Friday, July 29, 2011

Sinh hoạt văn hóa
& Tinh thần dân tộc

HH Anh Thư

   “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn.  Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang...  Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi.  Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi.  Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian”...Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang.  Trên bàn chông hát cười đùa vang vang.  Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng...” *
   Tiếng hát hùng dũng vang lên tràn ngập hội trường của Trung Tâm Sinh Hoạt Người Việt Cao Niên Dallas hôm Chủ Nhật 10 tháng 7, 2011.   Khuôn mặt mọi người rạng rỡ một niềm kiêu hãnh.  Những cánh tay vung cao đầy khí thế.  Tốp ca ngẫu hứng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đã hoàn toàn làm rung động con tim của những người tham gia buổi Hội Ngộ Văn Học Nghệ Thuật do Nhóm Thân Hữu Dallas tổ chức.  Đúng như người ta thường nói “nothing brings people together like art or good food”.  Tạm dịch “không có gì đem con người ta lại với nhau bằng nghệ thuật hay món ăn ngon”.  Mà buổi Hội Ngộ lại có được cả hai. 
   Vừa bước vào cửa là khách tham dự được khao tiệc ngay với những món ăn tinh thần phong phú.  Nào là báo địa phương, báo các tiểu bang gần xa.  Nào là sách, truyện, thơ.  Tiến sâu vào hội trường là tranh triển lãm đa dạng của các họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại. 
   Chương trình của buổi Hội Ngộ bao gồm rất nhiều tiết mục đặc sắc.  Bắt đầu là phần thảo luận về văn học và vai trò của Internet của Giáo Sư/Nhà Nghiên Cứu Lý Luận Phê Bình Văn Học Nguyễn Hưng Quốc và Giáo Sư Nhạc Học/Nhạc Sĩ Sáng Tác Hoàng Ngọc-Tuấn.  Sau đó tiếng đàn điêu luyện của Giáo Sư Hoàng Ngọc-Tuấn mở màn cho chương trình văn nghệ. 
   Khán giả còn được thưởng thức giọng ca trầm ấm của các ca sĩ Lê Thành, ca sĩ Tố Uyên, tiếng đàn tranh mượt mà của Ngọc Hân.  Ngay cả giọng ngâm thơ truyền cảm và lối nói chuyện nũng nịu, duyên dáng của Bạch Hạc càng làm sôi động cho buổi Hội Ngộ.  Và còn rất nhiều các tiết mục văn nghệ xuất sắc khác nữa tuy nhiên vì khuôn khổ giới hạn của bài viết tôi không thể liệt kê hết ra được. 
   Khách tham dự cũng không thể bỏ qua những món ăn và món tráng miệng hấp dẫn, thơm lừng khêu gợi khứu giác và thị giác được trưng bày một cách đẹp mắt ở cuối phòng do hội Quảng Đà và báo Trẻ đóng góp.  Đặc biệt những món ăn đậm đà hương vị dân tộc ấy còn được diễn tả bằng những lời thơ ví von, dí dỏm làm người tham dự không khỏi nhoẻn miệng cười.
   Hội trường khá lớn nhưng vẫn đông kín.  Mọi người tay bắt mặt mừng chào hỏi nhau.  Bạn bè thân hàn thuyên ôn lại chuyện cũ.  Người quen có dịp kết tình thân.  Người chưa quen cũng trở thành quen.  Những sinh hoạt văn hóa ở hải ngoại không thuần túy là giới thiệu văn nghệ sĩ hay những tác phẩm nghệ thuật của họ mà nó còn là một phương tiện để duy trì truyền thống dân tộc, bảo tồn ngôn ngữ. 
   Cuộc sống bận rộn bắt buộc con người ta phải bươn chải, hòa nhập và vươn lên.  Nhưng dù là một người với chức tước danh phận gì trong xã hội và sống trên đất Mỹ bao lâu đi nữa người Việt Nam vẫn sẽ mãi mãi là người Việt Nam.  Có gì quí bằng sau một ngày làm việc cực nhọc ở hãng xưởng, cơ quan Mỹ, chúng ta lại được nghe tiếng Việt, nói tiếng Việt, thưởng thức hương vị Việt. 
   Một người bạn Nhật rất thành công trong lĩnh vực kinh tế ở California chia sẻ rằng gia đình anh định cư ở Mỹ đã 6 đời nhưng mỗi khi người Mỹ hỏi anh “Where are you from?” và anh trả lời rằng “California”, họ liền nhấn mạnh “No. . .no where are you really from?” Cái mà họ thực sự thắc mắc không phải đơn thuần là một câu hỏi “anh từ đâu” mà họ muốn biết về nguồn gốc của tổ tiên anh bởi vì khuôn mặt đậm nét Á Đông của anh. 
