tôi chắc là Rùa thần sắp lên. Tôi đợi. Thình lình một bọn người áo vàng ập đến túm lấy lưng, hò nhau, nó đây, bắt được nó rồi. Tôi vùng vẫy. Tại sao? Tôi làm gì mà bắt. Tôi sợ. Tôi hét cho đến khi tỉnh dậy.
    Anh nghe, nhếch mép, được, viết nó ra. Tôi không đáp. Kim quay ngược, lúc này là đến kỷ Hồng Bàng rồi. Anh thì thào, thời "vỡ kỷ", mảnh văng tứ phía. Anh nhắm mắt. Cọp ngủ ngày, chiêm bao cái chiêm bao của cọp. Tôi khẽ khàng đứng lên. Anh mở mắt. Thì ra cọp giả ngủ, đang rình. Rình một tứ thơ chăng?

    Về Sài Gòn hè năm 88, chúng tôi gặp lại nhau giữa một buổi trưa nắng gắt. Anh đợi, ngồi rià một cái quán bên đường. Vẫn cái tư thế cọp ngồi chống mắt nhìn đời, chập chùng xe qua xe lại nhả khói khét mùi xăng nhớt. Gặp anh buồn, im lặng. Con cọp ngày khật khừ, nhướng lên, ánh mắt không rừng rực như cọp nhớ rừng. Với thời gian, anh thành cọp nhà. Cọp nheo mắt chóa nắng lừng lững chống gậy đứng lên đi dọc theo hè đường phố. Lần ấy là lần đầu anh vào miền Nam. A, cái lưỡi dao cùn. Nó chẳng phải chỉ cứa cổ người . Nó chém ngang lưng đất nước. Không đứt được thật, miền Nam vẫn đó. Nhưng mà đau, nỗi đau còn đó, nay vết sẹo mới tấy da non.
   Hai bữa sau, tôi lại lên đường. Nhưng sao chưa đi mà đã nhớ! Lại tự nhủ, lần cuối, nhưng miệng cứ hẹn sẽ gặp lại, còn gặp lại, dẫu trời mang mang, đất mang mang, vì đại dương bây giờ, lời Nguyễn Tuân, chỉ còn là cái ao ếch một đêm mưa. Tôi ghé lên căn gác nơi anh nghỉ trưa nhà một nhà báo hưu non. Anh nằm, mắt nhắm nghiền. Nhìn anh, tôi thì thào với ông nhà báo: "Thôi để anh ấy ngủ!". Dẫu tôi biết anh chỉ nhắm mắt. Anh thừa biết tôi đến chào anh. Nhưng cả anh lẫn tôi, chúng ta nào có ai biết đấy là lần cuối. Tám năm sau, tôi gặp Trịnh Cung. Câu đầu Cung nói là "Anh mới mất, mình vừa nhận được tin!". Dẫu có ai làm thế nào cứu vãn được cái mất mát chính, là anh. Vâng, mất mát đó vô cùng lớn cho tất cả những kẻ lòng còn gắn bó với chữ nghĩa...
    Cách đây bốn năm, tôi lại về Hà Nội. Tôi đến thắp hương cho anh, Văn Cao. Như những năm xưa, tôi đến thắp hương cho Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Pháii. Tôi có cảm giác họ vẫn đâu đây, lẩn quẩn trong tâm tư những kẻ nòi tình gắn bó vào chữ, vào nghĩa, và vào cả cái định mệnh khốn khổ. Đâu đó, tôi nghe tiếng Nguyễn Tuân rủ rỉ, nước mắt tràn trề trên những sợi râu bạc, kêu khẽ: "Sợ! Tôi tồn tại được là vì tôi biết sợ!". Và tôi mơ thấy anh ngồi bên hè phố. Cạnh anh, một rổ đá, cục nào cục nấy to bằng nắm tay. Ai đi qua, anh cũng chìa cho một cục, miệng bảo "Không từng sợ, không từng hèn thì cứ ném đá cho tôi chết thêm một lần!". Mà làm gì có kẻ chết được hai lần!

       ***
       Người góp nhặt bên phố đông người qua một ngày trở về Hà Nội, đi qua phố Hàng Buồm, Hàng Bạc thêng thang một cõi Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng...cây bàng lá đỏ...nằm kề bên nhau...phố xưa nhà cổ...mái ngói thâm nâu... Thảng như có tạt qua con phố Sinh Từ có chùa Bà Ngô cũng không biết có một chuyện tình thời Nhân văn Giai phẩm đã trở thành huyền thoại. Ngay cả nếu như rảo bước ghé phố Vũ Lợi, góc ngõ Phan Huy Chú cũng chẳng hay có một căn nhà, nơi đấy có một người vừa đi vào cõi tĩnh mịch. Với người góp nhặt bên phố đông người qua thì đến họ tên người nằm xuống cũng mờ nhân ảo.

