Sunday, April 10, 2011

Nguyễn Đình Toàn - của chữ và người
Lưu Na


   Chủ nhật, nhị ca đưa mình đến gặp Nguyễn đình Toàn.Gọi phone, lên xe, bấm chuông.  Một ông già cao lớn mở cửa. Đây là anh chị Nguyễn đình Toàn. Em chào anh chị. Cô chú, anh chị gì mà anh chị. Sao cũng được mà chú. Ừ, thôi muốn gọi anh chị cũng không sao.    
     Cô Toàn cao như chồng, vóc gọn gàng, nét mặt mảnh mai và đẹp kiểu classic. Mình ngồi lâu ngẫm ra, đây chính là nét mặt Hồ trường An tả nữ sĩ Tuệ Mai của Phạm thiên Thư. Ông Toàn nói chuyện thoạt tiên thấy giản dị. Ông ra ngồi bên cửa sổ ngó xuống đường. Làn khói xanh tỏa nhẹ, duỗi chân. Anh chụp hình. Cũng không quay lại, như họ quen cái cách của nhau và hai người nói chuyện với nhau, thấy một sự tương đắc của tình bạn trẻ già. 
   Ăn cơm với nhau.  Ông bà vui có bạn.  Bà cười luôn luôn.  Anh luôn nhắc nhở, kể cho mình nghe về nhạc sĩ Nguyễn đình Toàn của Sài gòn năm xưa, chương trình nhạc chủ đề, ý nghĩa những lời hát.  Luôn cả chuyện đi đánh ghen mà lại bỏ về vì sợ chúng đánh của cô Toàn.  Mình  vẫn còn tức cười mỗi khi nghĩ đến chuyện đó.
   Một mối duyên gặp gỡ.  Khi ra về mình có trong tay 4 CDs có chữ ký của Nguyễn đình Toàn.  Lên xe, tiếng cười dòn dã của cô Toàn còn vang bên tai, trách chồng ác miệng.
  
    
   Mà mình nghĩ ông nhạc sĩ này ác thật.  Lời nhạc của ông thường là những lưỡi dao đâm suốt tim mình. Khi mình lớn lên chưa bao giờ được nghe tên NĐT. Ra xứ người mới đọc hỗn độn bộn bề và biết một NĐT như người của trăm năm trước. Những gì ông nói và viết đều chỉ là một giấc mơ với mình vì tất cả đã không còn để mà biết. Giờ đây mình tưởng mới nghe nhạc NĐT, mà hóa ra đã nghe từ lúc nhỏ: Em đến thăm anh đêm 30, Tình khúc thứ nhất.
     Khánh Ly cũng hát nhạc NĐT ra rả, nhưng lần đầu tiên mình chú ý, là bài Hãy thắp cho anh một ngọn đèn do Nam Lộc hát. Lời lẽ thấm thía buồn, chua chát buồn, cay đắng buồn. Mà trên hết lại là một nỗi buồn cam phận lẻ loi, không gào thét oán than; chỉ khi đã hiểu sâu thì không thể không hỏi “vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”  Không chỉ riêng một bài này, lời nhạc của ông thường cứ như dao lách vào lòng người nghe, vào những ngõ ngách của tâm hồn mà không phải ai cũng gọi được tên. Khen chữ của NĐT là khen phò mã tốt áo.  Nhưng đọc lời nhạc NĐT thì mình nghĩ hay không vì chải chuốt mượt mà hay cầu kỳ văn hoa.  Nó hay ở cái chỗ giản dị mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn.  Không cầu kỳ, không phóng đại, chỉ đúng chỗ đúng mức đúng tâm tư.
     Bài Mưa khuya lời lẽ đâu có gì khó khăn. Tiếng mưa khuya thì chỉ có đêm trở mình nghe được.  Lời mưa thì thầm trong đêm, thì dĩ nhiên âm u.  Cũng chỉ là nhắn gửi nhẹ nhàng,  vì thất tình thì đúng là hay “nuôi tình đã chia lìa,” và vẫn tuyệt vọng nhớ một “cuộc tình đã quên.” Nghe cứ muốn khóc hoài vì nó khơi nỗi buồn sâu xa lấp kín.   “[T]hì kiếp này, còn gì nữa đâu…”  chữ “thì” ông có thể dùng chữ khác cầu kỳ hơn, nhưng ông nói chữ đó, chữ thông thường chúng ta hay nói.
     Bài Dạ khúc, “riêng tôi nhớ….người” là cái nhớ ray rứt đớn đau đằng đẵng một mình, không bằng lời, chỉ bằng liên tưởng đến cái không: không có bầy như chim, không có phút nghỉ ngơi như trăng lặn, không bằng cả dòng nhạc phức tạp: chỉ một chữ nhớ trên 4 nốt chạy xuôi xuống, rớt lặng vào lòng.
