Saturday, February 25, 2012


Mưa khuya 

Lưu Na 


                                                        Tranh Nguyễn Đình Thuần

    Đêm qua trời đổ mưa.  Trong giấc ngủ Mây nghe những giọt nước rơi rời rạc bên hông nhà, tẹp, tẹp… Buổi sáng dậy trời đã khô ráo, sân trước như sáng lên.  Mây bước ra bên ngoài, hít cái mùi trong và mới của không khí sau cơn mưa.  Mưa nhỏ thôi, Mây nghĩ, vì tiếng nước rơi chậm và rõ từng giọt, như phải sau một lúc tích đọng dưới mái thì mới tròn đủ giọt mà rơi.  Mây vào nhà pha cà phê uống.  Ngồi trước máy, Mây định viết đôi dòng mà đầu óc trống không, Mây đành đóng máy lại rồi sửa soạn qua ông.  Mấy hôm trước ông đã đón một người con trở lại Mỹ sau năm năm sống ở Việt Nam.  Hôm đó Mây không qua, nghĩ gia đình lâu không gặp nhau có nhiều điều để nói.  Rồi đâm lần chần, Mây không biết thêm một nhân vật vào cái gia đình ấy thì có ảnh hưởng gì đến Mây, đến những buổi chiều đàn đúm nơi căn gác hẹp, đến cái không gian nhỏ tí mà Mây có mặt cả năm trời nay. Nhưng có những điều không thể khác và không thể không khác.  Biết Mây có khác?  Biết căn gác hẹp ấy có khác?

   Mây bấm chuông, Ông ra mở cửa.  Chỉ có ông bà ở nhà, tụi nó lại dắt nhau đi rồi, Ông nói vậy.  Ngồi một lát, có tiếng chìa khóa lách cách.  Cửa mở, Thu bước vào trước, hi Mây.  Một bóng người to lớn đứng sau.  Gật đầu, chào chị, ánh mắt dò dẫm, không nhìn thẳng mà như hơi liếc ngang thật nhanh.  Mây bước tới bắt tay hắn.
  Thăm hỏi qua quít.  Ngồi một chút, Chiến hỏi thẳng.
   -Chị chắc cũng hơn 50.
   Trời đất.  Ậm ừ
   -In short, I am older than you.
  -Tôi biết, I can tell.
   Dường như Mây bị shocked.  Chiến nói tiếng Mỹ của người đã ở đây từ 30 năm.  Chiến có cung cách của người đã hội nhập với đời sống ở Mỹ.  Nhưng Chiến vẫn mang trong mình cái văn hóa cũ?  Được không?  Ông, đại diện của văn hóa cũ, nhưng chưa bao giờ thấy ông hỏi và nói những câu thiếu tế nhị như vậy.  Gentlemen they were, một thế hệ có học, biết thưởng thức biết cư xử.  Họ vẫn giữ truyền thống, vẫn mang những thói xấu của một văn hóa coi thường phụ nữ, nhưng họ không ứng xử kiểu của Chiến.  Mây loay hoay không tìm được một hình ảnh một cách gọi cho cung cách của Chiến.