       Phải đợi mươi năm sau khi đọc Nam Dao ở trên, thêm nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Lập viết về thơ ông trong một ngày sô bụi mới biết ông là nhà thơ của những con chữ.
    Hồi bé chẳng biết gì về người thơ, chỉ nghe anh Thắng con của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhắc đi nhắc lại câu thơ phản động: Chúng tôi đi không thấy phố thấy nhà/ chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Nghĩ mãi không hiểu vì sao lại phản động. Hỏi anh Thắng, anh nói ngu, mày không thấy câu mưa sa trên màu cờ đỏ là phản động à? Vẫn không hiểu, không thấy. Ai bảo treo cờ giữa trời, có nắng chiếu thì có mưa sa chứ, không lẽ khi nào nắng chiếu thì cách mạng, còn mưa sa thì phản động a? Giả sử mưa sa xuống cờ là phản động thì mưa phản động chứ bác ấy phản động à? Anh Thắng nói mày ngu lắm em ơi, nói trong nhà thì được, ra ngoài đường nói người ta bắt đấy.
    Không ngờ ba chục năm sau lại gặp bác, gặp nhiều lần, lần nào cũng anh Phùng Quán đưa đến. Thấy bác ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào: Bác...Bác ừ rồi cúi xuống gẩm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén: Uống đi. Gọi anh là được rồi. Lần sau đến lại thấy..."anh" ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào: Anh...Anh ừ rồi cúi xuống gẩm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén: Uống đi. Lần thứ 6, thứ 7 vẫn thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào: Anh. Anh ừ rồi cúi xuống gẩm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa, rót ra đầy chén: Uống đi. Nếu đến lần thứ 100 chắc vẫn y xì như vậy. Anh Phùng Quán nói 3 chục năm thế rồi, giật mình nhìn lên bức tường in bóng anh, quanh tường úa vàng, riêng có hình anh ngồi dựa tường trắng nhỡn.
    Anh Quán chỉ mình nói: Thằng này viết văn đấy anh. Anh hơi gật, nói: Văn chương bây giờ thêm được một cái dấu phẩy cho thiên hạ là tốt rồi. Chẳng biết mình có thêm được dấu phẩy không, nhưng nghe anh nói mà sợ. Anh viết văn nắn nót, nét sổ thì đậm, nét đá thì mảnh, trăm chữ như một. Một ngày ròng rã, cật lực mới viết được một trang. May không hỏng chữ nào, chỉ cần hỏng 1 chữ, anh chép lại cả trang, lại một ngày trời ròng rã, cật lực. Mình nói anh viết thế này thì đến bao giờ mới xong một cái truyện? Anh thủng thẳng nói: Viết văn chứ có phải đi ăn cướp đâu.
   Một lần đến chơi, anh khoe: Tối qua thức trắng đêm mới sửa xong bài thơ. Viết lâu rồi, bây giờ mới sửa xong. Mình cầm bài thơ đọc, há hốc mồm: Cái đầu đề bài thơ còn dài gấp đôi bài thơ:
Vợ chồng
Xong.
(Tức đầu đề là : Vợ chồng. Toàn bài thơ là: Xong).

