Tuesday, June 12, 2018

NHỚ ANH, TÔI ĐI TÌM NHỮNG TRANG SÁCH


Đặng Mai Lan

Sách của Nguyễn Xuân Hoàng

Ở một nơi xa, nghe tin anh đau nặng… Cả ngày tôi ôm cái tablette, vào internet, mở hết trang nhà này đến trang nhà khác, mặc dù tôi đang có quá nhiều bận rộn. Nhưng lúc này là lúc tôi cần đọc cái gì đó. Một bài tùy bút, một bài thơ, hay một truyện ngắn. Tôi cần chữ như cần nghe tiếng nói vì chung quanh tôi thinh lặng quá. Tôi cần chữ, chữ sẽ dẫn tôi đi đến nơi mà tôi muốn. Nơi, không biết gọi là gì?

Bruxelles, thành phố tôi đang tạm trú hình như thời tiết không ân cần nồng nhiệt với sự có mặt của tôi. Phố thường ủ dột bởi sương mù, ướt át với những cơn mưa nhanh, mưa chậm. Bây giờ thì trời âm u gió. Mùa hè, hè chan chảy trên mọi ngã đường nên phố vắng tanh vì thiên hạ rủ nhau đi tắm nắng ở những bờ bãi xa, những công viên gần, tận hưởng mặt trời rực rỡ ban phát ánh nắng, nhưng cũng đồng nghĩa chạy trốn cái nóng mà rõ ràng ai cũng mong chờ sau những ngày mưa tuyết lê thê.

Tháng tám là tháng nóng nhất của mùa hè. Thế mà hôm nay trời trở gió. Gió này là gió trái mùa, gió chướng. Từ khung cửa nhìn ra, thấy gió cợt nhã trên những tàng cây. Gió rền rỉ …ư… ư… a…a… Ung thư, Sarcoma! Ôi lời của gió hôm nay!

Nơi này không phải của riêng tôi. Ở đây, tôi cảm thấy như mình lại ly hương thêm một lần nữa. Tôi đang sống đời " đất khách quê người". Bếp nhà không có chai nước mắm, lọ tương ớt, hay bún, miến… Vớt vát được một chút tình quê là gói gạo nho nhỏ mua ở siêu thị và chai xì dầu Pháp. Lấy đâu ra sách báo Việt ngữ, mà lúc này, sao tôi thèm được cầm một cuốn sách trên tay, thèm đọc quá.

Vâng, nhớ tới anh, tôi thèm được đọc một cuốn sách.

Sáng thức sớm, còn nằm trên giường, mở tablette như thói quen, một món ăn đầu ngày. Nhận thư anh Phùng Nguyễn. Thêm một tin mới về Nguyễn Xuân Hoàng. Lướt vào facebook, tìm trang của cô Vy, vợ anh, đọc rốt ráo những nhắn gửi chia xẻ từ những người bạn của anh… Không lẽ ngắn ngủi vậy sao? Chỉ còn vài tháng ?

Những văn hữu của anh, của tôi đang kêu gọi làm một tuyển tập cho anh. Thực ra, từ khi nghe anh bệnh tôi đã có ý viết cho anh, mực đen giấy trắng đàng hoàng. "Meo miếc" để làm gì? Tôi muốn thời gian quay ngược lại. Tôi muốn viết một thư dài gửi anh qua đường bưu điện, gửi anh vài tạp chí Lire hay Paris Match, thêm gói cà phê Carte Noir như đã từng… để bù lại một khoảng thời gian quá dài tôi và anh hầu như không còn thường xuyên liên lạc nữa. Tại sao lại như thế nhỉ? Tình thân, sự gắn bó không phải là trò chơi, cuộc chơi để một lúc nào kết thúc. Nhưng hai chúng tôi quả tình đã có một nơi để rong chơi lý thú, một khu rừng nhỏ với những sân cỏ mượt mà, lá hoa chữ nghĩa. Thế mà tôi đã quay đi, anh quay đi. Không nhớ ai là người đã ngừng cuộc trước. Khỏi đổ thừa cho hoàn cảnh, cuộc sống đẩy đưa. Cứ kể như khu rừng ấy, rừng xưa đã khép.