   Chiến gọi Mây bằng Chị, khẳng định một ngôi thứ, một lằn ranh.  Chiến nói Chị cứ ngồi chơi đi, chén đũa dẹp sau.  Thì Thu vẫn thường nói vậy, thì Bà vẫn thường nói vậy?  Nhưng, dường như Chiến là chủ nhà, chủ tọa, và chủ gì gì đó, và Mây, Mây phải giữ phận khách của mình.  Bên cạnh, Ông và Bà thinh lặng khi Chiến nói.  Như sự thinh lặng của thái thượng hoàng nhìn vua mới điều khiển giang san.  Chiến bảo chỉ có Nguyên Thảo hát hay, rằng tay ca sĩ nọ người Qui Nhơn nên hát tiếng Bắc bị ngọng chứ không phải đớt giọng như Mây nghĩ.  Thu phụ họa, người Trung sao hát tiếng Bắc rõ được.  Bây giờ, câu chuyện xoay quanh Tí.  Chiến nói
   -Nó là trẻ con, nói cái gì cũng dễ thương, nhưng mình phải dậy những câu thật lạ cho nó nói nghe mới thích.
   Ông cười toác hoác, Bà cười khanh khách.  Cả nhà sung sướng nghe chuyện thằng cháu nội mặt rắn như sành.  Bà là một bà má chồng dễ thương.  Bà tin rằng con dâu mang lại đời sống tốt đẹp cho con trai mình.  Bà cảm kích con dâu mang đến cho bà những đứa cháu kháu khỉnh.  Đời sống của bà như giàu thêm, như đẹp thêm khi những đứa cháu chào đời, khi những đứa con trai của bà được nguồn hạnh phúc.  Khi có ai có vẻ như, chỉ mới có vẻ thôi, ám chỉ một điều gì của thực tại phũ phàng làm lu mờ đức độ con dâu mình, bà xù lên như gà mẹ mất con.  Bà mắng té tát.  Bây giờ gặp lại con sau 5 năm xa cách, bà sung sướng lắm.  Cái sung sướng hằn trên khóe mắt trên môi cười.  Bà lẩn thẩn dọn bàn ăn, dẫu không có gì để dọn, xếp lại mấy cái ghế đã đẩy sát vào bàn, lau mặt bếp lò đã sạch.  Rồi bà lại loay hoay bầy ra những là bánh kẹo, hoa, trái.  Rồi bà lại hỏi sao con chưa ăn.  Rồi bà lại loay hoay cất dọn những thứ vừa bầy ra.  Thấy Mây xỏ tay vào áo ấm, bà chậy tới xốc hộ. Cứ như vậy, với một nụ cười và ánh mắt mơ màng.

   Câu chuyện lại dẫn đến cái đối thoại không mấy êm đềm giữa Mây và Chiến.  Chiến tỏ ra sắc sảo trong mọi chuyện, từ ý kiến đến sở thích.  Mỗi câu Chiến nói mang một khẳng định, một nhận định, một xu hướng xã hội.  Hình như ở Việt Nam người ta luôn tự khẳng định, luôn tỏ ra mình đang dẫn đầu, từ trong đối thoại đến hiểu biết đến những gì mình chọn lựa.  Có vẻ như người ta phải tỏ rõ mình ra (mà cái tôi phải sắc nhọn).  Mây tự hỏi, Chiến ở đó có 5 năm, có ảnh hưởng gì không, vì Chiến ở đây đã từ 30 năm?  Nhưng trực giác thường theo Mây rất dai dẳng. 
   Chiến kể một điều gì đó, và Mây phải hỏi lại, phần vì Chiến nói nhanh, phần vì những chữ lạ.  Kết luận là Mây không rành tiếng Việt!  Dĩ nhiên là Mây cãi lại.  Chợt dưng Mây thấy ngộp thở.  Mây bước ra trước hành lang.  Ngước nhìn trời, Mây nhớ buổi gặp gỡ đầu năm.  Hôm đó có vợ chồng bà Thuận, vợ chồng ông Dương, 2 ông bạn, Ông, Bà, Thu, và Mây.  Gian phòng rộn tiếng cười nói, nhưng mang một không khí êm đềm.  Mây chợt nhận ra cái đầy ngập của gian phòng bây giờ.  Chỉ có Ông, Bà, Mây, Thu, và Chiến, nghĩa là một nửa số người.  Dường như Chiến chiếm trọn không gian với lời nói của mình.  Là cái nước Việt Nam, nơi Chiến vừa rời, hay là chuyện gia đình sau 5 năm vắng bóng?  Mây cảm như không phải vậy.  Trở vào bên trong, Mây lại phải lúng túng trước một nhận định gì đó, nói cho đúng, một khẳng định gì đó mà Chiến đang dành cho Mây.  Có tiếng gọi thầm, Mây, Mây, về đi Mây.  Mây vẫn ngơ ngác và cái bướng bỉnh cố hữu như đang buộc Mây phải bắc một nhịp cầu, tạo một quan hệ.  Mây, Mây, về đi.
  Hình như nghe được tiếng gọi thầm, Mây đứng lên từ giã ra về, không cà kê như mọi bữa.
Đến nhà, Mây cất xe rồi ra đi bộ.  Mây bước thong thả trên đường dành cho bộ hành.  Đầu Mây hơi cúi và bước chân như vội vã.  Mỗi một lúc Mây lại ngước nhìn quang cảnh chung quanh, nhìn nếp nhà, nhìn cây cảnh, nhìn sắc trời nhìn cành lá dạt theo chiều gió, rồi lại cúi đầu rảo bước, một cố tật từ nhỏ.  Gió thổi, tóc và áo và váy Mây dạt qua một bên, như vẫy tay gọi ai đó.   