         ***
         Ấy vậy mà vẫn chưa...xong. Thôi thì hãy quay quả với bạn ông là Hoàng Cầm vẽ chân dung con người ông qua chữ nghĩa với những lận đận, những lao đao, những trắc ẩn trong số phận, như những lời thơ ông viết qua một con phố nhỏ:
Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?
      Với cái cột mốc thời gian năm 1956, vô hình chung Hoàng Cầm...vẽ ông ra chữ. Và người góp nhặt bên phố đông người qua nhìn bức tranh truyền thần ông ra trường phái "Dã thú" của Matisse lúc nào cũng chẳng hay. Mà...dã thú thật cũng nên:
"...Anh có dáng người thấp, hơi thô, tay chân chắc nịnh, lúc nói chuyện thường ồn ào, giọng cười thẳng thắn, ròn rã. Đôi mắt xếch với cặp mày rậm làm cho khuôn mặt anh dữ tợn, nhưng đến khi anh há mồm ra cười thì trông lại như một đứa trẻ con. Tôi biết anh năm 1947, nổi tiếng là có một anh nào đó thường vẽ và làm thơ có nhiều cái rất lạ, anh em văn nghệ thì rất thích nhưng một số cán bộ chính trị ở đơn vị lấy làm bực mình.
    Hồi ấy anh yêu một nữ văn công. Vốn tính cương trực, lỗ mãng, anh không biết cách nào khéo léo để lấy lòng của đàn bà. Anh không biết nói đẹp, nói hay, gặp cô, anh "tấn công" luôn, rất thô kệch. Cô ấy sợ, và chạy trốn. Anh đuổi không kịp. Rồi anh thất vọng và cũng khóc. Một lần bắt chợt anh ôm đầu khóc, tôi kéo mấy anh bạn vào xem: "Vào đây xem voi chảy nước mắt các cậu ơi!". Sau hình ảnh cô gái đó đột hiện lên, tươi roi rói, trong những trang đầy nhiệt huyết của cuốn truyện "Người người lớp lớp".
   Đọc lần đầu tiên, tôi không thích. Tôi cho anh là lập dị. Đọc lần thứ hai, thứ ba, tôi vẫn không thấy thích, nhưng dần dần tìm ra được nhiều cái mới lạ, khác với nếp cũ thông thường. Tuy nhiên, tôi vẫn không thấy thích cái lối thơ ấy. Dần dà đọc nhiều bài thơ anh làm về sau, tôi càng thấy "cái anh chàng này khác thường". Khác thường theo ý tôi chưa chắc là đã hay. Tôi thấy thơ anh có phần đau xót, u ám, nhiều khi rất buồn, vừa cộc cằn lại vừa có cái tự hào sôi nổi, nhiệt tình thẳng thắn, táo bạo.

    Nhưng  thơ anh vẫn không lọt vào tâm hồn tôi, một người làm thơ theo một dòng khác. Dù sao tôi vẫn trân trọng những cái tìm tòi của anh trong thơ. Tôi cũng nghĩ như anh thường nói: Mỗi người làm một kiểu. Đừng bắt thơ ai phải giống ai. Đó là động lực thúc đẩy anh, và anh em văn nghệ dự thảo ra bản đề nghị chính sách văn nghệ tại Hà Nội. Trong thời gian bản dự thảo còn bàn đi bàn lại, thì bỗng có một người đàn bà đến rất nhanh chóng trong đời sống của anh. Một chị ngoài 20 tuổi, đi đạo, ở Hà Nội mới giải phóng. Anh gặp người đó và hai người yêu nhau. Lúc mới yêu người ta dễ say. Anh lại là người chưa từng được yêu bao giờ, dù anh đã gần 30 tuổi. Cái tật xấu nhất của anh là bừa bãi trong sinh hoạt: quần áo, sách vở, vứt lung tung, bạ đâu ngủ đấy. Trong sự giao thiệp với người đàn bà này, anh cũng rất bừa bãi. Mới quen lần đầu đã nghiễm nhiên vác ba lô đến ở chơi nhà người ta vài ngày, rồi sấn sổ đòi tình yêu. Người thiếu nữ có lẽ vì sợ đôi mắt xếch đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác: Chị đã trao cả cuộc đời mình cho anh. Nhân lúc đang được phép nghỉ, anh đã đến nhà người yêu ở hàng nửa tháng liền và đề nghị cấp trên cho anh được cưới nhưng bị từ chối.

