Sunday, March 15, 2015

SẦU CA TỊCH MỊCH



Đoàn-Minh- Đạo 


Abbey of New Clairveau
Gió ngỡ ngàng xoáy đáy vực
Thất lạc mù sương
Tăm tối đêm tăm tối ngày biệt dạng
Kỳ vọng hụt hẫng mùa trăng non
Xào xạc xác rừng
Rưng rưng gió nguồn tịch mịch
Lãng đãng mưa
Tiêu trầm cõi người hoan lạc
Ngồi đây ngồi đây em
Ta bắt đầu một ca khúc
Từ ngoại thành cẩm chướng
Từ tảng đá góc tường
Từ nỗi đời dao động
Từ vật vã mù sương
Từ trà quán lung linh ngục thất
Từ phát tán chảy vào ngày vĩnh quyết
Từ những Châm Ngôn đọc miết trong trang Kinh Pháp Cú
Từ tiếng thét hú của Không Lộ, Kapleau ta chứng nghiệm trong thực hành
truyền thống Eckhart
Từ thiền hành và chiêm niệm
Con đường dài không thẳng tắp vô biên
Mười tám tuổi ta làm tên sát thủ ta
Hụt
Tại thiền viện những tu sĩ Jesuits
An vị trên tọa cụ và thiền trượng rảo sau lưng
Cùng một linh thất
Hãy thiền hành và chiêm niệm
Dọc những hàng cây Ume mùa trổ đào hoa rực nắng
Chiến tranh ngửa mặt
Thiền hành qua những đồi máu đỏ quạch cả địch ta vô ngã
Thiền hành qua những làng xóm đỏ rực lửa lũy tre cả Nam Bắc vô phương
Thiền hành qua những nẻo đường Los Angeles tìm xóm di dân Chávez Ravine mà tư bản đã xóa dấu tích hay đất đai vô sản chiếm đoạt bằng thích sở hữu toàn dân vô sở trụ
Thiền hành qua Wall  Street cắm dùi tạm bợ vô trú xứ
Thiền hành khi phong kiến tiếp thu vô sản ở vài rẻo đất còn lại vô niệm
Thiền hành khi vua chúa vô sản và CEO tư bản thoả hiệp vô ưu
Thiền hành ta lại bơ vơ trong tiếng đàn fortepiano
Niềm hân hoan Sonatas của Mozart làm sao hé lộ
Trắng một đồi sương
Ta tìm những ngày từ tốn
Tiếng đại hồng chung lan tỏa núi rừng
Chiều thu không bên vạt trà xanh sau Linh Sơn Tự
Cùng Nishio Trung Trang bạt ngàn rừng trúc
Chung trà khói tỏa lan tịnh cốc
Hồn tre trúc xanh xao
Đắm đuối bay Mưa Saratoga
Huynh nhắc lời ta ca hát
Ubi caritas et amor
Deus ibi est 1.
Cũng vậy ta thầm nhủ
Nơi nào có từ bi
Nơi đó có Bụt
Ta đi tìm một đạo tràng ngút nẻo lạc viên vào Pró
Đầm nước trong soi bóng những tàng cây quanh bờ hội ngộ
Tiếng rì rào vườn bắp trổ cờ trong gió cuồng mê
Hắt hiu ký ức tím chiều về
Đi thăm người đan sĩ Mathieu
Người đã cho ta ánh sáng đèn chiều muộn
Quay đều suối rừng guồng nước thời gian
Hoài âm thầm lặng trang kinh
Người đã kéo phục sinh máy ủi Allis Chalmers rơi sâu lòng vực
Kiên khổ cả năm, tháo từng con ốc !
Lao động bài kinh dài vô tận
Ora et Labora
Chiêm niệm với thần linh hợp nhất thân nho
Chiêm niệm mịt mù ngút bờ tội lỗi nhưng ta vẫn chẳng lìa
Chiêm niệm nắng úa vàng một cõi thơ
Chiêm niệm heo hút âm vang bến bờ sinh tử
Chiêm niệm người khổ tu lao động trải bảy thời kinh một ngày miền cố thổ huyền vi
Chiêm niệm sinh thì chiếu ván đơn sơ với lòng thương xót
Chiêm niệm vòm cung năm cửa cao vút trong trí tưởng
Chiêm niệm tái tạo từ gạch đá đổ nát Đan viện Thánh Mẫu ở Ovila
Chiêm niệm mồ hôi trên từng tảng đá kết hợp tại New Clairveaux2.  tái hiện quá khứ tám thế kỷ Hội đường đan sĩ
Chiêm niệm ta cần mẫn với an bình tình thương và lòng dung thứ
Chiêm niệm xin ngồi cùng anh dưới bóng khuynh diệp bên dòng sông trôi quá khứ tương lai
Chiêm niệm xác thân ta xin quỳ rửa chân anh để mời anh ngồi vào bàn ăn vì đường còn dài và ngày đã tận
Qua thu phân êm đềm trở về mùa thu hoạch nho và hồ đào ở Vina
Ta lại lang thang mót lượm trong những vườn lê
Ở Walnut Grove trái chín sót trải thềm cỏ đường về
Dòng sông Sacramento êm đềm xanh mướt liễu
Đan viện mới nối cành nhánh chiều viễn xứ với cố hương
Ta nguyện mọc lên một đạo tràng tình thương
Ta nguyện qua bàn tay cày cuốc xin đất sữa và mật chảy tuôn
Ta nguyện rèn lòng giáo gươm thành lưỡi cày
Ta nguyện đừng đọa đày trong hữu và vô
Ta nguyện khiêm cung cùng Mahatma3.
Ta nguyện đừng sở hữu những gì không cần thiết
Ôi những dòng sông chảy xiết từ lịch kiếp thời không
Ứa nước mắt trong hoang lạnh cõi người
Nếu có một tiếng cần nói ở cuối đời
Xin là tịch mịch !

ĐOÀN-MINH-ĐẠO .

1. Latin : Nơi đâu có bác  ái và tình thương, Nơi đó có Thiên chúa . .
2. Khổ tu viện Xitô ở Vina, California nơi đã tái dựng lại Hội đường Đan viện Ovila, Spain thế kỷ XII từ những viên đá đổ nát chở sang Mỹ .
3.Mahatma Gandhi, lời cầu nguyện mở đầu trong Lettres à l'Ashram .


No comments:

Post a Comment