Sunday, January 29, 2023

LAN MAN CHUYỆN HỒNG...

Tố Nghi
 
Hoa hồng. Roses
 
…. hạp cảnh hạp mùa, còn mong hạp cả ý thi nhơn.
 
Hồng là màu, nhưng cũng là hoa. Tiếng việt tiếng pháp đều dùng chung chữ (hồng/rose) để chỉ hai chuyện khác nhau. Tiếng anh phân rõ, màu là pink. hoa là rose.
Tra trong nét, người tàu gọi màu là (sắc). Hóngsè là hồng sắc tức đỏ, là nguyên hết gam màu với sắc độ từ lạt tới đậm. Thêm xiẽ (xích), màu thành thắm tươi, thêm fēn (phấn) màu lạt độ. Fēn hóngsè, giản dị fēn sè (phấn sắc), là đỏ lạt, tức màu hồng VN không khác.
Hoa ngữ cũng phân biệt màu và hoa. Hoa hồng là méigui, hay mân côi. Từ chữ này, tín đồ công giáo mới xâu 50 bông hoa thành chuỗi mân côi (rosary, rosaire), siêng năng lần hạt khẩn cầu (… chưa từng nghe nói có ai đến sấp mình dưới chơn đức mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà đức mẹ chẳng nhậm lời...)
 
Hồng còn là động vật nữa nha. Theo lịch sử xuất xứ... hồng tàu hai chơn, tên là Hồng Tú Toàn, thảo khấu cường san hán gian thứ thiệt. Tìm miết chỗ đứng trong xã hội quan lại nhà Thanh hổng ra, Hồng bèn chớp thời cơ phất cờ khởi nghĩa, hô khẩu hiệu "phản thanh phục minh" rất ăn khách (biết giống ai hôn). Một chập, chưa đâu vào đâu, đã lẫm liệt dựng nước xưng danh "Thái bình thiên quốc". Xui quá xui, thiên quốc cáo chung về trời, Hồng Tú Toàn và đồng đảng cáo phó ra nghĩa địa.
 
Việt nam cũng tháp ra một loại hồng động vật khác, đông đảo, chạy đầy đường. Sương sương cản trở lưu thông xe sanh kẹt, trầm trọng hơn xe bể... ống khói. Tiền bối nương nương biểu dzậy. Nương nương có tay trồng ớt. Loại ớt mô bất kể, chừng vô tay bà y phép trái ra vị cay nồng, sắc màu đẹp bắt mắt. Đám nữ lưu nghe tiếng tăm tìm tới xin học hỏi, rồi được nghe cố vấn miễn phí. Bà dự tính viết cẩm nang trồng cấy, nhưng dang dở chưa xong đã cỡi ớt về trời.
Hồi sanh tiền, nghe nhắc hoài tới loại hồng mang tên "con sáu chơn". Tui hỏi bộ 6 chơn thiệt hở bác, sao ngó miết thấy chúng chỉ hai chơn y chang cháu hổng khác. Rồi nghe giả nhời, rằng 4 chơn kia tháp  trong nách, phải vén áo lên mới thấy đặng. Tui nói vậy kêu bằng con 6 chơn khiên cưỡng quá trời. Bà biểu thì vậy nên bác mới chọn cho chúng cái tên cúng cơm mỹ miều là... "con đĩ - ngựa".
Chuyện có thiệt hổng gian dối. Trường thiên tiểu thuyết “con sáu chơn” yên trí còn đầy sequels hãi hùng, dè đâu ngưng luôn tiến thẳng vào kết thúc !
 
Hồng thực vật, coi vậy hiền lành hữu ích hơn, tuy rằng hay bị phàn nàn chuyện gai làm sước da chảy máu. Ở những trự da độc có khi sanh nhiễm trùng. Theo như cách phân hạng ấy thì hẳn hồng bị tiếng oan. Nhiễm trùng hổng phải vì gai nhưng vì da, da lành thì cả trăm cả ngàn cái gai đâm dzô, chắc cũng hổng... tới nỗi.
Thực vật học xếp hồng vào họ Rosaceae, xuất xứ tiểu á trung đông và bắc phi châu từ thời thượng cổ. Tới đầu thế kỷ thứ ba theo đường tơ lụa đi cùng khắp.
Hồng thoạt tiên chỉ có chừng chục loại, hoa trổ đầu xuân tới giữa hè. Bông đầy hương sắc, mùi thơm dịu và ngọt, màu từ trắng sang đỏ đậm tới ngả  tím xanh oải hương. Thơm và đẹp nên rất được ưa thích, trồng bán khắp nơi.
Từ vườn, hồng còn chạy thẳng vào kỹ nghệ phấn hương. Do mùi không nồng thành không át giọng những hương khác, nên tinh dầu hoa hồng được dùng như nguyên liệu chánh pha chế nước hoa, kem bôi, phấn xức, thậm chí cả thức ăn thức uống trong kỹ nghệ thực phẩm.
 
