Wednesday, February 1, 2012


VỀ TRỜI 

Pham Diễm Hương


Bác thân kính,
Bác ơi, đêm qua, lúc 8 giờ hơn, cháu nhận được tin Bác mất. Tuy biết cuộc đời phải có lúc kết thúc, và ngay cả khi biết người thân của mình sắp từ biệt, mình cũng không thể tránh khỏi ngỡ ngàng. Vì thời khắc lạnh lùng ấy, ập đến và dội mạnh vào lồng ngực, khiến mình đau đớn lắm.
Thời gian cháu ở Pháp, được ở nhà với hai Bác, với anh chị Ngọc và bạn bè. Được có những bữa ăn sáng, ăn trưa, ăn tối chung với hai Bác. Kỷ niệm này sẽ không bao giờ được lập lại nữa. Dĩ nhiên Bác ạ, mọi người chắc chắn sẽ còn gặp lại nhau, sẽ còn  vui đùa, sẽ hát vang trong căn phòng khách diễm lệ, nhưng sẽ thiếu Bác.... Mặc dù trong những buổi hội ngộ như thế, Bác chẳng nói lời nào, nhưng qua ánh mắt tinh anh, Bác luôn theo dõi câu chuyện và chấp nhận không khí đông vui ồn ào chung quanh, không một lời than phiền, đã khiến mọi người gần gũi và thương quý Bác.
Cháu còn nhớ như in mỗi buổi sáng, từ tinh mơ, Bác luôn luôn chỉnh tề trong chiếc áo chemise màu xanh da trời nhạt và chiếc quần tây dạ màu xám, ngồi ở chiếc ghế dựa, ngay cửa bếp, nhìn ra khu vườn sau xinh xắn qua khung cửa kính. Sự thinh lặng của Bác, cũng như sự tĩnh lặng của không gian, khiến cháu không muốn đi mạnh, không muốn tạo bất kỳ một tiếng động nào. Cháu muốn Bác được hòa nhập vào sự tươi đẹp thanh khiết của buổi sáng, càng lâu chừng nào, càng quý chừng nấy, vì buổi sáng thể hiện sức sống, là thời điểm đất trời ban cho vạn vật sinh lực. Cháu muốn Bác chìm trong thế giới vô hình, và thật thảnh thơi thu nhận năng lượng ấy để bồi bổ cho cơ thể già nua, cằn cỗi.

Bác ạ,
Chúng ta thường tâm niệm về dáng ngồi của Đức Phật, và xem đó là một mẫu mực, một trang nghiêm khoan hòa, toàn cõi thế gian phải lấy đó mà chiêm nghiệm. Chỉ nghĩ đến hình ảnh này thôi, mình đã thấy cả một sự vững chãi bình yên, và tự phát nguyện một sự tín cẩn tuyệt đối. Và chỉ cần dựa vào sự tín cẩn ấy, con người đã có thể quán chiếu được cả cuộc đời, có thể tự hướng dẫn cuộc đời mình bước trong hương Sen đơn sơ thanh tịnh.
Cũng từ dáng ngồi của Đức Phật, chúng ta cảm được sự hoàn hảo, viên mãn, cảm được mọi hạnh phúc đều khởi từ suối nguồn bình an, tự tại.
Cũng bởi dáng vẻ tuyệt đối thinh lặng ấy, hạnh phúc đã trở thành vĩnh cửu, êm ả lan trong dòng đời, và chỉ những ai có nhân duyên, mới được hưởng những hạnh ngộ từ giòng suối ấy.
Nhưng dáng ngồi chỉ mím vào 1/3 chiếc ghế của Bác, một bên vai phải hơi lệch xuống, khuôn mặt vươn về phía trước, khiến chiếc lưng gầy lại như còng thêm, đã là một an nhàn hiếm có. Bất giác cháu nghĩ đến những công án Thiền thâm sâu, cháu chưa hề gặp được một hình ảnh ngồi thiền nào vững và đẹp bằng dáng ngồi của Bác. Bác cứ yên lặng như thế hàng giờ, nếu không gian chung quanh không bị lay động. Mọi xô lệch của cuộc đời, chỉ còn thấy chĩu nặng trên vai, trên lưng. Còn khuôn mặt xương xương, đã tỏa ra một hạnh phúc tuyệt diệu, thư thái nhẹ nhàng. Hình ảnh an nhàn của Đức Phật hay dáng ngồi khắc khổ của bác, mầu nhiệm thay, cả hai đã chỉ toát ra một niềm hạnh phúc, một cõi bình yên.

