Friday, April 22, 2011

Lương Thư Trung

Thơ Trần Phù Thế,
tiếng chim kêu chiều từ một miền sông nước cũ


   Mỗi khi nhắc đến thơ phú văn chương, người đọc thường nghĩ các nguồn văn chương có nhiều ở miền Trung, miền Bắc; còn dân nhà quê miệt vườn cũng chẳng có được mấy người. Nhưng tôi thì không nghĩ vậy, vì nhớ có lần về qua Lấp Vò, tôi gặp một chàng nhà quê làm thơ cùng thời với Phù Sa Lộc, tác giả Nguyễn Minh Thoại, với câu thơ chân quê mà lãng mạn mượt mà :

“Lấp Vò có mấy con kinh nhỏ
Xuôi ngược trong lòng con ấu thơ
Đò dọc Tân Bình xuôi mấy ngã
Từ con xa xứ sở quê mùa
……
Trầu vàng mới hái em ngồi liểng
Anh chợt thèm thương những ngón tay
Bán cuộc đời anh mua chưa nổi
Mớ trầu và môi mắt chân mày…”

   Nhắc về một người làm thơ thuộc miền quê tôi, chợt dưng lòng tôi lại  nhớ về  những vần thơ của Trần Phù Thế, sanh năm 1943, Sóc Trăng với những câu thơ  mới làm hôm qua cùng những hồn thơ ngày cũ như bài thơ “Tuổi thơ Đại Ngãi”, “Nắng Gió Cần Thơ” trong thi tập “Giỡn Bóng Chiêm Bao” man mác cái chất lãng mạn không thua gì văn chương các miền khác của quê hương mình :

“thương em đứt ruột bây giờ
tôi con cá chốt lên bờ kho tiêu
mười năm xa ngái Mương Điều
tôi qua Hậu Thạnh cũng liều một phen

thương em chân đất dính phèn
tuổi thơ đội nắng tóc đen cháy vàng
em từ Đường Đức em sang
vắt cơm hai bữa đò ngang hai lần

……………..

Nhớ từ Đại Ngã, Chùa Dơi
Sáng lên ngựa sắt, chiều ngồi Sóc Trăng
Ngày qua Trường Khánh mấy lần
Nghe thơm cớm giẹp từng sân nếp nhà…”
(Tuổi Thơ Đại Ngãi, GBCB, trang 66)

Hoặc như bài “Nắng gió Cần Thơ” :

“Gió vô tình, gió thật vô tình
không chút nô đùa bỡn cợt
nắng Cần Thơ hình như bất chợt
tan vào mắt em

gió ít ỏi đầu mùa nên nắng độc
sao em đi không nón che đầu
nếu lỡ bệnh bàn tay nào săn sóc
bàn tay nào xoa ấm em đâu ?...”
(nắng gió Cần Thơ, GBCB, trang 45)

   Trong thơ Trần Phù Thế còn nhiều, nhiều lắm những rung cảm rất thật tình như cái chất quê mùa đồng ruộng ấy mà gợi cảm, gợi tình, vương vương chút nhớ, chút thương mà chừng như bao giờ cũng canh cánh bên lòng, không dứt như vài vần thơ qua bài  “Chiếc Lá”, vừa gợi hình, vừa lung linh gợi cảm:

“Đưa tay nhặt chiếc lá vừa rơi
Em sửng sốt như lần đầu mới thấy
Những gân lá hình như động đậy
Trong mắt em  cơn xúc động chợt về…
………
Tiếng nói dịu hiền tiếng nói thân quen
Dù chỉ mới lần đầu gặp gỡ
Em mân mê chiếc lá mà anh cứ ngỡ
Bàn tay nào xoa nhẹ bàn tay …”
(Chiếc lá, GBCB, trang 61)

   Hoặc như trong bài thơ “Thời gian xưa” tác giả làm năm 1984, diễn tả về một nỗi nhớ của những ngày thân ái cũ :

“nhớ em cứ ngỡ chiều nay
hai mươi năm trước bàn tay vẫn nồng.”
(GBCB, trang 53)

   Chính vì chất lãng mạn dâng đầy ấy nên thơ Trần Phù Thế lấy chữ “tình” làm nền. Những bài thơ “Chỉ tình”, “Khúc tự tình”, “Dậy tình”, “Dỗ tình”, “Tình nhẹ hều”,  “Gọi khan giọng tình”, “Giọt tình”, “Chút tình bảng lãng” là những ký ức hằn sâu vào tâm hồn thi sĩ. Nhưng không phải chỉ có những mối tình trai gái, vợ chồng được tác giả dệt thành thơ, mà Trần Phù Thế còn cho người đọc thấy tâm hồn dạt dào của anh gởi về song thân, bằng hữu, cùng những bền bờ nơi chốn cố hương mà tác giả có lần đã dừng chân ghé lại một đôi lần.. . Những địa danh như Thất Sơn, Núi Sam, Đại Ngãi, Vàm Tấn, Cai Lậy, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Thạnh, Trà Ếch và còn nhiều lắm những tên làng, tên đất của những vùng quê theo lòng tác giả vào thơ làm cho người đọc man man nỗi nhớ một hôm nào còn đọng lại trong hồn.
   Qua những địa danh ấy, cho thấy, chẳng những tác giả đã đi nhiều, lưu lạc giang hồ nhiều, từng trải và gian truân cũng nhiều, cùng với tâm hồn tác giả vô cùng “mẫn cảm” nữa;  nhờ đó cho nên những địa danh xa xôi quê mùa đó vậy mà thân thiết vô cùng . Thêm vào đó, nhắc tới những tên đất, tên làng nó còn cho thấy nỗi niềm của nhà thơ với đất, với người thiết tha chan chứa lắm. Ví như một lần tác giả có mặt ở Lỳnh Quỳnh để nghe cá ụp nơi bờ kinh Tám Ngàn rồi ra khi “em đi” hồn anh thành “cỏ úa”:

