Friday, April 15, 2011

Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ
Đêm Trăng Hoa Bên Giòng Sông Xuân
Trương Nhược Hư
Tô Thẩm Huy
   

Đường Thi như đôi cánh hạc nghìn đời bay lượn trên thân phận con người. Tôi bơi lội trong Đường Thi, ngậm ngùi, đùa dỡn, lấy chút hồn cổ nhân về cấy sinh-tử-phù vào lòng mình.  

   Trương Nhược Hư sống cách nay một nghìn ba trăm năm.  Thơ ông thất lạc hết, chỉ còn lại vỏn vẹn mỗi hai bài.  Một là bài ngũ ngôn cổ phong Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn, 12 câu năm chữ, chan chứa nỗi u hoài cùng người khuê phụ.  Bài thơ ấy nay đã chìm vào quên lãng, chẳng mấy ai còn nhắc đến nữa.  Nhưng bài kia thì danh chấn giang hồ, ai ai đọc Đường thi cũng đều biết đến. Đó là bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ, 36 câu thất ngôn cổ phong, đọc lên lạnh toát cả mấy trời thi ca kim cổ. Chỉ một bài thơ ấy thôi cũng đã đủ làm bóng dáng ông thiên thu lấp lánh bên giòng Ngân Hà thi nhân sa số của triều đại nhà Đường. 
   Những gì người ta còn biết về ông viết ra không đầy vài giòng chữ:  Ông người Giang Tô - ‘Tô châu lớp lớp phù kiều, Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam (Hồ Dzếnh).  Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết trước Lý Bạch (701-762) độ mấy mươi năm, làm bạn với Cuồng Khách Hạ Tri Chương (659-744) và Thảo Thánh Trương Húc (658-747), tức Trương Điên, người nổi tiếng uống rượu say, nhúng tóc vào mực, quất lên giấy mà viết theo lối ‘cuồng thảo thư pháp’, hợp cùng Bao Dung lập nên Ngô Trung Tứ Sĩ, bốn người học trò ở đất Ngô.  Chấm hết. 
   Đó là tất cả những gì còn biết về ông.  Nhưng không sao, chúng ta tha hồ mà tưởng tượng. Chắc chắn ông phải là một đạo sĩ. Nội cái tên Nhược Hư của ông cũng đã đủ nói lên điều đó. Cái ghê gớm ở tên ông không phải ở chữ Hư (Trống Rỗng) mà ở chữ Nhược (Ví Như Là, Nhược Bằng). Nhân vật của Kim Dung cũng có một người tên Hư: chưởng môn phái Võ Đang, Xung Hư Đạo Trưởng. Tên vị đạo sĩ này vừa Xung (Sâu xa), vừa Hư, nghe có vẻ sâu xa, trống rỗng ghê gớm, mà thật ra chẳng ăn thua gì với cái Như Là Rỗng Không của Nhược Hư. Nó không rỗng không mà chỉ ‘ví như là’ rỗng không.  Rỗng không đến mức không chứa cả rỗng không, ấy là đã rỗng không đến mức thượng thừa rồi vậy. Quê hương ông là vùng sông hồ Hoa Nam non xanh nước biếc. Những lúc xuân về chan hoà nắng ấm trên đất Bắc, lòng ông hẳn dạt dào một ngõ cũ tưng bừng cỏ cây hoa lá, một mảnh vườn miệt Lục Tỉnh Nam Kỳ thơm ngon cây trái.
   Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ vốn là một đầu đề quen thuộc, đã nhiều người viết từ thời Lục Triều (229-589).  Phải chăng vì thế mà có người đã gộp văn chương Ngô Trung Tứ Sĩ là kế tục phong cách phù mỹ, diễm lệ của thi ca Lục Triều?  Điều này thật không hợp lý,  nhất là  đối với Trương Nhược Hư. Chữ nghĩa ông trong cả hai bài thơ đều đẹp mà không hoa mỹ, tráng lệ mà không khuôn sáo, vừa chất ngất nét hào phóng của văn chương Kiến An, lại kí thác cái ý thức mang mang, day dứt về thân phận con người, đánh dấu sự kết hình và trưởng thành của thi ca Sơ Đường, sao lại bảo là mang vẻ son phấn, thù tạc tiêu biểu của thi ca Lục Triều?
   Một trong những bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ nổi tiếng là bài ngũ ngôn tuyệt cú của Dương Quảng, tức Tuỳ Dạng Đế (569-618), ông vua thứ hai và cuối cùng của triều đại nhà Tùy ngắn ngủi (581-618), viết ra trước bài của Trương Nhược Hư khoảng một trăm năm:

