Wednesday, August 3, 2011

Nguyễn Thị Hải Hà

Đọc tập thơ ‘Mây Khói Quê Nhà’ của Phạm Cao Hoàng



   Tôi thấy nhiều nhà thơ chọn khoản thời gian mười năm làm cái mốc đánh dấu sự thay đổi, thường là nhìn lại một cuộc tình.  Vâng, vâng, tôi nhớ Nguyễn Tất Nhiên với hai năm tình lận đận và năm năm trời không gặp của Phạm Văn Bình hay chỉ cần một năm qua là phai mờ hương cũ như trong bài hát của Phạm Duy. Tôi mạo muội xem đây là trường hợp ngoại lệ bởi vì tôi có thể dẫn chứng nhiều nhà thơ khác, Vũ Hoàng Chương chẳng hạn, đã dùng mốc thời gian mười năm đánh dấu mối tình. Trong bài thơ Lá Thư Ngày Trước Vũ Hoàng Chương hai lần nhắc đến chữ mười năm.

yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
tình mười năm còn lại những tờ thư
yêu mê thế để mang sầu trọn kiếp
tình mười năm còn lại chút này đây


thế mà tan tác mười năm mộng
có kẻ ra đi chẳng một lời
nửa kiếp lênh đênh dừng phố cũ
một mình trơ với tuổi ba mươi (Phố Cũ)


Thời gian qua, anh chỉ suốt mười năm
tiếc cho hoa đang nụ nguyệt đang rằm (Tình Xưa)

   Không riêng gì nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhà thơ Phạm Công Thiện cũng dùng cái mốc mười năm để tưởng nhớ trong bài thơ Bất Nhị.

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây

   Mười năm trong thơ Vũ Hoàng Chương là thời gian chứa đầy cơn đau, ngỡ ngàng với mất mát.  Mười năm trong thơ của Phạm Công Thiện lãng đãng như cánh chim,  hoa trắng phất phơ đầy trong gió, phảng phất hương Thiền.  Ngoài Vũ Hoàng Chương còn có Phạm Thiên Thư (Dấu Chân Chim), Nguyễn Bắc Sơn (Một Ngày Nhàn Rỗi), và Trần Dzạ Lữ (Mười Năm Ở Chợ) là vài thí dụ tiêu biểu.

   Tập thơ Mây Khói Quê Nhà của Phạm Cao Hoàng bao gồm các chủ đề thường thấy ở các nhà thơ cùng thế hệ với ông, như Nỗi Buồn Chiến Tranh, Tuổi Trẻ, Tình Yêu, và Thân Phận Tha Hương. Bài thơ đầu tiên Đi Giữa Chiến Tranh viết năm 1969 vào thời điểm Việt Nam đang triền miên trong lửa đạn. Tuổi trẻ Việt Nam như những chàng Romeo ngây thơ, bước vào chiến tranh là đương đầu với cái chết. Phạm Cao Hoàng trong khi thương tiếc cho tuổi trẻ của thế hệ ông đã dùng cái mốc thời gian mười năm.

quê cũ mười năm mây lớp lớp
mười năm mưa khóc buổi sang mùa
dưới trời sương lạnh rơi tan tác
rét mùa đông cũ rét lê thê

   Mây lớp lớp làm tôi nghĩ đến câu thơ “bạch vân thiên tải không du du” (có ai đó đã dịch là ngàn năm mây trắng lửng lơ trôi) và từ đó thấy ngậm ngùi khi mây vẫn vô tư bay hoài ngàn năm còn những cuộc đời trai trẻ bị cắt ngắn trong chiến tranh.  Mười năm ông xa nhà vì chiến cuộc, nỗi nhớ quê nhà gắn liền với cái rét của mùa đông được viết thành những câu thơ ăm ắp nỗi buồn. Không buồn sao được vì:

ai bắn vào hồn tôi trái nổ
đứt từng mạch máu nát tim tôi
vỡ vỡ chiều nay tôi sắp vỡ
chiến tranh chiến tranh bao giờ thôi

   Các nhà thơ Việt Nam người nào cũng phản chiến. Càng mang tính chất nhân bản, càng thương yêu cuộc đời và loài người người ta càng nên chống chiến tranh, ngoại trừ khi cần phải bảo vệ quê hương.

T   rong bài thơ Hành Phương Đông nhà thơ Phạm Cao Hoàng trở lại với thời điểm mười năm.

người ba mươi ta cũng ba mươi
kể cũng đã mười năm rồi, xa lắc
thì vui đi cho hết một đời
rằng ta kẻ trời cho sống sót

mười năm, ta hay ngươi người viễn khách
rét chưa về mà hồn lạnh căm căm

kể cũng đã mười năm rồi ngươi hỡi
ngửa nghiêng cùng lịch sử thăng trầm (Hành Phương Đông)

