Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung
và bản thảo “Nghịch Lưu Của Tuổi”
Hai Trầu chuyện trò với tác giả
HT:
Mến chào nhà thơ Nguyễn Hàn Chung,
Như bìa sau thi phẩm "Nghịch Lưu Của Tuổi", có ghi :
"Nguyễn Hàn Chung
Sinh quán Điện Bàn –Quảng Nam
Tác phẩm đã xuất bản :
Tìm tôi trong bóng (thơ) 1999
Nói hộ phù du (thơ ) 2002
Nghịch lưu của tuổi (thơ) 2011"
Anh bắt đầu mê thơ từ lúc nào? và anh có thể kể cho nghe về hai thi phẩm "Tìm Tôi Trong Bóng" (1999) và "Nói Hộ Phù Du" (2002), nội dung cùng sự ra đời của nó, thưa anh?
NHC:
Rất cám ơn sự quan hoài của anh Hai Trầu khi đọc “Nghịch lưu của tuổi”. Nguyễn Hàn Chung đến với cõi thơ từ khoảng đệ thất, đệ lục ( khoảng đầu thập niên sáu mươi) lúc bắt đầu trổ mòi ''Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư'' .Bắt chước các bậc đàn anh xứ Quảng như Hoàng Thị Bích Ni , Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc,Nguyễn Nho Nhượn, NHC cũng vần vè đôi bài cỡ như "Thuở nhỏ ôm một cây hùng khí-Bây giờ nghĩ lại thấy ương ương-Đời loạn mà không mần tráng sĩ- Cũng chả xài đến gã văn chương -Thì thôi vỗ bung mà ca hát ...Say khước nằm lăn...'' Thế thôi , ca vung hào sảng cho vui có nghĩ cái nghiệp thơ nó ám miết âm hồn bất tán vào mình cả đời đâu. Thôi kệ rứa mà vui mà có bạn bầu tứ xứ.
Tập thơ đầu tay “Tìm tôi trong bóng” (1999) tập hợp những bài thơ viết sau 1975 chât chứa nhiều trăn trở tìm sâu bản lai chân diện mục của mình với những nghịch âm,nghịch cảm trong cuộc Đánh cờ một mình.Tập thơ thứ hai ‘’Nói hộ phù du’’ (2002) lại mở ra một hướng khác: Nói hộ cho những nỗi đời bà mẹ núi,ông lão bị lũ con cướp đất,người phu xe thổ mộ ngơ ngác giữa phố,anh kép diễn hài trong lúc cha đang hấp hối …Nói chung nói về thơ mình thì hơi khó .Anh có thể đọc bài viết sau đây của Liêu Thái(*)
(*)(NHC có gởi kèm bài”Nói hộ phù du-Cảm thức tro bụi và ý thức bền bĩ về tính hữu hạn tồi sinh” của Liêu Thái, trên trang …, ngày ….)
HT:
Anh Nguyễn Hàn Chung,
Theo giới thiệu của anh về bài viết " Nói hộ phù du – Cảm thức tro bụi và ý thức bền bĩ về tính hữu hạn tồn sinh" của Liêu Thái, tôi thấy tác giả lưu ý đến khía cạnh cách tân trong thơ anh, nguyên văn: "Dường như đến đây, ý thức cách tân về hình thức lẫn nội dung trong thơ Nguyễn Hàn Chung đã bắt đầu hé lộ – một sự hé lộ hàm ẩn nhiều hệ lụy cho kẻ trót đa mang với con chữ, dự báo một nỗi cô đơn rình rập…" Và tác giả kết: "Anh đã để lại cho bạn đọc quê nhà một hình ảnh đẹp về người nghệ sĩ – nhà giáo tóc muối tiêu có đôi mắt sâu thẳm, ánh nhìn tinh nghịch và nhân hậu luôn quắt quay thoát khỏi những ràng buộc của sáo mòn để tìm đến không gian mới của sáng tạo. “
Điều đó có thật vậy không? Và nếu có, anh có thể chia sẻ một chút về việc "cách tân" trong thơ anh ?
NHC:
Có thật không hả anh Hai? Thì nó cũng hàm hỗn như thơ vậy, thật mà hư ,hư mà thật,cũng chả có cách tân cách cổ gì ghê gớm đâu chỉ là đổi mới tư thế làm...thơ cho nó sướng lên thôi chứ cứ bưởi bòng rạ rơm vần vần vè vè đàng điệu nó có vẻ giả giả thế nào ấy. Chính bản thân người viết đã chán ngấy thơ mình huống hồ ...Cũng phải nói thêm điều này một chút. Cách đây chừng hơn hai mươi năm lúc NHC còn chưa bỏ xứ viết cái gì cũng sợ bị quy chụp như cái đận bài thơ Đánh cờ một mình bị truy tung đến điêu đứng nên sau này phải ẩn điều muốn hiển lộ dười tầng tầng bóng chữ kiểu ai hiểu chết liền nếu có kêu lên gọi xuống hạch hỏi còn có cái để đốp chát: Bây giờ các cây bút hậu hiện đại cách tân đên mút chỉ làm NHC cảm thấy thơ mình còn quê một cục chẳng qua Liêu Thái dùng lối nói khoa trương cho NHC uống đường ăn mật đó thôi...