Bác ạ,
Cháu đã bắt gặp bóng dáng như Bác ở một ngôi Thánh Đường khi ghé thăm Bỉ. Đi giữa vùng đất Thánh Bunner, nơi Đức Mẹ Maria hiện ra đến 8 lần, cháu đã bị lôi cuốn bởi những hình tượng của Đức Chúa Giê Su, của các Thánh tử vì Đạo, và cháu đã được sống những giờ phút nhẹ tênh đầy ân huệ trong khu vườn linh thiêng ấy.
Hình tượng nào, tấm thân nào, cũng rách rưới, khắc khổ. Có hình ảnh nào nặng nhọc và cực hình cho bằng tượng Chúa trên thập tự giá? Có hình ảnh nào nhọc nhằn, thống khổ, cho bằng hình ảnh của những Thánh Tử Vì Đạo?... Thế mà đứng kế bên hay dưới chân những hình tượng ấy, cháu đã cảm thấy cả một trời an bình, thênh thang, nhẹ nhõm. Những cảm giác này cứ chất chồng lên nhau, mỗi khi cháu bắt gặp các hình tượng như thế rải rác khắp trong khu đất Thánh. Gần cuối khu vườn, nơi có dòng suối nước nhiệm màu, đó đây một vài dáng hình vô cùng khiêm tốn, những sức khỏe vô cùng mong manh, đang âm thầm khẩn cầu trước tượng Đức Mẹ. Trời hơi nổi gió, những ngọn cây Sồi xao động, những bóng hình khẳng khiu di động ngả nghiêng, cháu muốn chạy đến đỡ họ, nhưng lại rụt rè.
Một người đàn bà bé nhỏ, gầy gò, mặc chiếc áo len màu xanh ve chai và chiếc váy lụa nâu sờn cũ bạc màu, tay mân mê sâu chuỗi hạt, đầu gục nương tựa dưới chân Đức Mẹ, bà ấy đang dốc lòng cầu xin, chiếc váy như có hồ cứng, trơ trơ trước gió, không một chút lay nhẹ. Mọi người đã tìm đến đây để cầu nguyện, khiến khu đất Thánh càng ngày càng linh thiêng.

Bác ơi, chúng ta được dạy rằng, Thượng Đế ở khắp mọi nơi, chỉ cần mình thỉnh cầu Ngài, làm sáng danh Ngài, tức thì Ngài sẽ ngự trị trong mình, và che chở mình bình yên, phải không Bác? Thế thì tại sao con người không trang hoàng một ngôi nhà nguyện tuyệt diệu ngay trong chính Tâm mình để nguyện cầu cùng Thượng Đế? Như thế, những dáng hình xiêu vẹo, khốn khổ đang cầu nguyện trong khu đất Thánh Bunner kia, sẽ ở lại nơi chốn họ đang sinh sống, và thỉnh cầu Thượng Đế. Họ sẽ được ơn phước, sẽ tạo thêm những vùng đất Thánh mới khắp hoàn cầu, tình yêu sẽ trải đều khắp, và nhân lọai sẽ được bình yên, phải không Bác?.


