Sunday, March 1, 2015

TẢN MẠN BTCP. HOA FUKI CỦA VÙNG BĂNG TUYẾT



nguyễn xuân thiệp



Hoa fuki

Chẳng bao lâu nữa, hoa thủy tiên vàng (yellow daffodils) sẽ nở lại trên vùng đồng cỏ Texas. Nói đến hoa daffodils vàng, người viết liên tưởng đến một loài hoa mọc trên vùng rừng núi băng tuyết của xứ Nhật Bản. Đó là hoa fuki.

   Mùa này, ở Mỹ nhiều nơi còn có tuyết như quanh Ngũ Đại Hồ và Colorado, ở các tiểu bang Miền Đông... nhưng ở Nhật Bản tuyết đang tan, cả trên những vùng cao. Khí trời đã ấm dần lên.
   Cũng vào thời khắc này, ngược lên vùng Hokkaido đầy băng giá ở về phía Bắc nước Nhật, từ dưới lớp tuyết dày một loài hoa dại nảy mầm đâm thẳng lên, với vẻ mạnh mẽ và háo hức như muốn rao truyền một sứ điệp thật đẹp cho xứ của băng tuyết: mặt trời đã thức giấc! Cỏ cây khe suối và chim muông sống lại. Sách chép: Fuki - tên loài hoa dại - mọc lên ở nơi nào, tuyết ở nơi đó sẽ tan sớm. Vâng, fuki chỉ là một loài hoa hoang dã, mọc khỏe, trông có vẻ tầm thường nhưng loài hoa màu vàng nở ra từ trong lòng tuyết này lại được người dân vùng Hokkaido yêu quý hết mực. Chuyện cổ tích của tộc người Ainu của vùng Hokkaido xưa kia kể rằng, ở đâu đó trong rừng cây fuki luôn có những vị Bụt tí hon xuất hiện sẵn lòng giúp đỡ người nghèo. Bụt sẽ mang hơi ấm đến cho những gia đình không có lò sưởi, đem lương thực đến cho những người trong cảnh bần hàn và mang niềm vui đến với trẻ em. Trẻ em xứ tuyết rất ưa chơi trò trốn tìm trong rừng fuki. Sự gần gũi dễ thương của loài hoa này khiến người dân xứ tuyết tin rằng hoa fuki là hiện thân của Bụt, hiện thân của hạnh phúc trong cõi đời này.
   Hoa fuki là hiện thân của Bụt. Những vị Bụt tí hon. A, thật là tuyệt vời, phải không bé? Những vị Bụt ở trong những ngôi nhà hình nấm, chạy chơi tung tăng trong rừng, trông dễ thương biết bao! Tôi đã làm thơ cho hoa fuki và các vị Bụt tí hon trong đó có cô nhà thơ yêu trẻ và cùng trẻ ca hát nô đùa  quanh các vị Bụt và hoa fuki. Giờ đây xin được kể lại chuyện một bong fuki bé nhỏ dựa theo một bài viết trên Tuổi Trẻ Online. Tác giả của bài viết -xin lỗi, lâu ngày quên tên- thôi thì cứ tạm gọi là Nhã Văn. Câu chuyện được kể lại như sau: Với niềm tin vào cái kết có hậu trong cổ tích, một phụ nữ Hokkaido đã quyết định mang fuki sang VN. Nhưng Fuki của cô không phải là hoa mà là một bé gái năm tuổi mang tên loài hoa của vùng rừng núi tuyết phủ nơi quê nhà.
   Hồi tưởng lại, cuộc hôn nhân của cô thật đẹp nhưng ai ngờ chóng tan vỡ. Gạt nước mắt, cô gượng đứng dậy như cách mà loài hoa fuki đã mọc xuyên qua lớp tuyết dày. Cô đã cùng bông hoa fuki bé nhỏ của mình bắt đầu một cuộc phiêu lưu đến VN, nơi cách đây mười mấy năm cô đã từng đến sưu tầm tài liệu cho luận văn thạc sĩ với đề tài về ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương.
