Saturday, August 27, 2011


Tản mạn
bên tách cà phê


Nguyễn Xuân Thiệp


Em có tìm anh trên những hàng cây




Một đêm trong ngôi nhà của Nguyễn Xuân Phước bên hồ ở Irving có trăng lên sau hàng cây, Nguyễn được nghe giọng hát khản đặc và tiếng đàn guitar Hoàng Ngọc-Tuấn, ngân lên và vang rơi, như tiếng nức nở như tiếng kêu đường, gợi bóng những troubadours, những người hát rong đường phố thuở xưa -trong hai bài hát của anh- Bài Hát Chào HàngCái Dường Như Là. Cả hai bài hát đều được viết ở Sài Gòn và hát ở Sài Gòn nhiều năm trước, khi anh cùng Hoàng Đình Bình rong chơi trong đói rách. 

hỡi người qua lại
xin đừng e ngại
khi ghé lại quán này


xin mời đến ngồi
nếu bàn chân mỏi
xin mời đến ngồi
một góc đời nhỏ nhoi

ai cần khí trời
ai cần tiếng cười
xin vào chơi

          (Bài Hát Chào Hàng ở quán Huy Tưởng) 

[…]


không phải là sắc
không phải là màu
không phải là sáng
không phải là chiều
là cái dường như tìm khắp mọi tinh cầu
không phải là nét
không phải là đường

không phải là bóng không phải là hình
là cái dường như
nằm trong cuộc tử sinh
không phải là máu không phải là lệ
không phải là da không phải là thịt
không phải là xác không phải là hồn
là cái dường như đi đứng trong cõi đời…

            (Cái Dường Như Là,  bức tranh siêu thực của Sài Gòn thời Xuống Hàng Chó Ngựa)


   Tiếng hát và ca từ của Hoàng Ngọc Tuấn gợi mình nhớ lại một thời khốn khó, tối tăm ở Sài Gòn, gợi lại cả những vẻ đẹp của đất trời một thuở.
   Và rồi nhớ lại: Ở những năm đi tù Cộng Sản về, những năm đầu thập niên 1980, để sống cho đến tận cùng cái khổ và nỗi tuyệt vọng, Nguyễn và các bạn thường hay đến ở chỗ sân ga cũ trên đường Lê Lai xế bên bùng binh Sài Gòn, chỉ để rít điếu thuốc lào và uống ly trà đắng của một cô bé lang thang từ Bắc vào. Trong cái không khí nửa âm nửa dương của buổi chiều dần tối, mới cảm thấy thấm thía thân phận của người dân dưới chế độ bạo quyền:

đời thổi bạt ta ra hè phố
mỗi gốc cây là một mái nhà
trong đấy chén ửng màu nâu sậm
ánh trăng tan. giọt máu đời ta…

   Và cũng trong những đêm không phải là máu không phải là lệ không phải là xác không phải là hồn ấy, một đêm của “cái dường như là” trong bức tranh trừu tượng và siêu thực Sài Gòn, Nguyễn đã tìm đến các bạn trẻ như Phương, như Sinh, như Hải Đường để đọc thơ trong hơi rượu đắng. Và cả bọn đã khóc khi nghe Chiều Bên Sông Giăng.
   Bên cạnh những khốn cùng tuyệt vọng ấy, may thay còn có đất trời và lòng người. Tất cà xen lẫn nhau, nhờ đó mới thở được, sống được dù là qua ngày. Những đêm đi dạy học chui về, bụng đói, nhìn trăng trên hàng cây trên đường Nguyễn Tri Phương hay dưới lòng sông Thanh Đa, đôi khi Nguyễn mỉm cười rưng rưng lệ. Và những bữa trưa, giữa hai lớp dạy, Nguyễn vào một con hẻm ở đường Duy Tân chỗ gần nhà Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, ngồi uống tách cà phê nhìn nắng lấp lánh trên hàng sao và những bông dầu bay bay. Đó là những phút giây hạnh phúc hiếm hoi. Và này em, em còn nhớ không, mưa Sài Gòn thời có hai kẻ yêu nhau, hình như cũng đã lâu lắm rồi, trước khi Cộng Sản vào chiếm Sài Gòn. Mưa như một khúc nhạc vui trên đường phố. Mưa xối xả, âm vang. Những hàng sao hàng phượng trút lá tơi bời. Anh và em nép vào dưới một mái hiên nghe mưa chạy trên mái ngói. Tóc em ướt, áo em ướt và tiếng cười reo trong một khúc tremolos. Rồi mưa chợt tạnh, cũng bất ngờ như lúc bắt đầu… Người và xe lại hối hả băng băng trên đường phố. Nắng chợt ngời lên trên hàng cây. 

