Saturday, February 25, 2012


Thư gởi… đảo xa 

Thanh Tâm Tuyền, khúc cầm xanh



                                                                  Cello. Modigliani

Đà Lạt, 27.10.1972

Đảo xa,
    Trong cuốn băng có một mặt của Bach và một mặt của Beetho. 5 khúc của Bach anh chọn cho em nghe đều là 5 khúc anh thích và thường nghe vào sáng sớm hoặc lúc chiều bỗng rực hiu quạnh. Khúc dạo mở đầu tưng bừng. Khúc đàn dây du dương ngọt ngào (khúc này trích trong suite số 3 của Bach - đoạn 2) dàn nhạc do Pablo Casals hướng dẫn. Tên Pablo Casals có nhắc nhở em nhớ gì không? Espagnol, tay đàn đại hồ cầm nhất thế giới vừa ăn mừng sinh nhật thứ 90 năm ngoái năm kia gì đó. Tất cả các tay kéo đại hồ cầm trên thế giới đã kéo nhau đến tụ họp, mừng tuổi cụ, mỗi người mang theo cây đàn của mình và hòa tấu cùng với cụ. Pablo này cũng vĩ đại như Pablo Picasso bên hội họa. Hai Pablo năm 7, 80 tuổi đều còn nồng nàn và đều lấy vợ, vợ khoảng 20 tuổi. Một người vẫn còn kéo đàn và một người vẫn còn vẽ. Anh có được nghe một bộ đĩa quý gồm những tác phẩm của Bach do Casals tình cờ lục kiếm thấy, một mình Pablo đàn và thỉnh thoảng nghe nổi giọng ngâm nga của Pablo theo tiếng đàn của mình. Tuyệt. Em có thích tiếng đại hồ cầm không? Anh mê. Đêm qua anh đã thu vào băng 7 biến khúc cho Piano và đại hồ cầm của Beetho trên một thème của Mozart nhưng lại phải xóa đi vì thiếu chỗ. Nếu em thích  lần sau anh mua cuốn băng 90 và sẽ thu cho em nghe những khúc đại hồ cầm của Beeth. Anh cũng có một cuốn băng ru mình ngủ. Pablo Casals độc tấu những điệu ru ngắn.
   Khúc thứ 3 - Sleepers awake -  cũng như khúc trám sau Sonate của Beetho - Jesus, Joy of Man's desiring - có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên nghe thoáng, bổng, mát mẻ và trầm tĩnh nhường nào. Có phải không em? Nhưng tuyệt nhất là khúc Toccata and Fugue. Anh nghe hoài không chán những Fugue của Bach. Tuyệt đỉnh nghệ thuật của Bach và cách viết Fugue (nghĩa là có bao nhiêu giọng đều cùng trổi hết vẻ của mình, tưởng như ganh đua hỗn độn mà hòa hợp tài tình) là cái Bach mang đến cho âm nhạc. Nghe Fugue mới thấy tràn trề, yêu đời, nồng nàn, cởi mở nghĩa là đúng như em nghĩ " hạnh phúc túy lúy". Nhưng em nhớ, Bach mập lắm "túy lúy"  mà vẫn vững vàng oai vệ không hề "lảo đảo" "hụt hơi" "chân nam đá chân xiêu" thảm hại đâu. Em nghe kỹ xem.
   Trước khúc Toccata and Fugue, là Little Suite. Đúng là little. Nhỏ nhẹ, dễ thương, gọn gàng, giản dị hết sức. Nhưng đâu có kém đằm thắm. Bach thường viết ngay lập tức dễ dàng những exercices để dậy con. Chắc đây cũng là bài Bach viết buông bút, không chút cầu kỳ.
    Chỉ có thu đến Beeth là anh mệt. Đêm qua anh đã thức đến 2 giờ sáng chỉ vì loay hoay chọn bài. Thu xong xóa, rồi nằm nghe lại những bài định chọn, chừng mệt thiếp anh trùm mền ngủ luôn khỏi giăng mùng. Sáng nay ở Hội Quán về, thấm mệt, mắt mờ, nhưng cố thu cho xong. Khất hẹn hoài lại bị riễu là ba đía. Mới đầu anh chỉ tính thu toàn Bach cho em, nhưng cả hai mặt bande lại dư mỗi mặt vài phút.........

.......

   Rồi anh sẽ thu cho em Sonate à Kreutzer để em so sánh. Cũng vẫn chỉ hai cây đàn, nhưng viết về sau này với đầy đủ đặc tính của Beetho - kỹ thuật cũng như xúc cảm - Em có đọc cái truyện ngắn của Tolstoi lấy nhan đề bài Sonate này chưa? ( Anh thì chưa đọc vì anh vốn ghét Tolstoi)

   Tối qua thu nhạc, nghe no - kể từ bữa ốm dậy - trông cảnh cũng khác thường. Trời mưa lây rây, chớp lóe thật nhiều. Khoảng 10 giờ xuống Hội Quán uống cà phê với Cường trở về, cái áo khoác dầy em đã từng trùm, bám ướt. Ho lụ khụ, uống thuốc như ông lão. Nửa đêm mưa dứt, trăng xanh lè chiếu vào phòng. Thấm lạnh. Tưởng thế nào sáng dậy cũng có chầu khặc khừ. Vậy mà 6 giờ sáng đã nhỏm dậy, nghe trước Khúc Mùa Xuân rồi mới đi ăn sáng. Mệt, nhưng là cái mệt của người đã khỏe.