     Bài Quê hương thu nhỏ lời lẽ là một bí mật với mình. “Người chờ người đi, đã như nhang tàn…” là chờ như chờ đến nhang tàn trên bàn thờ buổi giỗ, hay người đã chết âm thầm dấm dúi như nhang tàn, héo hắt lạnh lùng?  Chữ “đã” nốt nhạc chỉ lên một chút cho dấu ngã, không nhấn không dằn, chỉ hiu hắt như nhang tàn.  “[N]gười bỏ người thôi, khác chi nợ nần…”  chữ “thôi”, nó bình thường như mình kể chuyện mất một cái nón hay cái gì đó.  Vậy, rồi nghe thấm cái đau người bỏ nhau nhẹ tênh như hắt cặn nước, như vất điếu thuốc (chữ của Phan nhật Nam). Lại có những nỗi đau nỗi buồn NĐT chỉ dám lướt qua: trăm muôn lời than rồi khăn tang và tiếng thét, Với bao nhiêu đời dở dang vì nhắc lại đau hơn, đó là cái ân cần thầm lặng với đời.  “Đã trả xong, rũ sạch trơn,” âm điệu láy lên như tiếng người miền Nam trơn tru mộc mạc ngân nga. Ngay cả nốt nhạc NĐT cũng chọn sao cho giản dị gần gũi với tâm tình với cuộc sống đời thường.
     Dĩ nhiên không có gì tuyệt đối, mà đẹp xấu hay dở cũng tùy người đối diện.  NĐT đã nói, tác phẩm khi buông ra nó không còn là của mình. Mình cho là nhạc NĐT hay ở những bài chậm buồn kể lể tự tình.  Nghe rập rình tango hay valse không dở, nhưng nó phai đi cái ray rứt khổ đau dù là khổ đau hạnh phúc. Như bài Hiên cúc vàng, tango mà Khánh Ly hát thì ăn tiền, nhưng trống đàn rầm rộ quá, trong khi lá thu rơi thì chỉ lưng tưng nhè nhẹ.  Mình không biết nhạc lại không biết sử dụng nhạc cụ, nói vớ vẩn có thể bị đánh cho, thôi, nhưng thật vẫn thấy sao sao. Cũng như nhạc và lời không phải lúc nào cũng có thể khớp, nhưng ông không chịu uốn lời, thành thử lúc hát có chỗ nghe lệch chữ, như dao thành giáo (bài Dạ khúc), hay xa rồi thành xà rôi (bài Quê hương thu nhỏ) …  nghe rồi phải ngẫm nghĩ, lớp trẻ chưa chắc hiểu đúng, mà mình cũng phải lục tìm lời hát cho chắc ăn. Vậy, hơi vất vả cho người nghe!!! 
     Nhạc giản dị, nhưng không dễ hát và lại kén giọng. Âm vực rất rộng, từ Sol (G) dưới Do trung (C) lên đến Mi (E), khó chuyển giọng, và thích hợp với giọng nam nhiều hơn giọng nữ. Nữ ca sĩ có lẽ Khánh Ly Lệ Thu mới hát được, xuống được những nốt  rất thấp,  (Khánh Ly hát xuống nốt  Do (C), anh Hùng cũng không xuống tới) và không láy lộn chỗ làm hư đi ‎ ‎ý  nhạc như Ý Lan (bài Dạ khúc: buồn không son xòa..óa môi cười).  Thêm nữa, ông thả nhiều nốt bất ngờ, không như lẽ thường theo đúng hợp âm. Thường nghe nhạc, ai nghe một câu cũng có thể lái theo câu kế, nhưng rồi NĐT lại thả vào một nốt khác cái khung dự đoán. Vì vậy nghe lạ và thành mới!
    Với mình, đặc sắc chính ở chỗ giản dị, giản dị từ nhạc đến lời, không ở chỗ cầu kỳ chải chuốt; đặc sắc ở chỗ chọn đúng lời, chọn đúng nốt nhạc để láy.  Nhạc NĐToàn như tấm áo cắt khéo, mũi chỉ đường kim sắc sảo trên nền vải lựa đúng hàng đúng màu sắc đúng chiều sớ vải.  Tấm áo sang chính vì cái giản dị có cân nhắc có nghệ thuật.  Chiếc áo sang làm đẹp vóc người mặc mát mắt người nhìn.  Bài nhạc sang làm rõ bản lãnh người hát và đẹp tâm hồn người nghe.  Nhưng đồng cảm, phải có cả một tâm hồn, không biết có bao nhiêu người thấm thía với NĐT?
   Câu hỏi chỉ là một thắc mắc trong lòng, mình chỉ là một người đọc muộn màng.

