nguyễnxuânthiệp
Sunny
Saigon. Photo by Aron Tock
Nơi phố xưa anh về…
Chỉ
là tưởng tượng. Nhắc lại một câu đã viết năm nào: Làm sao về được khi bóng
chúng còn trên tiền trường sân khấu.
Mà
nơi phố xưa ấy là nơi đâu? Ở Sài Gòn, tất nhiên. Là con đường Tự Do (Catinat)
từ bến Bạch Đằng chạy lên tới Nhà Thờ Đức Bà và Nhà Bưu Điện. Nguyễn cũng như
bao chàng và nàng khác ở cái thời xa xưa ấy từng nhiều lần qua lại những nơi
này. Phòng trà Mỹ Phụng nơi đã nghe hát Chiều
xóa thành đô/thế nhân bàng hoàng/giong hát lời ca ôi sao nhịp nhàng…* Rồi
khách sạn Majestic nơi Thanh Tâm Tuyền thường ngồi uống cà phê… Passage Eden
với những cửa hàng và rạp chiếu bóng. Phòng trà Tự Do như còn vang giọng ca
Bạch Yến với Đêm Đông** và Xin Mặt Trời Ngủ Yên***. Mà nói tới con
đường Catinat là phải nói tới những hàng me rợp bóng -nay còn không hở người cố
cựu. Và Brodard. Và Givral và Khách sạn Continental. Nơi đây mình thường đón
Dung đi taxi tới và rồi cùng nhau tay nắm tay dạo chơi phường phố. Nguyễn Đình Toàn
ngày ngày ngồi buồn trên căn gác ở Quận Cam bây giờ chắc không ngừng nghĩ tới
cà phê La Pagode và một thời viết văn làm Nhạc Chủ Đề. Đi nữa ta sẽ tới Nhà Thờ
Đức Bà và Bưu Điện Sài Gòn. Đây là nơi quá quen thuộc với Nguyễn. Mình và Dung
thỉnh thoảng ngồi ăn bò bía trước nhà thờ nhìn những chú bồ câu đáp xuống kiếm
thức ăn. Bên kia đường trước Bưu Diện có một kiosque bán bánh, nay còn không.
Nhưng
thôi, trí nhớ của mình không còn đủ sáng để thấy lại hết những hình ảnh của một
thời. Xin dừng đây nhường lời cho Thụy Vi nói về Sài Gòn thuở ấy. Mình đọc Thụy
Vi đã lâu đặc biệt chú ý tới Hầm Nắng nơi cô ngồi viết văn. Vừa qua lên Văn
Chương Việt gặp lại Thụy Vi và những ký ức về Sài Gòn làm mình xức động, xin
ghi lại một hai đoạn sau đây:
“Tôi
nhớ những con đường cụt có hai hàng cây phủ um bóng mát. Tôi nhớ những góc phố
xưa. Tôi hy vọng người ta chưa xử tệ nó. Những con đường ngắn đủ để đi bộ.
Những con đường ngắn châu đầu nhau nơi góc nhà thờ như câu thơ Haiku. Đẹp. Vài
chữ đã xuống dòng. Những con đường ngắn. Khi chân vừa mỏi, kịp để dừng lại
trước bức tượng Đức Bà bằng cẩm thạch trắng do nhà điêu khắc lừng danh G.
Ciocchetti tạc tại Ý. Đứng hồi lâu cho trái tim đập chậm lại vì nỗi choáng váng
của một cơn vui bất ngờ. Tôi tiếp tục bước. Bước thật chậm. Bước một vòng. Cơn
vui như càng huyên náo khi thấy từng viên gạch trần đỏ au của ngôi thánh đường
còn y nguyên. Thèm được ngồi xuống nơi bậc tam cấp tòa Bưu điện. Có khi ngồi đó nhìn người Sài Gòn
loang loáng trước mắt. Hoặc để hy vọng bắt gặp lại mùi thơm của từng khuôn Pâté
Chaud vàng ngậy năm nào nơi góc đường. Có khi chỉ ngồi là để ngồi. Có khi là để
đợi. Đợi một buổi chiều đi qua. Đợi mặt trời nồng nàn đi qua, những vách tường
màu gạch tôm cao ngất của khu Thánh đường sáng lên bỡ ngỡ. Và trời, trời như một
ngày nào trẻ thơ cao vút mênh mông trên đầu tôi – như trang trải của mộng mơ và
tình tự.
“Lòng
tràn đầy những ý tưởng thất vọng do trở về muộn màng không kịp nhìn những nơi
chốn thân yêu…Những quán cà phê của một thời SàiGòn không còn như La Pagode, quán
cà phê Cái Chùa nằm trên góc chỗ ngả tư Lê Thánh Tôn và Tự Do. Nhớ Givral từng
được đem vào tác phẩm văn học của Graham Greene – Givral cũng được xuất hiện
trong trường đoạn của cuốn phim Người Mỹ Trầm Lặng cũng bị phá bỏ rồi. Nhớ
Brodard bây giờ thay kiểu, đổi màu mất tên. Những nơi này đã ghi dấu nhiều nghệ
sĩ lẫy lừng trong văn học, thi ca, họa sĩ,
phim kịch, nghệ thuật cùng những nhân vật tai mắt trong chính trường, xã
hội của Sài Gòn một dạo - Những nơi này lẽ ra phải được giữ gìn. Mặc dù tôi cũng biết Hoàng Gia. Quán Gió.
Chiều Tím. Quán Văn. Thằng Bờm biến mất. Passage Eden có rạp ciné Eden 2 tầng lầu xưa nhất Sàigòn đang hấp hối, hay
tan tành trong đống gạch vụn. Building Tax. Crystal Palace. Rex đã được tô
phết. Trùng tu – Tôi không có cảm tình với hai chữ này - Với tôi, trong xã hội
này nó vừa đồng nghĩa với hủy diệt, với xa lạ, với xót xa. Tất cả không còn là
những mắt nhìn thân quen của tôi xưa. Của một thuở Trà Hoa Nữ, Love Story mộng mị….”
Còn
nhiều, còn nhiều nữa. Sài gòn, nơi chốn xưa… Làm sao thấy lại những bông sứ máu
ngoài bến Bạch Đằng. Đâu, đâu rồi đàn
chim én vẫn bay đầy trời chiều đường phố Sài Gòn như trong thơ Thanh Tâm
Tuyền. Bao giờ có lại ly nước mía Viễn Đông, ngồi ở vỉa hè Kim Sơn, đứng đọc
sách báo trong nhà sách Khai Trí và Xuân Thu. Tất cả dường như đã thay đổi,
chẳng còn gì. Nguyễn Xuân Hoàng sinh thời trong một lần về lại Sài Gòn đã không
thấy lại dấu tích xưa. Không, chẳng còn gì. Nevermore…
NXT
*Đường Chiều của Hồng Duyệt.
**Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương
***Xin Mặt Trời Ngủ Yên của Trịnh Công Sơn