   Thường thì câu hỏi đó có nghĩa là người hỏi muốn biết nơi người kia sinh ra và trưởng thành khi nó áp dụng cho những chủng tộc khác như người Mỹ da trắng gốc Châu Âu, người Italia, hay ngay cả người da đen đến từ những nước Châu Phi.  Điều này chứng tỏ rằng đối với một số người Mỹ thì người Mỹ gốc Á Châu sẽ mãi mãi là “outsider”, người ngoài, không cần biết người Á Đông đó đã ở Mỹ bao nhiêu đời hay thực sự đã Mỹ hóa như thế nào.  Từ đó anh bạn Nhật nhận ra rằng anh không thể nào thay đổi rằng anh là người Mỹ gốc Nhật.  Nhưng anh có thể thay đổi những quan niệm lệch lạc của người bản xứ về người Mỹ gốc Nhật và anh tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình hơn.
   Tôi từng cảm động khi chứng kiến các ngôi sao thể thao của Mỹ to lớn, bặm trợn trong trận đấu nhưng mắt họ lại ngấn lệ khi họ nghe quốc ca Hoa Kỳ vang lên lúc chào cờ mở màn trận đấu.   Và hôm ấy trong buổi Hội Ngộ tôi cũng rưng rưng khi được chứng kiến tinh thần dân tộc dâng trào trong từng lời ca tiếng hát tràn ngập hội trường.  Tôi đưa mắt quan sát chung quanh.  Những màu tóc muối tiêu thỉnh thoảng pha lẫn với những mái đầu xanh.  Ấy cũng là một điều đáng khích lệ.  Các em dù có thể đã “bị” cha mẹ dẫn đi theo tham dự một buổi sinh hoạt văn hóa nhưng đây cũng là bước đầu để các em được dịp học hỏi và gần gủi với môi trường sinh hoạt của người Việt.  Và cũng từ đó nhịp cầu nối liền các thế hệ Việt Nam ở hải ngoại có thể được cải thiện hơn. 
   Hilary Clinton từng công nhận rằng dù ở thời buổi hiện đại công nghiệp “it takes a village to raise a child” (tạm dịch: để nuôi một đứa bé nên người cần sự đóng góp của cả làng).  Thì trong chính các thế hệ người Việt ở hải ngoại nếu chúng ta muốn duy trì truyền thống văn hóa dân tộc cũng như ngôn ngữ, nơi đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến nhận định, tâm lý, tình cảm của đứa bé là trong gia đình chúng.  Do đó sự đóng góp của mỗi cá nhân trong các sinh hoạt cộng đồng đều quan trọng trong việc duy trì truyền thống văn hóa dân tộc Việt ở hải ngoại.  Ai có thời gian và khả năng kinh tế nhiều thì đóng góp nhiều.  Ai bị giới hạn hơn thì đóng góp với khả năng của mình dù việc đó có thể chỉ đơn giản là tham gia, có mặt cùng với con em mình trong một sinh hoạt văn hóa cộng đồng để cổ vũ tinh thần, tạo tình đoàn kết.  Làm sao để thực sự đánh thức bầu nhiệt huyết của thế hệ trẻ để họ tham gia trong công cuộc xây dựng bảo toàn văn hóa ở hải ngoại là một vấn đề nan giải không thể thay đổi một sớm, một chiều mà cần sự đầu tư nghiêm túc và bền bỉ. 
   Ngoài ra sức mạnh của cộng đồng người Việt dưới sự lãnh đạo của những bậc trưởng thượng cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc giúp các thế hệ trẻ ở hải ngoại học hỏi, tìm hiểu và tự hào về cội nguồn của mình nhằm duy trì truyền thống văn hóa cũng như ngôn ngữ đúng với tinh thần tự hào dân tộc của phong trào du ca ngày xưa.  Một phong trào tự phát của tuổi trẻ Việt Nam thời chiến ở quê nhà, bàng bạc với những tình tự dân tộc để ra đời những bài hát hùng tráng mãi vang vọng trong lòng mỗi người con Việt mà dù ở bất cứ nơi nào hay trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng:
   “Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người.  Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam.  Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian.  Hỡi những ai gục xuống chỗi dậy hùng cường đi lên.”*

AT

*Lời của bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang.

No comments:

Post a Comment