Mộ giang bình bất động,   Xuân hoa mãn chính khai.
Lưu ba tương nguyệt khứ,   Triều thuỷ đái tinh lai. 
   Thế giới Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ của Dương Quảng là thế giới tĩnh lặng:  Giòng sông đêm bằng phẳng không động đậy.  Hoa lá mùa xuân chan hoà bừng nở.  Sóng êm dìu vầng trăng trôi xa mãi.  Ngàn sao theo con nước thuỷ triều dâng nhanh trên nền trời đen tối.  Thiên nhiên như đắm chìm trong mê say, ngây ngất.  Trời và đất, trăng và nước, sao và sông, hoa và lá, tất cả như đang hoà chung một nhịp điệu êm đềm, tĩnh lặng.  Xin tạm dịch: 

Sông đêm xanh lờ lững,  Xuân thắm rộ trời hoa.
Nước theo trăng xa tắp,  Triều dâng sao nhạt nhoà.

   Ai ngờ ngòi bút lẫy lừng uyên bác trong lịch sử Trung Hoa ấy lại là một bạo chúa sắt máu vô độ, người đã đầu độc giết cha để giành ngôi của anh, rồi suốt trong 14 năm ngư trị trên ngai vàng đã không ngớt huy động sức dân, phung phí ngân sách vào việc xây điện đài xa hoa để hưởng lạc, lại mấy lần kéo đại quân rầm rộ tiến sang Cao Ly gây cơn binh đao chinh chiến, mấy lần chuốc lấy thất bại thảm thương, sống sót trở về chẳng được mấy người, để rồi cuối cùng phải bị thắt cổ chết khi nhân dân Trung Hoa vì quá đói khổ đã nổi dậy lật đổ triều đại nhà Tuỳ.
  Bạo chúa làm thơ thì êm đềm như thế, còn vị đạo sĩ của chúng ta thì sao?  Xin thưa cái tâm dường như là rỗng không của ông lại không rỗng không chút nào, mà lại sôi động bao điều, ạt ào tâm sự.  Bên trăng và hoa, đứng một mình ven bờ sông xuân, tình cảm ông cuồn cuộn tuôn chẩy như giòng Hoàng Hà xô lệch đất Bắc, tràn dâng mênh mang như giòng Trường Giang lấp lánh trời Nam.  Giòng sông xuân của Trương Nhược Hư không im lìm, lờ lững. Nó tưng bừng sóng vỗ, day dứt trăng soi, dạt dào thương nhớ.  Toàn bài là cảnh ven sông một đêm xuân hoa lá tưng bừng nở.  Lóng lánh trên nền bầu trời đêm là vầng trăng cổ độ, từ lúc theo mực thuỷ triều nổi lên trên sóng nước, đến lúc vươn cao, ngời sáng giữa không trung, và rồi chìm khuất nơi chân trời mịt mù sương khói.  Lững thững dưới vầng trăng thao thức ấy là bóng dáng Trương Nhược Hư một mình chống gậy, ngậm ngùi hình bóng một thiên đường xa khuất trong trí tưởng, một ngõ cũ thuở nào hoa bay đầy trời bên đầm trăng sáng. Chữ nghĩa ông vây bủa như thiên la địa võng, kinh động mấy tầng tâm tư, tái hồn tê phách. Hai câu Giang biên hà nhân sơ kiến nguyệt ? Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân ? đúng là lời lời hô ứng, điệp ngữ dặt dìu, trập trùng u uất.  Ven bờ con sông này ai là kẻ đã đầu tiên ngước mắt dõi lên vầng trăng thơ dại ấy?  Và vầng trăng thơ dại ấy tự năm nào đã bắt đầu đứng trên con sông này soi xuống con người? Câu hỏi như quấn lấy người đọc, dư âm vương vất một nỗi u hoài mang mang không dứt.  Xin mời đọc lại hai câu nguyên tác. Và xin thư thả ngồi yên để nghe lấy cái tiết điệu trùng điệp của giang nguyệt, nguyệt giang đang theo nhau ngân nga đồng vọng: 
Giang biên hà nhân sơ kiến nguyệt ?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân ?
   Lại cũng xin thủng thẳng ghé mắt nhìn câu kết, một câu thơ tuyệt diệu về tứ lẫn hình ảnh, lẫn nhạc điệu: Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.  Chữ thụ chấm dứt bài thơ bằng một nốt trầm sâu thẳm, khiến dư ba của những chữ trước nó đang ngân vang bỗng tắt nghẽn. Và từ nơi cõi thinh lặng ấy là cả một trời thơ ngây ngất vọng về. Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ. Vầng trăng đã lặn, nhưng vẫn gieo rắc, chan hoà tình cảm đầy lên hàng cây ven sông. 
   Đằng sau vẻ êm đềm, tĩnh lặng của vị bạo chúa là cả một trời cuồng phong, giông tố.  Bên cạnh nỗi khắc khoải, rạo rực của người đạo sĩ là cả một cõi hư không vắng lặng.  Ai dám bảo đâu là động, đâu là tĩnh ? 
   Dưới đây xin mời quý độc giả, dù am tường chữ Hán hay không, cùng nhẩn nha đọc nguyên tác Hán Việt, để kinh qua cái âm điệu trùng điệp bủa vây của chữ nghĩa Trương Nhược Hư, sau đó xin thư thả đọc mấy bản dịch sang quốc âm, một của người viết bài này, một của Tản Đà, và một của cụ Bùi Khánh Đản.

