Wednesday, January 11, 2017

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH, NGƯỜI NỐI ĐƯỜNG TƠ…


Trần Thị Nguyệt Mai


Nguyễn Thị Khánh Minh. Đinh Cường vẽ

Ở cuối mỗi điện thư, chị thường ký tắt km, chữ nhỏ, không hoa. Là “khánh minh”. Ai cũng hiểu như vậy. Nhưng bỗng một hôm anh Đỗ Hồng Ngọc khám phá ra: km là kí-lô mét.

khánh minh viết tên mình
km khiêm tốn
thư từ bè bạn
nhiều lúc đọc nhầm
thành kilomet
nhiều lúc hỏi thầm
từ đây đến đó
bao nhiêu khánh minh?
(km - đỗ hồng ngọc)

Khám phá này thật hay và cũng thật đúng với “tên” của chị nữa. Vì, bằng trái tim mẫn cảm và ngòi bút thơ mộng, chị đã như một gạch nối đưa thơ văn vào trong tim người đọc với những bài giới thiệu thật đặc sắc. Và, hẳn nhiên, tác giả rất cảm động vì được chia sẻ. Như là: “Nguyễn Lương Vỵ, người thơ hát âm”, “Bất chợt thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Và gió…”, “Du Tử Lê, dòng sông hẹn hò biển cả”, “Lữ  Quỳnh, Thơ. Và con mắt của giấc mơ”, “Lữ Kiều, chàng lãng tử của thời gian”, “Khuất Đẩu. Và cõi đẹp”, “Phan Tấn Hải. Người Tới Như Mộng”, “Lê Giang Trần. Chiếc vòng kim cô nhớ”, “Vũ Hoàng Thư. Hạt Nắng Phiêu Du”, “Hoàng Xuân Sơn. Quỳnh ơi, hồn nhiên một đóa...”, “Ngoại chờ bên kia sông”, “Trịnh Y Thư, lắng nghe hài cỏ”, “Nguyên Minh, chân kiến dặm trường”, … [1]

Nhớ có lần anh Khuất Đẩu nhờ giới thiệu sách của anh trên blog TTNM theo mẫu do Tương Tri thực hiện, nhưng tôi đi bằng một bài viết của chị như sau:
Sau khi đọc bài điểm sách “Khuất Đẩu. Và Cõi Đẹp” của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, một số bạn muốn tìm đọc nên viết thư hỏi địa chỉ mua sách... [2]

E nhà văn không hài lòng, tôi hỏi lại cho chắc: “Nếu cần sửa đổi gì xin anh cho em hay...”
Tôi đã thật vui khi nhận thư trả lời:
Nguyệt Mai ơi,
Như vầy là quá chu đáo rồi. Bài viết của KM có bút lực rất lôi cuốn, không cần thêm lời giới thiệu của TT
(trích điện thư riêng ngày 12/2/2016)

Anh Tô Thẩm Huy (người giữ mục “Đùa Với Đường Thi” trên tạp chí Văn Học trước đây, ký tên là Đàn Bách Kiếm) đã nhận xét về bài viết “Ngoại chờ bên kia sông” của chị, cảm nhận từ bài thơ “Bông Hồng Cho Mẹ” của Đỗ Hồng Ngọc, như sau:
Tôi không biết Nguyễn Thị Khánh Minh thân, sơ với anh thế nào, nhưng rõ ràng là chị đã cảm bài thơ của anh đến vô cùng, đến “tận cùng của đẹp”, tận cùng của ý nghĩa sinh tử kiếp người, không khởi đầu, không chấm dứt. Thời gian tan biến mất. Thơ tuyệt, mà người cảm thơ cũng quá tuyệt. Anh thật là người may mắn có được người đồng điệu như thế. 
(trích điện thư của anh Tô Thẩm Huy gửi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc)  [3]

Vì chị cũng là thi sĩ, nên văn chị đẹp tựa thơ. Tôi yêu từ những trang đầu tiên của “Bóng bay gió ơi”, tập tản văn gần đây nhất của chị,
Nhắm mắt lại, phút này đây.
… nghe được hương trâm trâm bên vệ đường rầy xe lửa về quê nội, ai biết được mầu lấm tấm ngũ sắc kia đã cấy trong tôi mùi quyến luyến quê nhà đến vậy. Hễ chìm vào là nghe tiếng xe lửa xập xình, ánh nhìn cô gái nhỏ chạy lùi theo những hình ảnh vụt qua, bụi cây, ngọn núi, chiếc cầu nhỏ, những ô lúa xanh và con mương ốm chạy ngoằn ngoèo theo bờ ruộng...