   Mình trở lại căn nhà đó thêm nhiều lần nữa vì một lời gửi gấm, nhưng chỉ hơn tháng sau thì giao ước không lời kia thành vô nghĩa. Giờ chỉ còn một tiếng gọi thầm. 

    
   Mỗi 4 giờ chiều mình đến căn gác ấy, ngồi uống cùng ông một chung rượu. Ông không uống, chỉ hút pipe. Mình thì chỉ uống rượu đỏ, từng nửa chung một, loại chung sứ hoa văn xanh dương dùng để uống trà. Mỗi 4 giờ chiều mình đến, từng chiều lại từng chiều, chỉ để bị ám khói thuốc pipe và cùng ông cười vang trong căn gác hẹp.  Ông ngồi một chỗ cố cựu sát bên cửa kính , co một chân lên thả làn khói xanh trong cái nắng cam hồng của ngày sắp tắt. Ông nhìn ra cửa kính ngắm mây chiều đổi sắc và cành chuối lá xanh trong đi trước  ánh mặt trời. Mình ngồi bên ông nghe chuyện Sài Gòn năm xưa, nghe ra một con người đằng sau những gì mọi người đã nhắc.
    Mới biết ra, ông là nhà văn trước khi là nhạc sỹ, mới biết ra trước 1975 ông đã có 20 tác phẩm xuất bản, và đã đoạt giải văn học 1973.   Không phải mình không nghe gọi nhà văn Nguyễn đình Toàn, nhưng nói về nhà văn NĐT mà hầu hết là ca tụng những lời ông viết dẫn trong chương trình nhạc chủ đề, những chữ ông viết cho người cho việc v.v…  mình cứ tưởng ông viết chơi viết còm viết truyện ngắn viết láo mà chơi.  Nhưng 20 tác phẩm?  Ông đã viết những gì viết ra sao?  Câu hỏi thầm của buổi ban đầu dội lại trong óc.  Mình  hỏi, ông gật.  Viết văn, làm báo Văn, giải văn học toàn quốc Áo mơ phai…, mà người ta lại chỉ nhắc cái thứ mình làm chơi.  Cười.  Giờ đây, ông còn được trên tay 3 cuốn truyện dài, một in lại bên Úc, một do Tự Lực in lại, và một, là của độc giả năm xưa lưu giữ tặng lại.  Xót lòng.  Áo mơ phai, áo mơ phai…
   Mình nằm đọc Tro than, Áo mơ phai, và Đồng cỏ.  Đọc mà cứ phải thường xuyên dừng và đọc ngược trở lại.  Đọc, lâu lâu lại phải ngừng để lấy hơi rồi mới đọc tiếp được.  Chữ của ông khó hiểu quá chăng?  Truyện ông viết nặng nề quá chăng?  
   Mình nghĩ mình đã lội ngược dòng vì đã bắt đầu đọc chữ của ông qua ca từ.  Tựa như những vần thơ của Mai Thảo lúc cuối đời, những hàng chữ đó là những lời chắt lọc làm nhạc của ông khác hơn của người.  Cộng với những dòng đã viết cho nhạc chủ đề, Bông hồng tạ ơn…  mình đã đọc cái phần tinh túy trong chữ nghĩa, hưởng cái tinh tế trong cảm nhận, và thấy những ký họa bằng chữ từ nhận xét sắc sảo của ông.  Rồi khi đọc truyện dài, những chữ những lời đó như lạc mất vào sa mạc mênh mông của biển chữ, vào cái suy tư bất tận trong lòng ông, vào một thế giới quen tự muôn đời mà lạ qua tâm hồn ông.  Mình expect những dòng chải chuốt, những câu chuyện sâu sắc, những câu văn tinh tế gọn gàng, mà vấp phải những câu dài hơn 2 trang không dấu chấm (Áo mơ phai), vấp phải cái ray rứt dằn vặt độc thoại của một tâm hồn sometimes còn trẻ không tìm được tên gọi cho những nỗi niềm (Đồng cỏ), vấp phải những chi tiết như vô lý, những tỉ mỉ như không cần thiết mà không biết ngắt bỏ chỗ nào phần nào.  Chới với và thất vọng.  Có những lúc mình tự hỏi Áo mơ phai được giải thưởng vì lý do gì? 
   Sau này khi đã lui tới đọc xong cả 3 quyển truyện, cũng như lướt qua một vài truyện khác, ngẫm nghĩ lại những điều đã đọc, mình e đã đòi hỏi một điều quá sức mình.  
   Suốt cả ba cuốn truyện, mình cứ cảm thấy như đang bị một dòng băng hà chậm rải từ từ cuốn mình vào dòng, nhào trộn mình với những gì nó đã cuốn theo trên đường đi qua, và, những thứ ấy như vẫn còn tươi roi rói từ bấy đến nay.  Những điều ông viết không phải là cao siêu hay kỳ bí hay rắc rối, không phải là mới, chỉ là rất riêng biệt một Nguyễn đình Toàn.  Những khi dừng lại, mình vẫn thường phải nhẩm vài lần một câu đã đọc cho thực hiểu những điều ông muốn nói, như phải nhai cho nhuyễn một miếng và mới mong thấy cái ngọt của gạo cái thơm của cơm.  
   Từng lúc, mình thấy rất nhiều những cây viết hiện ra theo con chữ của NĐT tùy theo cái điều ông đang nói đang tả đang ngẫm nghĩ, tùy theo cái ngắt mạch văn.  
   Nhẩn nha thong thả, như ngày của Lan và Quang (Áo mơ phai) dài hơn 24 tiếng, những khi ông tả cô Phụng (Đồng cỏ) đi từ con đường này đến điểm hẹn kia, qua bao hàng cây thấy bao nhiêu mây buồn bao nhiêu lần, hay cảnh cô Hóa (Tro than) xuống xe đi từ ngoài ngõ vào nhà đường xóm gập ghềnh bao nhiêu lòng cô rối bời bấy nhiêu, thì  mình nghĩ đến cái cách Nhất Linh tả Mối tình “chân” của Bé và Đỗi trong Xóm cầu Mới.  Giống Nhất Linh thì văn trong sáng lắm chứ?  Nhưng không, mà cũng không thể nói là văn luộm thuộm hay lời bí hiểm.  Đâu có chữ nào mình không biết, đâu có đảo câu viết ngược viết ngang gì.  Đồng cỏ, ông dùng chữ “không ngay ngắn” để nói Thảo và Phụng với cá tính và tâm hồn hơi rắc rối, hơi phức tạp, hơi suy tư khắc khoải, hơi xa rời thực tế_cái thực tế thô nhám của cuộc sống.  Mình nhớ ông từng nói, chỉ có một chữ đúng và nhiều chữ gần đúng cho một sự việc, cũng như không biết bao nhiêu lần ông nhấn mạnh cái chính xác trong ca từ.  Ông luôn rên rỉ, phần lớn (họ) cứ hát sai lời, có khi còn bịa thêm lời, chứ hiếm khi nghe ông than hát sai note nhạc.  Mình  nghĩ đến những chữ  lệch lạc, bất bình thường, không mẫu mực, không đúng khổ…, những chữ đó nghe dễ hơn nhưng hoặc không chính xác, hoặc đã bị dùng cho một nghĩa khác.  Và  mình bất lực không tìm được chữ nào khá hơn chữ “ngay ngắn.”   mình cho rằng không phải lúc nào ông cũng có thể trong sáng chính xác, nhưng ông đã buộc phải nghĩ đến cách dùng chữ  và nghĩ đến cái điều ông muốn nói, cũng như tính cách không thỏa hiệp của ông khi viết ca khúc.  
   Đọc những dằn vặt những ray rứt nội tâm triền miên của ông, mình thấy một Mai Thảo với dạt dào những xúc cảm của lòng.  Khác chút xíu là, đọc NĐT thấy giật mình, ngẫm nghĩ  rồi thẫn thờ. 
   Nói ông là nhà văn của thiên nhiên thì cũng đúng nhưng không phải.  Thiên nhiên có làn mây cụm mây chùm mây dải mây, đủ màu muôn sắc; nhưng mây của NĐT là những giải khăn xám bay la đà trong không gian, như sẵn sàng rớt xuống ngang mặt lau cho ai giọt nước mắt rơi thầm.  Cái thiên nhiên không thiếu, mà nó là tất cả, ở mọi chỗ mọi nơi trong mọi (?) truyện của Nguyễn đình Toàn.  Ông tả thật tỉ mỉ thật chi tiết mọi thứ quanh ông, như những nhà làm phim loại Thiên nhiên kỳ diệu kiên nhẫn với mọi sự sống mọi loài sinh vật cỏ cây.  Ông làm  mình nghĩ đến Võ Phiến.  Nhưng Võ Phiến quan sát mọi sự quanh mình, tỉ mỉ chăm chú nhìn ngắm mọi người quanh mình, còn Nguyễn đình Toàn thì thật ra chỉ ngó một thứ tỉ mỉ một điều: lòng của ông.  Như vậy, dường như đọc Võ Phiến thì mình theo người viết ngó ra chung quanh và đọc Nguyễn đình Toàn thì mình ngó vào lòng người viết!