   Khi Mây bước vòng tránh đạp lên một nếp cỏ, Mây chợt nhận ra cái điều mình mang mang ngẫm nghĩ mà không gọi được tên. Mây nhớ tới nhân vật Thạch Đạt Lang, một kiếm khách đã đi hết tuổi thanh niên, trốn chạy một tình yêu mãnh liệt để học cho xong một thế kiếm tối thượng: kiếm ý.  Câu chuyện hết sức thú vị khi Thạch Đạt Lang phải né tránh ánh mắt của vị sư già làm vườn, mà thực ra chỉ là do nơi tham vọng và nội lực không kềm chế của chính mình dội lại.  Nhưng Chiến, cái ý cao ngạo tuôn tràn thì phải, chứ Mây, Mây chỉ là một người đàn bà ngơ ngác.  Mây đâu phải vị sư già nội lực thâm sâu.  Loay hoay, Mây vẫn không xé rời được tên Thạch Đạt Lang ra khỏi hình ảnh của Chiến.  Tệ hơn nữa, khi Mây nghĩ đến Chiến như một thanh mã tấu.
   Thanh mã tấu đó còn huơ thêm nhát nữa khi Mây gặp lại Chiến lần thứ 2.   

*** 

   Chiến đã tìm được việc làm.  Chiến cũng đã dẫn Thu đi xin học với thầy cũ.  Chiến cũng định rằng sẽ tìm chỗ ở, rồi Thu sẽ dọn ra ở cùng Chiến để Chiến có thể kèm cặp việc học cho Thu.  Rụp rụp.  Không ngần ngừ, không có phút nghĩ ngợi, không có chỗ cho sự do dự.  Không có ý kiến của Thu!  Nơi bàn ăn, Chiến cằn nhằn mẹ, mẹ cứ ngồi yên để Thu nó làm được rồi.  Lời cằn nhằn y hệt như của Thu, như Chiến chưa bao giờ rời khỏi nhà.  Vóc người to lớn của Chiến chiếm một phần tư cái bàn tròn, trong căn phòng ăn 9 thước vuông.  Tiếng Chiến không oang oang nhưng mang một sự khẳng định lấp đầy không gian.  Ánh mắt Chiến không nhìn thẳng ai, chỉ như thanh mã tấu quơ nhẹ một vòng phạt lấn cỏ cây chung quanh cho một chỗ đứng.  Tự dưng Mây thấy mình thừa thãi, thấy mình không có chỗ ở đây, nơi Mây vẫn có mặt hằng ngày.  Mây không biết mình còn qua bên ông được bao lâu, nhưng ngay bây giờ đây Mây phải cáo từ.  Chiến hỏi, ủa chị không ở lại ăn cơm à.  Mây đâu tới để ăn cơm?  Chỉ mới lần thứ 2, mà Mây thấy mình phải đứng lên đi về, khác với thông lệ là đến vào giờ cơm thì cùng ăn, dù chỉ ăn một miếng.  Chiến cười cười, bộ khắc khẩu à.  Mà có cần giải thích chữ này không đó.  Vẫn ánh mắt liếc ngang như dò xét như phán định.  Mây giả lả, cái đó là tiếng Việt chứ có gì khó hiểu.  Không, tiếng Hán Việt đó.  Ừ ừ.  Bye chị Mây, Thu chào với.  Mây xém xỉu.  Sau một năm xưng gọi với Mây bằng tên, hôm nay Thu gọi Mây tiếng chị như anh của nó!!!   Xuống thang.  Mây thấy lúng túng lùng bùng không biết vì sao.  Mây thấy ngượng ngập bơ vơ và mệt muốn chết được.  May, không có Việt ở đây, chứ không còn thêm mắc cở.  Mà, Việt chứ ai mà phải mắc cở.  Mây hít vào lòng một hơi dài, hóa ra nẫy giờ Mây nín thở.  Bước chân trên đường Mây thở phào nhẹ nhõm, như mới thoát một cuộc chiến. 

