Đi hết biển có thể tới Âu tới Mỹ, hay về lại Việt Nam , nhưng không bao giờ về được phố xưa tôi đã sống, hẻm nghèo một thuở đã lớn lên.
Ấu thơ tôi ở hẻm đường rầy, khoảng giữa đường Trần quí Cáp và Hồng thập tự. Có bao nhiêu cái hẻm ăn thông ra đường rầy tôi không biết được, chỉ biết xoay lưng về phía đường rầy thì đi đến giữa ngoặt tay trái sẽ ra tiệm chạp phô Hòa Phú đường Trần quí Cáp, và đi tới cuối (hay đầu hẻm, sao biết được đâu là đầu đâu là cuối !! ) sẽ ra ngõ hàng quà.
Gọi vậy, vì ngõ đó toàn bán quà sáng. Đứng từ mặt đường Trần quí Cáp ngó vào ngõ bên tay trái là tiệm cà phê hủ tiếu của Tàu. Sáng sớm nhiều bác ghé vào uống cà phê sữa đổ ra dĩa, ăn cái bánh tiêu hay dầu cháo quẩy. Lâu lâu một lần tôi được ba dắt ra đó ăn xíu mại há cảo thì nhớ đời. Ngồi ngay trước cửa tiệm là gánh bánh mì giò chả của bà mắt lồi. Chả bò của bà rất thơm thìa là và mỡ thái hột lựu, tiêu hột. Ông ngoại dậy tôi nói rằng bà bán cho cháu 3 đồng bánh mì 7 đồng chả, vì nếu mua 10 đồng bánh mì chả thì ổ bánh mì dài ngoằng mà chả thì chỉ có một vài miếng. Tôi say sưa ngó bà xẻ khúc bánh mì, nhét mớ chả bò thái vuông ngón tay, rắc vài hột muối tiêu chút xì dầu rồi gói nó vào tấm giấy cellophane (tôi không nhớ tiếng Việt gọi là gì?). Tôi thường ăn từ từ sợ hết!!!
Cùng dẫy đi lần vào trong có hàng cháo huyết, mì giò heo, bánh canh giò heo, và bánh thiếp lá dứa. Tôi không còn nhớ gọi vậy đúng không, bột đặc sệt trộn dừa và lá dứa, quét một muỗng trải đều lên tấm gang tròn đen bóng trên lò than. Năm phút sau miếng bánh chín dòn nâu một mặt, mặt kia vẫn xanh ngát thơm lừng. Lâu lâu có món xôi ống tre hay xôi bánh phồng.
Cũng từ mặt đường Trần quí Cáp ngó vào tay phải là bà cụ già bán chuối nếp nướng. Chuối bọc xôi nếp, gói trong lá chuối vặn xoắn 2 đầu, để lên bếp than nướng. Trẻ con ngồi chò hõ chờ lâu ơi là lâu mới nướng chín được vài trái chuối. Mở ra, lấy cái muỗng xẻ bụng chan vô một muỗng nước cốt dừa có bột bán. Ngon chết luôn. Xế xuống chút xíu là hàng bánh khọt bánh xèo, bánh cuốn. Còn hàng gì nữa thì tôi quên rồi. Qua khỏi hàng quà là phông tên nước, 4 bề có thùng để sẵn chờ hứng. Hẻm của tôi ở bên tay phải. Buổi sáng tôi ra đầu hẻm chỗ phông tên, quẹo trái ra hàng quà. Buổi chiều mát tôi ra hẻm quẹo mặt, chỗ này hơi có khúc quanh rồi thẳng ra Hồng thập tự, xem xếp ghế đẩu bầy hàng cháo lòng, một dẫy. Có những hôm tôi xuống cuối hẻm, ra đường rầy ngồi chơi chờ xe ô tô ray phun khói chạy tới thì chạy ùa vào lề các nhà ven đường rầy. Có hôm tôi ra đầu hẻm đứng tựa hàng rào xem ông nọ cột tóc sau gáy mặc bà ba trắng ngồi đàn vọng cổ cho 1 cô bé cỡ 6-8 tuổi răng to và hở hát 6 câu. Cô hát rất nhịp nhàng theo tiếng đàn và nhịp gõ song la, giọng trong trẻo. Sau này lớn hơn, biết xem cải lương thấy Hữu Phước đóng vai cậu gì đó trong “Con gái chị Hằng,” và thấy bức hình Thanh Nga mặc áo dài đeo xuyến tay dắt em Hương Lan tóc bum bê áo cộc trắng răng to và hở thì tôi bâng khuâng không biết phải đúng người xưa.