   Những lúc ông thiết tha nói, nói không nghỉ không dừng, thường là những lúc ông tả một khung cảnh một cái gì đó đang xảy ra trong đất trời và thường là những cái nhỏ bé nhất tầm thường nhất mình không bao giờ để ý.  Những lúc ấy  mình nghĩ đến Du tử Lê, với 2 chữ một dấu phẩy một gạch chéo hay một dấu gì đó ngắt rời mọi thứ bẻ vụn mọi thứ và dù vậy mọi thứ vẫn bị trộn vào nhau khi đọc lên (Ca khúc, của Lê).  Không, Nguyễn đình Toàn nhất quyết không trộn một cái rung của mầm cỏ với gió lay dù câu của ông dài lê thê đến đâu.  Và khi nói đến cái bao la vô tận của đất trời, cũng là nói đến cái hữu hạn của thân phận trước cuộc trăm năm, những lúc đó ông làm  mình nghĩ đến Tô thùy Yên, với những câu hỏi trực tiếp vào vô tận sống ở trên đời ghê gớm quá, vậy mà ta sống có kỳ không?  
   Như vậy, Nguyễn đình Toàn có một văn phong riêng biệt không?  
   Ông nói, đọc Mai Thảo thì đừng đọc truyện đọc văn mà hãy đọc cách MT viết những truyện ấy.  Đồng ý, nhưng e là điều đó còn đúng hơn nữa với chính Nguyễn đình Toàn.  Vì đọc 5, 10 hàng dù chưa biết nói gì vẫn có thể đoán là Mai Thảo với chữ dùng thường đối âm vần điệu và ngắt câu làm dáng vẻ bất cần.  Đọc nửa trang, biết ngay Võ Phiến với những nhận xét lạ đi kèm với phân tích sắc sảo giọng dí dỏm, thật thích thú.  Trần mộng Tú: giọng nhẹ nhàng êm ái trong sáng, tình muôn thuở và tình luôn mới….Nhã ca, Túy Hồng: giọng bốp chát sắc cạnh ngang ngược và dồn dập, Trần Vũ, Nam Dao: giọng táo bạo ráo hoảnh, những chuyện mãnh liệt tàn bạo bất ngờ…
   Văn phong của Nguyễn đình Toàn thì chỉ một giọng đều đều hờ hững, khó tìm được những lời cuồng nộ những câu xúc cảm, hay những cảnh dồn dập sôi động.  Với nhạc, mình dễ dàng tìm thấy signature của Nguyễn đình Toàn sau khi nghe 5, 7 bài hát.  Cái signature đó nằm ở note Mi (E) và câu chữ thư em nói với anh, cây xanh nói với anh (Em còn yêu anh)…  Những âm vang khổ đau từng lúc nghe ra từng câu thấm thía, với tới lòng mình, lòng của bao người.  Vào biển chữ, văn của ông thiếu một âm vang và  mình bị lạc.  Chữ thì thật chính xác mà lời thì chìm lỉm, lạ, và thật vất vả cho mình.  
   Ông viết cái kiểu Tạ Ty nói mưa lâu thấm đất, với cái bố cục không có bố cục, nói cái chuyện không có chuyện gì cả.  Và mình thì cứ phải đọc miết coi ông muốn nói cái gì để kết luận là ông không nói gì.  Hay là nhân vật của ông đặc biệt.  Mình e là mình cũng thất vọng với những cô gái ấy. Nguyễn đình Toàn nói ông thích phụ nữ nên nhân vật của ông toàn là phái đẹp.  Thích phụ nữ, đâu chỉ mình ông.  Chỉ là, phụ nữ trong truyện ông chán lắm.  Chả thấy nhan sắc quần áo vóc dáng gì mấy, nhiều nhất chỉ là “mắt đẹp,” nhưng sáng quá nên mất nữ tính!!  Ông có cho họ nữ tính đâu mà còn với mất.  Mà các cô đó, từ học sinh trung học, đến độ 20 nghề nghiệp học thức vững vàng, hay góa chồng dang dở (Giờ ra chơi, Đồng cỏ, Ngày tháng), ông đều gắn lên tay họ điếu thuốc, không phải cái lược hay thỏi son.  Mình nhớ, những năm 70 thì đó cũng hơi loạn.  Hoặc họ rất lạ lùng khô lạnh.
   Như Hóa của Tro than: nghèo khó và ráng hết sức mình để đi qua mọi khó khăn đến quên tuổi trẻ, mà đời vẫn như đã cháy rụi âm thầm trong ánh đèn leo lét của bàn thuốc phiện.  Hóa quên khóc thương thân và trao đi cuộc đời trước khi biết mình đã trao.  Lần đầu ta ghé môi hôn, vậy, mà người ta hôn mình rồi mình lại chỉ thấy dư vị chua cay?