HT:
Anh Nguyễn Hàn Chung,
Không có lửa làm sao có khói, phải không anh ? Và có "cách tân" hay không ở thơ anh như Liêu Thái nhận định chắc người đọc cũng đã thấy rồi, nhưng có điều này, anh còn nhớ những bài thơ cũ một thời của anh không? Hy vọng anh cho bạn đọc nghe lại chút hương xưa một thời qua những vần thơ cũ ấy, anh Nguyễn Hàn Chung ? .
NHC:
Kính anh Hai Trầu!
Vâng ,thưa anh. Có bạn văn khi đọc Nghịch lưu của tuổi có comment với tác giả là trong tập thơ hầu như không có thơ tình. Quả vậy NHC cũng không biết tại làm sao mình không thể ...Thôi thì nhân anh nhắc, NHC chép lại một vài đoạn thơ tình tang tình gửi tặng anh cùng bạn đọc gọi là bổ sung vào phần khiếm khuyết :
''Nhà vắng lục tìm sách cũ
Lạc vào một cõi em xưa
Những lá thư vàng ố chữ
Lời yêu khi tỏ khi mờ...
Cổng trường Văn khoa quá chật
Anh đi kiếm lá mỏi mòn
Mối tình đầu như đốm lửa
Mỗi khi lòng không củi nhen...
Và nhớ những ngày mưa Huế
Thu lu quán xếp bên trường
Sóng sóng trăm tà áo trắng
Anh vẫn nhìn ra mắt em...'''
Tiếng vợ nựng con bên cửa
Anh biết giấu em vào đâu
Nào bướm nào hoa nào tóc
Anh còn nâng níu trên tay...
(Ký ức đầu)
"Nửa đi là mất nữa rồi
Nửa vể, câm, một nửa vùi trong đau
Nửa trời cho dễ nữa đâu
Nửa rưng rức sóng chân cầu nửa em
Nửa chiều nửa sáng nửa đêm
Nửa xanh biếc rụng nửa mềm môi khô
Anh còn có nửa chi mô
Nửa em giàn giụa tan bờ nửa anh
(Nửa)
''Biết rồi sẽ chuốc đa đoan
Mà không ngăn nổi quáng quàng đường say
Lâu rồi cứ tưởng ,ô hay
Trái tim ta cũng bàn tay ai cầm
Mây bời bời cỏ rối câm
Thời gian vò sợi tóc xanh trắng mù
Hôn liều lên chúm chím thu
Bờ môi như sóng nhiễm từ xa xăm
Giá trời bỏ quách tháng năm
Tôi hao khuyết hết trăng rằm cho em
(Tuổi tình )
Những đoạn trích trên từ hai tập thơ ''Tìm tôi trong bóng'' và ''Nói hộ phù du ". Anh thấy có ''mềm ''hơn thơ trong NLCT không anh?
HT:
Anh Nguyễn Hàn Chung,
Giờ xin bắt đầu với "Nghịch Lưu Của Tuổi" của anh . Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 1, trang 172 : "Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đóng ở thành ngày nay (Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị đến sông Tô Lịch, mới đấp thành nhỏ thôi, có người thầy xem đất bảo rằng: Sức ông không đấp nổi thành lớn, độ năm mươi năm nữa về sau tất có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ ..."(*) Như vậy "nước chảy ngược", theo anh có phải là "nghịch lưu" không? Và sao anh lại chọn bốn chữ "Nghịch Lưu Của Tuổi" làm cái tựa cho thi phẩm lần này, thưa anh ?
NHC:
Lương tiên sinh quả thật là đại hành gia trong lĩnh vực truy nguyên nhưng NHC không thể trả lời câu hỏi nầy của anh Hai được đâu.Trúng thì không sao chứ sai thì chết bỏ xừ. Có điều khi chọn bốn chữ Nghịch lưu của tuổi làm tiêu đề cho tập thơ NHC cũng có chút hàm ý. Thông thường theo hành trạng xuất xử của người xưa ''Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi-Hương âm vô cải mấn mao tồi -Tạm dịch : Lúc trẻ bỏ xứ ra đi lúc già mới trở về -Tóc râu đều bac cả mà giọng quê không đổi (Hạ Tri Chương). NHC đi ngược với cái trình tự kinh điển ấy. Gần sáu mươi năm quẩn quanh đi học rồi làm nghề gõ đầu trẻ ở một xó xỉnh quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng bây giờ già khèn trí cùn lực đoản ''bách niên đa bệnh độc đăng đài'' còn bán mạng ly gia hành cu li đất khách phải quên cái hương âm uốn môi, uốn lợi học tiếng nước người nên liều mạng đặt tên tập thơ để đánh dấu một chặng cuối đường lưu lạc. Thế thôi chẳng có ý tứ mới lạ gì đâu anh ạ!