“một lần ở lại Lỳnh Quỳnh
đêm nghe cá quẩy bờ kinh Tám Ngàn
xác xơ đầu ngỏ cuối làng
Hòn Me, Hòn Đất héo vàng tuổi xanh.

em đi cỏ úa hồn anh
ngày về như thể mỏng tanh cánh chuồn
một lần ở lại Kiên Lương
khói xi măng thở  bụi đường Hà Tiên…”
(Lỳnh Quỳnh, GBCB, trang 19)

Xin mời bạn nghe thêm chút tình của nhà thơ dành cho vùng Thất Sơn ngày cũ khi tác giả có dịp ghé về :

“ta về dáng núi buồn ra mặt
buồn cả trời xanh tảng đá buồn
hương khói ngỡ ngàng hôm tử biệt
chỉ còn lặng lẽ bóng trăng suông”
(Qua chiến trường cũ Thất Sơn, GBCB, trang 8)

   Trong thơ Trần Phù Thế còn một đặc điểm nữa là các chữ dùng rất rặt miền tây vùng đất Nam Phần và thể thơ lục bát được tác giả dùng nhiều như dòng nước êm đềm trôi man mác, làm người đọc miên man trôi theo cùng tứ thơ của tác giả. Những chữ như “hết hơi”, “hết biết”, “tuốt luốt”, “chín muồi”, “làm sao vậy cà”, “lừng khừng” trong những câu thơ lục bát trích dưới đây được tác giả cho vào thơ rất tự nhiên mà trau chuốt, rất giản dị mà thâm trầm, tôi tin rất khó tìm ở những áng thơ văn của nhiều tác giả khác ngày nay.:

“Hai con trống mái giận nhau
Hai con chim sáo làm sao vậy cà.”
….
“Một con đứng hót ngập ngừng
Con kia đứng lẻ lừng khừng bụi tre.”
…..
“Lỡ lầm phủi bụi áo em
Bụi bay đâu mất anh tìm hết hơi.”
….
“Gai đời đâm lũng trái tim
Nỗi đau hết biết nhận chìm lòng tin.”
….
“Mấy lần bước xuống con đò
Mà quên tuốt luốt thăm dò cạn sâu.”
…..
“Một hôm đời bỗng chin muồi
Anh ngồi ngủ gục bên dời vô danh.”
(Lục bát không đề, GKGT, trang 116, 117, 118, 119, 121)

   Thơ Trần Phù Thế, ngoài những nỗi niềm riêng tư của một hồn thơ với nhiều mối cảm hoài qua bao thác ghềnh bất trắc giữa dòng đời, tác giả còn hé lộ cho người đọc về cái nhìn của anh về dòng sông đời miên man trôi chảy nữa. Ở đó là đợi, là chờ, là chiều đi và nắng, và mây…

“Mưa chiều đợi gió qua sông
đợi con nước lớn nước ròng bao năm
đi rồi là bóng biệt tăm
là thiên thu đợi là trăm năm chờ
mưa chiều đợi gió bơ vơ
đợi con bìm bịp gọi bờ sông đau.”
(Đợi, GKGT, trang 149)

“ngoài kia bóng nắng lui dần
hoàng hôn chừng đã phân vân chưa về
cúi đầu hối tiếc cơn mê
chỉ vương ít nắng nằm kề chân mây.”
(Chiều đi, GKGT, trang 58)

   Qua hai thi tập “Giỡn Bóng Chiêm Bao” và “Gọi Khan Giọng Tình”(*), Trần Phù Thế không cố ý làm thơ cho mới, cho hay mà tác giả chỉ muốn mượn thơ ca để chuyên chở những nỗi niềm của riêng mình bằng những câu thơ cũ, đặc biệt là thể thơ lục bát , cùng với chữ dùng đôi lúc giản dị rặt chất giọng miền tây Nam Phần mà câu thơ vẫn mượt mà truyền cảm, lãng mạn và thiết tha. Thơ ca thời nào cũng vậy, thơ hay là nhờ cái hồn thơ phong phú ấy.
   Thơ Trần Phù Thế mang lại cho người đọc cái lâng lâng của  hồn thơ giàu chất lãng mạn, trữ tình; cái buồn buồn của nhân tình thế thái; cái cay cay của những dâu bể tang thương và cái thâm thúy của cách nhìn đời qua nhiều bất trắc. Và với riêng tâm hồn nhà quê như tôi, lớn lên cùng thế hệ với anh, tôi nghe như hồn thơ Trần Phù Thế là tiếng kêu thảng thốt của một loài chim kêu chiều của vùng quê  Đại Ngãi, Sóc Trăng, Hậu Thạnh, Vàm Tấn, Chùa Dơi, mãi hoài vang vang trên những bến bờ sông nước cũ ngày nào, bất tận …



-------------
Phụ chú:
(*) “Giỡn Bóng Chiêm Bao” của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán tái bản, Hoa Kỳ, năm 2008
(*) “Gọi Khan Giọng Tình” của Trần Phù Thế, Thư Ân Quán xuất bản, Hoa Kỳ, năm 2009


Houston, 17-4-2009  

No comments:

Post a Comment