Tuesday, July 19, 2011

Sơn Nam và Rừng U Minh

ởng Năng Tiến

                                 Nhà văn Sơn Nam
  
   Mới đây, khi về lại Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Lục ghé thăm giáo sư Lý Chánh Trung. Ông có nhận xét như sau về người bạn đồng nghiệp cũ:
   “… sau 1975 … có mấy mấy nhà văn, nhà báo trong Nam được cầm bút lại như Lý Chánh Trung. Con số đếm chưa hết một bàn tay… Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay”
   Tôi có ngồi học với giáo sư Lý Chánh Trung đâu chừng… nửa giờ, ở trường Văn Khoa Đà Lạt. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Tôi không dám bàn luận lôi thôi gì (thêm) về một người thầy học cũ của mình.
   Tuy thế, không hiểu sao, nhận xét vừa nêu của giáo sư Nguyễn Văn Lục lại khiến tôi nhớ đến nhà văn Sơn Nam. Ông là một trong những người may mắn hiếm hoi của miền Nam (trong “con số đếm chưa hết một bàn tay”) vẫn được phép cầm viết, sau khi vùng đất này đã được hoàn toàn… giải phóng! Ông cũng là một trong những nhà văn mà tôi thích đọc.
   Tác phẩm (có lẽ) đắc ý nhất của Sơn Nam là cuốn Hương Rừng Cà Mau, trong đó có truyện “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”. Tác giả kể lại chuyện một người dân ở U Minh Hạ, đặt mua báo dài hạn nhưng không trả tiền nên nhà báo phải cử người đi đòi nợ. Xin trích vài đoạn đọc chơi – cho đỡ ghiền – bảo đảm là không dở:
   - Từ đây tới nhà ông Trần Văn Có gần hay xa vậy thầy?
   Thầy xã trưởng đáp:
   - Ở xóm Cà Bây Ngọp lận! Để tôi ra lịnh cho phó hương ấp đòi tên đó lên công sở…
   Thầy phái viên nhà báo “Chim Trời” giựt mình:
   - Tôi là phái viên, đâu có quyền hạn đó đối với quí vị độc giả thân mến gần xa.
   Thầy xã hỏi:
   -Phái viên là gì vậy thầy?
   - Là người thay mặt cho tờ báo đi cổ động và thu tiền.”
   (Sơn Nam. “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”. Hương Rừng Cà Mau, tr. 99).(1)
   Nhân vật chính trong truyện, ông Trần Văn Có, theo như lời dân cùng xóm, là một người độc thân, làm nghề giăng câu, nuôi heo, lấy tổ ong, và hơi có máu ba hoa trời biển: “Anh ta công kích tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang Sa gởi xuống công sở; đi ăn giỗ thì nói chuyện Hít-le, chuyện nước Ý đánh nước Á, chừng hỏi kỹ mấy nước đó ở đâu, anh ta bí lối nói lảng qua chuyện Tầu…”
   Nghe nói vậy nhưng không phải vậy đâu. Khi phái viên báo Chim Trời giáp mặt độc giả Trần Văn Có, tại nơi cư trú của ông, cuộc hội kiến – rõ ràng – rất là đàng hoàng và (vô cùng) thắm thiết:
   “Buổi cơm chiều ngon lành làm sao! Ăn cá lóc nướng trui, uống rượu… Tư Có kèm thầy phái viên ở lại ngủ một đêm, chú hứa sáng mai bơi xuồng đưa thầy trở lại công sở mà đón tàu đi. Thếp đèn dầu cá kéo thêm một tim thứ nhì nữa, cháy khá sáng. Bếp un dưới đất tỏa lên cuồn cuộn, tỏ rõ từng sợi khói mịn màng như mành lưới tơ giăng bủa khắp căn chòi nhỏ hẹp.
   Tư Có bỏ mùng xuống, chun vơ tấn ba phía rồi mời:
   - Thầy Hai vơ trong này ngồi nói chuyện cho vui. Ở ngồi muỗi cắn. Khói như vậy mà muỗi cứ bu lại rớt lềnh trong thếp đèn dầu cá đó.
   Ngượng nghịu, thầy phái viên nhà báo Chim Trời rón rén dở mí mùng, chui lẹ vào ngồi kế bên:
   - Xứ gì lạ quá! Anh Tư ở đây hồi sanh bịnh chết.
   Tư Có đáp:
   - Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bịnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học.
   Thầy phái viên trố mắt:
   - Vậy à? Còn mấy làng khác?
   - Đông Thái, Đông Hồ, Đông Hưng, Vân Khánh Đông… không làng nào có trường hết. Thầy nghĩ coi…
   - Hèn chi miệt này chỉ một mình anh Tư là độc giả báo Chim Trời của chúng tôi… Báo có thích hợp không anh Tư?
   - Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, từ cứ. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Đó là sách Quốc Văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không?
   Thầy phái viên cười:
   - Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách toòng teng bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.
   Tư Có nói:
   - Chắc là thầy muốn nói bài “chốn quê hương đẹp hơn cả” chớ gì?
   Rồi chú đọc một hơi:
   - Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy… 
   - Đó đa! Đó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan… Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đống áo dài.
   - Thì hình nào cũng khăn đống áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: ai bảo chăn trâu là khổ… Không, chăn trâu sướng lắm chứ.
   Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng:
   - Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như voi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…
   Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim…
   Giọng Tư Có nói nhỏ:
   - Ngủ chưa, thầy phái viên?
   - Ngủ chưa anh Tư?
   - Chưa!
   - Tơi nãy giờ cũng vậy, muốn ngủ sớm để mai về nhà, mà không thấy mệt.
   Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài:
   - Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi… Chắc thầy tới đây thâu tiền.
   - Đâu có! Đâu có! Mình là bạn đời với nhau…
   - Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong… nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi “đăng” là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.
   - Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hồi hồi cho tới số chót.
Chú Tư Có vô cùng cảm động…”
(sđd 111-116).

