nguyễn
thị khánh minh
Ngày 9.10. 2014
Calif. đang ở vào những tuần đầu của mùa thu, cảnh vật đang bị quắt queo vì cơn nóng trái mùa, tuần này hầm hập 85 đến 100 độ, người như bị vặt đến héo hắt không chỉ vì thời tiết đất trời mà còn như vỡ dưới tiếng đập của thời sự. Dư vang chết chóc của mùa hè từ những thảm hoạ máy bay, dịch ebola, chiến tranh, khủng bố vẫn đang còn làm thế giới rung rinh, như cái thòng lọng thắt lại dần, thì thử hỏi chúng ta làm thế nào để có thể sống an lạc, như vẫn thường chúc nhau cuối mỗi e-mail? Chưa bao giờ, sống là một thử thách như thời này. Mỗi hơi thở là mỗi mạo hiểm, không biết lúc nào sẽ sập xuống cái bẫy của những tin tức mà cứ mỗi lúc lại đem đến một khủng khiếp khác nhau. Khi sự chịu đựng của người ta tăng lên, có nghĩa là cái ác đã trở nên bình thường, cứ thế, chai dần cảm xúc. Quen dần với những điều mà mới hôm qua tưởng sẽ không thể xảy ra được trên đời này. Cái ác đang tôi luyện chúng ta thành vô tính chăng.
Chợt, một ngày, trong cái cối xay tai trời ách người như
thế, vòng quay được lơi ra bởi hình ảnh những chiếc ô, những dải nơ vàng. Nó
như tiếng phong linh trong trẻo rộn rã vang lên. Nó như vạt óng ả phết lên mùa
thu hiu hắt của mọi tâm trạng này. Nó mang chất lãng mạn. Nó là cái gì như sinh
khí.
Toát ra từ dáng vẻ thư sinh với cặp kính trắng, lấp lánh tuyên bố
“Tôi không muốn đùn đẩy cuộc đấu tranh dân chủ cho thế hệ sau. Đó là trách
nhiệm của chúng ta”. Sẽ có một mùa hoa mọc lên bởi hạt giống nhiệt huyết
trong sáng ấy, đó là Joshua Wong, 17 tuổi, được xem là một lãnh đạo cho phong
trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, phát động vào những ngày cuối tháng 9, tới nay
vẫn còn tiếp tục, thu hút quan tâm của thế giới.
Toát ra từ không khí sôi sục mà ôn hoà, được mọi người khâm phục,
một cuộc biểu tình mang tinh thần bất bạo động, không hỗn loạn, không xả rác,
không hôi của, không gây hấn, những cái không chỉ có được của một nền giáo dục
chú trọng đến Đức, Trí con người, mà họ đã được thấm nhuần ngót một thế kỷ qua
tại Hồng Kông. Báo Slate magazine gọi họ là "những người biểu tình lịch sự
nhất thế giới"
Toát ra từ không khí trẻ trung, sáng tạo, của hình ảnh những chiếc
ô, và được gọi là cuộc Cách Mạng Dù. Tham gia biểu tình, đa số là thanh niên, cả
lớp tuổi teen, ai cũng cầm theo dù, để che mưa nắng, nhưng khi bị vòi rồng xịt
nước và hơi cay thì nó trở thành một thứ bảo vệ, họ nằm xuống để tránh vỡ hàng
ngũ và phủ lên nhau những chiếc dù. Như hàng ngàn cây nấm nhỏ đủ mầu mọc lên
sau trận mưa của nghìn tấm lòng trẻ trung đang sống cho lý tưởng của mình. Chiếc
dù, nó có rộng một không gian để che thêm cho người bên cạnh, có chút chi vì
người… Không biết là tình cờ tự phát của đám đông hay là ý tưởng của những
đầu óc lãnh đạo rất sáng tạo, mà chiếc dù đã là một đại diện hết sức thơ mộng
cho một phong trào chính trị. Phải chăng nét ấy là một trong những điều đã gây