Ở đó tôi chưa được 5 tuổi, chưa biết ăn quà. Ấy vậy mà tôi đã đến trường cây đa (không biết có học được chữ nào hay chỉ cho cô giáo hỉ mũi !!!) Tôi còn ghi lại trong đầu lần pháo kích vào trường cây đa trẻ con chui xuống gầm bàn núp, sau đó chạy ùa về nhà tìm ba má. 1965 tôi dọn qua hẻm Nguyên Hương Phật đường bên Phan đình Phùng. Vào tiểu học Bàn cờ, tôi bắt đầu biết ăn quà, và tôi vẫn về ngõ hàng quà ăn sáng. Lớn hơn, tôi đổi tông. Từ nhà ở hẻm Nguyên Hương phật đường đối diện Đông Huê trà gia, tôi ra chợ Vườn chuối xơi quà. Ngõ hàng quà mờ phai trong trí tôi. Tôi đi xuyên chợ Vườn chuối (trổ ngang sẽ đến trường Bàn cờ) sang bên kia, đường Phan thanh Giản, rồi vòng trái về Cao Thắng. Tôi đến chung cư Nguyễn thiện Thuật, leo lầu 3 mờ cả mắt để thăm bạn là con một ông cảnh sát. Bây giờ phiêu lưu hơn một chút, thỉnh thoảng tôi đi dọc Phan đình Phùng xuống Nguyễn thiện Thuật. Trước khi đến Nguyễn thiện Thuật là một góc đường nhỏ tôi không nhớ tên, có chùa Kỳ viên tự, một gốc cây thật to và hoa đỏ thật lạ ngự giữa sân chùa, tôi rất thích vào ngắm. Hoặc tôi đi ngược Phan đình Phùng lên Lê văn Duyệt, hình như có tòa đại sứ Cao Miên, có chợ Đũi.
Tôi đi lung tung, không còn về ngõ hàng quà, và vẫn còn một khúc ngõ không bao giờ đặt chân đến: khúc từ Trần quí Cáp thông qua Phan đình Phùng, tôi chưa bao giờ đi qua. Và, ăn đủ thứ, mà trong tự điển ăn quà không có ăn phở. Món này sang quá, chỉ khi nào có tiền 4 anh em mới hùn lại mua 1 tô về chan với cơm nguội chia nhau ăn. Vậy, tôi càng không biết phở gánh. Ngoài khúc hẻm ấy và món phở gánh, tôi dám tự hào mình là thổ địa quanh ngõ hàng quà và hẻm Nguyên hương..
Khi tôi 14 hay 15 thì phải rời hẻm Nguyên Hương, qua ở bên Thủ Thiêm. Tôi xa thằng bạn thân từ đó, nhưng thật ra nó đã bỏ tôi từ 2 năm trước, lúc nó lên lớp 10 và bắt đầu biết hẹn hò (nó hơn tôi 2 tuổi). Tôi xa bạn xa xóm thân yêu, hẻm 365 rồi cũng mờ phai như ngõ hàng quà.
Vài năm sau, tôi về thăm lại xóm. Tôi đến nhà thằng bạn ấy, em nó, con Hương (hơn tôi 1 tuổi) con Nguyệt lôi tôi vào bếp. Hai đứa thả trái bom xuống cõi lòng ngờ nghệch của tôi: vợ thằng Lù đang ngồi nói chuyện với Bố tao đó. Tôi há hốc mồm ngó lên nhà trên. “Vợ thằng Lù” có bụng to hơn trống đang ngồi lừ đừ uể oải nghe bố chồng giảng mo ran. Thằng Lù của tôi… Thôi là hết anh đi đường anh !!!
Từ đó tôi không về lại xóm. Và cái ngõ hàng quà thì chỉ còn là con tem mờ quăn góc trên phong thư ngày cũ. Tôi mất ngõ hàng quà mất xóm 365 khi vẫn còn trên quê hương. Hỏi quê rằng biển xanh dâu… (Bùi Giáng)
Vậy, mà qua nửa vòng trái đất, băng một đại dương mênh mông, với một người chưa biết mặt, tôi lại tìm ra ngõ thơ ấu của mình. “…nhà tôi ở cạnh đường hẻm thông từ TQC ra đến HTT , chỗ có họp chợ bán quà sáng và trong con hẻm đó thông từ hẻm chợ này qua đường rầy xe lửa.” Anh bạn chữ viết thư tả như vậy. Chính là anh đang tả xóm của tôi, tả thời thơ ấu của tôi với “ngõ hàng quà.” Tôi ngồi trầm ngâm cảm động tần ngần. Tốn hết 1 ngày rưỡi tôi mới hình dung ra khúc hẻm mà anh tả, khúc hẻm mà chân dế phiêu lưu của tôi chưa hề bước qua, món quà sang trọng mà tôi chưa hề nếm. Thuở anh lăn lộn thì tôi cũng chưa ra đời. Biển không phải là thứ duy nhất ngăn 2 số phận. Và lòng người thì thiên địa khôi khôi. Tôi chả cần đi hết biển, quê hương vẫn ở trong lòng tôi.
Lưu Na
No comments:
Post a Comment