  
   Tôi đọc truyện ngắn “Tình Nghĩa Gíao Khoa Thư” khi còn ở tuổi đôi mươi. Tuổi trẻ bao giờ cũng nhiều lý. Tôi và bè bạn vẫn tâm nguyện rằng, sau cuộc chiến, thế hệ của mình sẽ cố góp hết sức để dựng xây những phần đất quê hương (bị lãng quên) như vùng U Minh Hạ.
   Hòa bình, tiếc thay, đã không mang lại cuộc sống an bình như mọi người mong muốn. Không những thế, nó còn khiến cho hàng triệu kẻ đã phải liều mạng rời bỏ quê hương, để mưu cầu một cuộc sống khả kham hơn – nơi đất lạ quê người.
   Tôi là một trong những kẻ đã (đành đoạn) bỏ đi như thế. Vài chục năm sau, khi tóc đã điểm sương, ở một góc trời xa, tình cờ đọc được bài báo (“Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ” của phóng viên Hoàng Trí Dũng) mà không khỏi băn khoăn nhớ về chốn cũ:
   “Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nước ĐBSCL, nhưng có lẽ chưa lần nào tơi bị “sốc” như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang – Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất…”
   “Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương – những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hịa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.”
   “Cách đây hai năm một cháu bé tên Hằng, 10 tuổi, con của hai vợ chồng trẻ không may bị bệnh viêm ruột thừa cấp tính, nhưng ở giữa rừng không có trạm y tế, mà lòng kênh trơ đáy khô queo, còn trên bờ thì không có đường đi rốt cuộc đành ngồi nhìn con chết mà bất lực vì không cách nào chuyển đi bệnh viện. ..”
   “Ông chủ nhà Nguyễn Trung Liệt – một lão nông có uy tín trong vùng – vào chuyện: “Trên 60 tuổi rồi, hơn chục năm, ba thế hệ với hơn 30 người sinh ra và lớn lên tại khu rừng này, nhưng ngặt một nỗi nhà tui không ai có được tấm hộ khẩu, cũng chẳng hề có giấy chứng minh nhân dân. Người lớn còn đỡ chứ tội nghiệp sắp nhỏ, năm đứa cháu nội ngoại ra đời trong ruột rừng này hiện tại đều thất học như ông cha nó…
   Chú Ba Vinh thì kêu: “Cả trăm gia đình bà con ở đây khổ lắm, không thua gì thời kỳ Pháp thuộc…
   Chú Ba Vinh (nào đó) tuổi đời – ngó bộ – còn hơi ít nên không biết rõ cảnh sống của dân chúng ở U Minh Hạ vào thời Pháp thuộc. Chớ hồi đó, cứ theo như lời kể của ông già Nam Bộ Sơn Nam, nơi đây đã có người đặt mua dài hạn báo Chim Trời ở tận Sài Gòn, có kẻ giữa bữa giỗ (dám) bàn chuyện quốc sự và lớn tiếng chê bai tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang sa…
   Những chuyện (tầm ruồng) cỡ đó, không tìm thấy trong bài phóng sự “Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ”. Cũng không nghe phóng viên báo Tuổi Trẻ kể lại chuyện ăn nhậu lai rai mấy con cá lóc nướng trui với người dân địa phương, và dùng chung với họ một bữa cơm chiều (“ngon làm sao”) như đặc phái viên của báo Chim Trời – hồi thời xa xưa cũ. Chuyện người ta ăn ở cư xử tử tế với nhau, theo kiểu “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”, tất nhiên, cũng miễn có luôn.
   Ở U Minh Hạ bây giờ, theo như nguyên văn tường thuật nhà báo Hoàng Trí Dũng:“ 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất.” Có chăng chỉ là tiếng kêu gào ai oán, của những người dân khốn cùng và uất hận, vì bị cướp bóc trắng trợn mà thôi.
   Sơn Nam, tiếc thay, đã không còn nghe được những tiếng kêu thương vô vọng như thế từ nơi sinh trưởng của ông – U Minh Hạ. Dường như, nhà văn của chúng ta không còn quan tâm và thiết tha gì đến phần đất này nữa, sau khi… cách mạng đã thành công!
   “Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay.”
   Lời nhận xét (vừa dẫn) của giáo sư Nguyễn Văn Lục, về giáo sư Lý Chánh Trung – chả hiểu sao – lại cứ khiến tôi trạnh lòng nhớ đến Sơn Nam, một nhà văn mà mình mến mộ vào lúc thiếu thời.
Tưởng Năng Tiến
5/2006

--------------------------------------------------------------------------------
(1) Sách được in lại (và in “lậu”) tại hải ngoại, tuyệt nhiên không có ghi một chi tiết nào về nhà xuất bản hay năm xuất bản.

No comments:

Post a Comment