   Và rồi bỗng chốc Sài Gòn đổi chủ. Rạng đông… Một rạng đông có mặt trời mọc nhưng mặt trời bị cắt cổ (soleil, cou coupé -Apollinaire). Và rồi nhiều người đã bỏ đi… Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ.  một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa. Từ chia tay với Sài Gòn, mới đó mà đã mười sáu năm. Mười sáu năm là tính từ ngày anh bỏ nước ra đi, chứ tính từ ngày Sài Gòn phải đón dép râu và nón cối vào thì đã ba mươi sáu năm. Ba mươi sáu năm, ôi lịch sử đã làm một cuộc chia ly lớn với hàng triệu người ly hương , trôi giạt nơi quê người. Vết thương bao giờ mới lành? Mới đây thôi, đọc bài văn của Nguyệt Hạ viết về mùa thu đăng trên  báo của Mặc Bích đã thấy hiện lên không khí Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du trong đó có mưa dầm, ngọn đường lê và có lẽ cả "một đóa trăng tàn lẩn lút bay", như trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Ôi, lòng ta đã nới rộng tới vô biên và đụng tới đáy hồn nhân loại rồi chăng? Và Nguyệt Hạ đã đưa ta tới với một người đàn ông đứng tuổi đang ngồi với ly cà phê đen ngút khói. Ông gọi thêm cái đen nữa. Không uống. Nhưng rưới chậm rãi xuống cỏ. Mặt buồn hơn ngày mùa đông phố cũ. Nguyệt Hạ viết tiếp: “Chủ quán và tôi từng thấy nghi thức này. Mấy năm nay một kiểu như vậy, vào một ngày nhất định. Tay nhà báo về từ Tây Âu ngồi với tôi hất mắt ra ý hỏi. Tôi vắn tắt Cho các bạn ông ấy. Chết rồi sao? Không, nhưng ở bên kia. Thì cũng coi như chết chứ gì…Vạt cỏ bây giờ nhớp nháp, lấp xấp cà phê đen. Cỏ chắc vẫn sống. Nhưng lòng người đau gì dai dẳng lạ. Mỗi năm một lần, tháng bảy âm lịch, như kiểu người ta xá tội vong nhân.”

   Vậy mà em còn hỏi anh có theo em về Sài Gòn không? Ôi, làm sao anh trả lời em đây. PTNNgọc khi đi qua những con đường của thành phố Sài Gòn đã viết cho người yêu. “H. ơi! Với riêng em, cái khác của Sài Gòn hôm nay đơn giản chỉ là sự thay đổi của vài con đường, vài hàng cây từng in bóng anh thôi. Em kể cho mưa nghe. Rằng con đường ngày xưa anh đạp xe qua, quán xá nhỏ gầy, gió heo heo luồn về tháng Chạp… Bằng những hang cây mà anh từng ví như rèm mi xanh, khép lại phố phường lúng liếng tà huy… Con đường ấy, hàng cây ấy nay đã không còn.”

    Như thế đó. Riêng em, về thăm thành phố cũ, em có đi tìm lại hình bóng anh trên những chòm cây đường Duy Tân hay đường Gia Long không? Những con đường ngày xưa từng in dấu chân hai người bây giờ đã mang tên khác, những cái tên lạ hoắc đối với người dân miền Nam.  Và những cây sao cây dầu, cây hoa ngọc lan hay cây bông sứ máu ngày ấy liệu còn không hay đã bị đốn hạ? Thì làm sao em tìm thấy anh. Cả những quán cà phê ngày xưa, nghe nói cũng không còn nữa. Quán Chùa đã biến mất. Hân ở đường Đinh Ti ên Hoàng Dakao cũng không còn. Và cả Hồng trước Viện Pasteur.  Những tiệm sách ngày nào đã bị xóa tên. Nói chi tới rạp xi nê anh và em vào xem phim thời ấy (em còn nhớ không, rạp hết chỗ, anh và em được ngồi sát bên nhau ở bậc cầu thang và… mi nhau, lêu lêu!). Đi tìm anh may ra em chỉ còn thấy dư ảnh ở những viên gạch vỉa hè và những ngọn đèn đường. Sài Gòn bây giờ không còn chim nữa, phải không em? Chim đã bay đi từ mùa ấy. Vậy thì, cho một lần trở về, khi chiều tha thẩn trong vườn chùa, em hãy nhặt giùm anh một bông ngọc lan hoặc bông sứ máu gởi cho anh. Đó là những bài thơ anh đã viết cho Sài Gòn, cho Việt Nam thời anh còn trẻ tuổi. Chỉ cần vậy thôi.

NXT

No comments:

Post a Comment