   Đêm xuống.  Ngày dù dài mấy cũng phải lui, niềm vui của ông bà chắc cũng phải tắt.  Chỉ có nỗi buồn thì cứ quyến luyến dằng dai.  Mây nằm đọc sách, rồi lại dừng lại suy nghĩ vẩn vơ.  Chiến ra sao nhỉ?  Mây ráng mà chỉ nhớ nét mặt Chiến lúc cúi xuống.  Lông mày lưỡi mác hơi cau lại, cằm vuông bạnh và xương xương chứ không đầy đặn như những khi ngẩng lên.  Những lúc ấy trông Chiến giống ông lạ lùng.  Hay Mây chỉ nhớ nét mặt ấy vì bức hình trên kệ?  Có cái gì nối hai cha con với nhau, nhưng hai người thật khác biệt.  Mây tần ngần.  Trời lại bắt đầu mưa, tiếng mưa nhẹ nhàng tí tách. 
   Mây nằm nghe tiếng nước nhỏ giọt bên thềm, nghĩ đến những dòng nước chẩy âm thầm dọc theo lề đường như một cái rãnh hẹp, đến màn mưa giăng giăng như những sợi tơ đan chéo vào nhau hiện rõ  lên dưới những cột đèn.  Cái vàng vọt làm cho màn tơ mưa óng ánh.  Và, nó khảm hồn mình xuống cái chỗ mà mình thấy ra nó.  Nó giam hồn mình vào cái thời khắc đó, như một tù nhân muôn kiếp.  Mây  nhớ mưa của một thuở thanh xuân.  Mây nhớ Các một năm nào.   

   Hồi đó, mỗi đêm vào sở là mỗi cực hình.  Ở nhà ngủ ngày không quen, vào sở đêm dài mệt nhọc.  Mỗi lúc Các mỗi đem cho Mây hộp kẹo, băng nhạc.  Cả khi đứt tay Mây cũng xòe ngón tay ra chờ bandaid.  Vì không cãi cọ được với hắn.  Nhưng Mây bận khóc một mối tình, Các chả là ai trong kiếp sống.  Buổi sáng ra về, quyến luyến hỏi Mây uống cà phê.  Rủ Mây đi chợ trời sáng thứ Bẩy.  Có hôm 2 đứa dắt nhau ra gềnh đá nhìn sóng bạc vỗ  cao, ôm cái lạnh cắt da thịt vào lòng.
Đứng lại đây với Các một chút nữa đi
Lạnh lắm, về thôi.  Tôi buồn ngủ rồi
Ok, về.
   Về, về căn phòng lạnh lẽo.  Tấm chăn như ẩm ướt những giọt sương dù nắng bên ngoài đã lên cao.  Những giấc ngủ xanh xao nặng chĩu.
Về sớm không?  Các chở ra chỗ này lạ lắm
Thôi
Nhưng trời đang mưa, đi dầm mưa nha
Ok
   Mưa đã mau hột, tháng 12 lạnh như càng lạnh thêm.  Ướt 2 ống quần. 
Các chỉ có 1 cái dù, 1 cái áo lính.
Thì Các mặc đi, tôi không cần
Ướt thì sao
Chịu
Hm.  Sao ngang vậy

Chỗ này có cột sưởi, ngồi đây đi.
Ok
Tôi có giống chị Cẩm của Các?
Không.  Mây là Mây.  Mây chỉ hơn Các 1 tuổi, tưởng nhiều sao.
Tôi muốn về

Không muốn
Nhưng tôi muốn về
Thì về
   Mây lại về, lại nằm xuống chiếc giường trống lạnh ươn ướt, lại trằn trọc.  Má, Má có biết con ở nơi đây trơ trụi có một mình và con ghét ai thương hại con, con ghét ai nghĩ rằng con thiếu nghị lực.  Trời mưa, trời ở đâu cũng như nhau, nhưng trời Sài gòn sao vẫn khác.  Hùng của Sài gòn cũng khác Hùng nơi đây.  Hùng có còn cần Mây?  Mây thiếu cái gì?