    Anh đã gục mặt vào tay đau đớn. Tôi đã gặp anh ngồi lặng hàng giờ trong một căn phòng quần áo bàn ghế bừa bãi ở nhà người thiếu nữ đó. Giữa anh và chị, có một niềm tủi cực, cay đắng, xót xa. Chị đã thôi không trang điểm, xếp áo màu vào tủ, có cái thì đem cắt ngắn, nhuộm nâu. Đã tan đi từ lâu lắm tiếng cười ròn rã. Trong giọng nói đã thấy ngấn nước mắt. Hình ảnh người con gái đi tìm việc làm trong mưa, mối tình đó kéo lê những ngày lo sợ, buồn phiền. Anh không ngờ yêu lại khổ đến thế này. Anh và người yêu vẫn sống trong một góc nhà tối thiếu ánh sáng. Bữa cơm không vui. Bụi phố Sinh Từ rắc vào nhà như sương, bụi phủ trắng mặt bàn ghế. Ăn vội vàng, anh lại về đơn vị để rồi lại được nghe những tiếng xì xào. Và người thiếu nữ lại chân đất, áo ngắn, đi tìm việc làm, có hôm từ sáng đến tôi mới về: "Em đi trong mưa... cúi đầu... nghiêng vai".
    Cùng thời gian ấy, anh nhận định tập thơ Tố Hữu nhỏ bé nhạt nhẽo và mắc một sai lầm là thần thánh hoá lãnh tụ. Và cuộc phê bình "Vượt Côn Đảo" cũng sôi nổi không kém  "Việt Bắc". Anh chỉ trích  "Vượt Côn Đảo" của Phùng Quán giọng châm biếm cục cằn, lý do là nhà văn trẻ này không sáng tạo mà chỉ nghe những người từ Côn Đảo về kể lại và viết thành truyện khiến nhiều người phản đối. Những người chung quanh thích cách biểu lộ này của anh  thì ít, mà sợ thì nhiều. Không ít người suốt đời hậm hực về lời bình thường cộc lốc nghiệt ngã của anh. Riêng Nguyễn Khải đã tả về hai con mắt của anh là "hiếp đáp thiên hạ". Nhưng ít ai biết anh có lúc oang oang ăn to nói lớn, có lúc nóng nảy văng tục, có lúc lầm lì ngồi một xó, khi ngâm thơ giọng buồn thấm thía, khi vò đầu bứt tóc, lúc ứa nước mắt, ôm mặt nằm cò queo một mình, có lúc nấc lên, đầu bù tóc rối.

    Bài thơ "Nhất định thắng" anh gửi Lê Đạt giữ từ lâu, anh cũng gần như quên đi. Đã gần đến Tết, một số anh em đang say sưa sáng tác. Tôi chạy đi chạy lại gom góp sáng tác của dăm ba người bạn và nghĩ rằng phải xuất bản một tập văn thơ mùa Xuân để đóng góp với mùa xuân mới. Đang lúc anh đi công tác xa, tôi bèn tìm lại bài thơ cho đăng vào "Giai phẩm mùa Xuân" mà tôi là người soạn bài. Cứ để bông hoa đó nở thì đã hại gì ai mà có thể có lợi. Nhưng hoa chưa kịp nở đã bị dập vùi. "Giai phẩm mùa Xuân" và bài thơ "Nhất định thắng" bị kết tội. Người ta cho rằng bè phái độc quyền trong giới văn nghệ bị công kích (bắt đầu từ cuộc phê bình thơ Việt Bắc) đã tìm cách trả thù.

     Anh và Tử Phác đều bị giam ba tháng tại nhà tù Hỏa Lò, trong tù anh đã dùng dao cứa cổ tự tử. Khi chị K. ốm nghén, bơ vơ trong một căn nhà, chống gậy sang hàng xóm xin từng ngụm nước, là lúc người yêu của chị đi ba tháng không về..."

       ***
       Gần đây thêm dăm bài báo viết về cuốn nhật ký của ông với tựa đề Ghi 1954-1960 do bà Phạm Thị Hòai biên tập, Hòang Khởi Phong đã cay cú với bà là chẳng nên làm cái chuyện ruồi bu ấy, trong cái lúc đất trời còn đang nhá nhem. Nhưng bà đã nói rõ trong sách: "Với chúng ta, đó là những văn liệu và tư liệu vô giá về một giai đoạn văn chương và lịch sử cho đến nay vẫn xếp sổ, nếu quả còn có sổ". Qua một bài viết của ai đó, bà trả lời "Nói như thế là bạc, là rũ trắng mọi khổ đau đen ngòm của kẻ khác".
       Sau hơn 30 năm, một trong hơn 30 tác phẩm của ông được ra mắt người đọc, tập thơ-tiểu thuyết Cổng tỉnh nhận giải thưởng hội nhà văn. Sự công nhận muộn màng này dừng lại ở một quá khứ oan khiên với một nhà thơ lớn khi ấy gần đất xa trời. Hòang Dung biện giải cho ông với những cảm quan mến mộ, mặc dù đây đó đang có những hiểu nhầm đầy cảm tính với ông. Đại thể như bà Phạm Thị Hoài: "Tôi không cho rằng ông bị hiểu nhầm, mà ông bị không hiểu. Không hiểu chứ không phải hiểu nhầm. Hiểu nhầm, còn chữa lại được, không hiểu thì còn khó hơn nhiều".