   Tuấn thì kéo 2 vai của Hóa sát lại mình và hôn lên môi Hóa… trong khi Hóa không có phản ứng, cảm xúc gì ráo.  Hm, sao Tuấn không úp 2 bàn tay kéo mặt Hóa sát vào, sao Hóa không chới với hay hưởng ứng?  Vẻ như Tuấn đang uống trà thưởng hoa, và Hóa đang nhìn cái tôi một cách lơ đãng.  Đài các hơn, cô Lan cũng ăn diện đôi chút (!), nhưng cô đi dông dài ngày tháng với Quang rồi phút đất trời phân cách cô vẫn còn phải hỏi lòng mình có yêu người và người có yêu mình.  Táo bạo hơn (nhân vật của Nguyễn đình Toàn thì Sài gòn dương nên táo bạo, Hà nội âm nên nhu mì !!!) cô Phụng tính sẵn một cuộc trao thân làm kỷ niệm mà cái kỷ niệm ấy chỉ dường như ngắm trăng bên cửa.  Chán.  Và cũng không cần bố cục.
   Rồi ông còn cho họ, những cô gái tuổi đôi mươi, nghĩ những gì là bộ Sĩ trên bộ Y làm thành chữ Biểu, một ý tưởng một biểu tượng kiến trúc để nói lên chiều sâu văn hóa của một đất nước (Thảo của Đồng cỏ), hay cho họ nhu cầu “kiếm ra một nơi có đủ yên tĩnh, có đủ thời giờ, sắp xếp lại đầu óc, hầu có thể phân biệt được tội ác, lòng nhân ái, sự cuồng tín, và hy vọng…” (Đồng cỏ, trang 2).  Các cô, nhân vật của Nguyễn đình Toàn, thường lỡ trớn và hụt hẫng khi đi tìm tình yêu, luôn có vẻ ưu tư và suy nghĩ như một người đàn ông trung niên (cỡ tuổi của ông đấy).  Rõ ràng, nhân vật phái nữ chỉ là một biểu tượng, cần thiết, cho cái tế nhị tỉ mỉ tinh tế mà ông muốn phơi bày.  Ai muốn yêu họ và họ có biết yêu?
   Nguyễn đình Toàn có biết yêu.  Mình nghĩ Nguyễn đình Toàn yêu cuộc đời tha thiết đến nỗi không thể yêu một ai riêng biệt.  Từ trong giọng đều đều hờ hững ấy, trong những nhân vật thật chán ấy, mình thấy một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn và tinh tế.  Không yêu không thể nào ghi nhận cái thay đổi của sắc trời, ngửi được mọi thứ hương thầm, hay hiểu được vì sao người ta khóc vô cớ sau khi đã thắt chặt lòng đi qua cái khốn khó đau thương; và ngàn lẻ một điều xoay chuyển của thiên nhiên của đất trời của lòng người mà ta có thể nhận ra nhưng quên ngay tức khắc.  Cái chậm rãi tỉ mỉ của Nguyễn đình Toàn tựa như người ăn dè, ăn từ từ, ăn cẩn thận vì quý phẩm vật sự sống và quí chính mình, một thân phận con người.  Tinh tế, từ cái giọng đều đều hờ hững ấy thấy mọi niềm đau của tha nhân.  Tôi đi tôi đứng tôi gặp tôi nói tôi nghĩ tôi thấy tôi cảm…, cả trong những lúc tôi đang bên một người, nỗi lẻ loi cô quạnh luôn đậm nét.  Khi lời văn ấy dội ra nỗi lẻ loi cô quạnh  mình cảm nghĩ chính là Nguyễn đình Toàn thốt lời chia xẻ, rằng ông biết và thấu.  Ông tỉ mỉ cách thật nhức nhối, nhưng yêu một tình yêu bao la hơn là cụ thể nên xác thịt không là gì cả, không có chỗ đứng trong truyện của ông.  Tôi nghe tôi thấy tôi ngửi (được cả mùi tanh từ soong nồi nhôm) mọi điều của cuộc sống, chứ tôi không nhìn một phân da thịt hay thèm một chút mặn nồng.  Tôi không là tôi khi chưa thở hết không khí quê hương khi chưa nghe trọn cái âm giai của đất trời khi chưa mù lòa vì ánh mai rạng rỡ, chưa chết đắm trong mưa khuya, và như vậy biết khi nào tim mới ấm một mối tình.  Lãng mạn và dường như đi tìm cái đồng cảm tuyệt đối, nhân vật của Nguyễn đình Toàn không thể tìm được tình yêu.  “…sống là sống với một người…” (Ngày tháng).  Còn điều nào rõ hơn không cái niềm yêu tha thiết đó?  Và  mình nghĩ đến ông như một câu trong bài Anh yêu em, con giun con nằm uốn khúc giữa đêm trường rồi giun chết chết tương tư vì sao sáng…Nguyễn đình Toàn có lẽ muôn đời cũng chỉ tìm thấy dở dang, nhìn nhau ra người cũng một đời thôi (Nụ vàng) mãi là ước vọng. 