HT:
Anh Nguyền Hàn Chung,
Cảm ơn anh. Vừa rồi anh có nhắc "hành cu li", tôi tò mò tìm trong tập bản thảo
bài "hành cu li ca”nơi trang 10, làm tại
Louisiana với tứ thơ mang nhiều chua xót, đắng cay; mỗi chặng dừng chân của Nguyễn Hàn Chung là mỗi vết cắt dù qua lâu rồi nhưng vẫn còn ê ẩm, khó lành. Nhưng câu cuối "Mây nước trùng trùng
thề không trắng tay…", lại là dấu hiệu của một quyết chí. Có phải
Louisiana lại là một bến bờ nào nữa mà anh đã dừng lại trên dòng đời lưu lạc này ? Và nay, anh có thêm được gì trong tay sau bao năm mải miết trong dòng đời này hay chỉ mới là"Nghịch Lưu Của Tuổi" không thôi, thưa anh?
NHC:
Anh Hai ơi!
Phải nói Ông Hai Trầu và gã ‘’trai già Quảng Nam’’nầy có mối ‘’đồng thị thiên nhai ‘’
sao đó nên trong cả tập hơn bảy chục bài mà anh lại tò mò đọc hơi bị kỹ bài hành cu li ca lại đặc biệt chú ý tới câu cuối cùng ‘’Mây nước trùng trùng thề không trắng tay’’ tiếp theo là địa danh
Louisiana không ngày tháng. Con mắt
‘’thấu thị xuyên tầng’’ của anh Hai chiếu như muốn thấu tâm can tỳ phế
tác giả.Thật ra không có thề thốt gì lắm đâu anh. Anh biết bài
hành cu li ca NHC sáng tác trong hoàn cảnh nào không?Trên chiếc tàu casino ở
Louisiana đó. Nướng hết chút tiền còm dành dụm trong trò đen đỏ rồi ra đứng trước boong tàu nhìn mây trắng sóng xanh đất khách tự thề với mình hành cu li kiếm sống để viết cái gì đó cho mai hậu chứ không phải để lao vào cái trò bác thằng bần như bao bậc tiền nhân tán gia bại sản trên đất Mỹ nầy.Thế thôi anh ạ!
Còn anh hỏi ngoài NLCT, NHC còn có những gì sau bao năm mải miết không? Còn chứ anh, NHC còn viết một tập cảm, bình từ những ngày còn ở trong nước khoảng 40 bài thơ theo chủ quan tác giả là sướng ,là tới bởi có cái để mà ngẫm ngợi. Các tác giả bị NHC chọn là bất kỳ không nhất thiết phải là nhà thơ có tên tuổi. Chỉ khoái là chọn là bình thôi. Hy vọng trong năm 2012 NHC sẽ trình làng tập bình có cái tiêu đề “Thầm thức cùng thơ” sau khi khoái thêm vài mươi bài nữa .
HT:
Thưa anh Nguyễn Hàn Chung,
Bài thơ “Bí ẩn tháng giêng”(**) mở đầu thi tập “Nghịch Lưu Của Tuổi”, với đoạn thứ nhì:
“……
Tháng giêng tàng trữ mầm xanh lao lực trong
bụi bặm
ẩn nhẫn chờ đợi một ngày ấm áp
giống như chu kỳ của người đàn bà hoài thai
cánh đồng
tháng giêng tạm trú vào đàn bướm tơ sắp đến
kỳ sinh nở
mặc những cơn gió ganh tị chỉ chực len vào cội hoa ức hiếp … “
(NLCT, trang 5 và 6)
Trong một bài viết của nhà thơ Quỳnh Thi về tập thơ này với tựa đề: “Một số suy nghĩ về thi tập Nghịch Lưu Của Tuổi” đăng trên Talawas Blog, ngày 25 tháng 10 năm 2010, tác giả viết :
“Bài “Bí mật tháng Giêng” có những câu “Bí ẩn của tháng Giêng cũng là bí ẩn của những điều không thể nói ra”, “Mặc những cơn gió ganh tỵ chỉ chực len vào cội hoa ức hiếp”. Trong câu thơ trên, chúng ta thấy Nguyễn Hàn Chung dùng nhóm chữ “Những cơn gió ganh tỵ” một cách tài tình. Chẳng rõ “cơn gió ganh tỵ” là cơn gió gì; liệu đó có phải là một ám chỉ cho “Bí mật tháng Giêng” không? Rồi còn “Con bướm khấp khởi đôi cánh mỏng – nương nhờ chiếc lá khô chờ hơi xuân hé”. Chiếc lá khô là của mùa Đông. Con bướm nương nhờ mùa Đông lúc còn nằm trong cái kén! Thật thâm thúy. Đó cũng là phong cách dùng chữ để diễn tả ý tưởng riêng biệt của thơ Nguyễn Hàn Chung vậy.”