       Khi không lay lắt với gió nồm gió hanh cùng hai người bạn đồng môn đồng tuế trên. Người góp nhặt bên phố đông người qua với Cống tỉnh chỉ dạ quan hoài cùng những câu thơ gió thổi muông chiều qua Phố Phái " Cô đơn lòng ngõ rỗng trăng chênh"  hoăc giả như "Sao đã cho tôi những phố xào xạc?" hay "Sao đã ghi tôi vào mép sổ buồn rầu?". Với mép sổ buồn rầu Ghi 1954-1960 sự nghiệp của ông không chấm dứt năm 1958, mà là mở đầu từ đó trong khoảng 15 năm, cùng thời gian sổ bụi với nàng Kiều của Nguyễn Du. Năm 70, ông viết Năm của Tết Mậu Thân 1968, nghĩa là liên quan không nhỏ tới tới việc Sài Gòn thất thủ.
       Tiếp, ông đồng cảm cùng những người bên trời lận đận nơi xứ người "Họ vẫn ra đi – Nhưng sao bước rã rời? – Họ có gì thất vọng?". Nhưng bất hạnh lớn của ông là Nhân văn Giai phẩm, nhưng bất hạnh còn lớn hơn của ông đã quẳng gánh Nhân văn Giai phẩm đằng sau lưng ký ức từ lâu, còn người đời thì vẫn è lưng ra gánh mãi. Trong đó có người góp nhặt bên phố đông người qua. Nói cho ngay, người góp nhặt bên phố đông người qua chỉ làm công việc thu vén chữ nghĩa với ông qua sổ bụi "Em vứt đi ngọn lửa – Ta từ bỏ kiếp rơm – Để đời sau không còn là sổ bụi". Không ngòai cái hạn hẹp muốn hòai niệm ông đồ xưa năm ấy, hồn ở đâu bây giờ.

       Bước theo lối mòn những người viết trước và hai người bạn vừa rồi, người góp nhặt bên phố đông người qua lại lọ mọ theo ông những bước chân trên hè phố sau ba tháng tù, ngày về căn nhà cũ ông lặng lờ: "Vào độ cuối đông, Hà Nội thu mình khép gió. Những tàn cây trơ trụi lá co ro trơ xương chống đỡ cơn may hiu hắt lạnh, mênh mang nhớ, rưng rức đau nỗi niềm không tên gọi, có đây rồi lại vụt mất, chập chờn kéo hiện tại nhập vào một tiền kiếp không thể ngày một tiêu ma dấu vết. Tôi chống gậy, lao chao bước, đi không quay đầu lại. Tấm áo cánh trắng xóa con ngõ cũ, chiêc mũ len sùm sụp, một mình lê về đến phố xưa, chẳng gần, chẳng xa, để vào lòng tôi một nỗi man mác...".
       Trong căn nhà góc phố ấy, ông có nhắc đến cái cửa sổ có chấn song, trước kia ông vẫn thường gác cái xe đạp ở cạnh bên. Ông dựa lưng vào tường, nâng cái điếu cày rít sòng sọc, miệng chiêu ngụm nước chè, mắt nhắm, đầu khẽ ngật ra đằng sau. Và những vật bất ly thân trong căn phòng cũng không ngòai bộ ấm tích, cái điếu cày và một ngọn đèn Hoa Kỳ le lói chập chờn ngày cũng như đêm cùng những trống vắng.