   Nhưng cái điều làm  mình ngộp thở là suy tư nội tâm của Nguyễn đình Toàn về cuộc đời về quê hương, xã hội ông đang sống. 

   Cuộc chiến, nó ảnh hưởng mọi số phận người Việt, dù biết hay không, chấp nhận hay không.  Mình ngửi thấy khói súng trên những trang viết của những quân nhân, những thất vọng bực bội oán hờn và phản đối của những người tuổi trẻ đứng bên lề vì không muốn tay vấy máu anh em.  Mình nghe tiếng dội của đạn bom trên những trang tình yêu ngăn cách.  Riêng tiếng nói của Nguyễn đình Toàn là tiếng nói của một từng lớp trí thức trên khía cạnh văn hóa, một nỗi trăn trở thấy quê hương, thấy văn hóa của mình lỗ chỗ gập ghềnh.  Ở truyện dài của ông không thiếu hệ quả của chiến tranh, nhưng nó như cái bóng xa mờ, có đó mà luôn nép vào một góc, để cho cái nội tâm suy nghĩ của nhân vật ngự trị xuyên suốt.  
   Đọc ông, những suy nghĩ luôn dội lại, về sau, trong óc mình, và  mình buồn rầu nhận ra là mình không có khả năng để hiểu hết tâm hồn ấy, hiểu hết những dòng chữ ấy.  Những 4 giờ chiều ngồi bên ông cho  mình biết, rằng cái khoảng cách tuổi đời chỉ là một chuyện nhỏ.  Dĩ nhiên, mình chỉ mới đi 2 phần 3 quãng đường ông đã đi qua, và đường  mình đi thì êm ả hơn nhiều.  Nhưng ở chỗ này, khi  mình có lịch sử mở sẵn, có hơn Nguyễn đình Toàn 1973 mười tuổi đời, mà những gì ông viết đều như quá sức suy nghĩ và hiểu biết của mình, mình tự hỏi phải chăng mình lấy lòng giếng cạn để tìm hiểu một vực sâu.  Làm sao giải thích được, khi bên cạnh những nụ cười nhảm trong Đồng cỏ là nhân vật buồn rầu, suy nghĩ buồn rầu trước một tương lai không có gì đe dọa mà vẫn buồn rầu.  Bốn giờ chiều, ông đâu có buồn rầu dữ vậy.  Dẫu lặng lẽ chứ không cười vang cười hô hố, ông luôn là cái kho của những chuyện mà Quỳnh Giao gọi là đáo để.  Những năm tháng đó là những năm tháng tươi đẹp tràn cơ hội mà ông đã sống thật trọn vẹn, điều gì khiến xui ông viết những dòng suy tư bất tận, chán chường?  Định mệnh nào khiến xui ông chọn văn nghiệp khi ông có dư thừa cơ hội để phát triển năng khiếu âm nhạc?  Thật đáng sợ, Nguyễn đình Toàn đã viết những lời tiên tri không thể xóa bỏ.
   Mình đọc lại Áo mơ phai.  Nhân vật chỉ là phụ, Hà nội, cái thành phố của kỷ niệm đó mới là chính, là hoài niệm mà Nguyễn đình Toàn viết cho chính ông.  Ở trong cái thành phố đó mọi thân phận chỉ là chiếc lá trăn trở đổi màu theo thời tiết và mọi con đường đều trở thành mơ hoặc vì sương.  Hoài niệm, 1973, một người Hà nội 54 tưởng nhớ một Hà nội kháng chiến 45 và thu vào hồn mình cái Hà nội đang mất.  Hoài niệm, 1973, người ấy thấy Hà nội trong chiếc áo sương trong và chiếc nón thời tiết.  Giải thưởng Văn học có đặt trên chiếc áo sương trong đó không  mình không biết, nhưng Nguyễn đình Toàn đã thêm cho nghìn năm Thăng Long một dáng vẻ.  Và đồng thời, khi nghĩ đến, vẽ ra cái Hà nội đã mất 1954, Nguyễn đình Toàn cũng đã vẽ ra cái Sài gòn sẽ mất 1975.  Số phận của dân tộc đã được thốt ra bằng sự nhạy cảm của những người đàn bà, trong mối tình tay ba của bố mẹ Lan, mối tình sẽ phân cách của Lan và Quang, những cái tay ba sẽ thành sau ngày phân cách ấy…  Cái cuồng giận của những người vợ cải tạo 1975, oán hờn phân ly của chuyện vượt biên… xác nhận cái linh cảm của Áo mơ phai.  Đau đớn.  Mình nghĩ cũng nên trao giải cho ban tuyển chọn vì cái tiên tri đau đớn ấy.