 
Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ

Xuân giang triều thuỷ liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
Nguyệt chiếu hoa lâm giai như tiển.
Không lý lưu sương bất giác phi,
Đinh thượng bạch sa khan bất kiến.
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang biên hà nhân sơ kiến nguyệt,
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân.
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự.
Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân,
Đản kiến trường giang tống lưu thuỷ.
Bạch vân nhất phiến khứ du du,
Thanh phong phố thượng bất thăng sầu.
Thuỳ gia kim dạ thiên châu tử,
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu.
Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi,
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.
Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ,
Ngư long tiềm dược thuỷ thành văn.
Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa,
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.
Giang thuỷ lưu xuân khứ dục tận,
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.
Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
Kiệt Thạch Tiêu Tương vô hạn lộ.
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy,
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.


 
西
滿


Xuân buông xuống trên sông lênh láng,
Cùng thuỷ triều trăng sáng nhô lên.
Vỡ lan theo sóng lung linh,
Bừng trôi muôn dặm, tràn trên sông dài.
Đêm thơm ngát vườn ai lấp lánh,
Rải trời hoa, nghìn mảnh trăng tan.
Sương dâng mù mịt mênh mang,
Trắng ngần dải cát bên ngàn nhoà trông.
Trời một sắc, sáng trong riêng lẻ,
Một vầng trăng lặng lẽ trên không.
Rọi ai, ai dõi ven sông ?
Đầu tiên ai dõi ?  Niên trùng rọi ai !
Kiếp người những sớm mai, khuya mộ.
Mảnh gương xưa cổ độ chẳng phai,
Long lanh vẫn đứng đợi ai,
Nhìn sông nước chẩy miệt mài tiễn đưa.
Áng mây trắng lửng lơ bay mãi,
Rặng phong xanh trên bãi buồn tênh.
Thuyền ai đêm nay lênh đênh,
Lầu ai trăng sáng chênh vênh nỗi niềm.
Trăng vương vấn thềm riêng sao nỡ !
Bóng ai ngồi gương nhớ, phấn phai.
Tắt đi trăng, lạnh bờ vai,
Đọng chi trên áo, lệ ai dạt dào.
Bao thương nhớ, khát khao nhau nói,
Nương ánh trăng xin dõi bên người.
Dặm ngoài cõi sáng xa vời,
Bóng chim tăm cá, mây trời bọt sông.
Đêm hôm trước lặng trông hoa rụng,
Mộng đường hoa, lững thững bên đầm.
Nửa đời, xuân dạt bao lần,
Vời gieo trăng nước hải tần lẻ loi.
Trăng dần lặn ven trời chìm khuất,
Đường về quê xa lấp ngàn mây.
Cưỡi trăng mấy kẻ đêm nay,
Tình trăng giũ thẫm hàng cây ven bờ.