      Chẳng phải đợi đến Phạm Thị Hòai, năm 1958, Hội nhà văn đã mầy mò vẽ vóc dáng ông: "...là giặc bút, viên đạn xét lại, mũi tên độc địa của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, chủ nghĩa...đầu hàng, làm phản". Trước đó có người hỏi ông qua thời Nhân văn, ông tự thấy được cái gì nhiều nhất? Ông đáp: "Được cái họan nạn". Và tiếp: "Kết quả hình phạt với một người lại có thể là một quà tặng không ngờ tới bao nhiêu người khác..". Hoặc cay đắng: "Tôi có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn, trừ tiếng chửi sống không sáng tạo". Sau khi mất, ông lại bị trì chiết với cuốn Ghi 1954-1960, như một hình phạt. Thế nhưng có mấy ai đọc đằng sau những con chữ của bà Phạm Thị Hòai để hiểu...ông.
       Ghi trang 439, ông không chối bỏ: "Ai chẳng có những lúc nhụt chí, yếu xìu, hèn đi, quy thuận, và thậm chí đôi khi van lơn chạy tội". Vậy mà sau năm 1961, cứ thế ông viết. Một mình. Không độc giả. Chính cái sự rất người là yếu, hèn, để từ họan nạn đẩy đưa ông viết về cái rất người của những con người. Ông viết, cứ viết. Biết bao giờ in? Há chi! Không cần, viết là cái nghiệp. Nến tắt, đèn tàn, chỉ còn lại dăm cây nhang cháy đến gốc, không còn cái mùi ngất ngây gây mê trên bàn thờ nơi thần tượng vừa sụp đổ. Vì thế khi tới Huế, Hòang Phủ Ngọc Tường báo Sông Hương, ỡm ờ hỏi ông về thời kỳ quy thuận, chạy tội: "Theo anh, nhân cách nhà văn quan trọng ở chỗ nào". Ông nhếch mép trả lời: "Nhân cách nhà văn chính là văn cách của anh ta".
        Ngay như bà Phạm Thị Hoài một lần đã thổ lộ: "Tôi được ông ưu ái khi vừa mới mon men vào nghề, phấn khởi lắm, nhưng những lời đe của ông sau này mới thực cho tôi những bài học càng lâu càng ngấm. Tôi thuộc lớp trẻ nợ ở ông một lòng ưu ái, mang theo lời đúc kết của ông: Nhân cách nhà văn chính là văn cách của anh ta. Tôi hiểu tôi phải có được một văn cách".
       Trở lại với nhóm biên tập báo Sông Hương, ông tiếp: "Thế hệ trẻ à, tôi cứ đợi mãi. Tôi sốt ruột đợi lớp trẻ lớn lên để chôn bọn tôi, như chúng tôi đã chôn thời tiền chiến". Qua Ghi, ông dẫn giải: "Chết: có những cái chết xương tan thịt nát. Có những cái chết sâu trong lòng. Tôi sợ cái chết ngay còn đang sống". Để người góp nhặt bên phố đông người qua có một ý nghĩ nhập nhòa với năm mươi năm trước, ba trăm năm sau, không một ai có đủ tâm vóc và kích thước để chôn...sống một người như ông. Thêm ý nghĩ rời rạc: Giả dụ như lưỡi dao không cùn, nó cắt, xọet một cái, đứt cổ để chúng ta mất đi một...anh hùng. Thế nhưng nghĩ cho ngay không ai có quyền bắt người khác làm anh hùng...thay mình với cái chết. Vì cái chết cao đẹp đến đâu chăng nữa, không thể đổi lấy sự sống. Nhất là lại sống để nhả tơ nuôi đời...như ông.                                                     
       Ừ thì cứ tạm bám víu vào phương thức ghi chép sử của sử học, với những sự kiện cùng thăng trầm của một thời đại, phải đợi 60 năm sau mới nên mang vào sử sách. Với một kiếp nhân sinh qua văn học sử cũng vậy, đâu đó có một câu chữ Hán, nôm na là hãy đợi đóng nắp quan tài lại, đợi hương tàn khói lạnh hãy râm ran. Thế nhưng người góp nhặt bên phố đông người qua lại lú lẫn, phải nhờ vả đến bạn bè tứ phương tám hướng, gọi như gọi đò sang sông. Qua vắng gió đìu hiu, ông bạn già thì thào cho hay câu ấy là: Cái quan định luận...

       ***
       Qua đường, không ai hay
       Lá vàng rơi trên giấy
       Ngoài trời mưa bụi bay
        Nghĩ quẩn với một ngàn năm trước và thêm một trăm năm sau nữa...Mây vẫn bay qua, ngày vẫn trôi đi, học theo bà nhà văn đang luân lạc trên, nghĩ cho cùng ai là người dầy chữ để làm cái chuyện cái quan định luận đây. Đã bao nhiêu mùa gió thổi, cho đến một đêm mưa, mặc kệ cho gió mưa choàng lên kinh kỳ ...Kẻ hậu sinh chẳng dám học đòi người muôn năm cũ Tùng niên Phạm Đình Hổ với Vũ trung tùy bút qua những tang thương ngẫu lục. Trong đêm mưa giữa lòng phố thị gió táp mưa sa, người góp nhặt bên phố đông người qua xin thành kính thắp nén hương lòng đến Sổ bụi, người muôn năm cũ qua những năm tháng: 1926-1997.
PNH

                                                                                            
Thạch trúc gia trang
Lập xuân, Tân Mão 2011
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
                                                                                
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn, Tường Hương,
Nguyễn Hải Chí tự Chóe.
Tất cả tranh tự phác họa được góp nhặt từ 
tuyển tập "Thơ" ông vẽ vào thập niên 60.




No comments:

Post a Comment