   Mùa Xuân đến.  Những cành cây trong Mile-Square Park có vẻ mời gọi.
 Các chở Mây vô đây chơi nha.  Leo cây cũng vui
Mỉa mai hả. 
Thì you hay đòi leo.
Kệ Mây.
Thôi ra biển nha

   Lại ngồi khuất vào hốc trên gềnh nhìn sóng. 
Lạnh
Xích lại đây
Hết chỗ rồi
Co chân lại rồi
Ok
   Năm phút, quay lại, Mây thật ra đang ngồi dựa lưng vào lòng Các, Các tựa như đang ôm Mây trong lòng.  Mặc kệ.  Nắng vàng ánh trong đáy mắt buồn tênh.  Mặc kệ.  Hùng, Mây đã thôi không còn nghĩ tới.  Anh Công, anh còn vợ con gia đình.  Sao Mây tội nghiệp nhọc nhằn vậy.  Sao Mây phải lẻ loi.  Đất trời bao la sao Mây chỉ có một mình nơi đây.
Ngồi hết buổi rồi, phải về chứ
Ở đây thêm với Các một chút không được sao
Đói
Ok, ăn pizza nha.  Ăn thử đi, ngon lắm
   Hết đói.  Mây lại về, căn phòng hình như khác.  Hình như có một sơi tơ nhện vừa chăng ngang bàn viết.  Lát nữa Hùng về, sẽ lại một ngày thờ ơ nặng nhọc qua đi.  Rồi Mây sẽ lại vào sở lúc đêm về.  Rồi lại ngồi lại thêm với Các một chút nữa đi lúc tan sở.

   Mấy ngày Tết, đủ thứ người đủ thứ chuyện.  Phố phường đông tấp nập, mà trời ơi lẻ loi.  Có ai biết không nỗi lẻ loi của Mây.  Trở lại sở làm, dường như Mây mừng dường như Các mừng.  Mây thà trốn đêm thâu cho quên nỗi lẻ loi.  Còn Các, Các mừng nỗi gì?
Ra biển xem mặt trời không?
Lạnh?
Không đâu, mùa hè biển chỉ mát thôi
Ok
   Nắng rực rỡ huy hoàng trong đáy mắt.  Mặt trời xuống như lòng mình xuống thấp, mình sắp bị nhấn chìm trong biển bao la.  Các nắm chặt vai Mây la bải hải coi chừng té.  Mặc kệ, Mây muốn vươn mình ra trước coi mình có hòa tan vào nắng vào gió. 
Thôi thôi, về, về
Ủa, không bảo ở lại thêm một chút nữa sao


   Mắt Các buồn hoang dại.  Nhưng Mây không cần biết.  Mây đã thôi xưng tôi với Các.  Bây giờ Mây chỉ xưng tên.  Bây giờ cần gì Mây cũng nói với Các.  Bây giờ chuyện gì Mây cũng mách với Các.  Các nhẫn nại và chịu đựng như một người cận vệ trung thành.  Mây không dám nghĩ xa hơn nữa.  Nhưng Mây không lùi được nữa.  Trời lại vào thu.  Mây lại co ro cùng Các ra biển vắng, ra đầu gềnh ngắm sóng.  Mây lại co ro cùng Các dầm mưa.  Có bao giờ Mây hết cô đơn.  Có bao giờ Mây thôi thấy lẻ loi. 
Các, Các, làm gì vậy
Các thương Mây, Các chả biết vì sao.  Các chỉ thua Mây 1 tuổi, sao cứ coi thường Các
Mây…
   Các kéo sát Mây vào lòng, nhẹ nhàng hôn lên môi Mây.  Chậm rải từ từ, Các hôn Mây.  Mây bừng tỉnh.  Bấy lâu nay Mây không còn nhớ đến Hùng, không còn nghĩ đến anh Công.  Bấy lâu nay Mây chả còn thắc mắc cuộc đời Mây.  Mây đã tới đường cùng, đâu có gì lạ? 