Tuyển tập cho Nguyễn Xuân Hoàng! Thời hạn từ… đến…. Mọi người đang nắn nót những con chữ. Viết gì? Trối trăn với anh ? Bày tỏ tình cảm? Sao từ nào giờ không tỏ, giờ nghe anh đau nặng mới bày… Tôi không muốn lắm chuyện này. Anh vẫn còn hiện diện. Viết để động viên tinh thần anh, viết để tỏ tình. Nhưng viết gì để có thể làm dịu được cái đau mà anh đang chịu đựng? Sao nghe như lời chia tay. Tôi chợt khựng lại với đề nghị này.

Đọc những bài viết đăng trên Da Màu. Ngoài vô số kỷ niệm, những phê bình văn chương của anh, còn có những sáng tạo, vẽ lên hình ảnh người vợ yêu của anh. Một tình yêu nồng nàn "bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu" mà bất cứ ai quen anh đều nhìn thấy.

Tôi chung thủy với báo Văn từ thời Mai Thảo. Nhưng không thể nói là tôi chỉ quen anh và trở nên thân thiết kể từ khi nhà văn Mai Thảo qua đời để lại tờ Văn cho anh nắm giữ.

Khoảng thời gian anh điều hành tờ Văn, cho đến khi đình bản, và nhiều năm sau nữa… Chúng tôi, ông chủ bút và tác giả cộng tác đã có một thời gắn bó dài lâu như thế. Biết bao nhiêu chuyện giữa Paris và Cali được kể trong những điện thư gửi qua gửi lại mỗi ngày. Tôi đi qua đó, anh đến nơi này, Paris và Cali cũng có tôi cùng anh.

Nhưng không biết có nên nhắc đến Sài Gòn?

Sài Gòn, ngày xưa, tôi gặp anh hàng tuần ở một ngôi trường nổi tiếng về ban C, trường nằm ngay trung tâm phố, quy tụ toàn những giáo sư tên tuổi về môn triết. Thầy Nguyễn Xuân Hoàng là một ông giáo sư bảnh bao nhất trong những vị thầy lớp tôi thuở đó. Thầy chỉ mặc chemise trắng, luôn ngồi ở mép bàn, nửa ngồi, nửa đứng khi giảng bài. Giảng bài mà như trò chuyện với học trò. Thầy dạy môn tâm lý, đẹp trai, phương phi hồng hào, hay liếm môi sau những lúc ngừng giảng. Đã có cô nữ sinh xinh nhất lớp nhái theo động tác này. Chắc hẳn thầy cũng nhận ra điều đó. Nguyễn Thị KT, tên cô học trò nghịch ngợm và hình như phải lòng thầy mà tôi bặt tin cô từ năm 1975 tới giờ. Chẳng phải riêng KT, cũng có vài đứa khác mê thầy, ái mộ thầy theo nhiều cách. Chúng nó tìm đọc những tác phẩm của thầy và phê bình loạn xạ. Có đứa bĩu môi, ông viết ghê quá! Tôi không hiểu thời đó tôi nghĩ về anh như thế nào nhỉ? Tôi cũng lớn rồi, tôi mê ai lúc đó mà sao không chịu mê thầy? Có lần anh trêu tôi như thế. Quả tình tôi không quan tâm về anh, nên chẳng tìm đọc những gì anh viết. Tôi với KT vẫn dám theo thầy NTV ra uống cà phê ở cái quán cóc gần trường, nhịn quà để mua cuốn sách đọc xem ông Phạm Duy đã chết như thế nào? như thầy NTV đã phán! Có lẽ lúc ấy tôi hay nghe nhạc Phạm Duy và vẫn còn mê đọc những loại sách dành cho học trò mới lớn của nhà văn Duyên Anh. Nguyễn Xuân Hoàng xa vời trên mây, cao quá, tôi chưa với tới. Sau này, nhớ lại cái "ghê" trong truyện ngắn "Dưới Tàng Cây Trứng Cá" của thầy mà đám học trò bàn tán, tôi tìm đọc lại và phì cười. Truyện nói về một nhân vật nam, khi nhìn thấy cô bạn gái đang ngồi giặt quần áo, có những thứ đồ lót đã làm anh nhớ lại những lúc anh vò nát chúng trong tay. Đúng là tuổi học trò, và những tiểu thư còn thích ô mai. Ghê là phải!