   Bây giờ cô lại trở lại xứ sở của thơ Hồ Xuân Hương một lần nữa. Và cô viết bài chuyên về văn hóa và đời sống cho các tạp chí văn học ở đây. Thật ra, hồi còn ở quê nhà, cô chưa từng nghĩ đến việc viết báo bao giờ, dù cha và chồng cũ của cô là những nhà báo. Thế nhưng, cô đã phải làm công việc khó khăn này, kể cả việc dạy tiếng Nhật, dịch tin và sách báo để có tiền nuôi con ăn học tại xứ của ánh nắng mặt trời.  
   Khoảng hai năm trước, ông Văn có đến nhờ cô dịch một bài tiểu luận để đăng trên một tạp chí xuất bản bằng Nhật ngữ. Sau đó, hai người nhanh chóng trở thành những cộng sự tốt. Còn bây giờ họ đã là bạn của nhau.
   Vào những ngày của mùa Noel cách đây mấy năm, trong khi mọi người Nhật khác đang vui hưởng Giáng Sinh và chuẩn bị đón mừng năm mới, cô vẫn không ngơi nghỉ với những công việc thường ngày của mình. Cô còn phải dịch bài nhiều hơn để có thể có thêm tiền chữa bệnh cho con. Đó là khoảng thời gian bé Fuki nằm trong nhà thương Nhi Đồng -bé bị viêm phổi. Sổ mũi, biếng ăn, sốt, rồi sưng phổi đã làm cho bé Fuki kiệt sức. Cô kể rằng bé nằm trên giường bệnh, mắt thiêm thiếp, thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ, dường như  đang đếm lá trên cây dây leo trường xuân rơi cho đến chiếc cuối cùng ở một góc sân của bệnh viện.
   Sáu giờ chiều hôm đó, đang dán mắt vào màn hình máy computer ở trong tòa soạn, ông Văn chợt nghe có tiếng gõ cửa, tiếng gõ cách quãng và rất yếu ớt. Sau đó, hiện ra bên cánh cửa là thân hình tiều tụy của người thiếu phụ Hokkaido. Đôi mắt trũng sâu trên khuôn mặt héo hắt, thần sắc mất hẳn vẻ linh động khiến không ai nghĩ đó là một phụ nữ 30 tuổi.
  Với giọng khản đặc, cô thốt ra những lời mệt nhọc: "Tôi đến để đưa cho anh những bài đã dịch". Rồi lẳng lặng quay đi. Với người Nhật là như thế, họ coi công việc là trên hết. Nó đã trở thành nguyên tắc sống và là một đức tính của họ.
   Khi ông Văn đến bệnh viện để thăm bé Fuki thì được cô y tá cho hay hai mẹ con vừa ra viện cách đó không lâu. Câu chuyện của hai mẹ con bé Fuki đã làm ông Văn như  lạc vào một cuộc viễn du tưởng tượng đến miền đất của một loài hoa kỳ diệu để biết rằng xứ tuyết không chỉ có hoa anh đào.
   Khi Fuki rời khỏi xứ tuyết để đến một vùng đất của mặt trời, thế giới trong mắt bé dường như bị vỡ thành nhiều mảnh: chia ly, thành phố lạ, nỗi buồn. Fuki rất thích vẽ, và cô bé đã vẽ như một cách làm lành những vết rạn đó. Mà bé Fuki toàn vẽ chân dung những người gặp bất chợt mà với bé, dường như chỉ những hình người đó mới có thể hiểu được tâm trạng của một cô bé không có bạn nói cùng ngôn ngữ.
   Thế nhưng niềm tin vào kết cuộc có hậu như trong câu chuyện cổ tích về loài hoa fuki và ước vọng về một vị Bụt trong kiếp sống này đã giúp cho hai mẹ con bé Fuki có đủ nghị lực và sức mạnh để sống tại một vùng nhiều ánh nắng...

   Câu chuyện dễ thương quá, bé ơi bé có thấy thế không? Riêng người viết xin chúc mừng người phụ nữ Nhật đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Cũng như cô Thảo Mi đã tìm thấy niềm vui sau những đổ vỡ và cuộc hành trình cô đơn đầy tuyệt vọng. Thế mới biết niềm vui bao giờ cũng có dẫu rằng hiếm muộn trong cuộc đời này.
NXT

No comments:

Post a Comment