   Các đưa Mây về.  Các ngồi xuống bên giường, ánh mắt buồn tênh.  Rồi nhẹ nhàng Các mở vòng tay Mây vuốt ve tấm thân gầy héo của Mây. 
  Mây đã nằm với Các.  Một chút xa lạ một chút ngỡ ngàng, rồi tất cả qua đi trong hờ hững.  Mây vẫn chưa tỉnh giấc lẻ loi.  Mây nằm trên giường than đói, đòi Các mua đồ ăn.  Các lập cập mặc quần áo. 
Quên cài nút kìa !!!
Trời ơi, cưng làm Các quên hết mọi điều
    Cười
    Các kéo tấm ra đắp lên cổ Mây, quyến luyến ra cửa.  Mây thầm nghĩ, chỉ 15 phút có lâu la gì đâu sao phải lừng chừng?

   Khi xa Các, Mây mới nhớ đến cái mặn nồng.  Mây nhớ những khi Các hôn trên thân thể mình.  Mây nhớ những khi Các hôn Mây chậm rãi tưởng như cái hôn kéo dài không bao giờ dứt và Mây sẽ chết vì hết thở.  Mây nhớ những khi Các nhẹ nhàng nói, cưng đừng sợ, cứ kêu lên tiếng kêu của riêng mình.  Lâu, lâu lắm về sau, khi Mây đã già, đã mỏi, đã sống nhiều tháng năm với chuyện yêu đương, Mây mới nhớ ra mới hiểu hết cái thiết tha lướt trên da thịt.  Không phải là những xúc chạm của hai thân xác, mà là cái thiết tha chuyền qua làn môi qua hơi thở qua những cái xốc vào tận nhau mà mình biết mình được yêu.  Và, khi kêu lên tiếng kêu chất ngất thì âm thanh đưa cái buốt xót rung động bên trong vượt thoát lên tất cả thịt da hoàn thiện một cảm xúc, và mình biết cái đẹp cái điều kỳ diệu của chữ sống, mình biết mình yêu, khi cất được tiếng kêu.
   Hiểu ra thì Mây không còn tìm được niềm yêu ấy nữa.

