Wednesday, April 6, 2011

Ngày
con suối lên trời

Phan Thị Như Ngọc

                                       Tranh Đinh Cường

   Thanh Tâm Tuyền ra đi mới đó mà đã 5 năm. Năm năm… Thơ của anh vẫn còn được nhớ và vang lên đâu đó trong các quán cà phê, trên những khúc phố. Mời các bạn đọc bài viết sau đây của Phan Thị Như Ngọc để tưởng nhớ “thi sĩ của chúng ta” (chữ của Thảo Trường).

   Những cánh diều đầy màu sắc sáng nay đua nhau chao liệng trên nền trời đầu xuân của thủ đô Wahington. Xa xa là những bông anh đào chúm chím phớt hồng. Bao nhiêu đôi mắt khách nhàn du dõi theo cánh diều là bấy nhiêu hạnh phúc tươi cười.
   Khi nối mặt đất- bầu trời, con diều và sợi dây đã làm được điều hay. Càng hay hơn vì dấu nối chủ động đó được trao vào đôi tay bé nhỏ của con người.
   Trong tay em lúc này cũng có cảm giác đòi bay của vật thể lạ. Không phải con diều. Mà dải suối! Xanh ngời ngời, uốn mình trườn lướt, rồi bốc cao… Bên tai em, tiếng các bạn anh nói nhỏ, Thanh Tâm Tuyền mất hôm 22/3 rồi, giờ Ngọ, ở Mỹ
.
   Bốn năm ngày nay, rải rác trong quán cà phê đường Gia Long, Nguyễn Du, Tự Do, Phạm Ngũ Lão… em đã nghe, đã thấy cách người Sài Gòn tưởng nhớ anh. Rất nhiều người là văn hữu ngày xưa, và cả những người tự xưng như vậy. Họ trịnh trọng, lặng thinh. Vài người bần thần. Nhưng đa phần hụt hẫng, có chút bơ vơ. Tình cảnh như bọn Odysseus trong truyện Odyssey của Homer. Lạc vào hang của bọn khổng lồ ăn thịt người. Ngày ngày thấy đồng bọn bị ăn tươi nuốt sống dã man, nhiều người sợ hãi. Họ co cụm trong góc xa, cố thu nhỏ, tránh cánh tay quờ tìm của tên Polyphemus mỗi sáng...  Giờ đây, trong màu hoa phượng chói chang cuối tháng Ba, trong khói thuốc mờ ảo quán cà phê, em  thấy lại tình cảnh khốn khổ trong hang nọ, thấy những đôi mắt kinh hoàng, những sự xúm xít co cụm, sau khi những Mai Thảo, Nguyên Sa, Bùi Giáng… và bây giờ là anh, ra đi.
   Em không ngồi xuống cùng họ. Càng không trịnh trọng dở lại những bài thơ, những cuốn tiểu thuyết cũ của anh để bắt đầu ca ngợi, nhìn nhận anh như một trong vài gương mặt có ảnh hưởng lớn tới thể tạng của văn học Miền Nam giai đoạn 55-75. Việc này không tới lượt em, mà cũng không phải dành cho em. Các anh lớn thân cận với anh sẽ làm chuyện đó, bên Mỹ. Còn em, em đứng xa, bé xíu, tầm thường, nghĩ về MỘT CON NGƯỜI. Và đặt bài viết này xuống bên anh, như cách người ta đặt sợi dây diều vào cõi hư không.

   Thanh Tâm Tuyền!
   Tuyền là suối. Người ta viết chữ suối với ba chấm thủy phía trước. Nước suối trong hay đục thì đều là nước, đều chảy. Thể tính của suối là động, là chuyển dịch. Suối không được chọn nước. Mà nước cũng thế, không chọn suối.
   Nhưng Thanh Tâm thì lại là chọn.
   Chữ Thanh không chỉ màu sắc, mà chỉ tính chất trong trẻo, trong suốt, tinh khiết. Nước có màu gì là chuyện của nước, chảy thế nào là chuyện của suối. Nhưng lòng suối thì riêng tư, ẩn mật. Không do nước,    không do chảy qui định.
   Thanh Tâm Tuyền- Con suối lòng trong- Dịch ra tiếng Việt mà ngắn quá, cô đọng quá đôi khi tối ý. Thôi thì dịch đùa- Con suối lòng xanh! 
   Anh có để ý không, mệnh anh chính là vận nước. Nước cong như một dòng chảy ngoằn ngoèo, thành hình chữ S. Anh cũng vậy! Tuổi thanh xuân đã chảy về Nam Thập niên 60- 70, trí thức gốc Bắc các anh đã mở toang biên giới diệu kỳ của Sáng Tạo. Suối thành thác dũng mãnh, sôi trào hoan ca, réo gọi sự hợp lưu đẹp đẽ.
   Sài Gòn chứng kiến mắt đẹp của anh, tay đẹp của anh- của các anh- múa trên chữ nghĩa thành Bếp Lửa, thành Tiếng Động Và nghe anh reo hân hoan Tôi không còn cô độc.

Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
Thanh tâm tuyền
Tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
Trong sạch như một lần sự thật

   Sau năm 1975, qui luật Mãn chiêu tổn đã làm suối nhọc nhằn. Dòng chảy chậm hẳn. Khô nước. Không còn gầm réo bay bổng những đợt sóng, không còn ánh trời lung linh, không mây biếc, không hợp lưu

Từ bao giờ anh đứng trân trối cô đơn
Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song tù ngục
Hoang vu lời thơ ai reo hát cùng cỏ lá heo hút
(Lào cai 4/78. Vĩnh Phú 1/79)

   Núi rừng phương Bắc xanh rừng rú, lì lợm, nghèo nàn. Vây bọc ghì xiết ngày tháng, xô ngã hình người. Không dậy nổi!

Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu.
Duỗi xoải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa

   Nằm xuống. Cảm nhận được cái chết. Cả những thứ phía sau, phía ngoài cái chết. Trời tối. Phương hướng, làng xóm, quê nhà… thảy đều hư ảo chập chờn:

Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu

   Nhiều bàn chân đã trượt ngã khi đi vác nứa, nhiều bàn tay đã trồng sắn khoai lặng lẽ, nhiều đôi mắt tuổi tứ thập nhi bất hoặc đã quắc lên khẳng định Kẻ sĩ có thể giết chứ không thể làm nhục từ những hoàn cảnh nọ. Nhưng anh, con suối lòng xanh em yêu quí, anh điềm tĩnh học bài học mới. Phật giáo ở hoàn cảnh của anh, ở tuổi của anh, sau bao nhiêu trải nghiệm bỗng gần gũi lạ thường. Anh trú vào cái mà anh gọi là hạnh ẩn mật (pháp môn tu hành cho phép hành giả tách lìa cộng đồng, chìm sâu trong chiêm nghiệm riêng tư trước khi thực chứng)

Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lá thiếp người quên bẵng xước đau
Đầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu

   Chảy đi từ miền Bắc, dòng suối của anh lại về đúng chỗ bắt đầu. Coi như hoàn thủy sau hai mươi năm có lẻ! Vùng đồi trung du anh nằm đây gần ba ngàn năm trước những bộ tộc đầu tiên của Văn Lang đã mở cõi, định đô. Bây giờ là tre trúc um tùm. Và mưa ôm ấp. Bặt im những xôn xao cõi người, tắt luôn những trang văn như pháo hoa chói sáng. Nhưng mở ra một trang mới, không có chữ.
    Anh im lặng nghe con suối trong mình chảy lại, chui sâu vào lòng đất, hình thành một dòng trầm.
   Bao nhiêu con đường, bao đồi nương, hoa lá nhìn theo suối ngày học xong hạnh ẩn mật, xuôi Nam? Và suối đã khắc vào tâm khảm mình bao nét đậm nhạt của một hội chợ phù hoa trước khi dứt khoát chảy ra biển, hoàn tất một động từ nhọc mệt??? Em không biết!
Cho đến tận ngày 22 tháng 3 này