Tôi đã theo chị "Bồng bềnh quê nhà" để cảm nhận được:
... mùi đất bùn khô dưới nắng, phải là nắng buổi trưa oi nồng, mùi lá tre, mùi cỏ bên vệ đường, mùi đống rơm trong sân gạch nhà và đặc biệt mùi phân trâu bò trên đường đất, quyện vào trong  gió tre, bạn ơi tôi mong là bạn cũng đã từng ngửi thấy để có thể chia sẻ cùng tôi vì tôi không biết diễn tả thế nào, tôi gọi đó là mùi nhà quê, với tất cả thương yêu gắn bó mà tôi có được với nó…

Rồi đi vào "Mái ấm":
Chỉ cần cúi xuống bên cái võng thong thả theo nắng buổi sáng là có thể hái trong tay chiếc lá nham nhám, hương ngái của lá và hoa như chiếc thuyền thả tôi trôi về quê nội, hai bên đường hoa chùm bao phủ trắng xen lẫn sắc trâm trâm...

Đến "Mưa nắng thềm nhà":
Buổi sớm, trong yên lặng trầm, mọi thứ chuyển động nhẹ nhàng theo từng nhịp ánh sáng, lòng tôi cũng vậy, nhẹ bẫng, và như bay cao, không phải cái vụt lên ngẩn ngơ của một trái bóng tuột khỏi tay cầm, mà là cái lồng lộng của con diều còn có một sợi dây nối với một bàn tay. Có phải đó là cảm giác của lâng lâng trong khí trời chưa rối bởi muôn  thứ âm thanh?

Qua "Đáy đĩa mùa đi", từ Hạ:
… Lộng ngát trời hè xứ lạ những đám mây ngày cũ êm đềm trôi về, làm tôi thấy yên lòng, lẫn một chút nôn nao của những gắn bó vừa nhú sợi rễ non...
tới Thu:
Trời ạ, gió và lá vàng, nó góp thêm vào ký ức hai mùa nắng mưa ngày xưa của tôi tiếng lăn giòn của lá khô, màu lá ruộm vàng nắng thu. Cái se lạnh chiều Calif. lăn tăn da thịt làm tôi tơ tưởng tiếng gió heo may Hà Nội và vốc cốm xanh rức trên tấm lá sen, chênh vênh những con đường phố cổ đang chờ tôi gõ bước chân hẹn hò, dường như mình đã có một ước hẹn với mùa thu nơi ấy?
rồi Đông:
Mùa Đông là một dấu chấm lửng lơ quyến rũ, từng bước đi đến điểm khép lại, cùng lúc mở ra lung linh nhịp hội hè cuối năm. Và cứ rơi vào điểm kết sổ này là ký ức lại đẩy đưa... Và, có phải người, trong bất ngờ một nhịp lẫy của thời gian, gửi tới mùa đông này vạt gió tơ lụa, ẩn mật một lời hẹn?
và vào Xuân:
Có một niềm vui mà tôi phải chia để thấm hết nỗi đầy, cuối năm của tôi đã được khép lại trong tiếng khóc đầu tiên của bé cháu gái, cái chớp mắt chào đời của bé như thể tôi vừa được mở ra một tấm thiệp đẹp đẽ nhất của đất trời với những lời chúc phúc, một trang mới tinh khôi, tràn trề nhịp chảy sinh động của dòng sống, rồi tôi sẽ có những chữ lần theo cái lật cái bò cái lẫm chẫm bước đi non tơ ấy… Tiếng oa oa như nắng trên cao đang vỡ ra trong ban mai tín hiệu của ấm áp, có phải cả hải hà đang tao nôi hạnh phúc ta không, bé bỏng ơi…

Hãy đọc đi bạn ơi, đọc cho hết cuốn tản văn này, theo cùng tác giả lần về những kỷ niệm, những ngày tháng cũ quá đỗi dấu yêu, có khúc vui, khúc buồn, khúc cô quạnh, khúc sâu lắng… Nhưng, dù như thế nào, đến cuối đất cùng trời ta cũng chẳng thể quên:
Đã hẹn đã hò, cũng ước cũng thề, thì dẫu con đường có dài, thời gian có mịt mù thế nào đi nữa thì cũng có lúc chúng mình sẽ gặp lại, nói cho sâu lắng đá vàng hơn, thì chúng mình sẽ tái ngộ, nối lại một đường tơ lơ lửng…

Cám ơn người thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã nối giùm một đường tơ mong manh hư ảo đẹp tuyệt vời để cho tôi có những phút giây tao ngộ hạnh phúc với kỷ niệm, với đất trời biển cả mưa nắng thuở nào ở quê nhà… 

Trần Thị Nguyệt Mai
December 5, 2016


Ghi chú:
[1] Những bài này đã đi hoặc trong tản văn “Bóng bay gió ơi” hoặc trên các trang mạng văn chương.
Những chữ in nghiêng trong bài, nếu không dẫn nguồn, đều trích từ tập tản văn “Bóng bay gió ơi” của Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà xuất bản Sống phát hành năm 2015 tại Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment