Monday, June 11, 2018

NHÌN LẠI NHỮNG TRANG 'GHI CHÉP LANG THANG' CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC.


Bạch Tiên


Soạn tâm thế an nhiên khi bước vào tuổi già, nhẹ nhàng đón đợi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống... là điều mà trang viết của vị bác sĩ mê văn thơ đem đến cho độc giả.

Đúng như tên gọi của tập sách, Ghi chép lang thang là tập hợp những bài viết ghi chép những điều mắt thấy, tai nghe, những cảm nhận chân thực, chia sẻ chân thành của Đỗ Hồng Ngọc trên đường "lang thang" với đời, với nghề.

Đó có thể chỉ là một buổi ông tìm kiếm băng đĩa ở một cửa tiệm nào đó để rồi thích thú phát hiện ra những tên gọi mới cho loại nhạc mà mình yêu thích: "Sến Già Nam", "Sến Già Nữ". Từ đó tác giả nói dài, nói rộng ra và hoài niệm về những bài hát, những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng một thời mà bây giờ bị giới trẻ đóng mác là "sến".

Với góc nhìn của một bác sĩ cũng như một người nghiên cứu, người làm văn hóa, tác giả giúp người đọc hiểu được sự quan trọng của việc một sinh linh bé bỏng hình thành trong cơ thể của người mẹ. Việc thay đổi tâm lý, tu tâm dưỡng tính của người mẹ để chuẩn bị đón đứa con sắp chào đời để rồi mới có câu "Con vào dạ, mạ đi tu".

Tác giả cũng chia sẻ về những kỷ niệm, dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình, về cuốn sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê đã làm thay đổi cuộc sống ông như thế nào. Cuốn sách đó giúp một cậu bé mười lăm tuổi, thất học, phụ mẹ bán hàng xén vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm học hành và trở thành một bác sĩ, một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa của ngày hôm nay. Từ chia sẻ ấy, con đường văn hóa của Nguyễn Hiến Lê được nối dài, "những hạt mầm đã vươn lên".

Hay đó chỉ là những cảm xúc về vở kịch Thiên Thiên của Việt Linh. Những cảm nhận của bạn đọc cũng như suy nghĩ của tác giả về cuốn Già ơi… Chào bạn! của ông. Hoặc những bài viết thú vị về Thiền, vận dụng “Kim Cang” vào cuộc sống hàng ngày.

Tuổi già và nhận thấy mình già có lẽ là điều không vui vẻ gì so với nhiều người. Nhưng Đỗ Hồng Ngọc lại khác. Ông nhìn trực diện vào tuổi già, viết nhiều về tuổi già, từ những ghi chép ngắn cho đến cả quyển sách về tuổi già. Những bài viết ấy cho thấy một Đỗ Hồng Ngọc chấp nhận mình đã già, hiểu luật sinh tử, phân tích về tuổi già, xét trên nhiều góc độ như y học, văn hóa, tôn giáo… nhưng với cái nhìn hoài niệm của người già nhớ lại những chuyện xưa, người cũ nhưng vẫn hài hước, lạc quan:

"Lá cứ rụng rồi lá cứ xanh. Hoa cứ nở rồi hoa cứ tàn. Trăng cứ tròn rồi trăng cứ khuyết... Cho nên, chỉ già thêm chút nữa, rồi già thêm chút nữa... nữa với mỗi người, thế thôi".

Ông cũng bắt đầu những chuyến đi, những ghi chép lang thang về cảnh, về người, chuyện mình, chuyện người. Từ La Gi đến Phan Thiết, núi Tà Cú, xuống Vũng Tàu rồi ngược lên Đà Lạt, leo lên Bà Nà rồi về Đà Nẵng, ra Huế, đi Sa Đéc... những chuyến "giang hồ... vặt" của tác giả mang lại cho ông bao nhiêu kỷ niệm.

Cuốn sách còn ghi lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ của tác giả về những ngày làm việc, những ngày đang sống của mình. Từ những buổi sinh hoạt văn nghệ, những ghi chép vội vã về những chuyến đi, những ngày lang thang Sài Gòn để nhớ chuyện cũ, người xưa... mới thấy tác giả đi nhiều, gặp nhiều và "cảm" nhiều chuyện mình, chuyện người.

BẠCH TIÊN
(Nguồn: VNExpress)

No comments:

Post a Comment