   Phải chi em được ngồi bên anh, cầm bàn tay có năm tháng đi qua, mơn man đôi chân từng theo lịch sử xuôi ngược nhọc nhằn. Phải chi em được sưởi cho anh -cho các anh- bằng lửa hạ rực rỡ yêu đương một thời. Anh -các anh- đáng được thế! Trăm lần hơn thế!
   Khi sinh ra, thi sĩ cũng được đặt 100 cây nến vào tay như người tầm thường -để mỗi sinh nhật sẽ tắt đi một chút sáng. Anh từng có 100 cây nến. 70 cây đã bị thổi tắt. Đêm  từ từ biến thành những giọt blues tối sẫm, đủ cho mặt trời giả dạng một ngôi sao. Khiêm nhường băng vào vũ trụ, không làm ai kinh động. Con suối của em! Anh lầm rồi! Ai cũng thấy vệt sao băng đó cả. Và em lại càng thấy. Đơn giản vì em không có mắt. Không có mắt! Thật đấy!
   Để thấy Thanh Tâm Tuyền, mắt có tác dụng gì đâu!

   Anh đã cho chúng em nhan sắc hoàng hậu kiêu sa, đã cho văn học miền Nam những luồng gió mới bằng chính tinh huyết trai tráng của mình. Trước 75 hay sau 75 không quan trọng. Quan trọng là chữ CHO  tuyệt vời hào sảng kia.
   Thời gian không phải chỉ có một chiều. Đời người không chỉ một kiếp. Tình yêu càng không có khái niệm tương xứng. Anh - Em và nơi chốn chúng ta đã xuống trần. Anh như con suối trào sôi, vạm vỡ. Em xinh tươi tình tứ tuổi đôi mươi. Sài gòn cao vút nắng thủy tinh trên hàng me đường Gia Long, nghe mãi tiếng anh thủ thỉ riêng em
 
Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
sớm mai khua thức nhiều nhớ thương
em là cánh hoa là sương khói
đêm màu hồng
…..
   Ngồi bên bờ biển Nha Trang- một thời là Chămpa huy hoàng- hay đứng ở chót mũi Cà Mau nhìn nước cuộn mênh mông, em cứ tưởng như con sông hẹp. Chỉ cần vắt sơ dải yếm làm cầu là có thể bước qua. Trái đất ngày càng chật, giống cái làng. Nước này nước nọ cách dậu mùng tơi thôi. Qua lại khó gì! Nhưng em ngại bước. Ngại các anh nghĩ về cố nhân như thương nữ hát khúc Hậu Đình Hoa!
   Đành một mình nơi đây, đem ba chấm thủy của chữ Tuyền, chữ Thanh vẩy lên trời thành ba ngôi sao lóng lánh. Đang hạ tuần tháng Hai âm lịch, trăng khuyết võ vàng. Một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời sẽ hợp thành chữ Tâm. Theo cách đó em khắc tấm lòng của suối giữa thinh không. Mãi mãi còn sao, còn trăng, thì còn "Con suối lòng xanh"

   Xa kia, ở Washington D.C, diều vẫn nối đất trời, vẫn lượn chào gió xuân cùng hoa đào phơ phất.

PTNN

1. Trích Phục sinh- Tập Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền
2. Trích Bài Nhớ thi sĩ. Thanh Tâm Tuyền. Nguồn: Thoivan.com
3. Trích Bài Tặng họa sĩ. Thanh Tâm Tuyền. Nguồi:Thoivan.com
4.Trích bài Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Bái khi đi vác nứa- Thanh Tâm Tuyền. Nguồn: Thoivan.com
5. Trích trong Ngã trên núi
6. Trích trong Ngã trên núi
7. Trích trong " Liên, Đêm mặt trời tìm thấy" Nguồn: Tienve.org
8."Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu đình hoa". Trích trong Dạ Bạc Tầøn Hoài- Thơ Đỗ Mục
9. Trích Đoạn trường tân thanh- Thơ Nguyễn Du

No comments:

Post a Comment