Bác ạ,
Cháu không có Đạo, nhưng mỗi lần chiêm ngưỡng khuôn mặt thanh khiết của Đức Mẹ Đồng Trinh, nhìn chiếc mũ gai ấn chặt trên đầu Đức chúa GiêSu, nhìn những chiếc đinh oan nghiệt trên hai bàn tay, bàn chân của tượng hình Ngài trên thập tự giá, thì những đoạn kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, và khúc Thánh Ca: “Lạy mẹ Maria, mẹ nhân ái, mẹ hiển vinh, Mẹ chính là Nữ Vương, là trang sử, là đời con... Con dâng Mẹ đây linh hồn đây xác con...” lại hiện rõ trong trí nhớ. Cháu tưởng mình đã quên những lời cầu nguyện của thuở thanh xuân, khi còn là sinh viên nội trú trong tu viện Regina Pacis, trên đường Tú Xương, Sàigòn, trước năm 75. Những buổi sáng sớm đi xem lễ ở ngôi Thánh Đường nhỏ bé trong khuôn viên tu viện, các Sơ trong bộ áo dòng trắng muốt, những chị nhà tập tóc dài kẹp chiếc kẹp ba lá giống in như nhau, áo dài thô trắng, quần đen, và nhóm nữ sinh nội trú aó dài, áo đầm đủ màu sắc, lặng lẽ bước dưới những chùm hoa Sứ ướt sương, thơm thơm dọc hai bên lối đi dẫn vào thánh đường... không ngờ tất cả vẫn còn in đậm trong ký ức.

Bác ạ, có phải những gì thanh khiết nhiệm màu đều luôn ở cạnh mình phải không bác? để che chở, giữ gìn mình những lúc sắp sa ngã. Đó có phải là Thánh Nhan Chúa trong đạo Công Giáo và Phật Lực trong Giáo lý nhà Phật để gìn giữ tâm hồn loài người khỏi mọi cám dỗ tội ác không Bác?

Bác thân kính,
Anh chị Ngọc nói hai Bác đã trở lại Đạo khi tuổi đời khá cao. Cháu có hơi ngạc nhiên, khi mới thoạt nghe. Nhưng sống với hai Bác, dù chỉ một thời gian ngắn, cháu đã hiểu và thương cảm, ngưỡng mộ sự trở lại đó.
Anh chị Ngọc kể là hai Bác có những người bạn thâm tình, những người này là nhân viên ngày xưa của Bác, họ theo đạo Thiên Chúa và hai Bác là người ngoại đạo thường cùng họ tham dự các buổi lễ cầu nguyện trong nhà thờ, và trong những dịp lễ lớn như  Lễ Phục Sinh, Lễ Giáng Sinh.
Đáp lại ước nguyện của bạn hữu là được có Bác trong hội thánh để cầu nguyện cho linh hồn của một người đã khuất, Bác đã bằng lòng rửa tội và trở thành con Chiên của Chúa.
Bác ơi, là một Phật Tử, cháu cảm nhận được Bác đã thể hiện cái thần, cái hồn Tự Do của Đạo Phật, với giáo lý thâm sâu của đạo Phật, Bác đã sống vì tha nhân, làm vui lòng mọi người và làm đẹp Đạo. Bác đã thật thảnh thơi tùy duyên để tìm đến Chân Thiện Mỹ.  Bác là hình ảnh các Thánh Tử Đạo mang tấm lòng vị tha của Đức Phật.

Bác ơi, lúc có cơ duyên gặp nhau, chúng ta chẳng hề nói đến những điều này, hay bất kỳ điều gì khác, ngay cả các câu mời chào hàng ngày, mình cũng chỉ thể hiện qua ánh mắt, thế mà hôm nay, nghe tin Bác mất, cháu kể lể đủ điều như ta đã từng cùng bàn bạc, chia xẻ. Bác ạ, có phải mỗi sáng ở khỏanh hẹp trong khu bếp xinh xắn, Thánh Nhan Chúa vẫn hằng ngự trị không? Và nhờ nhân duyên, đất trời đã đưa cháu đến nơi ấy, hội ngộ cùng Bác, và chúng mình ngợi ca Thượng Đế, cùng đắm chìm trong ánh sáng hằng sống chan hòa.
Và hôm nay, cả hai ta cùng hưởng ân huệ của Thượng Đế dành cho mình, mặc dù không chung một lối, không cùng một ngã. Cháu ở lại với đời sống đầy lý tưởng và Bác về bên Trời với hạnh phúc vĩnh cửu.

Cháu xin kính chúc Bác được nhiều ân phúc.
PDH/2011


No comments:

Post a Comment