Đà Lạt, 30.10.1972
......
   Sáng nay trở dậy 05 giờ sáng. Vừa để nhạc thu vừa viết cho em đây. Bây giờ là 7 giờ, đã có nắng. Đã thu xong mặt gồm mấy cái Sonates cho cello và piano và đang mở nghe lại. Còn mặt kia sẽ thu Sonate à Kreutzer. Chắc ngày mai có thể đi gửi cho em cùng với thư này.
   Cùng với những ngày thu này, chắc là anh sẽ đầy rượu chát và nhạc. Nghe Beeth no nê. Trưa chủ nhật ở phố về, mua kim mới, anh cũng đã nằm nghe suốt buổi cho đến giờ hẹn với hai vợ chồng người bạn. Sonate à Kreutzer khỏi nói em nghe cũng sẽ thấy rõ cái chất của Beeth. Riêng mấy cái Sonates cho cello và piano, anh đã chọn cho em mấy bản thủ thỉ dễ chịu. Sonate Op. 69 vào cái thời Beeth còn chịu ảnh hưởng của Haydn, Mozart, chưa phá. Sonate Op.102 số 1 đã thấy cái mầm mống của những tác phẩm đặc Beeth sau này. Kế đó là 7 biến khúc trên một thème của Mozart là sự hòa hợp thú vị. Em biết Mozart là một tâm hồn nghệ sĩ thuần trời cho, bay bổng tự nhiên không hề có chút vướng mắc, nghe Mozart chẳng hề thấy bợn chút bụi trần. Chỉ vào khoảng cuối đời, ở mấy cái symphonies 39-40-41 của ông mới thấy tỏ lộ tính bi thảm của trần thế. Beeth là một tâm hồn đối cực, lãng mạn hùng vĩ, đó là con phượng hoàng bị tên ghim đầy mình vẫn bay vút được đến chín tầng trời tung tiếng kêu thảm thiết bồi hồi xuống nhân thế. Mozart chính thống trữ tình, Beeth chính thống lãng mạn. Beeth khép mình vào cung bậc của Mozart, đẩy sự tung tăng vô tư của người trước vào những lối nồng nàn hệ lụy. Rồi anh sẽ thu tiếp cho em nghe thêm 12 biến khúc khác cũng trên một thème khác và những biến khúc trên một thème của Haydn. Em hãy lắng nghe tiếng cello- trầm, nặng, đầy nam tính. Em hãy nghe lúc vào khuya, lúc hiu quạnh nhất. Em nghe và cam đoan em không phải thở đâu. Em sẽ thiếp đi trong bàng hoàng, trong heo hút. Em sẽ nghe như anh đã nghe trong những đêm lồng lộng của anh đây.
    Anh cũng gửi theo cho em bài Tạp ghi thứ 2. Bài thứ 1 anh không có. Từ ngày ấy anh cũng chẳng viết thêm bài nào nữa. Tửng tửng hoài anh cũng đã chán. Anh sẽ nghiêm trang hơn. Để viết quyển truyện tình của anh - không cứ bị em chê hoài, kỳ quá. Nghe em đọc bài của H.P.A xong chê anh bậy, bậy, anh lại thấy thích mới chết. Bởi chính anh đọc bài ấy cũng thấy ngộp.Thường anh chẳng hề chú trọng coi xem người ta nghĩ gì về mình, phê bình gì về mình, bởi mỗi lần ngó thấy anh đều thấy như mình bị đóng đinh. Anh đã là như thế nhưng anh còn có thể khác chứ. Sao cứ bắt anh như vậy hoài. Cho nên anh chẳng bao giờ xúc động lâu về những điều đàm tiếu, thị phi hết. Em đọc bài Tạp ghi chắc thấy rõ khởi từ đâu anh viết nó. Phải không?

    Thôi bắt đầu chóng mặt. Ngừng đây. Viết cho anh như anh đang viết cho em.

Mais désespérément 

Sài Gòn 4.11. 1973

Anh cũng vậy. Anh cũng tuyệt vọng.
..............
Mặc dù nghĩ nhiều phần em không đến, chiều nay anh vẫn chờ, đứng dáo dác ngoài cổng cho đến khi người ta kéo rào sắt cô lập khu vực và cổng Vườn Thú đóng. Vào đọc lại thư em. Rồi mở thư viết tiếp. Anh có ý định đưa thư này trao tay như em vẫn làm nhưng số nó nặng nợ với bưu điện. Chốc về ăn cơm anh sẽ bỏ hộp thư vậy. Em tránh gặp anh để khỏi làm phiền, tránh viết cho anh này nọ để anh khỏi đau đầu, giống hệt như anh vậy, anh cũng lẩn tránh thế. Thật tâm có lúc anh mong em quên được anh cho em nhẹ mình, em cũng nghĩ thế phải không? Nhưng thôi không nói những chuyện tầm phào ấy, em lo chữa bệnh xong đã. Ưu tiên một đấy. Còn anh cứ đành làm thơ và viết nhăng. Sáng nay ngồi trực anh làm nhiều việc lắm. Trước tiên là làm phần mở đầu của một bài thơ có tựa "lập dị" Mais désespérément. Mais désespérément, anh mê mấy cái âm vớ vẩn đó và sẽ làm một bài thơ xuân theo commande của Mai Thảo cho Văn. Em thừa nghe thấy bài thơ thế nào, nó sẽ quay quanh cái thème "khi em trở lại", đại khái như:
Khi em trở lại, anh mơ hồ giữa rừng tuyệt vọng thao thức
Những lao xao trăn trở gọi mùa
Khi em trở lại anh mở bừng mắt giữa chiêm bao bối rối
Vô vàn cô đơn ấp úng
[…] 

Hôn em. 12g15' 
Tâm

(từ Blog của Phan Nguyên)

No comments:

Post a Comment