Rồi để tạo những giống lạ và bắt mắt, cây hồng thoạt đầu chỉ tháp, sau còn lai giống để cho ra những loại mới. Tháp là giữ nguyên nhiễm thể, chỉ gắn thân cây này vô cây kia nhờ nuôi dùm. Lai giống là thay đổi nhiễm thể trong nhơn tế bào, nghĩa là thay đổi bông hoa từ gốc rễ.
Hồng tháp hồng lai có hình thể sắc hương hoàn toàn khác, nghe nói giờ con số đã lên tới chục ngàn rồi. Khoa sanh học tiến lẹ, giúp kinh doanh hoa phất lên, hồng được trồng và bảo quản trong nhà kiếng, cho hoa cắt quanh năm hầu thỏa mãn nhu cầu khách thưởng ngoạn.
 
Đám con trời ngó bộ hổng thương mến hồng như bọn da trắng. Dân gian trung hoa xếp hồng sau mẫu đơn, trà mi, hải đường, thậm chí sau cả thược dược. Lục tìm trong đường thi (văn thơ trung hoa thịnh nhứt thời này) kiếm lé mắt mà hồng cứ mờ mịt. Có thể vì cây hồng (thậm chí nguyên cả bụi) thân thấp, mỹ nhơn tựa vào hổng đặng; bông lại nhỏ hìu sao che nổi mặt hoa (đang thẹn thùa), nên rồi mới bị văn nhơn thi sĩ tàu ngó lơ... chăng ?
Dân việt ưu ái  hồng y chang đám âu mỹ, dám còn nhứt hạng luôn. Nếu phải tặng hoa, cứ chọn hồng là ăn chắc. Hoàn cảnh thời điểm nào cũng hạp, cả đám vui lẫn đám buồn (cưới xin, ma chay, chia tay, sanh nhựt, thăng ngạch, ốm đau...) cứ mang hồng tới là xong tất. Hoa hồng tượng trưng tình cảm tốt đẹp, màu sắc còn  kín đáo thố lộ ý chôn dấu trong lòng (trắng, hồng, vàng, đỏ...). Nên rồi hầu như hồng góp mặt hà rằm trong văn học việt. Cần mở ngoặc là ngoài những màu tự nhiên kể ra trên kia, nếu hồng có màu lạ khác, lục lam tím than hay đen chẳng hạn..., thì đây là chuyện loạn giác (vô tình lẫn cố ý) nên sanh loạn sắc, còn không thì là màu nhơn tạo phun thẳng vào bông hoa, hay vào nước cắm hoa.
 
Họ hồng đông nên hồng được chia đẳng cấp xã hội. Hồng làm hoa cắt là hồng qúi tộc, đài trang diễm lệ, tiềm tàng khả năng tạo thi hứng  - đứa kẹo kéo buộc phải ra tiệm mua hoa ôm dzìa biếu tặng, hồi móc bóp bỗng cảm xúc trào dâng... lòng đau như... dao cắt -
Hồng bình dân là hồng dại. Tiếng là dại chớ cũng phải trồng mới có cái ngó giúp vui, nhưng cắt làm hoa chưng thì khỏi, bị hương sắc hổng đặng khuê các như đàn chị trưởng giả.
Trong đám hồng dại nọ, có lẽ tầm xuân và tường vi là hai chi được nhắc tới nhiều nhứt. Chúng là anh em thúc bá của nhau. Tuy màu sắc in hệt, nhưng hìng dạng (thân lẫn hoa) khác nhau tí nẹo, muốn phân biệt cũng dễ
-Tầm xuân Rosa canina cây thấp, trồng thành hàng để làm rào giậu (giậu  tầm xuân). Là hoa đơn (đĩa hoa corona chỉ duy nhứt một lớp với năm cánh hoa) và hoa lẻ (đầu cành chỉ một bông, họa hoằn mới có 2)
- Tường vi Roca polyantha (tên khác : hồng tường vi) là giây leo, bám rào giậu (giậu tường vi) hay bám giàn (giàn tường vi). Là hoa kép, đúng hơn hoa đa (đĩa hoa nhiều lớp, số cánh cao, có thể lên tới hàng chục) và hoa chùm. Chùm hoa cho bông nhỏ, từ 7 tới 10 đoá. Nên rồi  tường vi còn thêm tên hồng tỉ muội (thất tỉ muội, thập tỉ muội) - và tầm xuân là dã tường vi -
 
*
Thi-nhạc giới việt y hình có huông, ai cũng nghèo ráo nạo. Tiền bạc chặn nguồn cảm xúc. Hồi nghèo, thi hứng nhạc hứng tuôn tràn, chừng bớt nghèo (chỉ bớt thôi heng) là y phép... tịt hứng ! Rồi nghèo vậy, khả năng đâu ra mà chạm tới hồng qúi tộc. Chưa kể có ông ngon lành, ngó đám qúi tộc bằng nửa con mắt, khi dể ra mặt. Xong mần màn đấu tranh giai cấp, day sang ngó tường vi.
 
