Saturday, May 13, 2017

DẠY CON TIẾNG VIỆT II


Tố Nghi


(tiếp theo)
Chuyện đi nhà thờ đọc sách thánh cho khóa lễ ngày chúa nhật bạn nói dễ òm ha. Kẹt cái ... nhà thờ cách nhà tới gần hai tiếng lái xe lận. Mùa hè còn dễ, mùa đông thì quả là có khó khăn. Đi về coi như là "tiêu" hết cả ngày chúa nhật ! Mà còn bao nhiêu thứ khác phải làm ! Chú thím Râu thấy con tấn tới trong sự nghiệp Việt Ngữ thì mừng nhưng công việc nhà trong tuần bỗng cứ dồn lại, không cách chi giải quyết cho xong ! Lúc còn đang tiến thoái lưỡng nan thì ... may quá, Chúa thương (!) bỗng ông cha sở đổi đi tỉnh khác xa lắm. Mọi sự có Chúa lo liệu, nay Chúa không lo nữa thì ... chú thím Râu phải tự lo lấy. Từ sách thánh, con chú Râu nhảy phóc qua đọc thơ ... Nguyễn Bính.

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau một dậu mồng tơi xanh dờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Nếu đừng có dậu mồng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng

...................

Chẳng bao giờ thấy nàng cười
Nàng đang hong tóc bên ngoài mái hiên

Mắt nàng đăm đm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi
. . . . . .
À cái này thì nó hiểu lơ mơ - Chuyện trần thế dễ hiểu hơn chuyện nước trời là cái chắc - Vậy đó, nhưng lắm khi cũng có vấn đề.

Hồi I :
Nàng là gì ha mẹ ? À nàng là đàn bà con gái, là cô là em. Thế mồng tơi là gì ? À mồng tơi là một loại rau xanh dùng để nấu súp. Thế dậu là gì ? À dậu là cái hàng rào, hàng rào ni làm bằng rau mồng tơi. Thế rau mồng tơi nó ra răng, còn dậu mồng tơi nó bao cao hả mẹ ? À ... à ... cái này thì phải chờ hỏi ba con.

Hồi II :
Cô đơn là gì hả ba ? À cô đơn là một mình, hổng có ai bên cạnh. Vậy sao ở đây có hai người mà cũng cô đơn, hai người sống giữa cô đơn ? À họ hai người mà ở cách nhau cái dậu mồng tơi thành ra họ cô đơn. Vậy thì cô đơn buồn ha ba ? Buồn chớ con gái, một mình làm sao mà vui cho được. Vậy rồi sao ba ở kế mẹ mà lâu lâu cứ nghe nói ba cô đơn ? À .. à .. à ba cô đơn vì ba ... mệt ! Tại sao cô đơn lại mệt ? À vì cô đơn thì phải làm hết công chuyện nhà, làm hoài thì phải mệt chớ !

Hồi III :
Họ là lối xóm mà sao hổng chơi với nhau ? À, tại vì có dậu mồng tơi cản đường qua hổng được. Sao mình hổng đi cửa trước bấm chuông ? À, ở VN hồi đó chưa có chuông. Sao mình hổng phôn trước ? À, hồi đó cũng chưa có phôn luôn ? Sao mình hổng gõ cửa ? À, gõ cửa thì dám nàng hổng nghe, bị nàng còn đang mắc hong tóc. Hong là chi, tóc làm sao mà phải hong ? À hong là phơi cho khô, nàng gội đầu tóc ướt nên phải hong cho khô. Sao không lấy đồ xì tóc cho lẹ ? À, hồi đó chưa có đồ xì tóc.

Hồi IV :
Tại sao kêu bằng nàng ? Rzzzz ....
Xanh dờn là xanh làm sao ? Rzzzzz ... rzzzz….

Những vấn đề chẳng có chi to lớn nhưng thiệt cũng ... nhức đầu. Con nhỏ hỏi thì hỏi tới cùng, khi ba nó hết câu trả lời thì thím Râu cứu bồ chồng bằng cách dòm đồng hồ và nhắc nó vào giường đi ngủ.

*

Một lần trước khi ra khỏi nhà, thím Râu viết thư để lại cho con dặn dò một số chuyện, Ôi, vinh danh chúa, con nhỏ đọc ron rót và làm đúng lời chỉ dẫn của mẹ. Chú thím Râu mừng thiếu điều muốn khóc. Nhưng ... lúc thím muốn nó viết một cái thư ngắn bằng tiếng Việt thì con nhỏ trật ờ. Té ra nó viết không được vì nó không biết cách ghép vần. Thế là phải đi lại từ đầu, có điều đi thế này thì cũng lẹ. Những đứa sau, rút kinh nghiệm, chú Râu dạy con đúng bài bản đâu đó đàng hoàng, chậm nhưng mà chắc.

Dĩ nhiên cũng có những "sự cố", sau đây là một : thằng Út lên biểu diễn bài Cái Nhà Của Ta trong ngày hội tết, đang hát ngon lành, tới câu cuối thì nó quên sao đó (mà hổng biết là mình quên), thay vì "muôn năm với nước non nhà" thì nó cứ thản nhiên hát thành "muôn năm lấy nước lau nhà ". Khán giả vỗ tay huýt sáo inh ỏi, thằng nhỏ tươi như hoa, ngó thiệt tức cười ! Chú Râu sau đó hỏi con: Tại sao lại lấy nước lau nhà? Nó trả lời tỉnh bơ: Chắc tại nhà dơ đó ba !

Nghe nói một số trẻ em mắc cỡ không muốn nói tiếng Việt với cha mẹ anh em lúc ra ngoài. Con chú Râu thì ngược lại, chúng hào hứng xì xồ tiếng việt, chúng biểu thế là "lucky" lắm vì mình muốn nói cái chi "secret" thì cũng hổng cần phải nhỏ nhẹ thầm thì, bị hổng có ai hiểu gì ráo! Lắm khi người e ngại lại chính là cha mẹ chúng, vì sợ xung quanh hiểu lầm là mình đang nói về họ, thành ra rồi chú thím cứ phải giải thích trình bày mãi.

Chuyện học tiếng Việt như thế coi như cũng tạm xong. Vấn đề thiệt ra không phải dừng ở đó, vì tới khi chúng lớn hơn chút nữa, do nhu cầu và hoàn cảnh, có thể chúng sẽ không còn dịp để nói tiếng mẹ đẻ nữa hổng chừng, thì rồi liệu rằng vốn liếng việt ngữ của chúng có sẽ rơi rụng dần ? Ai mà biết được, cái đó thì chỉ còn biết ... trông cậy Chúa !
TN

No comments:

Post a Comment