sức cuốn hút? Và, đánh động nhịp tim lãng mạn của tôi. Chiếc ô. Chả phải hai
người yêu đi bên nhau nắng hay mưa thường cũng là chiếc ô xinh trên đầu,
và còn dùng che cho một nụ hôn vội vàng nữa, ôi là, chiếc dù, giờ nó che cho
nghìn nghìn tấm lòng bất khuất kia dưới sức mạnh tấn công của vòi rồng và hơi
cay. Họ ngủ dưới những cây dù ngoài đường để duy trì tinh thần tranh đấu, họ viết
những biểu ngữ trên dù cho lộng lẫy nắng tự do, chưa bao giờ thấy cây dù lại
nhiều công dụng và đáng yêu đến thế. Có thanh niên còn cầm dù che cho cảnh sát
lúc trời mưa, và hình ảnh làm xúc động được truyền đi trên facebook, một sinh
viên áo đen cầm dù đứng bất động trong mù mịt khói cay, một cảnh sát sau khi bắn
hơi cay đã vội lấy chai nước rửa mắt cho một sinh viên qua hàng rào, thật tình
chưa có một cuộc biểu tình nào có những hình ảnh đẹp, nhân bản đến thế, chả bù
cho những bạo lực của công an ở Việt Nam trong những cuộc biểu tình chống Trung
Cộng, oan sai...
Lại nói đến một biểu tượng thơ mộng nữa, là dải nơ vàng, phong
trào đã dùng nó làm biểu tượng cho khát vọng dân chủ. Hình ảnh những chiếc dù
và những dải nơ vàng, cùng những tấm giấy đủ mầu ghi lời cầu chúc, khẩu hiệu đấu
tranh, dán kín những bức tường làm không khí biểu tình đầy sắc mầu như lễ hội,
họ cài trên ngực áo, họ đeo vào cổ tay, treo trên hàng rào, cửa nhà, cột điện,
khắp các nẻo đường vàng rực một loại hoa dân chủ ấy. Tôi càng thích hơn khi biết
nguồn gốc của dải nơ vàng. Theo nghiencuuquocte.net, 400 năm trước, ở Anh người ta rất yêu thích bài thơ “Dải
ruy băng vàng trên vai cô ấy” (She wore a yellow ribbon), nói về người vợ
đeo dải nơ vàng để tưởng nhớ và hy vọng chồng phương xa sẽ trở về. Trong cuộc nội
chiến Anh vào thế kỷ 17, những người lính ra trận đeo ruy băng vàng trên cổ như
thể đeo sự nhớ thương của người vợ bên mình. Kỵ binh Hoa Kỳ ở thế kỷ 19 cũng
đeo trên cổ ruy băng vàng với ý nghĩa như thế, như truyện tranh anh chàng Lucky
Luke với dải băng vàng ở cổ áo, xem lúc nhỏ mà giờ nhờ cuộc biểu tình Hồng
Kông, tôi mới được biết rõ nguồn gốc. Đến khi Irwin Levine viết bài hát “Cột
một dải ruy băng vàng lên cây sồi già”(Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak
Tree) thì nó được phổ biến trên toàn thế giới thập niên 1970. Bài hát nói về
một anh chàng bị kết án 3 năm tù về tội buôn lậu(!). Trước khi được về nhà, anh
viết cho vợ, If you still want me, Oh, tie a yellow ribbon ’round the ole
oak tree… “Nếu em còn yêu anh thì hãy cột một dải ruy băng vàng lên cây sồi trước
nhà…” Và khi chàng về đến nhà thì thấy cây sồi như mái tóc vàng óng ánh bởi
ngàn sợi ruy băng! Sao tôi thấy mê những ý tưởng thiên thần này quá. Từ đó
yellow ribbon mang ý nghĩa của Hy Vọng, Chiến Thắng và Tình Yêu. Phong trào biểu
tình đã chọn nơ vàng để gửi đi thông điệp họ tin vào một chiến thắng bằng vũ
khí Bất Bạo Động và Tình Yêu. Cũng có nghĩa, chấp nhận hy sinh để hái được đoá
hoa Dân Chủ.
Một nét thơ mộng, mà khẳng khái, nữa là họ chọn bài "Do
you hear the people sing" (Bạn có nghe mọi người hát) trong vở nhạc kịch
“Những người khốn khổ”
(Les Miserables) để cùng nhau ca vang trong cuộc biểu tình, đây là bài mà các
nhà cách mạng Paris hát trong cuộc nổi dậy chống chính phủ. Một nét dễ thương
và thông minh, họ hát vang bài Happy Birthday để thông báo cho nhau có kẻ lạ
trà trộn vào hàng ngũ để gây rối, và sẽ bị tống khứ dưới sức mạnh của hợp ca.
Điểm qua những biểu tượng, thì đã có hai trong số đó lấy từ kho
văn học, tôi thấy bị quyến rũ bởi ý tưởng của một phong trào chính trị mang đầy
tính nghệ sĩ này. Chỉ có một biểu tượng buồn là chiếc áo thun đen mà họ mặc khi
đi biểu tình, màu sắc đen trong vô vàn sắc rực rỡ của dù, của nơ vàng, của những
tấm giấy nguyện cầu, là để tưởng nhớ sự kiện Thiên An Môn, cũng hàm ý lên án sự
đàn áp bằng bạo lực. Màu đen ấy là nét quyết liệt bên cạnh những hình ảnh thơ mộng
kia. Với những biểu tượng vừa dịu dàng vừa kiên cường được chuyên chở bởi một lớp
thanh niên có ý thức chính trị và có trình độ văn hoá cao, có phải vì vậy mà cuộc
biểu tình này gây được sự chú ý và tình cảm thế giới?
Trong những giờ khắc căng thẳng ấy, có những hơi thở ra nhẹ
nhàng từ những người trẻ tuổi, trẻ trung thì cái gì cũng có thể xẩy ra, và đã xẩy
ra một cách ngộ nghĩnh, đẹp đẽ, như vầy, một cặp đôi đã đính ước nhau trong lúc
cô Crystal Chan còn mặc chiếc áo mưa trong suốt để phòng hơi cay, trên cánh tay
cậu Yau Chi-hang thì đầy khẩu hiệu đấu tranh, sau đó cả hai cùng hô “phổ
thông đầu phiếu thực sự”. Lại có cặp chụp hình cưới trong hàng ngũ biểu
tình (tienphong.vn). Cái lãng mạn của thời phải sống chung với quá nhiều khắc
nghiệt, cũng có khác, và có lẽ nó quý hơn xưa, vì nó quá khó khăn, trắc trở.
Tôi muốn nói đến một ánh sáng xanh vào đêm 29 tháng 9. Thay vì
là đêm thắp nến như thường tình, thì họ, những người trẻ của thế hệ hôm nay đã
thắp bằng ánh sáng điện thoại di động, hàng chục ngàn iPhone toả ra màu xanh
huyền diệu trong đêm. Lồng trong không khí sôi sục của một cuộc biểu tình chính
trị là ánh sáng của bài thơ. Bài thơ xanh hy vọng. Hy vọng họ sẽ chiến thắng,
và sẽ gây được hiệu ứng tới những nơi trên thế giới còn vắng bóng tự do dân chủ,
dân quyền.
Đó là những chi tiết làm tôi cảm động và rung động.
Trong một lan can ở khu Admiralty (khu Kim Chung), người ta thấy
một biểu ngữ màu vàng, chữ đen, câu “You may say I’m a dreamer. But I’m not
the only one”Bạn có thể cho rằng tôi là một kẻ mộng mơ, nhưng không chỉ riêng tôi" (thanhnien.com.vn). Ai đó đã nói, hầu như những điều thành tựu trên cõi trần gian này đều khởi đầu từ một giấc mơ. Những người trẻ ở Hồng Kông hôm nay đang thức dậy để hiện thực giấc mơ của mình, để nhân dân họ được sống trong cảnh mà họ ước mơ. Cho tới hôm nay, những đòi hỏi của sinh viên học sinh và dân chúng chưa được chính quyền Hồng Kông đáp ứng, và chúng ta chờ đợi những ngày sắp tới trong cầu nguyện và tin tưởng. Tôi xin thắt trên cổ tay mình một dải nơ vàng.