Tức cảnh sanh tình, tức tình sanh thơ nhạc, nên văn học nghệ thuật thấp thoáng bóng tường vi.
Hồi nẳm Hoàng Qúi viết bản "Cô Láng Giềng "... năm xưa khi tôi bước chân ra đi, đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi, em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi, đừng nói đến phân ly...”  Đi bao lâu hổng biết, chừng dzìa thì em đang kéo hoa ly theo chồng. Cả đẫn tới hàng tường vi cũ, ngó hoa ngậm ngùi... “... đành lòng naу tôi bước chân ra đi, giơ taу buồn hái bông hồng tường vi, ghi chút tình em hứa chờ đợi tôi, giờ thôi đã phân ly...”
Hẳn còn những bài nhạc tường vi khác, nhưng tui hổng được nghe nên hổng biết.
Còn bài Ngũ Ngôn nọ là bài thơ tường vi thứ nhứt.
 
http://phovanblog.blogspot.com/2023/01/ngu-ngon-tuong-vi.html
 
Hỏi thích không thì biết, nhưng tại sao thì ấm ớ, bởi xưa rày thi ngữ tui bí lù.
Kiếm nét coi văn và thơ được cắt nghĩa là chi, chúng giống nhau, khác nhau chổ nào. Đọc ngất ngư nhiều chập vẫn trật ờ, chỉ hiểu rõ một điều : Văn thơ nên và phải nên phát sanh từ cảm xúc. Cảm xúc do đó là cốt lõi, là linh hồn, là thần khí của thơ văn.
 
Thơ khó hơn văn vì thơ có những qui luật riêng phải tuân thủ. Câu và chữ gò bó trói buộc ý thơ, biến thơ thành cô đọng. Âm và điệu còn làm thay đổi cả "hơi thơ". Dưng không thơ biến thành cô gái "xấu đẹp tùy người đối diện", tánh nết khó khăn, dấm dẳng kén cá chọn canh, hổng phải ai cũng cho tới gần chạm vào -  mà cho chưa chắc đã có ai dám gồng mình... thử !
 
Cảm xúc tạo thi tánh (cho cả thơ lẫn văn). Qui luật tạo nhạc tánh. Nhạc tánh có âm hưởng (harmony) và tiết tấu (rythm), chắp cánh cho cảm xúc bay cao, dễ chạy vào tim óc độc giả, cắm dùi ở lợi.
Thơ văn không cảm xúc do thiếu cánh thành hổng thể bay, có cố gắng lấy đà nhảy tưng lên thì cũng rớt xuống cái ạch - kêu ambulance chở vô cấp cứu rồi gọn lẹ mang ra nghĩa địa, để chủ nhơn tác giả còn rảnh đầu óc tay chơn mà sáng tác... nữa -
 
Nhạc tánh của thơ giúp thơ hóa thân thành nhạc, để những đứa trình độ thơ thiếu thốn đỡ vất vả, ngó vào mà chậm chạp màn thẩm thấu thơ (ai hở, còn hỏi).
Kết quả : Ngũ Ngôn Tường Vi biến thành tấu khúc Theme and variations, viết ở cung ngũ ngôn.
Theme and variations, theo đúng tên gọi, là kỹ thuật dựng chủ đề kêu bằng theme (theme chánh), xong tạo ra các themes phụ từ theme chánh, để hình thành những variations. Khác các tác phẩm đồ sộ bài bản (symphony, concerto, sonata...) Theme and variations là những tiểu phẩm ngắn, giản dị, dễ chơi dễ nghe, không nhằm mục đích thưởng thức nhưng giải trí nhẹ nhàng.
 
Về hình thức, theme chánh bài thơ là "tường vi", xuất hiện ngay đề tựa.
Sáu variations, viết tắt là V,  chứa 6 themes phụ,. Đoạn chuyển transition ngắn, chỉ 1 câu dẫn ý thơ (hường ơi. đã sớm mai), Và đoạn coda 2 câu kết thúc.
Trong 6 variations, hơi thơ liền lạc với tempo liên tục giảm... V1-vivace, V2-allegretto, V3-andante, V4-adagio, V5-largetto, V6-lento... Cảm xúc lắng dần, sâu xuống, rộng ra.
Hai câu coda (tưởng rằng sẽ cất giữ - tường vi đâu xuân thì) lập lại ý của variation thứ 6 cuối cùng.
Bài thơ không có chữ hoa, không dấu, ngay cả dấu chấm hết (cuối câu). Dấu chấm giữa câu, nếu có, chỉ để ngắt hơi ngắt ý. Ngó chừng... đây là đặc điểm (và độc điểm) thơ Nguyễn Xuân Thiệp... có lẽ ?
 
Coda kết thúc bài thơ là tiếng thở dài nhẹ....
Chấm câu còn hổng có, nói chi tới chấm than.  
Đọc xong hồi lâu rồi mà nghe chừng âm vẫn vọng vang không dứt !
 
Năm mới chúc toàn phố an khương.
 
TN
2023/01/22 

No comments:

Post a Comment