Là tác giả làm ra những câu thơ “bí ẩn” này, anh nghĩ sao về nhận định của tác giả Quỳnh Thi?
NHC:
Thưa anh Hai !
Kim Thánh Thán trong lời đề tựa Tây sương ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên có viết "Chỗ mà lòng tới rồi bút bất tất phải nói nữa".Anh Quỳnh Thi có những cảm nhận của riêng anh ấy về bài thơ Bí ẩn tháng giêng , NHC không thể chuyển sự phản ánh cảm tính của mình thành khái quát của tư duy được. Hơn nữa dù NHC là tác giả chăng nữa cũng chỉ là người đứng sau cánh gà sân khấu hình tượng .Và thưa anh, NHC nghĩ rằng hình tượng ngôn từ thường tạo ra ảo giác cho nên bất khả tạo ra độ sáng rõ, độ phân giải như ở các loại hình nghệ thuật khác.Chính vì muốn phá vỡ những hình thức khô cứng đã quen được thừa nhận về mùa xuân và muốn đi sâu vào những vận động bí ẩn của tâm hồn mà NHC viết Bí ẩn tháng giêng.
HT:
Anh Nguyễn Hàn Chung,
Trong trả lời cho câu trước, anh có nói: “Còn chứ anh, NHC còn viết một tập cảm , bình từ những ngày còn ở trong nước khoảng 40 bài thơ theo chủ quan tác giả là sướng ,là tới bởi có cái để mà ngẫm ngợi .Các tác giả bị NHC chọn là bất kỳ không nhất thiết phải là nhà thơ có tên tuổi. Chỉ khoái là chọn là bình thôi. Hy vọng trong năm 2012 NHC sẽ trình làng tập bình có cái tiêu đề ‘’Thầm thức cùng thơ ‘’ sau khi khoái thêm vài mươi bài nửa .”
Qua những điều anh vừa chia sẻ làm tôi tò mò tìm đọc trang nhà “sông thơ”, và đọc được bài bình thơ sau đây của anh :” “Bốn mươi năm mang mang hồi ức” với bài thơ “Xa Cách” của Châu Liêm mà anh dùng làm nền cho bài bình thơ này . Bài thơ theo anh ghi lại qua trí nhớ như dưới đây:
Xa cách
Hai dặm cát vàng duyên nối tiếp
Đôi bờ sông rộng mặc ai đưa
Tôi đâu dám bảo Trường giang hẹp
Chỉ hận nghìn năm với bến bờ
Đêm ấy người đi sương xuống lạnh
Trăng mùa tiễn biệt sáng mông lung
Tôi đâu dám hẹn ngày tương ngộ
Người khóc đêm nào người nhớ không?
Tuổi mới hai mươi đời xế nửa
Từ nay đâu dám hẹn tương phùng!
Ai tiễn ta qua vài bến nước
Với hai sào gió bốn sào trăng
Ai tiễn ta rơi vài giọt lệ
Lệ chảy đầy trong đôi mắt trong
Quấn bàn tay lạnh trong tà áo
Từ nay xa cách mấy con sông
Châu Liêm
Sau khi giới thiệu tác giả Châu Liêm ngày xa xưa ấy chính là nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp hôm nay hiện đang ở gần đâu đây và anh có lời bình như sau :
“Tôi nghĩ không ra làm sao một cậu bé học lớp đệ nhị mới mười sáu tuổi ( *l)ại có thể sử dụng từ ngữ điêu luyện dường ấy. Phải chăng đó là của trời cho và tác giả với tư cách là người sáng tạo vẫn nằm ngoài hệ thống với các mối liên hệ nghệ thuật : Người chủ xướng và người đọc cũng chỉ đóng vai trò tham dự mà thôi .
“Có những bài thơ tác giả là những nhà thơ lớn,ngôn ngữ thơ hàm súc đặc dị,chứng tỏ tác giả uyên bác và trí tuệ cao nhưng sao người đời lại không nhớ mà kỳ lạ bài thơ Xa cách của Châu Liêm tuy không có nhiều sáng tạo về mặt thi pháp nhưng chiều sâu của tiếp nhận thẩm mỹ được vượt qua được một độ lùi của thời gian chiếm lĩnh và tái tạo hình tượng ngôn từ trở thành hình tượng tâm tư trong lòng người đọc gây hiệu ứng tiếp nhận bền vững trong lòng tôi và bè bạn một thời, một đời…
Cái cực sướng nào rồi cũng nhanh chóng qua đi tại sao cái cực sướng văn chương cử đeo dai đeo dính chúng ta đến mỏn đời làm vậy.”