   Có một điều tôi chú ý và lấy làm thú vị ở đoạn thơ trích trong bài Hành Phương Đông là bài này được viết vào năm 1971 có nghĩa là lúc ấy tác giả Phạm Cao Hoàng mới hai mươi mốt tuổi thôi. Mười năm trước tác giả chỉ là một chú bé mười một tuổi. Điều gì đã xảy ra và tác động đến tâm hồn của nhà thơ? Phải chăng đây là một dụng ý khéo léo của tác giả khiến ông chủ bút tờ báo nghĩ là bài thơ là của một nhà thơ già dặn tuổi đời? Đọc tập thơ Mây Khói Quê Nhà, tôi thấy những bài thơ từ năm 1969 cho đến 1971 có phong cách của một người viết (ra vẻ) già dặn, đó là giọng thơ của một tráng sĩ phong sương, đặc biệt là bài Hành Phương Đông. Tuy nhiên, phân tích cho kỹ thì đây là những bài thơ mà nhà thơ trẻ tuổi Phạm Cao Hoàng chịu ảnh hưởng của nhiều nhà thơ tên tuổi thời tiền chiến như Nguyễn Bính (Hành Phương Nam), Huy Cận (Trường Giang), Thâm Tâm (Tống Biệt Hành). Sự ảnh hưởng này làm thơ của ông thêm phần phong phú như cách dùng điển tích của các nhà thơ xưa. Mây lớp lớp làm người đọc không khỏi rung động nghĩ đến hình ảnh tuyệt đẹp của

lớp lớp mây cao đùn núi bạc
chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
chiều quê dơn dợn vời con nước
không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Trường Giang, Huy Cận)

   Kể từ năm 1973 nhà thơ Phạm Cao Hoàng chuyển hướng, viết rất nhiều thơ tình. Từ năm 1973 cho đến năm 1979 tôi không thấy cái mốc thời gian mười năm và giọng thơ không còn cái vẻ tráng sĩ phong sương nữa. Mãi đến năm 2009 trong bài thơ Dù Sao Vẫn Cám Ơn Đời ông viết ở Virginia năm 2009 đề tặng nhà thơ Trần Hoài Thư ông mới dùng lại mốc thời gian mười năm. 

   Mười năm là một khoản thời gian đủ dài để nỗi đau của một mối tình tan vỡ lắng xuống, chỉ còn đọng lại những ngậm ngùi, nhưng mười năm xa quê mà nỗi nhớ nhà trong tim ông vẫn cồn cào.

mười năm nước chảy qua cầu
chuyện về đất nước là câu chuyện buồn
mười năm sống kiếp tha phương
thân nơi biển bắc mà hồn biển đông
mười năm thương ruộng nhớ đồng
lòng còn ở lại sao không quay về
mười năm nhớ đất thương quê
bước đi một bước nặng nề đôi chân
mười năm một thoáng phù vân
tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người
dù sao vẫn cám ơn đời
biển xanh và sóng núi đồi và em
mười năm như một giấc mơ

   Đem so sánh hai bài thơ cùng dùng cái mốc mười năm, Đi Giữa Chiến Tranh (1969) và Dù Sao Vẫn Cám Ơn Đời (2009) tôi thấy rõ ràng một bước tiến dài trong cách ông thể hiện tình cảm. Trong bài sau, câu thơ biểu lộ tình cảm đậm đà hơn, lời thơ chất chứa suy tư hơn.  Ở đây phải công bằng mà nói, trong bài thơ Đi Giữa Chiến Tranh ông chỉ có hai câu nói về mười năm nhưng ông dùng chữ mây lớp lớp gợi lên sự phù du của kiếp người và cái vô tình của thời gian rất đắc. Khi nhà thơ còn trẻ tuổi ông dùng mưa thay nước mắt để tả nỗi buồn. Vài mươi năm sau cũng là nỗi buồn mười năm nhưng câu thơ cô đọng, lời thơ mượt mà, tình cảm sâu kín mà nồng nàn. Bài thơ cho thấy tác giả buồn vì nhiều nỗi, chuyện đất nước sau cơn chinh chiến, chuyện tha hương, và chuyện đời người. Câu thơ Tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người tràn ngập âm thanh và hình ảnh lồng trong không gian của quá khứ; và câu thơ biển xanh và sóng, núi đồi và em, cho tôi thấy rằng nhà thơ sống kiếp tha hương không thể tách rời hình ảnh người thương ra khỏi thiên nhiên. 

   Viết về thơ là một hành động mạo hiểm bởi vì tôi là “người ngoại đạo”; tuy nhiên, mạo hiểm có sức quyến rũ của nó. Rào trước đón sau để xin tác giả và độc giả tha cho cái mạo muội của tôi. Nhờ vào rừng lạ tôi hái được vài đóa hoa lạ. Ngoài cái mốc thời gian mười năm tôi thấy biểu tượng “mây” được nhà thơ Phạm Cao Hoàng dùng suốt chiều dài tập thơ. Hy vọng tôi sẽ có dịp giúp vui độc giả về biểu tượng mây trong thơ Phạm Cao Hoàng ở một bài viết khác. Để chấm dứt xin mời bạn đọc bốn câu thơ trong bài Trước Khi Rời Quê Nhà được viết năm 1999. Qua bốn câu thơ này độc giả sẽ thấy nhan đề của tác phẩm.

bữa đó con về thăm Phú Thứ
gặp lại mùi hương của ruộng đồng
gặp lại những năm và tháng cũ
mây khói quê nhà nhẹ bước chân.

NTHH





No comments:

Post a Comment