Hôm nay, 14 tháng 10, kể từ lúc bùng ra ngày 26.9, cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 19, chính quyền Hồng Kông đã động đậy, không phải để đối thoại với sinh viên học sinh và nhân dân, mà lịnh cho cảnh sát dỡ bỏ rào chắn của họ ở khu Admiralty, sau khi những hàng rào bằng kim loại bị cắt thì sinh viên dựng lại bằng hàng rào tre, họ nói: "Chúng tôi có thể rời đi vì chúng tôi không thể chống lại các anh, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, “Chúng tôi sẽ dựng lại chướng ngại vật sau khi cảnh sát dỡ bỏ. Chúng tôi sẽ không đối phó với họ bằng vũ lực” (vnexpress.net)
Hôm nay, 14 tháng 10, kể từ lúc bùng ra ngày 26.9, cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 19, chính quyền Hồng Kông đã động đậy, không phải để đối thoại với sinh viên học sinh và nhân dân, mà lịnh cho cảnh sát dỡ bỏ rào chắn của họ ở khu Admiralty, sau khi những hàng rào bằng kim loại bị cắt thì sinh viên dựng lại bằng hàng rào tre, họ nói: "Chúng tôi có thể rời đi vì chúng tôi không thể chống lại các anh, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, “Chúng tôi sẽ dựng lại chướng ngại vật sau khi cảnh sát dỡ bỏ. Chúng tôi sẽ không đối phó với họ bằng vũ lực” (vnexpress.net)
Ngày 15 tháng 10, theo tin tức RFA “Cuộc biểu tình bất bạo động
của sinh viên học sinh Hồng Kông đã bước sang một bước ngoặc mới khi cảnh sát
tiến hành các cuộc đàn áp bằng sức mạnh bất kể người biểu tình vẫn kiên cường
không tỏ thái độ chống lại hay bỏ cuộc. Liệu sức chịu đựng của họ kéo dài được
bao lâu và thử thách này phải nên chấp nhận trong thái độ nào?... 46 người
bị bắt, hàng trăm căn lều bị xé rách, mọi chướng ngại đều bị giải tỏa và nhất
là đã có máu đổ. Xét về bề ngoài thì sự đàn áp chưa đến nỗi thô bạo nếu so với
các cuộc cách mạng khác…tuy nhiên đối với Hong Kong, xứ sở có truyền thống dân
chủ từ hơn trăm năm qua thì việc cảnh sát đánh đập sinh viên, học sinh là hành
động khó tha thứ.”
Tôi thấy buồn và lo lắng. Cầu nguyện cho họ giữ được lửa đấu
tranh, xin Thánh Gandhi ban cho họ sức mạnh bất bạo động. Cơ hồ như một đường
chỉ mong manh, khi những tấm thân, đầu óc thư sinh ấy bị khích động bằng bạo lực,
liệu họ có đủ bình tĩnh bất bạo động không, có đủ đoàn kết và lì đòn để phong
trào không bị dập tắt không. Tôi sợ thấy hình ảnh những chiếc dù bị rách, nằm
thúc thủ trên những con đường, tôi sợ những đoá hoa vàng dân chủ bị héo dưới nắng
bạo lực… Cuộc tranh đấu này sẽ kéo dài tới bao lâu. Thời gian ơi, xin ở cùng họ,
những tấm lòng yêu nước trẻ trung, nghệ sĩ và trong sáng.
Nguyễn
Thị Khánh Minh
Santa Ana, Oct 16, 2014