(Sông thơ, ngày 02 tháng 11 năm 2009)
Theo như anh vừa nhận định qua lời bình mà tôi vừa trích, vậy bài thơ Xa Cách này quả là một bài thơ hay hoặc rất hay, ít nữa đối với riêng anh, từ đó nên mới có “Bốn mươi năm mang mang hồi ức” . Do vậy, tôi mới nghĩ thơ cũ đâu phải bài nào cũng dở, phải không anh? Về phương diện thơ hay và thơ giá trị, là một người làm thơ rất lâu và với kinh nghiệm giảng dạy môn Việt văn hơn ba mươi lăm năm như anh cho biết cùng trong bài bình thơ này, xin anh chia sẻ thêm chi tiết nhỏ này mà tôi thắc mắc hoài nhưng không biết hỏi ai; đó là, theo anh thì khi nào bài thơ được gọi là hay và khi nào bài thơ được coi là có giá trị ? Giữa bài thơ hay và bài thơ giá trị nó là một hay là hai bài thơ đó hoàn toàn khác nhau, thưa anh?
NHC:
Anh Hai Trầu quý mến !
Cái chi tiết nhỏ mà anh muốn được kiến giải không nhỏ một chút nào nếu không nói là vượt quá tầm suy nghĩ của những người cầm bút làng nhàng cỡ NHC. Nó đi vào định nghĩa cõi thơ của các bậc hàn lâm về mỹ học, thi pháp học , về thời gian,không gian nghệ thuật, tính thời đại văn học, văn hóa một dân tộc các biện pháp nghệ thuật các trào lưu văn học, trường phái văn học khác nhau.Theo thiển ý của NHC thì thơ hay là thơ làm rung động lòng người bất kể nó được viết với phong cách nào. Có điều nó phụ thuộc vào từng thế hệ đối tượng với các khuynh hướng thưởng thức chứ không thể cào bằng mọi đối tượng tiếp nhận được .Vì thế mỗi trào lưu văn học đều có những đối tượng tiếp nhận thẫm mỹ khác nhau.
HT:
Anh Nguyễn Hàn Chung,
Qua bài bình bài thơ Xa Cách của Châu Liêm, tôi thấy anh mê chữ “quấn” trong hai câu kết của bài thơ này và anh viết:
“và nhât là từ quấn trong hai câu thơ cuối cùng;
‘’Quấn bàn tay lạnh trong tà áo
Từ nay xa cách mấy con sông’’
Động từ quấn bình dị dân dã mở đầu đoạn kết lại có độ hút mà trộm vía tác giả tôi thiển nghĩ chính anh cũng đâu có ngờ trong suốt hơn ba mươi lăm năm làm người thầy giáo dạy văn tôi đã dẫn dắt các em học sinh chuyên văn quê nhà bình nhãn tự trong các câu thơ ấy. Tôi đã cho các em đưa từ xế, quấn vào trong một trục với các từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa chẳng hạn để thay thế cho các từ ấy nhưng các em và cả người thầy đều bất lực”(Bốn mươi năm mang mang hồi ức)
Và rồi tôi lại lần dở những trang thơ của anh, tôi lại thấy anh có câu thơ này với chữ “quấn” rất điệu nghệ :
“Quấn lòng anh trong tà áo em đi
Tay ram ráp bụi đường xa thiếu bạn
Anh rớt cuối bươn tràn qua vận hạn”
(À ơi điệu cũ, NLCT, trang 7)
Ngoài ra, qua 136 trang sách với 72 bài thơ , dù tập thơ rất mỏng như vậy nhưng theo thiển ý của tôi, thơ anh có mấy nét chính sau đây:
1/ Anh có cách cắt, ráp các chữ trong các điển tích làm thành nhóm chữ mới để anh diễn tả những suy nghĩ của anh qua các câu thơ mà anh muốn viết rất công phu. Do vậy, chữ dùng của anh lạ, khô, rất khó đọc nhưng nhờ nó hàm chứa nhiều trăn trở qua chính những bước chân lưu lạc, thăng trầm trong dòng đời của chính tác giả và nhờ tài pha chế đôi chút gia vị châm biếm nhẹ nhàng, dí dỏm, không ác ý, nên nếu ai chịu khó đọc được vài bài thơ đầu rồi thì sẽ thấy thích, và lần lần đọc tiếp cho tới hết dòng thơ cuối cùng sẽ nhận ra thơ Nguyễn Hàn Chung chan chứa biết bao trăn trở về thân phận con người giữa dòng đời với một người không còn trẻ trung gì mà rồi còn phải lo bươn chải trèo lên từng bước chân một trên những triền dốc ngược…
2/ Về ý thơ, phần lớn thơ anh là có chủ đích “nghịch” và “phản”. Tất thảy những bài thơ của anh lấy cảm hứng từ đáy lòng anh đã đành mà nó còn khắc họa lại những ngang trái mà anh bắt gặp, trong văn giới cũng như ngoài đời. Những “nghịch lưu”, “nghịch âm”, những “phản ca”, “phản cảm”, “phản tuyên ngôn thơ”, những “biến dị”, “hành”, “hèn ta thơ”, “mé”, “cảm thức mé” và mỗi mỗi chữ anh dùng không đơn giản chỉ là chữ, là ý, là thơ, là thẩn một cách bình thường mà là những dòng máu trong anh cứ “chảy ngược” như “nước chảy ngược” của một dòng sông phải chảy qua nhiều tảng đá ngầm nằm sâu trong đáy sông của mình. Thành ra, nếu tôi không lầm, anh rất cô đơn dù anh có rất nhiều bạn cũ và mới như trong trả lời của anh ở câu đầu tiên:”Thôi kệ rứa mà vui, mà có bạn bầu tứ xư”; nếu không muốn nói là anh chưa tìm được người đồng điệu, tri âm, tri kỷ, ít nữa là đồng điệu trong cách suy nghĩ, trong cách diễn đạt, và cả trong cách giải trí giản dị nhất mỗi ngày là anh muốn làm cho thơ mình khác với cái cũ… Và nỗi cô đơn đó, nó còn để lại rất rõ trong câu thơ mà tôi vừa nhắc bên trên:
“Tay ram ráp bụi đường xa thiếu bạn
Anh rớt cuối bươn tràn qua vận hạn”
(à ơi điệu cũ, NLCT, trang 8)
hoặc trong một bài khác:
“Không đủ lực đợi những cái chớp mắt biến ảo
mặc những cơn gió quậy phá
quẫy đạp đi tìm di chỉ cánh đồng
cánh đồng xanh mơ ở đâu?