Trăng đã lặn. Ánh trăng rồi đã tắt. Thượng Đế rồi cũng bỏ chúng ta.  Nhưng cái ánh sáng tâm thức mà con Tạo trêu ngươi cấy vào thân phận con người vẫn qua ánh mắt của Trương Đạo Sĩ rót tràn lên hàng cây ven sông, lung linh khua thức nỗi nhớ thương một thiên đường nào đã mù mịt lối về giữa chiều nắng tắt. Nhật mộ hương quan hà xứ thị.  Đường về đã vô hạn lộ !  Đâu là nơi trở về của thiên thu ?  Cánh hạc đã một đi không trở lại, nhưng trên thân phận con người một màu vàng sao vẫn mãi se sắt! Còn lại gì chăng?  Tôi ngồi ôm mặt khóc.

Tô Thẩm Huy


Bản Dịch của Tản Đà:

Đêm Trăng Hoa Trên Sông Xuân 

Sông xuân sáng nước liền ngang bể,
Vầng trăng trong mặt bể lên cao.
Ánh trăng theo sóng đẹp sao!
Sông xuân muôn dặm chỗ nào không trăng ?
Dòng sông chảy quanh rừng hoa ngát,
Trăng soi hoa như tán trập trùng.
Sương bay chẳng biết trong không
Trên soi cát trắng nhìn không thấy gì.
Trời in nước một ly không bụi.
Mảnh trăng trong ròi rọi giữa trời.
Thấy trăng thoạt mới là ai ?
Trăng sông thoạt mới soi người năm nao ?
Người sinh mãi, kiếp nào cho biết,
Nhìn trăng sông năm hệt không sai.
Trăng sông chẳng biết soi ai,
Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi.
Đám mây trắng ngùi ngùi đi mãi,
Rặng phong xanh một dải sông sầu.
Đêm nay ai đó, ai đâu?
Chiếc thuyền để nhớ trên lầu trăng soi.
Trăng thờ thẫn nơi người xa ngóng,
Chốn đài gương tựa bóng thương ai.
Trong rèm cuốn chẳng đi thôi,
Trên bàn đập áo quét rồi lại ngay.
Cùng nghe ngóng lúc này chẳng thấy,
Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng.
Hồng bay, ánh sáng không màng,
Nước sâu cá quẫy chỉ càng vẩn tăm.
Đêm nọ giấc trong đầm hoa rữa,
Ai xa nhà xuân nửa còn chi!
Nước sông trôi mãi xuân đi,
Trăng tà lặn xuống bên kia cánh đầm.
Vầng trăng lặn êm chìm khói bể,
Đường bao xa non kệ sông Tương.
Về trăng mấy kẻ thừa lương,
Trăng chìm lay bóng đầy hàng cây sông
Tản Đà



Bản Dịch của Bùi Khánh Đản

Đêm Xuân Cảnh Trăng Hoa Ở Trên Sông

Sông xuân liền nước bể dâng
Thuỷ triều bát ngát một vầng trăng trong
Muôn nghìn con sóng mênh mông
Chốn nào sông nước cũng lồng ánh ngân
Đất thơm sông lượn mấy lần
Trăng như tuyết phủ trắng ngần rừng cây
Sương rơi mà chẳng thấy bay
Trên sông cát trắng nào hay xa gần
Nước mây không chút bụi trần
Đêm thanh vằng vặc vành ngân giữa trời
Đầu tiên thấy nguyệt là ai ?
Năm nào trăng thoạt soi người trên sông ?
Đời đời liên tiếp vô cùng
Năm năm trăng nước vẫn không đổi dời
Trăng kia nào biết chiếu ai
Trường giang chỉ thấy trăng soi đôi bờ
Một làn mây trắng lửng lơ
Rặng phong trên bến ngẩn ngơ nỗi sầu
Thuyền ai dưới nguyệt nhà đâu
Biết lầu trăng sáng nhớ nhau chốn nào
Vẩn vơ thay bóng trăng cao
Kính đài chiếu sáng mãi vào ly nhân
Cuộn rèm vẫn mãi theo chân
Phủi trên đá giặt mấy lần không phai
Cùng trông, chẳng thấy tin ai
Xin theo trăng đến chỗ người soi chung
Ánh trăng khôn gửi nhạn hồng
Nổi tăm rồng cá trên sông sáng ngời
Đêm mơ đầm vắng hoa rơi
Nửa mùa xuân hết mà người vẫn xa
Nước trôi, xuân đã gần qua
Sông hồ bóng nguyệt cũng tà về tây
Trăng chìm vào lớp mù dầy
Tiêu Tương, Kiệt Thạch, xa thay dặm đường
Trăng này mấy kẻ hồi hương
Trăng tà, tình hận đầy hàng cây sông.
Bùi Khánh Đản



Diễn Nghĩa: 

Đêm Bên Trăng và Hoa Ven Bờ Sông Xuân

Dòng sông xuân nước thuỷ triều dâng lên ngang mặt bể.
Trên mặt bể vầng trăng sáng và thuỷ triều cùng sinh ra.
Ánh trăng lóng lánh theo sóng trôi xa muôn vạn dặm.
Có nơi nào trên giòng sông này mà không ngập ánh trăng !
Giòng sông chẩy, uốn mình quanh những trang viên thơm ngát.
Ánh trăng rơi xuống rừng hoa lấp lánh như những hạt móc.
Sương dâng ngập không gian, nhìn không biết sương bay.
Giải cát trắng bên bờ nhìn không ra hình sắc.
Trời trên sông một mầu, không vẩn bụi.
Một vành trăng cô lẻ lấp lánh giữa không trung.
Ai ven sông là người đã đầu tiên nhìn thấy vầng trăng ?
Tự năm nào vầng trăng trên sông đã đầu tiên chiếu xuống con người ?
Kiếp người mãi đời này sang đời khác chẳng bao giờ hết.
Trăng trên sông mãi năm này sang năm khác vẫn không thay đổi.
Không biết vầng trăng trên sông đang đứng đợi ai,
Chỉ thấy sóng đẩy nước trôi, trôi mất.
Áng mây trắng lững lờ, vơ vẩn bay, bay mãi,
Rặng phong xanh trên bờ buồn không nguôi.
Kẻ dong thuyền đêm nay biết là người nhà ai,
Lầu trăng sáng gửi hồn thương nhớ về nơi đâu ?
Sao trăng cứ mãi vấn vương trên lầu cao,
Cứ mãi soi lên ai bên bàn gương đang sầu ly biệt?
Sao đã cuốn bức màn nơi cửa ngọc mà ánh trăng vẫn không đi ?
Sao đã phủi tấm áo bên bàn giặt mà ánh trăng cứ trở lại ?
Nghĩ đến nhau mà sao không nghe thấy tiếng nhau !
Xin được nương theo ánh trăng chiếu đến bên chàng.
Chim hồng bay xa tít, nơi ấy ánh sáng không đến được.
Cá rồng lặn sâu thẳm, nơi ấy mặt nước chỉ hiện những nét hoa văn.
Đêm hôm qua dạo bước bên đầm, mơ về chốn hoa rụng,
Nửa đời rồi sao mãi vẫn chưa được trở về nhà.
Nước sông cuốn trôi tuổi xuân đi mất,
Trên đầm nước, trăng dần lặn ngả về tây.
Trăng đã chìm dưới sương mù mặt bể,
Từ Kiệt Thạch đến Tiêu Tương đường xa vô hạn.
Nào biết mấy ai cưỡi trăng bay về trong đêm nay,
Tình trăng gieo xuống đầy lên hàng cây ven sông.

TTH



No comments:

Post a Comment