***
   Chiều, Mây qua bên ông, lại như cũ_cô Năm, Mây, và Ông, Bà ăn cơm với nhau.  Mây liếc mắt vào trong, phòng ông bà mở cửa và ánh TV chớp lóe.  Ông nói tụi nó đi về đói nên lần lượt ăn hết rồi.  Mây nghĩ thầm, chắc Chiến thấy được nỗi ngại ngần của Mây nên không ra.  Chắc Chiến biết nên trả không gian cho “hội bạn người rách việc.”  Bên trong, Chiến nằm xem TV.  Chiến không ở trong phòng Thu, dù Thu đi vắng.  Có vẻ như Chiến biết tôn trọng cái riêng tư của Thu và gần gũi mẹ cha.  Thực khó hiểu, có phải Chiến cà khịa với Mây?  Mây muốn hỏi Chiến, bộ Mây có vẻ gì khó ưa sao mà mới gặp Chiến đã cà khịa với Mây như vậy.  Nhưng rồi Mây vẫn lặng im.  Mây nghĩ chắc hắn cũng chả xem gì trên TV, chắc hắn đang loay hoay nhớ vợ con.  Mây để cho cây mã tấu ấy nằm im trong thế giới riêng của hắn.
   Bên ngoài, giữa lúc cô Năm và Bà dọn chén đũa, Mây nói nhỏ cùng Ông
   -Không có gì đổi khác mà sao dưng không Mây thấy cuộc sống của mình như bị xáo trộn. 
   Ông gật đầu,
    -Tôi cũng cảm thấy vậy.
   -Tại sao, là điều gì?
   -Chưa gọi được tên, chỉ cảm thấy vậy thôi. 
   Mây và Ông lại yên lặng, cùng xem một bài viết trên net.  Mây về.  Bước chân trên lối hẹp, Mây thèm nói chuyện cùng Việt, những chuyện không đầu đuôi như hồi hai đứa còn ở cạnh nhà nhau. 
   Mây ước sao có Việt ở đây, ngay sát bên nhà như những năm còn bé. 
   Hồi đó, cứ tối đến thì Mây lên lầu, ra sau gác nói chuyện với Việt.  Cái nhà hồi xưa cũng lạ, nửa phần gác bên trong là gỗ, mà nữa phần sau lại là sân xi măng để phơi quần áo.  Gác nhà Mây cách gác nhà Việt bằng tấm lưới mắt cáo, 2 đứa tha hồ rù rì.  Những đêm trăng sáng Mây còn thấy được mắt Việt trong và nâu nhạt như mắt con búp bê.
   Nói cái gì đâu có nhớ nữa.  Nhưng nó chưa bao giờ kể ra nó bị đòn, bị “bố.”  Nhà sát vách thì sao dấu nhau được chứ, rồi Mây cũng hỏi, rồi mắt nó cũng tối sầm.  Những năm tuổi 13, Mây chả hiểu nó nghĩ gì, mà có lẽ Việt cũng không biết Mây nghĩ gì.  Có một năm nào đó, Việt xa cách với Mây, không nói với Mây một lời như thể không quen.  Mây buồn lắm, mà tự ái nên không hỏi gì, chỉ làm thinh theo.  Rồi một hai năm sau, Việt làm quen lại, nhắn qua em Mây rằng muốn nói chuyện.  Việt rủ Mây đi cắm trại cùng lũ bạn của Việt.  Mây nói cùng Việt,
   -Người ta nghĩ tao với mày là bồ thì sao
   -Không có đâu. 
   Việt càng thuyết phục thì Mây càng nói không.  Mơ hồ Mây nghĩ Việt không muốn mắc cở cùng bạn vì mình chưa có bồ.  Nhưng Mây sẽ quờ quạng ra sao trước cái đám đông xa lạ đó?  Phải chăng mặc cảm và thiếu tự tin đã mọc lên từ lúc Mây còn tuổi thơ…  Ngày gia đình Mây dọn đi nơi khác mắt Việt buồn tênh.  Mà khờ quá, chả đứa nào biết hỏi nhau địa chỉ, hẹn nhau nhắn tin gì cả.  Mây xa Việt từ đó.
   Trước khi Mây kịp biết yêu, Việt đã có đứa con đầu lòng.  Gặp nhau trên đường Trương minh Giảng, Mây ngỡ ngàng quên cả thắc mắc Việt đi đâu lang thang vào giờ này, giờ tan học.  Hai đứa đi song song trên lề.  Mây không biết phải gọi Việt là gì, mày tao như xưa, hay gọi tên cúng cơm , nhưng, Mây gọi Việt, trống không.
   Việt khoe có đứa con trai đầu lòng, đặt tên Nam, êm như cái gối đầu nằm.  Việt mơ màng say sưa với tình duyên mới trong khi Mây lúng túng với cái tin trên trời rơi xuống, với thằng bạn đã thành đàn ông, và với cái tôi không còn thơ.  Mây dẫn Việt về nhà, pha cà phê cho Việt uống, và cho đến khi Việt ra về vẫn không quyết được cách xưng hô. 
  Bây giờ Việt ở đâu?  Cái tình bạn như ruột thịt như tận cảm thông đó đứt đoạn nên Mây cứ thấy như tức tưởi. 
   Mây nằm yên bên ánh đèn vàng, tấm chăn đắp lên ngực và cuốn truyện đang đọc dở úp bên trên.  Mắt Mây nhìn sâu lên trần nhà.  Những khi có điều gì muốn nói Mây cứ như cây đuốc chờ lửa thắp, mà khi nói lại nói chả đầu đuôi gì.  Như bây giờ, Mây nghĩ mình sắp bốc cháy, tựa như năm 13 tuổi Mây nói với Việt,
   -Tao thích cha Si-ca-que
   -Nhưng thằng chả già thấy mồ
   -Ừ. Mà mày thích ai?
   -Tao thích chị mày. 
   Việt và Mây đã nói với nhau như vậy.  Việt và Mây đã cùng rơi như hai hạt mưa.  Mưa khuya đều đều êm đềm rơi, Mây buồn ngủ rồi.  Mây ước thấy Việt trong mơ.  Mây có thể gặp Việt không? Mây thở đều. 
(còn tiếp)
LN

No comments:

Post a Comment