anh mải mốt chạy marathon tìm em mệt nhoài ký ức”
(Canh giấc cánh đồng, NLCT, trang10)
hoặc trong bài “tha phương không tám”có đoạn:
“Thì cứ tống cứ tan ngần ấy tuổi
Biết cùng ai chia sớt chuyện buông tuồng
Chiều tới sáng lục tìm mưa cắm cúi
Ngón với bàn ngong ngóng đến thê lương
Gần rất lạ xa tới tầm tay với
Sợi mong manh riết róng cột âm thầm
Lầu cây khế leo tấm thân chùm gửi
Nhướng lên mù thấy rõ một xa xăm
Vẫn mụ mị lùng bùng cơn cớ trước
Và ngơ ngơ ngác ngác những phương chiều
Mùa không hắt tia nắng vàng ,vô phước
Kẻ điêu nào còn léo hánh cô liêu”
(bài tha phương không tám, trang 12
Hoặc như “bước qua thì cũ mới”, anh viết :
“bơi trên sóng sợ sông dài khủng khiếp
thấy lăn tăn đã hú ba hồn bảy vía hà bá ma da
muốn tháo chạy lên bờ ngặt dưới thân toàn nước
cõi trăm năm hơi đâu đủ sức dài cút bắt khánh tận nỗi buồn
mặc cho gã niềm vui đê hèn thiêm thiếp
chắc chắn có kẻ sẽ gõ cửa cho em lách váy vào thiên thu
dọn sẵn một chỗ tinh tươm chơi trò rơi ngược
nhưng bây giờ có lẽ chỉ một mình anh đang bơi
các em còn bận lau bàn chân ướt”
(bước qua thì cũ mới, NLCT, trang 20)
Và còn nhiều lắm những vần thơ mang mang nỗi cô đơn hiu quạnh một bóng hình ngược nước ấy mãi hoài , không kể xiết …
Là tác giả của những bài thơ “nghịch lưu” này, anh nghĩ sao về mấy ghi nhận nông cạn, thô thiển của một người đọc già lười suy nghĩ như tôi, thưa anh?
NHC:
Anh Hai Trầu ơi!
Anh đã chịu khó trải lòng mà thẩm thấu thơ NHC nói chung và NLCT nói riêng đó là sự mừng vui mong ước rất lớn không dễ gì đạt được của người cầm bút nghịch lưu nầy. Nhất là thơ trong NLCT đúng như anh nhận xét: khô,nghịch nhiều ý còn hàm hồ nữa.Vô cùng trân quý những nhận xét tinh tường của anh giúp NHC bừng ngộ nhiều điều trong trò chơi con chữ gian nan khổ ải nầy. Rất mong nghe được những lời bình sâu, chân xác hơn nữa của anh cũng như bạn đọc về tập thơ NLCT .Điều người làm thơ hãi sợ nhất khi trình thơ ra làng đã được NHC thắc thỏm trong mấy câu cuối bài làm thơ và múa dao. Xin được mạn phép lặp lại :
''làm thơ khác gì múa dao
nghề càng tinh
càng mệt nhoài số kiếp
cùn tóc râu
thương tích ngữ ngôn
hãi sợ rụng vào trăm năm mất biệt
NHC cả nghĩ : thơ đừng mất biệt trong cõi vô tăm là hạnh phúc không tưởng của bất kể nhà thơ nào? Có phải thế không anh! Nguyễn Hàn Chung xin kính gửi đến anh Hai Trầu lời cảm tạ tri âm nhất.
HT:
Anh Nguyễn Hàn Chung,
Tôi xin được nêu lên một ghi nhận thứ ba nữa trong cách viết tên người, tên nhân vật trong các bài thơ mà anh đề cập tới họ; đó là anh không bao giờ viết chữ hoa , dù anh có cố ý nhắc những tên người, những nhân vật ấy, nhưng anh cứ phớt lờ đi, coi như đó là những chữ bình thường không lấy gì làm quan trọng cho lắm với mục đích là anh muốn dẫn người đọc đi qua một hướng khác không có ai trong thơ anh ráo trọi .
Điều này, anh làm tôi nhớ hồi còn đi trọ học, tôi thường phụ với chủ nhà vô lò nấu heo thợ bạc. Xin kể anh nghe diễn tiến công việc này như sau. Dân chuyên nấu heo vàng họ đi gom mua khắp Sài-Gòn Chợ-Lớn những bụi vàng nơi các tiệm thợ bạc. Gom về như vậy mỗi ngày và trong vòng vài ba tháng, số lượng heo vàng này đủ vô một lò thi bắt đầu vô lò. Trước tiên người ta đem mấy heo thợ bạc này ra trộn với cát nhuyễn và bỏ vào mấy ống vót nắn bằng đất sét trắng đã phơi khô lâu ngày, hình dáng mấy ống vót này giống như hình dạng trái bầu cắt ngang trên mặt . Vô ống vót xong xuôi đâu đấy người ta mới sắp xếp những ống vót này thẳng đứng trong lò đúc bằng xi măng; giữa những ống vót người ta bỏ xen kẻ những cục than đá vừa giữ cho các ống vót thẳng đứng, vừa giúp khi đốt lò lửa than đá sẽ làm cho cát và vàng trong ống vót chảy ra . Sau khi lò đã vô đủ số lượng ống vót heo thợ bạc cho một kỳ nấu heo như vậy, người ta bít nắp lò lại và mồi lửa đốt lò. Khi lửa cháy thì than đá trong lò bắt đầu cháy theo và đốt như vậy trong vòng năm ba ngày, có khi một tuần và coi khói trong lò lên màu trắng là bắt đầu bịt miệng lò lại, vì khói trắng là dấu hiệu các chất tạp đã cháy s ạch hết rồi ; rồi chờ khi nào lò nguội, chủ lò mới khui nắp lò và lấy các ống vót ra . Khi lửa cháy cát và vàng cùng chảy. Vì cát nhẹ hơn vàng nên cát chảy thành thủy tinh, nằm bên trên và vàng nặng hơn cát nên vàng nằm dưới đáy ống vót. Lúc bấy giờ chủ lò mới lấy búa đập ống vót và lấy vàng dưới đáy . Xong đâu đấy, người ta mới dùng acid HCL hoặc acid H2SO4 phân kim số vàng này để lấy ra bạc và vàng nguyên chất.
Sở dĩ tôi kể dông dài với anh về việc nấu heo thợ bạc và phân kim vàng là tôi muốn ví công việc anh viết tên các nhân vật dù quen hay chưa quen đều viết ở dạng chữ thường, giống như anh muốn pha trộn giữa cát và vàng rồi cho vào lò lửa và rồi vàng và cát sẽ nhờ lửa mà phân biệt được đâu là cát đâu là vàng. Phải chăng đó cũng là cách chơi chữ với nhiều dụng công của anh không, thưa anh Nguyễn Hàn Chung?
NHC:
Kính anh Hai Trầu !
Anh có lối ví von sao mà thâm thúy rứa! Chẳng qua là một thủ thuật để tránh những phiền phức có thể xảy ra thôi anh à. Động đến tài thì không sao chứ đụng đến tật các ông nhà thơ, nhà văn là lắm chuyện .Tôi dụng cách viết như vậy để có đường mà biện bác sau nầy nếu ai dó có chất vấn:tại sao và tại sao ? Một số bài dạng nầy đã lên damau.org Người đọc cũng comment lủ khủ đó anh.Hơn nữa mình chỉ cảm một mé chân dung sao dám chính danh, chứ có đãi cát đãi vàng chi mô mà anh nói quá lên rứa.Mà thật ra cũng vui thôi, nào có ác ý với ai đâu!
HT:
Thưa anh Nguyễn Hàn Chung,
Sao tôi cứ miên man nghĩ về cái tựa “Nghịch lưu…” của anh hoài. Như anh biết quê tôi vùng sông nước miền Tây, nên đi đâu cũng gặp sông, gặp rạch, gặp kinh, gặp mương , gặp cồn, gặp bãi, và dường như chỗ nào quanh quanh nơi mình ở cũng nước là nước, mát lạnh cả một vùng … Thành ra nhà nhà đều phải có ít nhứt là một chiếc xuồng để đi lại trong vùng, khi lên ruộng, lúc ra chợ, hoặc cần đi cánh đồng xa xa giăng câu giăng lưới cũng phải nhờ tới chiếc xuồng. Việc nào cần chuyên chở hơi nhiều nhiều một chút thì người ta còn phải có chiếc ghe . Ghe thì có chiếc chở năm ba chục gịa lúa, có chiếc chở cả mấy trăm giạ lúa trở lên . Còn chở đá, chở gạch, chở cát, chở cây, chở gỗ thì ghe lại càng lớn hơn nữa như ghe cui, ghe cà dom, ghe chài, ghe mui lón, chẹt, sà lan và nhiều thứ lắm … Vì đi theo sông, theo nước như vậy, nên dân quê tụi tôi phải lựa con nước mà đi . Khi nào nước xuôi thì nhổ sào bơi theo nước cho đở tốn sức bơi chèo và khi nào nước ngược thì tấp xuồng ghe vô bờ nổi lửa nấu cơm ăn uống no bụng rồi nằm nghỉ chờ nuớc xuôi đi tiếp cho tới khi về tới bến, tới bờ mình định tới … Tôi còn nhớ hồi học các lớp Sơ Đẳng Tiểu Học, rồi Tiểu Học Bổ Túc những năm 1940, trong các lớp học vách lá nghèo nàn nơi các làng quê thường hay treo câu cách ngôn : ”Học như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi”. Nay nhớ lại anh có hơn ba mươi lăm năm dạy học, có lần nào anh dạy học trò câu ngạn ngữ này không, thưa anh ?
Buổi trò chuyện với anh tới đây kể cũng đã dài dù tôi còn muốn hỏi anh thêm nhiều điều nữa về tập thơ “Nghịch Lưu Của Tuổi”, nhưng sợ anh không có nhiều thời giờ, nên đành hẹn lại với anh vào dịp khác vậy . Xin chân thành cảm ơn anh đã giải đáp cho các thắc mắc trong cuộc trò chuyện này rất tận tình . Kính chúc anh có nhiều hứng thú trong con đường ‘nghịch lưu” của mình và chúc anh cùng gia đình nhiều sức khoẻ, vạn an.
NHC:
Kính anh Hai Trầu
Qua cuộc chuyện trò thật lý thú giữa ông Hai Trầu và gã Trai già Quảng
Nam nầy NHC rút tỉa ra được nhiều điều cần phải hoàn chỉnh hơn khi đưa tập thơ Nghịch lưu của tuổi
tới nhà in. NHC rất trân quý tình cảm trọng thị văn chương của anh nên phải vắt hết tinh lực để trả lời những chất vấn sát sạt của anh về những vấn đề xung quanh đời thơ NHC cũng như NLCT. Có gì NHC trả lời còn hàm hồ ,chung chung mong anh thông cảm thứ lỗi vì không thể làm gì khác hơn.
Nghịch lưu của tuổi để mong được hợp lưu của đời chứ chẳng ai muốn ''nghịch thiên giả vong '' đâu anh. Nhưng anh ơi lắm khi
phải chấp chịu mất để mà còn....NHC còn chờ anh vấn nữa nhưng
rất tiếc anh đã tuyên bố ngưng nghỉ rồi nên thôi chờ dịp khác vậy. Một lần nữa Nguyễn Hàn Chung thành thật tri ân anh đa quan tâm nhiều đến tập thơ đầu tiên trên đất Mỹ của NHC .
Kính gứi đến anh chị lời chúc sức khỏe . Nhân biết anh say mê hoa trái .hằng ngày cặm cụi bên luống cỏ, chùm hoa NHC quý tặng anh mấy câu cũng để tạm kết cuộc trò chuyên rất thú vị và bổ ích nầy ;
Cầm trong tay
một chùm hoa
Sắc màu tươi
có phôi pha một vài...
ném tung
vào
cõi trần ai
Mầm xanh
từ cánh hoa phai
cứa mình
Thành thật cám ơn anh vì những trao đổi rất bổ ích chung quanh bản thảo tập thơ NLCT của NHC
HT:
Anh Nguyễn Hàn Chung,
Một lần nữa cảm ơn anh viết tặng cho mấy vần thơ mang chút triết lý về nhân sinh, về cuộc đời nhiều ý nghĩa và cầu chúc anh cùng “Nghịch lưu của tuổi” luôn có mặt giữa dòng đời luôn dời đổi này …
Kinh xáng Bốn Tổng, ngày 26 tháng 3 năm 2011, đọc lại 23-4-2011
HT
(*) Toàn Thư theo An
Nam kỷ yếu . Lý Nguyên Gia sở dĩ xin dời phủ thành là vì thấy ở phía trước cửa thành có nước chảy ngược - tức là nước sông Tô Lịch, bấy giờ còn là phân lưu của sông Hồng, nên nước chảy từ sông Hồng ngược lên.
(**) Bài thơ này trong bài viết của nhà thơ Quỳnh Thi ghi tựa là “Bí mật tháng Giêng”