Thầy đa tình lắm, điều này chắc người nữ nào quen với thầy đều phải nhìn nhận. Cái đa tình làm thăng hoa đời sống những phụ nữ, có sao đâu! Đẹp trai vậy mà không đa tình thì đẹp lãng xẹt. Có người nói thế. Đa tình nên thầy mà không thích được gọi là thầy. Có lần tôi nghịch ngợm gọi thầy xưng con. Lễ giáo Sư Môn đúng nghĩa. Anh nói, "Tôi với cô là hai nhà văn đang nói chuyện với nhau, không có thầy trò nào ở đây." Rồi anh còn cho rằng tôi bặm trợn, chẳng dịu dàng lãng mạn như những gì tôi đã viết. Tôi nhớ mãi chữ "bặm trợn" này. Nghe rất khoái. Khoái hơn chữ "cực kỳ lãng mạn." Tôi thích cái cách hay hỏi ngược lại của anh. Tôi học nó để đối phó mỗi khi lúng túng trước những câu hỏi.

Trò chuyện với anh, nghe giọng cười to, cho thấy anh là người rất lạc quan vui vẻ. Nhưng trong những mail anh viết, anh luôn là một người chán chường, bi quan. Tôi nhớ khoảng thời gian sau này anh hay nói về cái chết mà có lúc tôi cho rằng anh "nhõng nhẽo" vì cứ dọa chết hoài. Anh nói tôi hãy gọi anh là Đông Hoàng, đừng là Xuân nữa, mùa xuân đã qua. Lúc ấy nghe vui tai, giờ nghĩ lại sao buồn quá!

Nhớ anh, tôi thèm đọc một cuốn sách. Tôi tìm chữ, tìm tôi cũ trong những ngày tháng miệt mài viết bài gửi cho anh. Những ngày thân thiết vô cùng. Những ngày của chữ, của Văn …

Chữ ơi, tôi muốn nói cùng anh, ở một nơi xa,

Tách trà nguội và một sáng âm u
Gió rên rỉ …ư.. ư… a…a…
Ung thư, Sarcoma, tin buồn tháng 8
Từ bao lâu, chỉ rặt những tin buồn
Tuổi của anh và tuổi của tôi, như thế đó!
Mai mốt rồi cũng đến phiên tôi.
Từ bao lâu anh chỉ than vãn sự già nua và cái chết?
Xuân không còn huy hoàng như anh nói
Nhưng Đông, trắng xóa,
Đâu phải chỉ riêng anh.
Những sợi tóc trên đầu tôi mỗi ngày mỗi mỏng
Rụng dần từng sáng từng chiều.
Thời gian đã bạc, chờ rụng thiên thu
Còn lo chi bạc tóc
Phải thế không anh?
Tôi đang đi tìm những con chữ
Chữ để thành lời,
Dù tôi biết, chẳng lời nào xoa dịu cái đau đớn của anh
Những con chữ của riêng tôi
Nơi những trang sách cũ
Những con chữ gắn bó một thời, tôi và anh.
Ở một lớp học xưa, hay những chỗ ngồi ấm êm , quán hàng, phố xá…
Những gói cà phê thơm, Lire, Paris Match…
Từ Paris đến Cali cũng mang theo những con chữ
Tất cả, bằng những con chữ.
Mối tình của chúng ta.
Văn. Văn. Tôi nhớ anh!

Nhớ anh, ở nơi xa này, tôi biết làm gì hơn là tìm về những trang sách cũ, có tôi và có anh.

ĐẶNG MAI LAN
Bruxelles-Paris tháng tám, 2013.


Nguồn: http://damau.org

No comments:

Post a Comment