   Nhưng Đồng cỏ mới làm  mình hiểu ông hơn, một Nguyễn đình Toàn của 4 giờ chiều.  Phụng là tâm hồn là cuộc sống, Thảo là suy tư ước vọng, và Nhiên là cái thực tế cuộc đời mà từng lớp trí thức hoặc phải chấp nhận để sống cho qua hoặc nhìn lẽ sống dần xa.  Những nụ cười nhảm mà ông đã phân trần, mình thấy ra ông, dùng cái cười để phôi pha vạn niềm đau.  Bốn giờ chiều, những lúc ngồi bên khói thuốc xanh nghe ông nói đôi điều chữ nghĩa mới chợt thấy ra cái tinh thần kẻ sĩ của ông sau cái lãng mạn nghệ sĩ, cái lòng yêu quê hương, tha thiết với văn hóa, chợt hiểu vì sao ông có tình tri kỷ cùng anh dẫu chênh lệch tuổi tác, cách đôi bờ xứ sở.  Những lúc đó  mình thấy ngậm ngùi, muốn hỏi ông rằng ông và anh và mình và những ai đã rời xa đất nước, có phải cái sống có ý nghĩa nhất là của những người đã chết cho quê hương.  Máu của họ đã thấm mảnh đất quê, tưới thắm hồn dân tộc.  Chúng ta đứng nơi đây chỉ là những con ốc mượn hồn.  
   Đồng cỏ, ông nói khơi khơi, về những ngày cuối của một xướng ngôn viên trước khi rời xa xứ sở.  Mình nghĩ đến ông, đến Hồng Ngọc, đến cái thảm thiết mà ông đã dự cảm khi cô Phụng kêu thầm tiếng oan khiên phải bước chân đi.  Dẫu đó là chọn lựa của cô, nhưng cô thấy bế tắc như thế hệ NĐT thấy bế tắc, phải chọn một lối thoát mà không chắc thoát.  Đồng cỏ 1973, Nguyễn đình Toàn đã viết những lời chung cuộc cho chính bản thân 40 năm sau, khi ông phải lìa nơi đã sinh ra đã yêu mến và hằng muốn chôn thân.  Đồng cỏ 1973, nén nhang giải oan cho những người ngã xuống, hòa giải cho những người còn lại đã được nêu ra và chìm vào biến loạn.  Trong cái bàng hoàng khi đọc những hàng chữ đó, mình nhớ đến giọt nước mắt không gọi được tên khi ngồi trong ghe vượt biên biết có tàu tới vớt.  Nghĩa là sống rồi, nghĩa là cuộc đời mới bắt đầu.  Trên cao mây xám dưới chân biển đen sâu chung quanh bốn bề sương giăng mờ mịt, giọt nước mắt vô cớ héo một góc hồn của mình cũng đã được viết xong 1973 trong tiếng kêu oan khiên thảm thiết của cô Phụng: từ đây mất một quê hương.  
   Đồng cỏ 1973, ý nghĩa của công việc xướng ngôn viên ban Việt ngữ của những đài quốc tế đã được viết xong:
   “Mai đây tới cái chốn xa xôi đó, công việc của tôi không thay đổi, nhưng có phải mỗi tiếng nói của tôi sẽ mang một ý nghĩa khác?  Những bản tin chắc chắn không hoàn toàn chỉ còn là những bản tin nữa mà nó còn có thể là những  lời kêu gọi quê hương, gửi vọng từ chân trời về. (Đồng cỏ, trang 17) 

   Và chợt dưng  mình nghĩ, anh chắc không biết đến những giòng chữ đó dù đã đến cùng ông thành bạn tri kỷ; chợt dưng  mình nghĩ, anh và ông đã tìm đến nhau trong linh cảm của loài thú hoang tìm thấy nhau trên đỉnh cao bên bờ vực sâu, cùng cất tiếng đau thương cho nó dội vào vách núi.  
   Đồng cỏ, mình chưa đọc hết những gì ông đã viết, nhưng riêng với cuốn sách này  mình cảm như đã thấy tâm tư của Nguyễn đình Toàn, đọc thêm chỉ là mua vui.  Nhưng có lẽ phải thêm một trăm năm 4 giờ chiều nữa thì may ra mình hiểu và viết được hết mọi điều về Nguyễn đình Toàn, của chữ và người.  
Lưu Na
03/04/2011
 

1 comment:

  1. Mình lạc vô blog của bạn vì đang google và tìm 2 cuốn sách 'Bông Hồng Tạ Ơn' của Nguyễn Đình Toàn. Không biết bạn có biết chổ nào bán hay làm sao liên lạc được ns Nguyễn Đình Toàn? Cám ơn bạn nhiều.

    ReplyDelete